Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký Q5
BỒ-TÁT VÂN TẬP TRÊN ĐIỆN DIỆU THẮNG THUYẾT KỆ - Phẩm 10
22/06/2017HOA NGHIÊM KINH THÁM HUYỀN KÝ
(Xem tại đây)
Cũng có 4 môn phân biệt như trên.
I. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM
Bồ-tát, là thể.
Vân (mây) là tướng. Vì các Bồ-tát ngậm mưa pháp.
Tập (tụ họp), là dụng. Điện là chỗ vân tập.
Diệu Thắng có 3 nghĩa :
a. Phật và đại chúng diệu thắng. Lúc này, điện Diệu Thắng chỉ cho cái điện của sự diệu thắng.
b. Vì trong đó thuyết pháp diệu thắng.
c. Điện đó diệu thắng, vì xứng với tánh.
Thuyết kệ, là ngữ nghiệp. Pháp giới của Bồ-tát như mây tụ lại. Đều dùng diệu ngữ tuyên dương công đức Phật, nên phẩm có tên là Bồ-tát Vân Tập Thuyết Kệ.
II. DỤNG Ý
Trước đã nói Như Lai thăng Thiên muốn thuyết pháp, nhất định phải có các căn cơ đủ duyên, nên có phần này. Lại, trước là để rõ ‘Quả đức soi cơ’, đây là ‘Nhân lực trợ hóa’. Trước là chủ, sau là bạn. Nghĩa cứ theo thứ lớp mà hiểu.
III. TÔNG THÚ
Tập chúng phóng quang minh, kệ tán thán là tông.
Chúng có ba loại :
1/ Chúng trợ hóa : Bồ-tát ở mười phương có liên quan với Như Lai.
2/ Chúng hiển pháp : Các Thủ, các Tuệ, các Lâm, các Tràng v.v… đều là hàng được ký thác, biểu thị cho pháp.
3/ Chúng đương cơ : Các căn cơ được giáo hóa.
Văn kinh đây nói chung cho cả ba.
IV. GIẢI THÍCH VĂN KINH
Phân làm ba : 1/Tập chúng. 2/Phóng quang. 3/Thuyết kệ.
1. Tập chúng : Có hai : Trước, là tại quốc độ này. Sau là kết thông mười phương.
TẠI QUỐC ĐỘ NÀY : Có hai :
1. Hiển từ chỗ nào đến : Đoạn “Lúc ấy, mười phương … tịnh tu phạm hạnh”. Có hai :
1. Nói đến phần lượng : Trước thì mười, còn đây là một trăm, hiển hạnh vị tăng dần.
Trăm Phật thế giới vi trần số, là lấy trăm thế giới Phật nghiền làm vi trần. Như ở phương đông, qua khỏi khoảng vi trần số quốc độ như thế có một thế giới tên là Nhân-đà-la. Từ phương đông của quốc độ này, qua khỏi trăm vi trần số quốc độ, lại có một thế giới tên là Liên Hoa. Cứ vậy, mười lớp thế giới ở hướng đông, mỗi mỗi qua nhau trăm vi trần số thế giới. Sở dĩ nói mười tầng là để hiển vô tận. Như mười thế giới ở phương đông, chín phương còn lại cũng như vậy. Phần lượng thế giới, Phật hiệu và Bồ tát đều đồng, nên nói mỗi phương đều có mười thế giới, và đều đồng liệt kê tên.
Đây chỉ y cứ vào một hội ở Thiên cung. Các thế giới khác ở mười phương đều như vậy, là pháp giới vô biên hội. Vì một hội là tất cả hội v.v... Như chỗ kết thông mười phương đã nói.
2. Hiển tên bản xứ tam thế gian : Tên của thế giới nhiều, là biểu trưng tướng của pháp sở giải không phải một.
Phật đồng tên Nguyệt, đây là quả tướng trong Thập trụ. Có ba nghĩa :
- Ứng vào thể là nghĩa viên mãn.
- Ứng vào dụng là nghĩa quang chiếu.
- Ứng vào đức là nghĩa thanh lương.
Lại, đầu là chánh thể, kế là hậu đắc, sau là đại bi. Dùng Nguyệt như một cách ví von.[1]
Bồ-tát đồng tên Tuệ, là nhân tướng trong Thập trụ. Vì hiểu thấu nghĩa chân tục rõ ràng. Đều ở tại Phật độ của mình, tịnh tu phạm hạnh, là hiển nhân y nơi quả mà thành, là tương thuận.
2. Bồ-tát vân tập về : Đoạn “Lúc ấy, nhờ thần lực của Phật … ”. Có hai :
1. Đến đây, rất cung kính.
2. Kính rồi thì an tọa.
Đều nói nhờ thần lực của Phật, là nguyên nhân ‘đến đây’ và ‘an tọa’, quả lực thêm thành tựu.
Khắp cả mười phương, là nghĩa duyên khởi vô ngại.
2. Phóng quang : Đoạn “Lúc ấy, Thế Tôn … mười phương”. Có sáu :
1. Người phóng quang : Như Lai
2. Chỗ xuất quang : Ngón chân. Như ngón chân bám trên đất là trụ lập được, biểu trưng cho Thập trụ. Thành vị bất thối, nên gọi là Trụ.
3. Quang số : Trăm ngàn ức quang minh.
4. Quang tướng : Giải tướng sáng rõ nên nói diệu sắc, cũng là tên.
5. Xứ mà quang chiếu : Đã nói ở phẩm Quang Minh Giác trên. Cũng là chỗ kết thông của các văn kinh. Phẩm trước thì Phật lực làm hiển các thân dưới cây bồ-đề. Đây thì quang chiếu cả dưới cây và trên trời.
6. Như Lai và đại chúng thảy đều hiển hiện, cho thấy năng chiếu và sở chiếu hiển hiện đồng thông thành hội nhất pháp giới viên minh. Cũng nói ở dưới cây bồ-đề và trên đỉnh Tu-di, như đó thì hiểu.
3. Thuyết kệ : Mười vị Bồ-tát là mười đoạn. Đoạn đầu là tổng. Chín đoạn sau là biệt. Vì là Chủ thuyết pháp nên gọi là Pháp Tuệ. Trình bày cả gốc ngọn của hội này là để hiển Phật đức. Sau, đều ở nơi cái tổng thuyết này mà tán thán công đức sai biệt. Cho nên, tổng biệt vô ngại, chỉ là nhất thân pháp giới Như Lai. Trong đó, ngay lý là sự, ngay giáo là nghĩa, ngay nhân là quả, ngay nhân là pháp, ngay tâm là cảnh, viên dung tự tại, toàn thể đều nhiếp. Các thứ này chính là các pháp trong Thập trụ. Các bài kệ dưới ứng cho thấy các ý này.
PHÂN ĐOẠN 1 : Phân làm hai : Trước, trình bày việc của hội này. Sau, giải thích nghi.
1. Trình bày việc của hội này :
Kệ (1) (2) : Nêu việc của phẩm Thăng Thiên.[2]
Kệ (3) (4) (5) : Nêu tướng vân tập ở xứ này.
Kệ (6) (7) : Kết thông mười phương.
Kệ (6) : Nói nguyên nhân kết thông.
Kệ (7) : Hiển tướng kết thông.
2. Giải thích nghi : Nghi rằng ‘Phật quả tự tại, có thể một thân đến khắp tất cả hội không có chướng ngại, nghĩ bàn chẳng thể. Nhưng Bồ-tát là ở nhân địa, có sự hạn cuộc, vì sao cũng có thể trùm khắp như thế?”. Giải thích có ba :
Kệ (8) : Vì chỗ phát tâm sâu.
Kệ (9) : Vì hạnh tu sâu.
Kệ (10) : Vì thành tựu công đức sâu.
Nên được đồng với Phật, trùm khắp.
PHÂN ĐOẠN 2 : Nhất Thiết Tuệ, vì hiểu tất cả pháp ly tướng.
10 bài kệ phân làm năm :
1. Phật không phải là đối tượng (sở kiến) của vọng thủ chấp : Kệ (1) (2) (3)
Kệ (1) : Tiểu Bồ-tát chấp tướng thấy Phật, không thấy được chân pháp.
Kệ (2) : Phàm phu vọng nhiễm, đều chẳng thấy Phật.
Kệ (3) : Nhị thừa tuy quán pháp mà chấp chẳng quên, dính mắc vào pháp giả danh.
2. Đã vọng thủ thì không thấy, vậy ai có thể thấy? : Kệ (4) (5) (6) : Lìa vọng, hiểu đúng, Phật thường hiện tiền.
Kệ (4) : Thấy chân Phật.
Kệ (5) : Tiêu năng sở. Vì không sở thủ, không năng kiến.
Kệ (6) : Hiển lợi ích của quán.
3. Vọng thủ thì sao lại mất mà không thấy? : Kệ (7) : Vì bị si ám.
4. Với chân Phật, công đức nào vượt vọng? Kệ (8) (9) : Pháp giới thanh tịnh.
Kệ (8) : Ứng vào Phật. Nói về nghĩa không sinh diệt của công đức tu sinh.
Câu (1) (2) : Nói về công đức tướng hảo, lìa tam thế sinh diệt, là lập tông.
Câu (3) (4) : Nêu hai cái nhân giải thích thành :
1/ Vì công đức này trụ nơi gốc vô trụ, nên đồng vô trụ. Cũng là hiển không có tự tánh, nên nói vô trụ. Cho nên, tuy không sinh diệt mà không phải không có công đức.
2/ Nếu vô minh chưa hết, còn chướng cách chân như, khiến công đức tu sinh chưa toàn đồng chân như, thì có sinh diệt. Nay ngược với đó, vì thủy giác đồng bản giác, nên nói đều thanh tịnh, nên không sinh diệt.
Kệ (9) : Ứng vào pháp. Vì thấy pháp duyên khởi chính là thấy Phật. Vì nhân duyên sinh chính là chẳng sinh. Thấy lý Phật ở đây đồng với cái ‘không sinh diệt mà thấy Phật’ ở kệ (4).
5. Truy tìm gốc công đức : Kệ (10)
PHÂN ĐOẠN 3 : Gọi là Thắng Tuệ, vì thắng nhãn (mắt) và tịnh tuệ hiểu được thâm trí của Phật, thâm trí thì thù thắng.
10 bài kệ phân làm năm :
1. Lỗi của vọng tình : Kệ (1) (2) (3)
Kệ (1) : Mê mờ thâm trí của Phật.
Kệ (2) : Vọng thủ làm ngăn chướng Phật tướng.
Kệ (3) : Mê ấm làm ngăn chướng pháp thân.
2. Nói về lợi ích của tuệ giải : Kệ (4) (5)
Kệ (4) : Với Tam thừa, quán pháp không thật là thấy Phật lý. Với Nhất thừa, là thấy pháp giới thân Lô-xá-na thông cả lý và sự.
Kệ (5) : Ấm chuyển vô ngã, là Phật.
3. Dùng ví dụ hiển những lỗi trước : Kệ (6) (7) (8)
Kệ (6) : Chỉ ra lỗi ‘Có nhân nhưng lại thiếu duyên’.
Kệ (7) : Chỉ ra lỗi ‘Có duyên mà nhân tạp loạn’. Tạp loạn là chỉ cho vô minh, nên tâm bất tịnh. Cũng chỉ cho lỗi không có tín tâm.
Kệ (8) : Chỉ ra lỗi ‘Có duyên mà thiếu nhân’.
4. Hiển những lợi ích trước : Kệ (9).
5. Truy tìm gốc công đức : Kệ (10).
PHÂN ĐOẠN 4 : Công Đức Tuệ, vì dùng phúc trang nghiêm tuệ.
10 bài kệ phân làm bốn.
1. Nói về lỗi của mê : Kệ (1) (2) (3) (4).
Kệ (1) : Thủ tướng
Kệ (2) : Kiến thủ
Kệ (3) : Vô minh
Kệ (4) : Không có pháp nhãn.
Cũng có thể giải thích :
Kệ (1) (2) : Khởi vọng. Kệ (1) : Chấp hư làm thật. Kệ (2) : Lấy liệt làm thắng.
Kệ (3) (4) : Mê pháp. Kệ (3) : Mê tự tâm. Kệ (4) : Mê chân không.
2. Nói về giải đức : Kệ (5) (6) (7) (8).
Kệ (5) : Cầu pháp nhãn
Kệ (6) : Tâm vô trước
Kệ (7) : Có tịnh nhãn
Kệ (8) : Lìa cái thấy năng sở. Câu (1) (2) : Không thấy tức là thấy. Câu (3) (4) : Thấy tức là không thấy.
3. Tán Phật thuận pháp nhiếp sinh : Kệ (9)
4. Truy tìm gốc công đức : Kệ (10).
PHÂN ĐOẠN 5 : Tấn Tuệ, vì lìa vọng tưởng phóng dật.
10 bài kệ phân làm hai.
1. Nói về lỗi của si vọng : Kệ (1).
2. Nói về cái được của tuệ ngộ : 9 bài kệ sau.
Kệ (2) : Rõ cả chân và ngụy, là rõ vọng ngụy không thật, chân lý là thật.
Kệ (3) (4) : Bỏ ngụy về chân. Kệ (3) : Ứng vào sở chấp vô tướng quán. Kệ (4) : Ứng vào y tha vô sinh.
Kệ (5) (6) (7) : Chân ngụy song dung, là viên thành vô tánh.
Kệ (5) : Đều chân. Kệ (6) : Đều mất. Kệ (7) : Giải thích do đâu cả hai cùng mất (bất câu).
Kệ (8) (9) (10) : Ngụy hết, chân tròn.
Kệ (8) : Không thể bàn.
Kệ (9) : Không thể nghĩ.
Kệ (10) : Quán lợi ích.
PHÂN ĐOẠN 6 : Phần này bản kinh Hoa Nghiêm sang phần 2 (Xem tại đây)
Thiện tuệ, vì biết (tuệ) Phật lìa tâm hại,[3] khéo (thiện) thuyết để rõ tịnh đạo.
10 bài kệ phân làm bốn.
1. Thật đức của Phật : Kệ (1) (2) (3).
Kệ (1) : Lợi tha và tự lợi viên diệu.
Kệ (2) : Tích đức mới thấy.
Kệ (3) : Đồng lý vượt tình.
2. Pháp Phật thuyết : Kệ (4) (5) (6) (7).
Kệ (4) : Hiển bày pháp không thuyết.
Kệ (5) : Không thuyết mà thuyết thì thuyết vô tận.
Kệ trước nói không thuyết nên tận ngôn. Kệ này nói tận ngôn cũng lìa, nên nói vô tận.
Kệ (6) và kệ (7) : Giải thích cái gọi là “Thấy đại danh xưng” ở kệ (5).
Kệ (6) : Nói cái không thấy trong cái thấy. Chúng sinh, là người thấy. Đó cũng không.
Kệ (7) : Nói cái thấy trong cái không thấy.
Không hoại, có ba nghĩa : 1/Thấy bất đãi phá.[4] 2/Thấy lý không hoại. 3/Thấy thể tức chân.
3. Kết lại cái biết Phật và nói tướng lợi ích : Kệ (8) và ½ kệ (9).
4. Truy tìm gốc công đức : ½ kệ (9) và kệ (10).
PHÂN ĐOẠN 7 : Phân làm bốn.
Trí tuệ, là nghe giáo mà sinh tuệ.
10 bài kệ phân làm bốn :
1. Tự thuận giáo sinh tuệ nên lập tên đó : Kệ (1).
2. Chúng sinh đi ngược với lý nên tổn hại : Kệ (2) đến kệ (7).
Kệ (2) và (3) : So đo nhân pháp nên không thấy Phật. Đầu là nhân, sau là pháp. Vì không quán thật tướng của thân.
Kệ (4) đến (7) : Ứng vào địa vị mà nói không thấy Phật.
Kệ (4) và (5) là ứng vào địa vị phàm phu : Kệ (4) nói cái lỗi tình thức. Kệ (5) nói về chánh lý. Vì sinh tử niết bàn tương đãi nên đều bất khả đắc. Cũng là nói về niết bàn của Nhị thừa. Phần nhiễm là sinh tử. Phần tịnh là niết bàn. Cả hai dung nhau nên đều bất khả đắc.
Kệ (6) và (7) là ứng vào Nhị thừa : Kệ (6) là mê giáo. Kệ (7) là thủ tướng. Như Am-đề-ca-ha Xá-lợi-phất nói kệ: “Ta ở trong tĩnh thất. Tôn thường hiện trước mắt. Nhân[5] xưng A-la-hán. Thường theo mà không thấy”.
3. Khuyên khiến thuận lý thành lợi ích : Kệ (8)
4. Nêu pháp giải thích thành tựu : Kệ (9) (10). Vì sao chấp có thì không thấy Phật? Giải thích : Pháp thật thì không, vì Phật trí cầu không thể được. Lại nói, vì biết rõ tất cả pháp ba đời không, nên gọi là Như Lai. Cho nên phải biết, nếu thủ tướng v.v… thì không thấy Phật.
PHÂN ĐOẠN 8 : Chân Tuệ, là thấy pháp thân chân lý. Tuệ đồng với lý nên gọi là Chân Tuệ.
10 bài kệ phân làm hai.
1. Công đức tán thán Phật danh : Kệ (1) (2). Kệ (1) là nêu bày. Kệ (2) là giải thích.
2. Nói về nghĩa của Phật đức : Kệ (3) đến (10). Phân làm hai :
1. Hội cảnh giới nhị đế (Phật sở tri), thành tựu cái quán pháp thân : Kệ (3) (4) (5).
Kệ (3) : Nêu bày. Do ngụy không hòa hợp nên tục đồng chân.[6]
Kệ (4) : Giải thích. Ứng vào ba thời cầu hợp tướng không được.
Kệ (5) : Lợi ích khi quán thành tựu.
2. Hội cảnh và trí của Phật, thành tựu hạnh dứt năng sở: Kệ (6) đến (10). Phân làm bốn.
Kệ (6) : Nêu cảnh và trí
Kệ (7) : Mất năng sở : Cảnh và trí là một cũng không thể, là hai cũng không thể. Chứng được “như”, nhìn lại thì không có trí ngoài “như” nên không có giác, cũng không có pháp ngoài trí có thể thủ, nên không có sở giác. Là Phật sở tu nên không một cũng không hai. Đây có ba nghĩa :
- Ứng vào cảnh chân tục không có một hai.
- Ứng vào trí hư chiếu không có một hai.
- Ứng vào cảnh trí không có một hai.
Kệ (8) (9) : Giải thích không có một hai : Vì cảnh và trí không hợp. ½ kệ (8) nêu bày tông. ½ kệ (8) và ½ kệ (9) là giải thích. Vì một pháp thì không tự sở y, nên nói là các. Với một cũng như vậy. Cả hai đều không tánh sao có duyên hợp? Lại, tạng tánh y nơi duyên, một là các. Các pháp y nơi tạng tánh, các là một. Đều không tự tánh, đều không có sở y. Không có sở y, nên nói vì sao là duyên hợp? Vì thể dụng đều mất, nên nói tác giả và sở tác đều không.
½ kệ (9) và kệ (10) : Nói lợi ích khi quán thành tựu. ½ kệ (9) là nêu bày. Kệ (10) là giải thích. Chỗ bất khả đắc này là chỗ Phật y tựa. Ở đó tuyệt năng sở nên nói không có sở y, không có giác.
PHÂN ĐOẠN 9 : Vô Thượng Tuệ, là loại tuệ lìa các tướng trên.
10 bài kệ phân làm ba.
1. Giải thích tên mình : Kệ (1).
2. Hiển Phật đức : Kệ (2) đến (9).
Kệ (2) đến kệ (7) : Nói về công đức nội chứng của Phật.
Kệ (2) : Cảnh lìa là thô, diệu tu sinh đức là thô. Vì không nên không tác. Chân lý là tế, vốn có, không hy vọng.
Kệ (3) : Lìa tính và không tính.
Hai bài kệ trên ứng vào cảnh.
Kệ (4) : Lìa chiếu và không chiếu. Đây ứng vào trí.
Kệ (5) và ½ kệ (6) : Lìa sở y và vô sở y.
½ kệ (6) và kệ (7) : Lìa tướng một hai.
Các thứ trên ứng vào cảnh và trí đều dung.
Kệ (8) (9) : Hiển công đức ngoại hóa của Phật.
Kệ (8) : Giáo hóa khiến trụ pháp vô sở trụ.
Kệ (9) : Được thấy chân thân không có sở kiến.
3. Truy gốc công đức : Kệ (10).
PHÂN ĐOẠN 10 : Kiên Cố Tuệ, là biết ân Phật chẳng thể phá hoại.
10 bài kệ phân làm ba.
1. Phật ân thâm sâu : Kệ (1) đến kệ (6).
Câu (1) kệ (1) : Nêu bày ân đức.
Ba câu còn lại, kệ (2) đến (6) : Giải thích tướng ân đức đó.
Ba câu còn lại kệ (1) : Vì đời xuất hiện. Kệ (2) : Thấy đời quá khổ. Kệ (3) : Cứu khổ chỉ có Phật. Kệ (4) : Ban sự an lạc cũng là Phật. Kệ (5) : Chúng của Phật cũng có khả năng đó. Kệ (6) : thấy nghe đều được lợi ích.
2. Mừng mình được gặp : Kệ (7) (8) (9).
Kệ (7) : Mừng mình được lợi ích.
Kệ (8) : Đại chúng cũng được lợi ích.
Kệ (9) : Lại mừng vì thấy sự lợi ích của trí tuệ. Cũng là kết luận lại những gì mình đã nói.
3. Kết luận, tán thán vô tận : Kệ (10). Tổng kết về chín người đã thuyết giảng trên.
[1] (88, 1, 14)
[2] Phẩm Phật Thăng Đỉnh Núi Tu-di trên.
[3]Hại : Tai hại, ghen ghét v.v… chỉ cho các cấu.
[4]見不待破故 : Thấy bất đãi phá : Đãi là chờ đợi, chỉ cho pháp nhân duyên, tướng của pháp phải đợi nhân duyên hội tụ mới có. Cái thấy này không trụ nơi đó, nên nói cái thấy không thuộc đợi phá.
[5] Chỉ cho bậc hiền thánh.
[6] (89, 1, 17)
Các tin khác
-
» PHẬT THĂNG ĐỈNH NÚI TU-DI - Phẩm 9 (31/03)
-
» BỒ TÁT THẬP TRỤ - Phẩm 11 (31/03)
-
» PHẠM HẠNH - Phẩm 12 (31/03)
-
» CÔNG ĐỨC CỦA BỒ TÁT SƠ PHÁT TÂM - Phẩm 13 (31/03)
-
» MINH PHÁP - Phẩm 14 (P.1) (31/03)
-
» MINH PHÁP - Phẩm 14 (P,2) (31/03)