Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký Q5
MINH PHÁP - Phẩm 14 (P.1)
22/06/2017(Xem tại đây)
Cũng có 4 môn phân biệt như trên.
I. GIẢI THÍCH ĐỀ TỰA
Có bốn nghĩa :
1/ Pháp của hạnh vị sau sẽ làm rõ (minh) hạnh trước. Đây, minh tức là pháp.
2/ Minh là giáo, pháp là nghĩa.
3/ Minh là trí, pháp là cảnh.
Hai thứ trên là minh của pháp và pháp của minh.
4/ Trí hạnh ly nhiễm, ngay tướng đó, gọi là minh. Ngay nơi minh có thể ‘qũy’, nên gọi là pháp. Lại, các hạnh rực sáng xứng với tánh, là minh. Đương thể diệu ‘qũy’, nên nói là pháp, cho nên là minh pháp. Không như thế thì ‘ám’ không phải là pháp.
II. DỤNG Ý
Trước nói về thể đức của đương vị, nay nói về ý vị của thắng dụng, nghĩa sau thứ lớp, nên có phần này. Lại, trước là nói về Tự phần, nay nói về Thắng tiến, nên có phần này.
III. TÔNG THÚ
Minh pháp không đồng, có 4 loại :
1/ Lý pháp, là tánh chân như.
2/ Hạnh pháp, là các hạnh như lục độ v.v…
3/ Giáo pháp, là mười hai phần giáo.
4/ Quả pháp, là bồ-đề niết bàn.
Nay ở đây nói chính về hạnh pháp và nói luôn ba thứ còn lại, nên lấy đó làm tông. Lại, trong bốn thứ trên, y lý khởi hạnh, y hạnh thành quả, giáo thì nói cả ba thứ đó, nên là bốn.
IV. GIẢI THÍCH VĂN KINH
Văn đây phân làm ba : 1/Thỉnh phần. 2/Thuyết phần. 3/Chứng tín phần.
A. THỈNH PHẦN : Trước là trường hàng. Sau là kệ tụng.
TRƯỜNG HÀNG
Có hai : Đầu tiên là lãnh hội, là Tự phần. Sau hỏi, là Thắng tiến.
1/ TỰ PHẦN : Đoạn «Bồ-tát sơ phát tâm … bồ-đề vô thượng». Nếu không phải là hàng căn cơ thiết tha chiếu lý thì không do đâu kham nhận pháp thắng tiến chuyển tăng, nếu không đầy đủ hạnh pháp thanh tịnh thấu suốt đó thì không do đâu có thể thuyết, nên Tiến Tuệ hỏi, Pháp Tuệ thuyết.
Có 8 câu. Câu đầu Thành tựu vô lượng công đức, là tổng. 7 câu sau là biệt :
Dùng đại trang nghiêm mà tự nghiêm, là đại thệ tự nghiêm.
Thừa nhất thiết trí thừa, là hạnh thừa quả thừa.
Nhập đạo ly sinh của Bồ-tát, là nhập vào nhân vị. Ly, như chữ vô. Là đến đạo vị vô sinh, chỗ khác giải thích là vị Sơ địa. Đây, là tại địa tiền nhiếp nhau, nên như thế.
Xa lìa thế gian, là bối trần.
Chí cầu chánh giác, là hướng về.
Chỗ chư Phật trụ đều do đó mà được trụ, là đồng Phật trụ.
Quyết định thành tựu bồ-đề vô thượng, là định thành quả.
2/ THẮNG TIẾN : Đoạn « Bồ-tát đó tu tập … ». Có hai : Trước chỉ hỏi về thể của hạnh pháp. Sau, là y nơi hạnh hỏi về công đức thành tựu.
2/1 HỎI VỀ THỂ CỦA HẠNH PHÁP : Có 11 câu. 6 câu đầu là hạnh tự lợi. 4 câu kế là hạnh lợi tha. Một câu cuối là thông kết, đầy đủ rốt ráo cả hai lợi.
2/1a Hạnh tự lợi :
Đại Bồ-tát đó, là nhắc lại người đầy đủ công đức phát tâm trên.
Tu tập thế nào để công đức chuyển thắng, là hỏi tu tập hạnh gì khiến công đức chuyển thắng?
Hỏi : Phẩm trước nói về các tam muội thậm thâm, vô lượng Đà-la-ni, lực tự tại của chư Phật, vô lượng diệu công đức trang nghiêm của sơ phát tâm, lại nói ‘chính là Phật’ v.v… thì thiếu chỗ nào mà còn tu tập?
Đáp : Trong hạnh Phổ Hiền của Viên giáo này, đại vị có hai môn đều nhiếp pháp giới. Trước là ứng vào Tự phần, đây nói về Thắng tiến. Trong cái trước đầy đủ cái sau, trong cái sau cũng đầy đủ cái trước. Nhưng trước hằng chẳng phải là sau. Sau, hằng chẳng phải là trước. Vì đầy đủ cái trước thì sau chẳng phải là trước, đầy đủ cái sau thì trước chẳng phải là sau, nên vị phân có trước sau mà nhiếp nghĩa thì hằng khắp.
Khiến chư Như Lai thảy đều hoan hỉ, là hỏi tu tập thế nào để chư Như Lai đều hoan hỉ. Cho nên câu Tu tập thế nào hỏi luôn cho các câu sau.
Đầy đủ Bồ-tát sở trụ, là hỏi về vị địa.
Các hạnh công đức thanh tịnh, là y vị khởi hạnh.
Đại nguyện thành tựu viên mãn, là đại nguyện trợ thành.
Được tạng Bồ-tát, là tích đức thành tạng.
2/1b Hạnh lợi tha :
Tùy chỗ cảm ứng mà hóa độ họ, là ứng cơ mà giáo hóa đời.
Thường chẳng bỏ các ba-la-mật, là không bỏ tự hạnh.
Tùy chỗ thỉnh của chúng sinh thảy đều độ thoát, là theo chỗ mong muốn mà độ sinh. Trước,[1] là với kẻ sơ cơ, đây đã thuần thục, nên khác.
Hưng tôn mãi Tam bảo khiến chẳng tuyệt, là giáo hóa chúng sinh thú hướng bồ-đề nên khiến Tam bảo còn mãi, là thành tựu hưng tôn.
2/1c. Kết thông hai hạnh :
Tất cả cảnh giới thiện căn đã làm, là kết về tự lợi. Các hạnh phương tiện, là kết về hạnh giáo hóa. Cả hai đều rốt ráo, nên nói không hư dối.
Đoạn “Lành thay! … nguyện muốn được nghe” có hai ý : Với phần trên là kết lại lời thỉnh, khuyên thuyết pháp. Với phần dưới là mong muốn được nghe. Sau là hỏi.
2/2 HỎI VỀ CÔNG ĐỨC THÀNH TỰU :
Như công đức Bồ-tát đã tu, là tổng nêu công đức sở y.
Đoạn “Diệt trừ si ám …hạnh Bồ tát» là nói về công đức thành tựu, là pháp được hỏi. Trong đó, y theo phần trả lời sau, có tất cả 18 câu, phân làm hai. 17 câu đầu nói về công đức đầy đủ. Một câu cuối nói về thắng dụng.
2/2a. CÔNG ĐỨC ĐẦY ĐỦ : 17 câu đầu. Phân làm hai : 16 câu đầu là, trong thì công đức viên mãn. Câu cuối “Thiên vương, Long vương … ái kính”, là ngoài thì được sự tôn kính.
1. Nội đức viên mãn : 16 câu phân làm hai : 9 câu đầu nói về công đức tự lợi. 7 câu sau hỏi về công đức lợi tha.
1.A Công đức tự lợi : 9 câu phân hai : 7 câu đầu hỏi về nhân đức. 2 câu sau hỏi về quả đức.
1.A.a Nhân đức : 7 câu phân làm hai : 6 câu đầu hỏi về hạnh tu đầy đủ. Câu sau nói các đức viên mãn.
6 câu hỏi về hạnh tu có hai :
. 4 câu đầu là hạnh đoạn chướng.
Diệt trừ si ám, là lìa vô minh trụ địa, tức lìa nhân ác.
Hàng phục các ma, là chế ngự các ma.
Chế phục ngoại đạo, là lìa khởi duyên ác.
Lìa các trần cấu, là lìa ác tập.
. 2 câu sau là tu thiện hạnh, có ba :
Thành tựu đầy đủ tất cả công đức, là tu phúc đức thành tựu.
Lìa hẳn các nạn của ác đạo, là lìa khỏi ác quả, tức lìa ba ác tám nạn.
Đầy đủ trí tuệ thanh tịnh thậm thâm, là đầy đủ tuệ thanh tịnh. Cái ‘tuệ’ này, phần văn kế trả lời, nên chỉ có 6 câu. Nói chung là trừ hai chướng thành hai nghiêm, hạnh tu đầy đủ.
Câu kế Cùng công đức ở các địa …, là nói về công đức viên mãn. Có bảy : 1/Nhiếp Thập địa. 2/Đầy đủ Thập độ. 3/Nhiều tam muội. 4/Diệu tổng trì. 5/Lục thông. 6/Tam minh. 7/Pháp thanh tịnh, là tổng kết.
1.A.b Quả đức : 2 câu.
Trang nghiêm … tâm hạnh thanh tịnh, là quả y báo và chánh báo của tam nghiệp.
Lực vô sở úy … Tát-bà-nhã, là quả nhiếp các đức sai biệt.
1.B Công đức lợi tha : Có bốn.
1/ Đầy đủ cõi Phật, là ứng cơ hiện quốc độ đầy đủ.
2/ Tùy thành thục chúng sinh …, là dùng chánh hạnh nhiếp sinh. Trong đó có hai :
Tùy thành … vô lượng Phật sự, là tùy thành hạnh duyên.
Và vô lượng … đều đầy đủ, là chánh kết hạnh pháp. Có năm :
Vô lượng công đức, là thắng đức.
Chánh pháp của Bồ-tát, là sở quĩ.
Hạnh của Bồ-tát, là y pháp mà tạo tu.
Đạo của Bồ-tát, là hạnh đưa đến quả.
Cảnh giới của Bồ-tát, là nhiếp sở duyên và phần hạn rộng.
Thảy đều đầy đủ, là tổng kết.
3/ Chóng thành vô lượng …, là nói về hạnh. Biện về công năng của quả, nên nói chóng thành.
4/ Đều hay thủ hộ … diễn thuyết, là thành tựu hạnh hộ pháp. Có bốn :
Đều hay thủ hộ, là tổng nêu hạnh hộ pháp, thế nào là hộ?
3 câu sau là biệt hiển.
Phân biệt, nói rộng, khai thị, hiển hiện, là thuyết giáo rộng để khai thị nghĩa.
Các ma ngoại đạo chẳng thể phá hoại, là không bị đạo khác xâm hại.
Nhiếp trì chánh pháp không cùng tận, trong tất cả thế giới thảy đều diễn thuyết, là tự đầy đủ văn nghĩa tổng trì thường thuyết, đốn thuyết mà vô tận.
Phần nội đức viên mãn đã xong.
2. Được sự tôn kính bên ngoài : Đoạn «Thiên vương, Long vương … đều ái kính», có hai :
Thiên vương …thủ hộ Bồ- tát này, là nêu hết mười vua ở thế gian và Phật pháp vương thủ hộ.
Tất cả thế gian … ái kính, là biệt hiển. Trong đó có ba :
Tất cả thế gian cung kính cúng dường tôn trọng tán thán, là nêu mười vua thủ hộ.
Thường được chư Phật hộ niệm, là nêu sự thủ hộ của pháp vương.
Tất cả Bồ-tát thảy đều ái kính, là được sự thủ hộ của đồng vị.
Phần hạnh thể đức viên mãn xong.
2/2B. THẮNG DỤNG: Đoạn «Được thiện căn lực … Bồ-tát», là y nơi các đức mà có thắng dụng này. Trong đó có 4 câu :
Được thiện căn lực, tăng trưởng bạch pháp, là tăng trưởng pháp vô lậu của mình, nên nói bạch pháp, là tự thành chứng hạnh.
Có thể khai mở pháp tạng thậm thâm của chư Phật, là dùng pháp đã chứng mà dạy người.
Dùng đại chánh pháp tự trang nghiêm, là tự đầy đủ giáo hạnh.
Thứ lớp diễn thuyết hạnh Bồ-tát, là dạy người giáo hạnh.
KỆ TỤNG [2]
Bốn câu thành một bài kệ. Có 11 bài kệ.
Kệ (1) là thỉnh tổng quát (tổng thỉnh).
Kệ (2) đến (10) là tụng chi tiết (biệt tụng). Phần này có hai :
1. Nói về các văn trên : Kệ (2)
2. Phần kệ chánh : Kệ (3) đến (11) : Hỏi các hạnh pháp sau. Trong đó :
Kệ (3) đến ½ đầu của kệ (6) : Tụng lại 11 loại hạnh pháp trên.
½ sau của kệ (6) đến kệ (11) : Tụng lại cái ‘y hạnh được thành đức’ trên.
½ sau của kệ (6) : Tụng lại câu Lành thay ! Nguyện nói pháp Đại thừa.
Kệ (7) và ½ đầu của kệ (8) : Tụng về hạnh tu lìa chướng đã nói.
½ sau của kệ (8) : Các đức được hoàn bị.
Câu (1) kệ (9) : Lược tụng pháp thuộc quả đức.
Phần còn lại kệ (9) : Tụng phần ‘hạnh duyên lợi tha’ nói trên.
Kệ (10) : Tụng hạnh hộ pháp nói trên.
Kệ (11) : Tụng 10 vua kính hộ nói trên. Trong đó có bốn :
Câu (1) : Trí đức vô úy như sư tử.
Câu (2) : Phúc đức viên mãn như trăng tròn.
Câu (3) : Đoạn đức lìa nhiễm như liên hoa.
Câu (4) : Tịnh quả hiện tiền như tối thắng.
Bốn câu đó cũng tụng về ‘Được thiện căn lực, tăng trưởng bạch pháp v.v…’ thuộc phần Thắng Dụng trên.
B. THUYẾT PHẦN [3] : Trước, là chân thuyết. Sau, là trùng tụng.
CHÂN THUYẾT
Trước, là tán thán câu hỏi và hứa thuyết. Sau, dùng chánh pháp trả lời.
1. TÁN THÁN CÂU HỎI VÀ HỨA THUYẾT : Trước, là tán thán câu hỏi. Sau, là hứa thuyết.
1/1 Tán thán câu hỏi : 1/Tán thán lợi ích của câu hỏi. 2/Tán thán công đức người hỏi.
1/1a Tán thán lợi ích câu hỏi: Đoạn «Lành thay !... như thế».
. Trước là nói về lợi ích.
Nhiêu ích, là tăng thiện nhân.
An lạc, là thọ ký lạc quả.
Tuệ lợi, là khiến được lợi ích của pháp xuất thế.
. Sau, là kết ý tán thán, là câu Vì ai mẫn ….
1/2b Tán thán công đức người hỏi : Đoạn «Ông trụ lực … Như Lai». Có hai, là tán thán công đức tự phần và tán thán công đức thắng tiến.
a. Tán thán công đức tự phần : Có năm :
. Tương ưng với thật tuệ.
. Bất động mà tiến nên nói trụ đại lực …
. Tu không gián đoạn nên nói nhất tâm …
. Vị thành tựu nên nói bất thối.
. Đương vị mãn nên nói siêu xuất thế gian.
Câu đầu nói về hữu giải. Bốn câu sau nói về hữu hạnh. Các thứ đó cũng giải thích tên xưng Tinh Tấn Tuệ.
b. Tán thán công đức thắng tiến : Tự tại đồng với Như Lai.
1/2 Hứa thuyết : Câu «Tôi sẽ nương uy thần của Phật mà thuyết chút ít».
2. DÙNG CHÁNH PHÁP TRẢ LỜI : Trước, trả lời 11 câu hỏi về thể hạnh pháp. Sau, trả lời ‘Y hạnh thành đức’.
2.1/ TRẢ LỜI 11 CÂU HỎI : Y theo câu hỏi mà trả lời thứ lớp.
1. Trả lời câu ‘Công đức chuyển thắng’ : Có 20 câu : 10 câu đầu là bắt đầu tu. 10 câu sau là cuối cùng thành tựu. Lại, đầu là Tự phần, sau là Thắng tiến.
1/a Tự phần : 10 câu đầu.
Đã được tạng công đức phát tâm, là nhắc lại trước mà hỏi sau.
a/ Tổng nêu : Đoạn «Cần lìa si ám … phóng dật ». Kinh Niết Bàn nói: «Căn ‘không phóng dật’ thâm cố khó bạt, nhân nơi căn ‘không phóng dật’ kiên cố mà tất cả các thiện căn đều được tăng trưởng ». Không phóng dật có hai :
. Ứng vào sự, như luận giải thích.
. Ứng vào lý, như kinh Pháp Tập nói.
b/ Biệt kê : Đoạn «Có 10 thứ pháp … không phóng dật». Có ba : Trước, là nêu số. Kế, liệt kê tên. Sau,
Các thứ này đối trị 10 loại phóng dật :
Trì giới thanh tịnh, đối trị cái phóng dật phá giới. Đã được tạng công đức phát tâmrồi thì phải trì Tam tụ tịnh giới của Bồ-tát. Song ‘trì’ có ba thứ :
1/Không tạo ba nghiệp ác.
2/Không vì danh lợi.
3/Không khởi giới kiến.
Đây là phần thủ hộ trong phần Tổng nêu nói trên.
Xa lìa ngu si …, là đối trị tâm phóng dật mê bồ-đề.[4] Đối với bồ-đề, không khởi cái kiến hữu vô v.v… mà phát tâm. Đây là câu lìa si ám nói trong phần Tổng nêu.
Xả bỏ xiễm khúc ai mẫn chúng sinh, là đối trị sự phóng dật mất bi tâm. Y lời mà nhiếp vật nên lìa xiễm khúc.
Khuyên tu thiện căn… , là đối trị sự phóng dật làm biếng. Thiện căn tạo được khiến sau thành tựu, nên nói không thối chuyển. Đây là ý tinh cần nói trong phần Tổng nêu.
Các câu còn lại đều không ngoài ba thứ đó.
Thường thích tịch tĩnh …, là đối trị tâm phóng dật ưa thích náo loạn. Tạo nghiệp cầu sinh là hạnh phàm phu, Bồ-tát thì lìa những thứ ấy. Thường thích tịnh tĩnh có hai thứ :
a. Ứng vào thân, có hai :
. Sở trụ tĩnh (chỗ trụ tĩnh) : Lìa chỗ gia thất huyên náo v.v…
. Năng trụ tĩnh (người trụ tĩnh) : Trì tịnh giới, lìa ba phi nghiệp.
Đây là dùng phúc xả tội, lìa phàm phu tại gia.
b. Ứng vào tâm cũng có hai :
. Sở trụ là diệu cảnh chân không.
. Năng trụ là tâm định tuệ.
Đây là dùng tuệ xả các hoặc, lìa phàm phu xuất gia.
Tâm không mong thích cái vui …, là quay lưng với cái vui của thế gian.[5] Đối trị tâm phóng dật ưa thích thế gian.
Chuyên tinh tu tập các thiện nghiệp thù thắng, là chuyên tu nghiệp xuất thế. Đối trị tâm phóng dật ưa thích các thiện nhỏ.
Xa lìa Nhị thừa cầu đạo Bồ-tát, là đối trị tâm phóng dật ưa thích Nhị thừa. Tuy cầu xuất thế mà xả bỏ hạnh Nhị thừa không có tâm bi cứu chúng sinh.
Thường tập công đức tâm không nhiễm ô, là đối trị tâm phóng dật nhiễm công đức. Tuy tu công đức đại bi của Bồ-tát mà không thấy năng tu - sở tu, nên không nhiễm.
Khéo hay phân biệt tự biết thân mình, là đối trị tâm phóng dật sinh tuyệt phần.[6]
Biết thân mình có bốn nghĩa :
. Biết thân từ duyên mà có, lìa ngã ngã sở.
. Biết đạo hạnh lực của mình nếu yếu thì chẳng thể mạnh đối với cảnh giới phiền não.
. Biết lực muốn mạnh thì cần phải tinh cần khổ cực tạo hạnh tiến tu.
. Biết chắc thân mình có chủng bồ-đề, sẽ thành Phật.
1/b Thắng tiến : 10 câu kế. Đoạn «Chánh hành 10 thứ tịnh pháp … Nhất thiết trí».
Tịnh pháp : Luyện trị những hạnh trước khiến thành thục, ly nhiễm, nên nói tịnh.
Như thuyết tu hành niệm trí thành tựu, là chánh niệm tịnh.
Xả ly đùa bỡn các hạnh phóng dật, là chánh hạnh tịnh.
An trụ pháp vi diệu thậm thâm, là cầu pháp tịnh.
Thường thích cầu pháp tâm không chán đủ, là cầu pháp tịnh.
Tùy pháp đã nghe được cái quán chân thật, là trừ nghi tịnh.
Xuất sinh đầy đủ xảo diệu trí tuệ, nhập Phật tự tại, là trí tuệ tịnh.
Tâm thường tịch định, chưa từng tán loạn, là tam muội tịnh.
Nghe xấu nghe tốt, tâm không vui buồn, giống như đại địa, là giải không tịnh, cũng là hướng nhẫn tịnh.
Bình đẳng thấy chúng sinh, thượng trung hạ thảy đều như Phật tưởng, là thắng tưởng tịnh.
Cung kính cúng dường Hòa thượng, các thầy và thiện tri thức Bồ-tát pháp sư, niệm niệm thứ lớp bằng Nhất thiết trí, là báo ân tịnh, cũng là kính dường tịnh.
2. Trả lời câu ‘Khiến Như Lai hoan hỉ’ : Có 20 câu. 10 câu Tự phần. 10 câu Thắng tiến.
2/a Tự phần :
Tinh cần tu tập niệm tri như thế, là kết phần trước.
Đoạn «Không bỏ phương tiện … biết rõ» , là sinh phần sau.
Không bỏ phương tiện, là nói về 5 câu đầu ở phần sau.
Tâm không ỷ nương, là nói câu (6) sau.
Tu pháp thậm thâm, là nói câu (7) và câu (8) sau.
Nhập vào ‘không tranh’, vô lượng vô biên Phật pháp thâm diệu thảy đều biết rõ, là nói câu (9) và (10).
Đó là tổng nêu 10 hạnh sau. Xứng đáng với tâm thánh, nên khiến Như Lai hoan hỉ.
Trong phần biệt hiển, 3 câu đầu tu hữu hạnh.
Chỗ hành tinh cần …, là hạnh cần dũng.
Không tiếc thân mạng, không cầu lợi dưỡng, là ở trong hữu hạnh mà lìa quá hạnh.[7] Tức nội thân chẳng tiếc, ngoại tài chẳng cầu.
Ba câu : Tu tất cả pháp … không ỷ nương, là tu không tuệ hạnh.
. Tu tất cả pháp giống như hư không, là gia hạnh tu không.
. Xảo phương tiện tuệ quán xét các pháp … , là chánh chứng chiếu thật.
. Phân biệt các pháp tâm không ỷ nương, là hậu đắc phân biệt mà đã đến chỗ không nương.
Thường phát đại nguyện, vì thường cầu bồ-đề nên nói đại nguyện.
Thành tựu thanh tịnh … : Thắng tướng hiện tiền nên nói quang minh.
Khéo biết tất cả mặt tổn ích của pháp, là tùy hữu lìa quá.
Pháp môn mình hành thảy đều thanh tịnh : Dùng tâm không chấp trước hành tạo các pháp nên nói thanh tịnh.
2/b Thắng tiến :
Tu đã thành tựu nên nói an trụ.
An trụ không phóng dật, là đối với các lỗi, chẳng nhiễm.
An trụ Vô sinh pháp nhẫn, là chứng thật xả tướng.
An trụ đại từ, an trụ đại bi, là dùng từ bi nhiếp vật.
An trụ đầy đủ các ba-la-mật, an trụ hạnh thanh tịnh, là hạnh mãn lìa nhiễm.
Bốn câu còn lại là nguyện trí đầy đủ.
An trụ đầy đủ vô lượng hạnh nguyện, là nguyện đầy đủ.
An trụ xảo phương tiện, là xảo tuệ song hành.
An trụ tất cả lực, là tư trạch thắng lực.
An trụ tất cả pháp… : Đạt tánh vô ngại nên nói không chỗ y chỉ.
3. Trả lời câu ‘Công đức mà Bồ-tát an trụ’ : Cũng có 20 câu. Trước là 10 câu Tự phần. Sau, là 10 câu Thắng tiến.
3/a Tự phần :
Tâm thường thích làm các việc công đức, là tâm khởi hạnh.
Hành đạo các ba-la-mật trang nghiêm, là chánh hạnh hành.
Trí tuệ minh đạt không theo lời người, là trí thuận lý nên vượt ngôn từ.
Các thứ trên là mới tu.
Hằng không xa lìa chân thiện tri thức, là gần thiện hữu.
Thường tu tinh tấn mà không thối chuyển, là nếu không tinh cần thì tuy gần cũng vô ích.
Khéo giữ Phật ý thọ trì các pháp, là nếu chẳng giữ ý hiểu pháp thì tuy tinh cần cũng vô ích.
Khéo giữ Phật ý, có ba thứ :
. Ứng vào giáo : dùng Nhị đế, Tam tánh, Tam lượng. Tứ lý, Tứ tất đàn, Tứ ý, Tứ mật, Lục tướng, Lục thích, Bát thanh, Ngũ lực v.v… hiểu ý kinh rồi theo đó mà thọ trì.
. Ứng vào nghĩa : Lời gần mà ý xa. Tuy thuyết các môn pháp tướng mà ý thì tại chân lý, siêu vượt ngôn từ.
. Ứng vào hạnh : Ý ở chỗ diệt hoặc thành đức, không phải chỉ ở lời nói.
Hành các thiện căn tâm không lo buồn, là nếu không y nơi hạnh mà hội ý thì lợi ích gì?
Các thứ trên là kế tu.
Dùng Đại thừa trang nghiêm…, là thành tựu đại thệ nhị nghiêm.
An trụ tất cả pháp môn ở các địa, là nhân vị thành tựu viên mãn.
Đồng thiện căn chánh pháp của tam thế Phật, là viên đồng quả vị.
Các thứ trên là cuối tu.
3/b Thắng tiến : Có hai. Trước nói về quán giải. Sau, y giải khởi hạnh.
QUÁN GIẢI : Đoạn «Đại Bồ-tát đó trụ các địa … tất cả các địa».
Trụ các địa rồi …, là kết trước sinh sau. Khéo thành tựu các địa gọi là phương tiện thiện xảo. Nơi các địa không chấp trước, cũng gọi là phương tiện. Thành tựu các địa là việc thiết yếu, nên nói trước cần tu tập.
Trong 10 câu, 8 câu đầu là ‘pháp sở thành ở các địa’.
Theo đó được pháp môn ở các địa, là câu tổng.
Theo đó được trí tuệ thậm thâm, là trí chứng ở các địa.
Theo đó hành nghiệp, là các hạnh bố thí, trì giới v.v…
Theo đó mà y quả, là tịnh độ sở y.
Theo đó mà cảnh giới, là sở duyên và phần hạn.
Theo đó mà tự tại, là thắng thông và thập tự tại.
Theo đó mà thị hiện, là thị hiện dị thân.
Theo đó mà phân biệt các pháp môn thù thắng, là hậu trí thuyết pháp.
Đây đều là ở các địa không phải một, nên nói theo đó.
2 câu sau là nói về ‘phương tiện năng thành’.
Đều khéo phân biệt, ở nơi tất cả pháp mà không chấp trước, tuy phân biệt mà không chấp trước, gọi là phương tiện.
Do tâm tạo, là giải thích lý do không chấp trước. Vì biết ngoài tâm không có pháp nên không chấp trước.
Tâm tạo, có ba lớp :
. Do chuyển thức phân biệt tạo.
. Bản thức tùy sự huân tập mà tạo ra
. Chân tâm y trì tạo ra.
Đều do tâm tạo nên chẳng có, tâm tạo nên chẳng không, cho nên không chấp trước.
Nếu hay minh liễu …, là câu kết, nói về các địa năng thành.
Y GIẢI KHỞI HẠNH : Đoạn «Đại Bồ-tát này suy nghĩ như vầy …». Có ba : Trước là nêu, kế là giải thích, sau là kết. Đều có thể biết.
4. Trả lời câu ‘Hạnh thanh tịnh’ : Cũng có 20 câu. Trước, là 10 câu Tự phần. Sau, là 10 câu Thắng tiến.
4/a Tự phần : 10 câu, là Thập độ thuần thục, xuất chướng.
Tịnh, vì bố thí ở Sơ địa thì không có gì không xả.
Giới, thì không có hủy, cuồng v.v… nên đều nói tướng thanh tịnh.
Sáu câu kế có thể tự biết.
Thành mãn đầy đủ tất cả các hạnh, là khéo thành các hạnh, nên là phương tiện.
Công đức tôn trọng, tâm như Sơn vương, là đại nguyện kiên thệ tôn trọng như sơn. Đây đồng với ‘hạnh tôn trọng’ nói sau.
Vì tất cả chúng sinh làm ao thanh lương : Do lực tư duy giản trạch, lực tu tập, thuyết pháp trừ nhiệt, như ao trong mát ở thế gian.
Khiến tất cả chúng sinh đồng các Phật pháp, là trí độ nhiếp sinh khiến đồng Phật pháp.
4/b Thắng tiến : Vì hạnh sau hơn hạnh trước nên nói chuyển thắng. Có 10 câu.
Ba câu đầu là Túc thành hạnh.
Chư Phật tha phương thảy đều hộ niệm, là trong có thật đức thì ngoài cảm Phật niệm.
Tu tập trưởng dưỡng thiện căn siêu thắng, là y nơi sự hộ niệm liền tăng thắng thiện.
An trụ phương tiện xảo mật của Như Lai : Có thể đồng với tám tướng của Phật, hiện thô ẩn tế gọi là phương tiện xảo mật. Cũng liễu đạt nghĩa huyền mật của Như Lai, như châu trong búi tóc của vua v.v…, cũng là khéo hiểu giáo quyền mật v.v… nên gọi là an trụ.
Ba câu kế là Y duyên hạnh.
Thích thân cận y tựa thiện tri thức : Thân thì thân cận, tâm thì nương tựa.
An trụ tin tấn tu bất phóng dật, là y nơi thiện hữu khởi chánh hạnh.
Phân biệt các pháp không tổng không biệt, là sinh chánh giải. Vì gom biệt thành tổng nên chẳng phải tổng, phân tổng thành biệt nên chẳng phải biệt. Toàn đoạt đều tận, song dung vô ngại. Cho nên, duyên khởi thì đều không có tổng biệt.
Bốn câu sau là Bi trí hạnh.
An trụ đầy đủ đại bi vô thượng, là đại bi.
Ba câu sau là đại trí.
Quán pháp như thật, xuất sinh trí tuệ, là thật trí.
Hai câu sau là xảo trí.
Hay khéo tu hành phương tiện xảo diệu, là thành tựu nhân xảo trí.
Tất cả phương tiện quán lực Như Lai, là hướng quả xảo trí.
5. Trả lời câu ‘Đại nguyện thanh tịnh’ : Có 20 câu. 10 câu Tự phần. 10 câu Thắng tiến.
5/a Tự phần :
Chỗ cầu đều được gọi là nguyện mãn.
Nguyện thành tựu chúng sinh tâm không buồn lo, là nhẫn với phiền não để nhiếp sinh.
Nguyện trưởng dưỡng thiện căn nghiêm tịnh Phật độ, là vì tất cả mà trang nghiêm quốc độ.
Nguyện cung kính cúng dường tất cả Như Lai : Đối với Như Lai thì hưng cúng.
Nguyện chẳng tiếc thân mạng thủ hộ chánh pháp :Đối với pháp thì thủ hộ. Luận chung về ‘hộ pháp’ thì có bốn lớp :
. Hộ lý pháp, là chiếu lý không xen tạp vô minh v.v….
. Hộ hạnh pháp, là hạnh không xen tạp danh lợi, giải đãi v.v…
. Hộ giáo pháp, là như pháp mà truyền trao, nói rộng , lưu bố v.v…
. Hộ quả dụng pháp, là còn hộ hình, tượng v.v…
Nguyện dùng tất cả các trí tuệ môn đều khiến chúng sinh sinh các Phật độ : Khiến vật[8] thân sinh tịnh độ.
Nguyện các Bồ-tát nhập Bất nhị môn, nhập Phật pháp môn phân biệt các pháp : Khiến vật trí nhập pháp môn.
Nguyện khiến tất cả chỗ muốn thấy Phật đều được thấy : Khiến nguyện của người được mãn.
Nguyện tất cả các kiếp cùng tận vị lai như trong khoảnh khắc : Ý là, thời gian không đủ để tu hành. Hạnh cùng tận thời vị lai nhưng khiến như trong khoảnh khắc, chẳng sinh mệt mỏi. Cũng là nguyện ‘kiếp tùy tâm chuyển’.
Nguyện đầy đủ sở nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền : Nguyện nhân được rốt ráo.
Nguyện tịnh môn Nhất thiết chủng trí : Nguyện quả được viên tịnh.
5/b Thắng tiến :
Sinh đại trang nghiêm tâm không lo buồn : Vì có đại thệ trang nghiêm, tâm không lo chẳng thành, nên tâm không buồn.
Chuyển hướng thắng nguyện niệm chư Bồ-tát : Kính niệm thắng lữ[9] chuyển khởi niệm ấy.
Đều nguyện vãng sinh, là đốn khởi các hạnh.
Rốt ráo bờ vị lai, là thường khởi sở hạnh.
Trên là tự lợi.
Thành tựu rốt ráo đầy đủ đại nguyện của tất cả chúng sinh, là giáo hóa khiến nguyện đầy đủ.
Trụ tất cả kiếp không thấy là lâu, là thường giáo hóa chẳng mệt mỏi.
Nơi tất cả khổ không cho là khổ, là ở nơi khổ để lợi ích chúng sinh.
Nơi tất cả vui tâm không nhiễm trước, là bỏ vui để lợi ích chúng sinh.
Đều khéo phân biệt giải thoát vô đẳng đẳng, là truyền trao quả pháp.[10]
Được đại niết bàn vô sai biệt, là được cái quả bình đẳng.
Trên là lợi tha.
6. Trả lời câu ‘Được tạng Bồ-tát’ : Có 10 câu. Vì nhiều đức thì thành ‘tạng’ sâu rộng vô tận, nên không có phần Thắng tiến.
Đầy đủ các nguyện rồi … là kết trước để sinh sau.
Được thấy tạng vô tận của chư Phật, là thấy Phật.
Được tạng Đà-la-ni vô tận, là trì pháp, chính là trì tạng.
Được tạng phân biệt pháp vô tận : Thuyết pháp là biện tạng,
Được tạng tâm đại bi vô tận bảo hộ tất cả, là tâm đại bi trùm khắp.
Được tạng các tam muội vô tận, là được diệu định
Được tạng công đức mãn chúng sinh ý vô tận, là thắng dụng.
Được tạng trí tuệ thâm sâu hiểu pháp vô tận, là nhập chứng.
Được tạng xuất sinh các thông phân biệt các báu vô tận, là y nơi chứng mà khởi thần thông, dùng thiên nhãn thấy các báu tiềm ẩn trong đất và biển. Điều biết xuất xứ, giá trị v.v… các báu.
Được tạng tất cả uy thần của chư Phật thủ hộ vô tận, là được công đức gia tăng của Phật.
Được tạng trí tuệ phân biệt vô lượng vô biên thế giới vô tận, là trí đạt khí giới.
7. Trả lời câu ‘Tùy chỗ cảm ứng mà hóa độ họ’ :
Thế nào là đại Bồ tát … là kết trước sinh sau. Xứng cơ trao pháp, gọi là tùy cảm ứng mà hóa độ họ. Trong đó có ba : 1/Biết căn cơ. 2/Dạy lìa lỗi. 3/Dạy tu thiện.
7/a Biết căn cơ : Đoạn «Biết các phương tiện … sở niệm chúng sinh» Có ba :
Biết các phương tiện của chúng sinh sở tuyên, là biết bệnh, hoạn của chúng sinh (sở tuyên)[11].
Biết mọi thứ nhân duyên của chúng sinh, là biết nhân duyên tập nghiệp thời quá khứ.
Biết tâm tâm sở niệm của chúng sinh, là biết tâm niệm hiện tại.
7/b Dạy lìa lỗi : Đoạn «Biết tâm niệm rồi …pháp môn đối trị ». Có ba :
. Biết tâm niệm rồi dùng pháp đối trị, là tổng.
. 9 câu kế là biệt.
Chúng sinh ngã mạn thì dạy quán bình đẳng, do quán tự tha bình đẳng không khởi kiêu mạn với người.
Tâm xiểm khúc thì dạy tâm tịch tĩnh phi hữu của Bồ-tát : Người có tâm xiểm khúc, phần nhiều rộn ràng với danh lợi, tâm không ngay. Bồ-tát biết phi hữu nên tâm tĩnh.
. Tất cả các phiền não hoạn như thế, dạy dùng vô lượng pháp môn đối trị, là câu kết.
7/c Dạy tu thiện : Đoạn «Diễn thuyết thứ lớp … tất cả Như Lai».
Diễn thuyết thứ lớp …, là câu tổng. 13 câu sau là biệt hiển.
8 câu đầu là Tự phần pháp hóa. 5 câu sau là Thắng tiến pháp hóa.
C/1 TỰ PHẦN PHÁP HÓA : Có 8 câu.
2 câu đầu là nói về pháp năng thuyết.
Trí tuệ phân biệt bình đẳng quán pháp trước sau không trái, là quán lý bình đẳng mà không trái với các sự riêng biệt.
Diễn thuyết tánh của các pháp phá hoại mà nơi pháp giới không có tán diệt, là trừ sự hoại mà không phá lý còn. Thực là, do lý sự tuy đoạt nhau, cả hai đều tận mà chẳng ngại cả hai cùng còn.
Cũng có thể giải thích :
Phân biệt là thuyết. Nghĩa là, với pháp bình đẳng trên, dùng Dị môn, mỗi thứ thuyết riêng mà đều không mất bản tông, nên nói trước sau không trái. Đây là bản mạt (gốc-ngọn) vô ngại.
Thuyết pháp duyên khởi không tánh, gọi là thuyết pháp phá hoại, mà cũng không ngại pháp giới không có tán diệt của duyên khởi. Đây là thành hoại vô ngại.
Các câu sau, là đối với người hay làm lợi ích.
Đoạn trừ nghi hoặc khiến đều hoan hỉ, là dạy khiến sinh tín tâm. Tín trừ nghi, nên hoan hỉ.
Dạy nhập chân đế, là dạy khiến sinh hiểu biết. Hiểu thật lý, gọi là nhập. Sau, dạy khởi hạnh.
Dạy các công đức nhập biển Như Lai, là phúc hạnh hướng quả. Sau, dạy tuệ hạnh.
Thuyết chân thật tế để hoại các tướng, là phá tướng hạnh.
Dạy pháp giới bình đẳng khai thị pháp tạng, là nhập thật hạnh.
Dạy tất cả y nơi tâm vô sở nhiễm, là hạnh pháp không chấp đều y nơi tâm. Nhị biên đều lìa nên nói vô sở nhiễm.
C/2. THẮNG TIẾN PHÁP HÓA : Có 5 câu.
Dạy bình đẳng niệm tất cả chư Phật, là dạy dùng cái niệm bình đẳng không hai đó mà niệm kính chư Phật, thì gần với Phật thân.
Dạy âm nhu nhuyến mà không chấp trước, là tự học âm nhu nhuyến mà không chấp trước.
Dạy tất cả âm mà không sai biệt, là ở nơi các âm khác nhau mà tâm không sai biệt.
Hai câu trên là học ngữ nghiệp của Phật.
Dạy pháp thù thắng không gì sánh bằng, là học giáo pháp của Phật.
Dạy đầy đủ trí thân bình đẳng của tất cả Như Lai, là tu trí tuệ của Phật.
Hai câu trên là học ý ngữ của Phật.
Bồ-tát như thế, thường hay hóa độ tất cả …, là câu kết. Có thể tự hiểu.
Các tin khác
-
» PHẬT THĂNG ĐỈNH NÚI TU-DI - Phẩm 9 (31/03)
-
» BỒ-TÁT VÂN TẬP TRÊN ĐIỆN DIỆU THẮNG THUYẾT KỆ - Phẩm 10 (31/03)
-
» BỒ TÁT THẬP TRỤ - Phẩm 11 (31/03)
-
» PHẠM HẠNH - Phẩm 12 (31/03)
-
» CÔNG ĐỨC CỦA BỒ TÁT SƠ PHÁT TÂM - Phẩm 13 (31/03)
-
» MINH PHÁP - Phẩm 14 (P,2) (31/03)