Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký Q5

PHẠM HẠNH - Phẩm 12

22/06/2017


HOA NGHIÊM KINH THÁM HUYỀN KÝ
QUYỂN 5
PHẠM HẠNH
Phẩm 12
(Xem tại đây)
Sa môn Pháp Tạng thuyết
Chân Hiền Tâm Việt dịch
 
 
Cũng có 4 môn phân biệt như trên.

1. GIẢI THÍCH ĐỀ TỰA


Lìa cái nhiễm vọng niệm, nên nói phạm. Hội lý vô ngã, nên nói hạnh. Đây, Hạnh tức là phạm.

Ly nhiễm đến chỗ tối cực, gọi là phạm, là chân cảnh. Trí năng chứng đó nên nói Hạnh.

Quả Niết-bàn là phạm, vì tịch tĩnh. Tu nhân là hạnh. Hai thứ phạm hạnh này tịnh cùng với phạm, có gì sai biệt? Có 6 sai biệt:
1/ Ứng vào báo : Dục thiên là tịnh mà Sắc thiên là phạm.

2/ Ứng vào người : Giới của người tại gia, là tịnh. Giới của người xuất gia, là phạm.

3/ Ứng vào hạnh vị : Trong tín vị, tu là tịnh hạnh. Nhập vị trở đi, tu là phạm hạnh.

4/ Ứng vào hai lợi : Tam học tự lợi, là tịnh hạnh. Tứ đẳng lợi tha, là phạm hạnh. Đây là theo kinh Niết-bàn mà nói.

5/ Ứng vào hai hạnh : Theo sự mà tạo tu bố thí, trì giới v.v… gọi là tịnh hạnh. Ly niệm khế huyền, gọi là phạm hạnh.

6/ Ứng vào nhân quả : Niết-bàn là tịnh. Hạnh của đạo đế là phạm. Kinh nói: «Phạm hạnh đã lập» là đây.

II. DỤNG Ý

Có năm.

1/ Trước là vị, đây là hạnh : Trước đã nói về chánh vị, đây nói về hạnh thành tựu vị, nên nói Phương tiện tu tập thế nào…?      

2/ Trước nói chánh vị, đây là y vị khởi hạnh.

3/ Trước nói riêng, đây là chung : Trong vị Thập trụ trước, mỗi vị tu một loại biệt hạnh. Đây nói hạnh đồng hạnh trong các vị.

4/ Trước nói chung, đây nói riêng : Trước nói về vị chung, đây nói riêng về hạnh của người xuất gia.

5/ Trước hiển vị tướng sai biệt, đây hội duyên nhập thật. Trước là tướng, sau là thể. 

III. TÔNG THÚ


Lấy chánh hạnh vô niệm làm tông. Lấy chỗ thành tựu vị Thập trụ và chóng thành Phật v.v… làm thú. Lý vô niệm lược quán làm 10 môn v.v…  

IV. GIẢI THÍCH VĂN KINH

Có hai. Trước hỏi, sau đáp. Trong phần hỏi, vì nói về căn khí nhận pháp ly nhiễm, nên y vào thiên tử. Phải là hàng căn khí ly vọng niệm mới có thể thọ lãnh, nên nói chánh niệm. Nói đầy đủ trong phần Thiên Quang Nữ ở văn kinh sau.
(95, 2, 17)    


Trong văn kinh, đầu tiên là nêu sự. Tín gia phi gia là không pháp không nhà.[1]   


PHẦN HỎI : Các Bồ-tát đó, phương tiện…, là phần hỏi chính. Có ba :

1/Hỏi tu phạm hạnh.

2/Thành vị.

3/Đắc quả.


PHẦN TRẢ LỜI : Bồ-tát Pháp Tuệ… là phần trả lời.

Sở dĩ Pháp Tuệ trả lời, vì tuệ chiếu pháp mới có thể dạy pháp. Cũng có ba :
1/Trả lời câu hỏi tu phạm hạnh.

2/Trả lời câu hỏi thành vị.

3/Trả lời câu hỏi đắc quả.


Phẩm này cũng có thể là phẩm giải thích lại nghĩa thành tựu Sơ trụ thuộc Thập trụ trước. Trong đó có ba : 1/Giải thích việc phát tâm trên. 2/Giải thích 10 lực có được từ việc phát tâm. 3/Tự ngộ, được cái quả hội đồng pháp giới. Cho nên, Sơ trụ này nhiếp đủ Thập trụ.

I. TRẢ LỜI CÂU HỎI TU PHẠM HẠNH: Có bốn : Nói về Tầm Tư quán. Nói về Như thật quá. Tướng lợi ích khi quán thành tựu. Kết luận về tên pháp quán.


I/1 Nói về Tầm Tư quán
: Đoạn «Này chánh sĩ! … 10 loại pháp». Có ba:

1/ Nêu 10 pháp làm sở quán.

2/ Dùng lý hỏi để phá, hiển chân lý phạm hạnh.

3/ Kết luận.


Vì sao chỉ ngay nơi 10 pháp đó mà quán? Vì đã nhiếp lược hết các pháp. Thân, khẩu, ý là quả hữu vi. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, là nhân của quả ấy. Phậtpháp là quả xuất thế. Tănggiới là nhân của quả ấy. Lại, người xuất gia tu hạnh xuất thế thì cần y nơi 10 pháp này mới thành phạm hạnh. Vì:


Tam bảo và giới, bốn thứ đó không hoại tịnh cảnh, là sở tín và sở nhập.


Thân, khẩu, ý là công cụ hành (năng tu), là năng tín và năng nhập.


Thân, khẩu, ý nghiệp là hạnh sở tu sở thành khi đối cảnh.


Nay truy cầu phạm hạnh này ở trong pháp nào? Truy cầu không được, thì tướng tận lý hiển mới là phạm hạnh chân thật. Cho nên trong văn kinh, ứng với 10 pháp này chỉ hỏi phạm hạnh mà không hỏi về các pháp khác.


Theo văn kinh có hai : Trước là dùng lý khảo định. Sau là phá tắt để hiển việc ‘không phải’. Lại, trước là tổng, sau là biệt. Trước là lược, sau là rộng. Trong đó hỏi 10 pháp là 10 câu.


Nếu thân là phạm hạnh
, là định chỗ lập của phạm hạnh. Sau dùng lý truy hỏi. Vì phạm là tịnh pháp còn thân thì tạp uế, nên không phải. Vì sáu thứ thân v.v… là pháp thông cả nhiễm tịnh, chỉ ứng vào nhiễm tịnh tương nghịch mà nói ‘không phải phạm hạnh’, không phải phá đi tự thể của sáu thứ đó. Bốn thứ sau là tịnh pháp, thuận với phạm hạnh. Phân tích phân biệt để hiển chân lý.


Trong phần thân có 8 câu : Câu đầu là tổng, bảy câu sau là biệt.

Không thanh tịnh, là câu tổng.

Phi pháp, không thể là quỉ tắc thì không phải là pháp xuất thế.

Vẩn đục, do ăn uống trợ thành.

Xấu ác, vì ác khí lên ùn ùn.

Uế trược, vì đầy đủ ba mươi sáu vật.

Trần cấu, là cấu uế trần nhiễm.

Xiểm khúc, là tà mạng tự dưỡng.

Tám vạn hộ trùng, là các trùng mổ đớp.


Theo kinh Quán Phật Tam Muội, khi Phật sắp thành đạo, ma đến não hại. Lúc ấy Phật dùng bạch hào độ nó, làm cho ma nữ đó tự thấy trong thân, túi mủ, nước mắt, đờm dãi, chín lỗ căn bản sinh tạng thục tạng trở lại dạ dày uyển chuyển nẩy sinh các trùng. Có tám vạn hộ. Mỗi hộ có chín ức trùng nhỏ qua lại, vào trong ruột non, dương miệng hướng lên trên. Trùng lớn cũng qua lại rồi vào trong đại tràng, dương miệng cũng như thế. Chúng mổ đớp tạng tủy mạch máu, sinh trùng con vào mùa thu, hào số rất nhiều. Ma nữ ấy thấy vậy liền nôn ói v.v… Lại, trong Tiểu thừa có nói, đầu trùng hướng vào trong, đuôi trùng hướng ra ngoài, tạo khắp da người. Trùng này là quán cảnh, nên tuy thật có nhưng khi nào hành pháp Quán trùng thì mới thấy. Như xương trắng v.v…  phải khi quán mới thấy. Tiểu thừa thì cho là thật. Sơ giáo thì cho là không v.v… Cứ theo đó mà hiểu.


Từ trên đến đây chỉ là phá tắt, nên nói «Phạm hạnh là tám vạn hộ trùng …». Nếu đầy đủ thì phải nói: ‘Trùng v.v… đã chẳng phải là phạm hạnh thì biết rõ phạm hạnh chẳng là thân này, như thân không phải là phạm hạnh, các môn còn lại cũng như vậy’. Vì y nơi các thứ đó mà thành phạm hạnh, nên ngay 10 pháp đó cầu phạm hạnh không được, mà lìa 10 pháp đó cầu phạm hạnh cũng không được. Phần văn kinh sau nói : «Các pháp nào là phạm hạnh? Pháp phạm hạnh ở chỗ nào?» là ý nói đây.


Thân nghiệp
: Có thể tự hiểu.


Trong phần khẩu :

Tâm xúc, là xúc số duyên với cảnh rồi khởi ngôn thuyết, giúp phát khẩu nghiệp. Trong mười sáu loại xúc của luận Câu Xá, nó là Tăng ngữ xúc.

Trong phần khẩu nghiệp :

Ngữ ngôn nói trong phần này, có gì khác so với trước? Trước, là ứng vào báo thể, còn đây là ứng vào nghiệp dụng, nên có khác. Nói đúng ra, khẩu thể nhiếp thuộc thân phần, chỉ vì muốn nhấn mạnh đến cái ranh ‘năng phát ngữ’, mà nói ngữ. Pháp ‘sở phát ngữ’, gọi là ngữ nghiệp. Cho nên, đây dịch là ngữ nghiệp, còn trước ngay nơi tướng mà dịch, nên nói khẩu nghiệp.


Tác vô tác
, là nghĩa biểu và vô biểu trong ngữ nghiệp thể.


Trong phần ý :

Huyễn mộng, vì trong khi ngủ, ý thức hoạt động. Những gì hiện ra trong mộng như các việc năng, sở v.v… đều do tâm huyễn tạo.

Giác, quán v.v…, vừa là tâm pháp, vừa là nêu số để hỏi tâm vương. 

Trong phần ý nghiệp :

Ứng vào 5 tâm sở biến hành mà hỏi, vì là căn bản của động tác. Tưởng, là Tưởng số. Thi thiết là Tư. Nóng, lạnh, đói, khát v.v… là Xúc. Khổ, sướng v.v… là Thọ. Lược qua phần Tác ý. 

Từ trên đến đây, chỉ là nhiễm tịnh tương phản để hiển những gì không phải là phạm hạnh, bất đãi tế phá.[2] Bốn thứ sau là hiển phạm hạnh, nên phá riêng. Chia chẻ chi li mới hiển được chân lý, nên không đồng.  


Trong phần Phật :

Sắc, thọ…, là ứng vào ngũ ấm. Ba mươi hai …, là ứng vào tướng hảo. Thần túc, là ứng vào thần thông. Nghiệp báo, là chỉ cho vạc vàng v.v… Ba thứ trước đều y trước khởi sau theo thứ lớp mà hỏi.


Trong phần Pháp : Có 6 câu.

Chánh giáo, là tịnh giáo.

Tịch diệt ly niết bàn, là lý quả.

Sinh, không sinh, là ứng vào duyên.

Thật, không thật, là y nơi thể.

Hư vọng, là y nơi tình.

Hợp tán, là y nơi thành và hoại.


Các thứ đó có chung ba nghĩa : Tịnh, là hai câu đầu. Nhiễm, là câu hư vọng. Không nhiễm không tịnh, là các câu còn lại. Vì ứng vào ba tánh, cứ thấy một phần thì các phần khác, tánh cũng không khác, đều là phi pháp. Cũng là ứng vào chấp, nên Lương Nhiếp Luận nói: “Xét Niết-bàn, lấy vô sinh tịch tĩnh làm thể, hay lìa ba khổ làm dụng…”. Đều thành pháp ngã và ngã sở chấp, vì thế đều là phi pháp.


Trong phần Tăng :

Hướng về quả…, là ứng vào địa vị mà tìm Tăng. Đó là tứ hướng và tứ quả. Vì đồng chứng vô ngã thì hòa hợp là ai? Nên không có Tăng.

Tam minh lục thông… , là ứng vào đức dụng mà tìm Tăng.

Thời giải thoát, là ứng vào căn khí mà tìm Tăng. Vì La-hán độn căn phải tạm nương vào thời xứ mới được giải thoát, nên nói ‘thời giải thoát’. La-hán lợi căn thì ngược với đây, nên nói phi thời giải thoát.


Trong phần Giới :

Tầm, tư … có thể tự hiểu.


Từ trên đến đây, là 4 phương tiện tầm tư, cũng gọi là ‘cầu trí’ : 1/Dùng danh cầu. 2/Nghĩa cầu. 3/Tự tánh cầu. 4/Sai biệt cầu.   

2. Nói về Như thật quán : Đoạn «Cũng biết quá khứ … thức ư?», trong đó có 6 câu.

Cũng biết quá khứ…, là hỏi thời gian mà phạm hạnh y tựa. Ba thời đều không. Trước là tổng quán. Sau là biệt giải thích : Pháp hiện tại ‘không thể tánh’ có thể trụ, nên không hữu lưu ở thời quá khứ, cũng do ‘không thể tánh’ nên không thể tục lưu đến thời vị lai. Do quá khứ diệt, là không, nên không vật có thể lưu tương tục đến hiện tại. Do vị lai ‘không thể tánh’ nên không pháp có thể khởi, khiến đến nơi hiện tại. Sát-na trước và sau, phải biết cũng như thế.

Pháp nào là phạm hạnh, là hỏi về thể của phạm hạnh.

Phạm hạnh ở tại chỗ nào, là hỏi về chỗ sở y của phạm hạnh.

Đó là hỏi : Với 10 pháp vừa nói đó, pháp nào là phạm hạnh, phạm hạnh ở tại chỗ nào?

Ai có phạm hạnh này, là hỏi về chủ của phạm hạnh.

Là có là không, là ứng vào không và có mà hỏi.

Là sắc pháp hay phi sắc pháp…, là ứng vào ngũ ấm mà hỏi.     


3. Tướng lợi ích khi quán thành tựu
: Đoạn «Đại Bồ-tát chánh niệm … hư không».

Chánh niệm…, là Pháp thuyết. Như trên, ứng vào ba đời mà quán 10 pháp đều không, nên nói Quán sát phân biệt các pháp ba đời bình đẳng…

Giống như hư không, là Dụ thuyết. Có thể tự hiểu.

Người quán như thế…, là nói về tướng lợi ích. Có hai :

1/ Vọng không chướng ngại tâm : Vì sao được cái không chướng ngại ấy? Vì không thủ tướng. Do nhân gì mà không thủ? Vì không tánh.

2/ Chiếu khắp pháp giới : Xem phần pháp dụ thì có thể hiểu.

Cũng có thể giải thích : Trước, quán 6 pháp là thân, thân nghiệp v.v… bình đẳng như hư không. Sau, quán 4 pháp là Phật, Tăng v.v… như hư không.   


4. Kết luận tên pháp quán
: Đoạn «Đó gọi là phương tiện … Bồ-tát». Có thể tự hiểu.

Trả lời câu hỏi thứ nhất xong. 


II. TRẢ LỜI CÂU HỎI THÀNH VỊ
: Do phần quán hạnh trước đã thành tựu, nên đây tu thêm thắng hạnh, nhập vào vị Thập trụ. Theo văn kinh có ba :


1/ Quán sâu quả trí : Đoạn “Cũng tu thêm … của Như Lai”.


2/ Tăng trưởng đại bi : Câu Trưởng dưỡng đầy đủ tâm đại bi.

Hai phần trên có thể tự hiểu. 


3/ Dùng lý chỉ dạy hai phần trên : Chính là ba tâm và ba giới thành ba đức và tam thân. Vì theo văn kinh trên, Sơ trụ được 10 lực, nên nay hạnh thành nhập vị thì ngay ở chỗ tối sơ mà nói.

Trong phần thứ ba này có hai : Trước là pháp, sau là dụ. Trong phần pháp cũng có hai :

Phân biệt chúng sinh mà không bỏ chúng sinh…, là dùng lý dẫn bi, là không bỏ tịch diệt cũng không bỏ chúng sinh. Vì không và có không hai, là chúng sinh,[3] Bát-nhã và đại bi là nhất tâm.

Hành nghiệp vô thượng mà không cầu quả báo, là dùng lý dẫn quả. Vì ‘tức là không’ nên không cầu. Vì không hoại nên thường hành. Cũng là Chỉ Quán đều hành, chẳng trệ vào có không, thường hành trung đạo. Vì sao được như thế? Vì quán các pháp như huyễn v.v… Không thể tánh nên như huyễn. Hiện thật nên như mộng. Có dụng nên như điện. Duyên tụ nên như hưởng. Thành sự nên như hóa.                    

III. TRẢ LỜI CÂU HỎI ĐẮC QUẢ : Có hai :

Đại Bồ-tát quán như thế, là nhắc lại hai phần quán trước để khởi phần sau.

Dùng ít … tất cả pháp, là khởi phần sau. Có hai, đều hiển nhân ít mà quả lớn. Trong đó đều có hai. Trước là tiêu đề. Sau, giải thích.

1/ Trong phần tiêu đề : Dùng ít phương tiện, là nhân. Chóng được tất cả công đức của chư Phật, là quả. Trong phần giải thích : ‘Vì sao nhân ít mà quả lớn’? Vì thường thích quán bi - trí, có - không v.v… không có hai pháp, cho nên chóng được. Nói nếu có việc đó là như thế.

2/ Trong phần tiêu đề : Lúc mới phát tâm, là nhân. Liền thành chánh giác, là quả. Cũng là giải thích câu trước. Trước nói ‘chóng được Phật quả’ nhưng chưa biết vào thời nào gọi là ‘chóng được’. Nay giải thích lúc mới phát tâm là ‘chóng được’. Sau nói: “Bồ-tát sơ phát tâm chính là Phật, nên đều cùng ba đời chư Như Lai …”, là nói khi hạnh mãn nhập vị, liền được vị Phổ Hiền. Một vị tức là tất cả vị. Cho đến Phật quả, không gì không đầy đủ, nên nói chánh giác. Sau, giải thích vì sao được như thế. Vì biết tánh chân thật của tất cả pháp. Hiển bày lý đã viên mãn.

Đầy đủ tuệ thân
, là trí đức đầy đủ.

Chẳng do nơi khác mà ngộ, là trong thì tự khai mở giác tánh. Sao trong nhân mà nói quả? Đây là hạnh vị Phổ Hiền của Nhất thừa. Nhân quả viên dung tương tức vô ngại nên như thế.                     
 
[1] (95, 2, 17)
[2]不 待 細 破
[3] Tướng chúng sinh là tướng không hai, nên không chấp cũng không bỏ.