Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký Q1

TÔNG THÚ SỞ THUYÊN

VI. TÔNG THÚ SỞ THUYÊN

11/07/2017

HOA NGHIÊM KINH THÁM HUYỀN KÝ
QUYỂN 1
Sa môn Pháp Tạng thuyết
Chân Hiên Tâm việt dịch
VI. TÔNG THÚ SỞ THUYÊN

Chỗ mà ngữ ngôn hiển thị, gọi là tông. Chỗ mà tông qui về, gọi là thú. Tông thú của đại kinh này rất khó nói. Đây trình sơ 10 thuyết để hiển Nhất tông.

1. Lấy nhân quả làm tông : Sư Mẫn, sư Ấn ở Giang Nam v.v… phần nhiều đều lấy nhân quả làm tông. Vì kinh này nói rộng về nhân hạnh và nhân vị của Bồ-tát, cũng hiển luôn công đức thù thắng của Phật quả. Những gì văn kinh nói đều không ngoài hai nghĩa này, nên lấy đó làm tông.

2. Lấy Hoa Nghiêm tam-muội làm tông : Pháp sư Đại Viễn lấy Hoa Nghiêm tam-muội làm tông. Vì hoa nhân hạnh có thể trang nghiêm Phật quả.

Hai thuyết trên chỉ được phần sở thành là hạnh đức, mà thiếu phần sở y là pháp giới.

3. Lấy pháp giới vô ngại làm tông : Pháp sư Diễn lấy pháp giới vô ngại làm tông.

4. Lấy pháp giới tâm cảnh thậm thâm làm tông : Pháp sư Dụ lấy pháp giới tâm cảnh thậm thâm làm tông. Nghĩa là, nghĩa phần trong môn pháp giới là cảnh, chư Phật chứng nó mà thành tịnh độ. Pháp giới tức là nhất tâm, chư Phật chứng nó mà thành pháp thân. Cho nên trong phẩm đầu, bài kệ đầu của Thiên vương có tán thán: “Diệu pháp giới bình đẳng vô tận, thảy đều sung mãn thân Như Lai”. Sau cùng, lại nói đến phẩm Nhập Pháp Giới. Nên biết chỉ lấy pháp giới làm tông. 

Hai thuyết trên chỉ được phần sở y là pháp giới, mà thiếu phần sở thành là hạnh đức.

5. Lấy lý thật nhân quả làm tông : Sư Quang Thống lấy lý thật nhân quả làm tông. Cho nhân quả là hạnh đức sở thành, lý thật là pháp giới sở y. Thuyết này dù nghĩa đã đủ, nhưng còn chưa hiển.

6. Lấy nhân quả duyên khởi và lý thật pháp giới làm tông : Nay tìm danh, xét nghĩa, dựa vào nhân quả duyên khởi và lý thật pháp giới lấy đó làm tông, thì Đại Phương Quảng là lý thật pháp giới, Phật Hoa Nghiêm là nhân quả duyên khởi. Nhân quả duyên khởi thì không có tự tánh. Không có tự tánh thì chính là lý thật pháp giới. Lý thật pháp giới thì không có định tánh. Không có định tánh, nên nhân quả duyên khởi liền thành. Vì thế, hai thứ này không hai, chỉ là một pháp môn vô ngại, tự tại. Nên lấy đó làm tông.

7. Khai nhiếp pháp giới thành nhân quả : Pháp giới Phổ Hiền là nhân. Pháp giới Xá-na là quả. Nên chỉ lấy pháp giới nhân quả làm tông thú. Trong đó, phân biệt thành 10 sự 5 đối.

1. Nhân quả sở tín : Như trong phẩm Xá-na thuộc hội đầu tiên, trước nói đến cái quả là Liên Hoa tạng thế giới, sau mới hiển cái nhân là Phổ Trang Nghiêm.

2. Nhân quả sai biệt : Như từ hội II cho đến phẩm Tiểu Tướng, trong đó 25 phẩm đầu nói về nhân sai biệt là ngũ vị, 3 phẩm sau nói về quả sai biệt là tam đức.

3. Nhân quả bình đẳng : Phẩm Phổ Hiền nói về viên nhân bình đẳng. Phẩm Tánh Khởi nói về mãn quả bình đẳng. 

Hai môn trên là nhân quả sinh giải.

4. Nhân quả thành hạnh : Như trong hai ngàn hạnh pháp ở phẩm Thế Gian, đầu tiên nói về nhân hạnh, sau là hiển quả hạnh.

5. Nhân quả chứng nhập : Như trong phẩm Nhập Pháp Giới, trước là tại rừng Kỳ Hoàn hiện cái quả tự tại, sau là đồng tử Thiện Tài nói về cái nhân chứng nhập.
Năm loại nhân quả này thông hết toàn bộ kinh Hoa Nghiêm, nên chỉ biện nhân quả mà không mất sở y, chỉ lấy nhân quả làm tông mà lý vẫn không lỗi.
8. Hội nhân quả đồng pháp giới: Pháp môn pháp giới hiển sơ 10 sự thành 5 đối :
8/1. Giáo - nghĩa: Nêu GIÁO PHÁP sở thuyết làm tông. Ý hiển NGHĨA LÝ sở thuyên làm thú. Hoặc ngược lại. Vì nói về nghĩa thậm thâm và giáo thù thắng.   
8/2. Lý - sự: Nêu sự pháp làm tông. Ý lấy lý tánh làm thú. Hoặc ngược lại. Vì y nơi lý tánh mới thành sự.
8/3. Cảnh - trí : Nêu ra cảnh sở quán. Ý muốn thành hạnh trí quán. Hoặc ngược lại. Vì để tu khởi, trí chứng, đồng với cảnh chân thật.
8/4. Hạnh - vị : Nêu bày sở y là ngũ vị. Ý để người tu y theo ngũ vị đó mà tu thắng hạnh thành tựu. Hoặc ngược lại. Vì tích hạnh thành vị.
8/5. Nhân - quả : Khuyên người tu nhân. Ý là ở chứng quả. Hoặc ngược lại. Vì đưa ra cái quả để khuyến khích sự ưa thích, khiến người tu nhân.
Năm đối trên thông hết toàn bộ kinh Hoa Nghiêm, chỗ nào cũng có, nên không hạn cuộc trong một thứ nào. Vì thế, chỉ biện pháp giới mà không mất sở thành, chỉ lấy pháp giới làm tông mà lý vẫn không trái.
9. Pháp giới nhân quả phân tướng hiển thị : Cũng có 10 nghĩa chia thành 5 môn.  
9/1. Vô đẳng cảnh : Là lý thật pháp giới. Đây có hai vị : Một là pháp giới xuất triền tối thanh tịnh. Hai là pháp giới tại triền tánh tịnh. Hai thứ này là sở tín và sở chứng.
9/2. Vô đẳng tâm : Cũng có hai : Một là tâm đại bồ-đề, là sở y bản của hạnh Phổ Hiền. Hai là tín, bi, trí v.v… theo hạnh mà khởi.
9/3. Vô đẳng hạnh : Cũng có hai : Một là hạnh sai biệt, mỗi thứ tu riêng. Hai là hạnh Phổ Hiền, một tức tất cả.
9/4. Vô đẳng vị : Cũng có hai : Một là địa vị tiệm tu sai biệt, tỷ chứng không đồng. Hai là địa vị viên dung tương nhiếp, một vị đủ tất cả vị.
9/5. Vô đẳng quả: Cũng có hai : Một, quả do tu mà sinh. Hai, quả do tu mà hiển.
Năm môn với 10 nghĩa này thu nhiếp hết toàn bộ kinh Hoa Nghiêm, nên đủ lấy làm tông. Nghĩa cũng đầy đủ.
10. Pháp giới nhân quả song dung câu ly : Tánh và tướng dung thông vô ngại tự tại. Cũng có 10 nghĩa.
1. Vì ly tướng nên nhân quả không khác pháp giới. Ngay nhân quả mà phi nhân quả.
2. Vì ly tánh nên pháp giới không khác nhân quả. Ngay pháp giới mà phi pháp giới.
3. Vì ly tánh mà không mất tánh, nên pháp giới tức là nhân quả, lấy phi pháp giới làm pháp giới.
4. Vì ly tướng mà không hoại tướng, nên nhân quả tức là pháp giới, lấy phi nhân quả làm nhân quả.
5. Vì ly tướng không khác ly tánh, nên nhân quả pháp giới cả hai đều mất mà cả hai đều dung, siêu việt ngôn từ suy tưởng.
6. Vì không hoại, không khác, không mất, nên nhân quả pháp giới đều hiện tiền, có thể thấy rõ ràng.
7. Vì còn và mất (vừa nói trên) không khác, nên vượt khỏi thấy nghe mà hằng thông thấy nghe, bặt suy lường mà không ngại ngôn niệm.
8. Do tánh pháp giới dung thông nên bất khả phân. Tức quả pháp giới nhiếp hết pháp giới, không gì không hết. Nhân, theo sở y cũng ở trong quả. Vì thế, trong Phật có Bồ-tát.
9. Nhân pháp giới nhiếp nghĩa cũng như thế. Cho nên, trong Phổ Hiền có Phật.
10. Hai vị nhân quả, mỗi vị đều thuận với sai biệt. Mỗi một pháp, mỗi một hạnh, mỗi một đức, mỗi một vị, mỗi thứ đều tổng nhiếp vô tận vô tận pháp môn hải. Bởi không gì không nhiếp hết pháp giới viên dung. Đó gọi là Hoa Nghiêm vô tận tông thú. Các nghĩa còn lại như Chỉ Qui … đã nói.