Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký Q5

PHẬT THĂNG ĐỈNH NÚI TU-DI - Phẩm 9

Tên phẩm - Dụng ý - Tông thú - Giải thích văn kinh

22/06/2017


HOA NGHIÊM KINH THÁM HUYỀN KÝ
QUYỂN 5
PHẬT THĂNG ĐỈNH NÚI TU-DI
Sa môn Pháp Tạng thuyết
Chân Hiền Tâm Việt dịch

 
Cũng có 4 môn: Giải thích tên phẩm, dụng ý, tông thú và giải thích văn kinh.  

I. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM

Phần này có hai :

1. Tên hội: Ứng vào pháp, gọi là hội Thập trụ. Ứng vào xứ, gọi là Đao Lợi Thiên hội. Theo giải thích đó thì có thể hiểu.

2. Tên phẩm : Phật là hóa chủ, động tịnh vô ngại. Không đi mà tiến, nên nói thăng. Thăng đến xứ nào? Đỉnh Tu-di. Tu-di, đây gọi là núi Diệu Cao, còn gọi là núi An Minh. Vì làm bằng bốn loại báu nên nói diệu : Đông là vàng. Tây là bạch ngân. Nam là pha lê. Bắc là mã não. Các núi khác chỉ có vàng nên không gọi là diệu. Độc xuất 9 núi nên nói cao. Cao tám vạn bốn ngàn do tuần.

Đỉnh, là ngọn của núi. Trong đỉnh núi này có cung của trời Đế-thích. Bốn mặt đều có bát đỏa như cái đài. Cách Đế-thích ba do tuần chỉ toàn cung thành. Tam thập nhị thiên phụ giúp Đế-thích, cộng thêm Đế-thích nữa là Tam thập tam thiên. Nay nhắm vào cung thành của Đế Thích, nên nói đỉnh. Ứng vào xứ mà hiển pháp, nên nói là Thập trụ. Thành vị bất thối thù thắng, nên ở đỉnh núi. Tức theo nhân dụng và ba nghĩa của xứ mà lập tên.

Hỏi: Vì sao không thuyết ở nhân gian?  

Đáp : Vì muốn hiển hạnh vị tiệm thăng tiến, lại hiển địa vị lìa nhiễm thành tựu, nên ở cõi Trời.

Hỏi: Vì sao không đến Tứ thiên vương thiên?

Đáp : Có 3 ý :

1/ Vì đó là trời của hàng tạp quỉ thần, biểu thị pháp không thù thắng, nên phải vượt lên trên.

2/ Vì lồng gởi pháp : Thập tín là ngoại phàm thối vị. Thập trụ là nội phàm bất thối. Muốn hiển tiến thoái cách xa, nên vượt chỗ Tứ thiên vương.

3/ Nếu chưa đến đỉnh núi thì vẫn còn có tiến thoái. Đến được đỉnh tức đã an trụ bất thối. Cho nên, vượt những Thiên vương đang ở lưng núi, đến đỉnh núi để hiển thị pháp.      

II. DỤNG Ý

Có hai.

1. Dụng ý của hội:

1. Đáp câu hỏi về Thập trụ trước.

2. Trước đã nói về Tín, nay hiển y nơi Tín mà khởi Giải, nên có phần này.

3. Tín trước chỉ là vị tiền phương tiện. Phương tiện đã đầy đủ thì chánh vị hiển rõ, nên có phẩm này.  

2. Dụng ý của phẩm : Phẩm trước nói về chỗ rốt ráo của Tín, nay tiếp đến vị sau nên có phẩm này.  

III. TÔNG THÚ

Có hai.

1. Tông thú của hội: Có hai :

1. Nhân : Hóa chủ và kẻ trợ hóa đều đầy đủ thể, tướng và dụng.

2. Pháp : Là giáo nghĩa Thập trụ. 

1. Nghĩa : Lấy pháp giới bình đẳng làm thể, hạnh vị Thập trụ làm tướng, giáo nói ra ứng với từng căn cơ là dụng.

2. Giáo : Dùng 6 quyết định làm thể, Thập trụ không đồng làm tướng, lợi ích chúng sinh làm dụng. Tương tức vô ngại. Cứ theo đó mà hiểu.

2. Tông thú của phẩm : Lấy ‘Nghiêm xứ thỉnh cầu, Phật Như Lai cảm đến’ làm tông.          

IV. GIẢI THÍCH VĂN KINH [1]

Trong hội này có 6 phẩm, phân hai : Tự phần và Chánh tông.

I. Tự phần: 2 phẩm đầu. Nói về phương tiện phát khởi.

. Phẩm đầu là Như Lai ứng cảm,[2] nói quả đức đã mãn đầy.

. Phẩm hai là vân tập chúng dùng quang minh tán thán, nói về nhân đức đã viên tròn. Hiển trong vị Thập trụ có đủ nhân quả tông viên bị.

Giờ nói về Phẩm PHẬT THĂNG ĐỈNH TU-DI

Có ba phần : 1/Nói về hóa duyên. 2/Trang nghiêm căn dục. 3/Căn duyên khế hợp.

1. Nói về hóa duyên: Đoạn “Lúc ấy Như Lai … điện Đế Thích”. Có hai :

Trước, nói về thể dung biến hết pháp giới. Sau, nói về dụng dung biến hết pháp giới. Nghĩa là, bất động mà tiến.

1. Thể dung biến :

Lúc ấy nhờ uy thần lực, là nêu do đâu mà thể dung biến hết pháp giới, chính là Phật lực.

Tất cả thế giới … hiển hiện, là nói về tướng dung biến. Đã nói trong phẩm Quang Minh Giác. Trong mười phương, mỗi thế giới cho đến hư không, pháp giới v.v… không thể nói không thể nói đều có Phật Lô-xá-na ngồi dưới cây bồ-đề. Mỗi Phật đều có chúng Bồ-tát hải hội cùng với Văn-thù-sư-lợi cho đến Hiền Thủ v.v… thảy đều thuyết pháp. Vì các hội chúng đều không lẫn tạp, nên nói tự cho là ở tại. Nay đồng thời tập chúng, đều thăng lên bản giới Thiên mà không rời bổn xứ.

Nếu ứng vào Tiểu thừa và Tam thừa v.v.. … thì khi thuyết kinh thí hóa, chỉ luận ở xứ đó. Không như ở đây, một thuyết là tất cả thuyết v.v... Nay muốn nói pháp Nhất thừa, thì chủ bạn viên minh nên thành như thế. Trong đó :

1/ Tam thế gian dung biến.

2/ Y và chánh dung biến.

3/ Trong chánh báo, có Tam bảo tương dung. Vì thuyết mọi thứ là Pháp bảo. Bồ-tát là Tăng bảo, là đối với Như Lai mà nói.

4/ Nơi các Bồ-tát, có ba nghiệp dung biến : Hiển hiện là thân nghiệp. Thuyết pháp là ngữ nghiệp. Tự cho là,là ý nghiệp.

Hỏi : Sao phải vân tập nơi đó?

Đáp : Muốn nói đầy đủ chủ bạn. Phàm một pháp khởi, nhất định đủ tất cả.

Hỏi : Vì sao đều lấy cây bồ-đề làm gốc?

Đáp : Vì là xứ đầu tiên đắc pháp, cũng là giác môn.    

2. Dụng dung biến :

Thế tôn nhờ uy thần lực, là nói do đâu có dụng dung biến.

Tuy không rờichỗ ngồi mà thăng lên đỉnh Tu-di, là nói về tướng của dụng. Câu này, người xưa có ba cách giải thích :

1. Bản thân Thích-ca không rời, chỉ có đạo thọ[3] riêng khởi ứng hóa mà thăng lên trời. Nếu theo cách giải thích này thì thân thăng Thiên đặt nặng ở hóa thân. Vậy thì không phải thâm diệu, e trái với ý kinh.

2. Không khởi pháp thân này, thăng Thiên là hóa dụng. Đây e không đúng lý. Không lý pháp thân mà ngồi dưới đạo thọ sao?  

3. Thăng Thiên là không đi mà đến. Sở dĩ không rời vì đi tức là chẳng đi. Sở dĩ thăng Thiên vì không đi tức là đi. Như tướng không đến mà đến, gọi là khéo đến. Nếu theo giải thích này thì chỉ là không có tướng thăng mà thăng thiên. Không phải là dưới cây bồ-đề có thân không rời, nên cũng khó dùng.

Nay giải thích phần văn kinh này, lược có 8 nghĩa.

1. Ứng vào xứ : Là nhập môn. Vì trong một xứ có tất cả xứ. Cho nên, thiên cung v.v… từ xưa đến nay vẫn ở tại thọ vương, nên nói không rời. Nhưng vì trước chưa dụng đến xứ thiên cung này, nay có dụng muốn thuyết pháp ở đó, nên nói thăng. Lại, vì tương tức nên không rời, vì biệt môn nên có thăng.

2. Ứng vào Phật : Vì ngồi dưới thọ vương là Phật thân, nên biến khắp tất cả chỗ trong pháp giới. Cho nên Phật thân xưa nay vẫn ở tại trời Đao Lợi v.v…, nên chẳng đợi rời. Nay muốn dụng Phật trong cửa Đao Lợi này nên nói thăng. Cho nên, nếu rời thì không thành thăng.

3. Ứng vào thời : Vì Phật thân ở trên tòa, dưới cây thọ vương thì biến khắp tiền tế, hậu tế, chín đời, mười đời, tất cả thời. Cho nên, lúc Phật này ngồi dưới cây thăng Thiên, khi đi khi đến Thiên xứ, tất cả thời đều biến khắp pháp giới, nhiếp hết tiền tế hậu tế. Thì biết, lúc ngồi dưới thọ vương mãi mãi không có lúc khởi, pháp nói không rời. Ngay lúc đi cũng như vậy, nên tuy có đi mà không khác. Đều niệm niệm không đến nhau. Mỗi mỗi đều thâu pháp giới. Môn duyên khởi như thế vô ngại, hằng không tạp loạn.

4. Ứng vào pháp giới môn : Cái thăng và đi này không có tự tánh nên nhiếp chân như pháp giới. Vì ngồi dưới cây v.v… cũng không khác chân, nên đồng chân như. Ở tại môn đi mà hiển hiện nên không rờithăng.

5. Ứng vào môn duyên khởi : Vì ngồi là do đi mà nói ngồi, tức ngồi ở tại nơi đi. Vì đi là do ngồi mà nói đi, tức đi ở tại nơi ngồi. Cho nên, do ngồi ở tại nơi đi, nên thăng Thiênkhông rời. Do đi ở tại nơi ngồi, nên không rờithăng Thiên. Đi ngồi vô ngại nên ngay nơi thăng mà thường ngồi, ngay nơi ngồi mà hằng thăng.

6. Ứng vào công đức khó nghĩ bàn của Phật : Không rời tòa ngồi, chính là đi, chính là nằm, chính là đứng, chính là đến tất cả chỗ, chính là làm tất cả sự. Đều không phải là chỗ biết (sở tri) của hàng Bồ tát ở các địa dưới.

7. Ứng vào sở biểu : Biểu thị hạnh của các vị trước thành cứu cánh kiên cố không hoại, nên nói không rời tòa ngồi. Nhưng có cơ dụng là đến, nên nói thăng.

8. Ứng vào thành hội : Vì hội sau đầy đủ hội trước nên không bỏ trước mà thành sau. Nếu bỏ thì hoại duyên khởi. Cho nên, không rời trước mà thăng sau.          

2. Trang nghiêm căn dục : Đoạn “Lúc ấy, Đế Thích … của con”.

Từ xa vừa thấy Phật đến : Ứng vào Phật, là hiển thị dụng từ thể mà khởi. Ứng vào các căn cơ, là hiển thị cảnh từ tâm mà khởi.

Phân đoạn này có hai :

Bố trí đầy đủ … tòa sư tử xong, là nói về căn. Trước tổng, sau biệt. Trong biệt, trước là ngoại báo, sau là nội báu.

Chấp tay … của con, là nói về dục.    

3. Căn duyên khế hợp : Đoạn “Lúc ấy Thế Tôn … ” có hai : 1/Lợi ích của việc lên điện. 2/Lợi ích của việc thăng tòa.

1. Lợi ích của việc lên điện

Có hai : Cảm đến và thành ích. Hai thứ này, mỗi thứ cũng có hai : Lợi ích ở thế giới này và kết thông mười phương. Trong đó có hai :

Tịch nhiên không có âm thanh, là hiển thị cho việc lợi ích khi được định.

Dùng kệ tán thán, là hiển thị lợi ích của việc phát tuệ.

Trong đó cũng có hai : Nhớ về bản hạnh và tụng đức.

Trong phần kệ tụng, lý thật là tất cả chư Phật thời quá khứ, thể đồng dụng dung, pháp nhĩ không hai, đều ở tại điện này thuyết pháp Thập trụ, nhưng nay chỉ liệt ra 10 Phật, là để hiển vô tận, để thuyết Thập trụ.

Ca-diếp, là tên. Đây gọi là Ấm Quang.

Câu-na-hàm Mâu-ni, đây gọi là Kim Tiên Nhân.

Câu-lâu-tôn, đây gọi là Sở Ưng Đoạn Dĩ Đoạn,[4] là sanh tử, phiền não v.v… .

Tùy-diệp, còn gọi là Tỳ-xa-phù, đây gọi là Nhất Thiết Thắng hay Biến Hiện. Vì các xứ đều là thân hiện.

Thi-khí, đây gọi là Hữu Kế.

Tì-bà-thi, đây gọi là Chủng Chủng Kiến. Tên mới là Tịnh Quán.

Phất-sa, đây gọi là Tăng Thạnh. Vì không có khuyết giảm. Cũng là tên của một vì sao.

Đề-xá, đây gọi là Thuyết. Vì thường thuyết pháp. Cũng gọi là Quang.

Ba-đầu-ma, đây gọi là Xích Liên Hoa.

Đĩnh Quang, là Nhiên Đăng Phật. Phật này là thái tử. Khi mới sanh, thân như đèn sáng, nên gọi là thái tử Nhiên Đăng. Thái tử thành Phật cũng lấy tên đó.

Hỏi : Bảy Phật sau là Phật trong Trang nghiêm kiếp thuộc quá khứ, vì sao có thể ở được trong cung trời Đao Lợi tại Hiền kiếp này mà thuyết pháp?

Đáp : Cung trời này có thô có tế. Thô, thì tiền kiếp cháy diệt. Tế, thì thường còn. Như trong kinh nói “Trời và người thì thấy kiếp tận, ta thì đất này thường an ổn… ”. Lại, với Tam thừa thì nói là diệt. Với Nhất thừa thì nói là thường còn.      

2. Lợi ích của việc thăng tòa : Có hai : Trước là tại đất này. Sau là kết thông mười phương.

Tại đất này, có hai : Trước, nói về việc thăng tòa. Sau, nói về lợi ích :

Cung điện bỗng nhiên rộng ra, là thay đổi sở kiến thường, là phá tình.

Như trời Đao Lợi, là muốn hiển cái đồng lý. Trước, thăng điện làm lợi ích cho người, đây thăng tòa làm lợi ích cho xứ, là để hiển y báo và chánh báo đều thù thắng.    

II. Chánh tông : 4 phẩm còn lại chánh tông của hội này.

 


[1] (86, 3, 7)

[2] Như Lai ứng cảm tự phần. Đây không dịch chữ tự phần.

[3] Chỉ cho gốc bồ-đề.

[4] Chỗ nên đoạn đã đoạn.