Căn bản
VU LAN NÓI ĐẾN BIẾT ÂN VÀ BÁO ÂN
Chân Hiền Tâm
26/03/2017
Vu lan lại về...
Mùa hiếu hạnh lại đến.
Hiếu hạnh thì gần như các Đạo giáo chính thống đều có nhắc đến, đều dạy môn đồ của mình hai chữ hiếu hạnh. Nhưng tùy theo tông chỉ cũng như phương tiện của từng Đạo giáo mà chúng ta được dạy hiếu hạnh theo nhiều cách khác nhau.
Phật giáo dạy hiếu hạnh
Với Phật giáo, có người cho rằng Phật không dạy Phật tử hiếu hạnh, hoặc là dạy Phật tử hiếu hạnh với Phật Tổ thôi, không dạy hiếu hạnh với cha mẹ v.v… Nói vậy là vì không nghiên cứu kinh điển của Phật Tổ kỹ càng, chỉ đọc vài chỗ nào đó trong kinh luận, hoặc đọc một vài hành trạng nào đó của Phật Tổ mà không biết rằng Phật pháp là pháp duyên khởi. Duyên khởi là sao? Là hiếu hạnh có nhiều hình tướng, nhiều cấp bậc. Tùy căn cơ, năng lực và lợi ích nhiều hay ích của từng người mà Phật dạy hiếu hạnh thấy khác nhau. Không phải hiếu hạnh chỉ nằm ở một hình tướng cố định nào đó, rồi y cứ vào đó, lấy nó làm tông chỉ cho toàn bộ sự hiếu hạnh.
Thấy Phật bỏ cha mẹ xuất gia, Tổ Hoàng Bá âm thầm về thăm mẹ nhưng lại để mẹ rớt xuống sông mà chết rồi cho Phật Tổ của Phật giáo không coi trọng hiếu hạnh, không thể dạy môn đồ hiếu hạnh được v.v… là cái nhìn thiển cận của người không hiểu Phật giáo. Nếu hiểu, ta sẽ thấy Phật giáo dạy hiếu hạnh rất cặn kẻ.
Trong kinh có kể câu chuyện.
Xưa vào thời đức Phật còn tại thế, ở một ngôi làng nọ có hai mẹ con sống côi cút bên nhau. Cả hai đều phải làm lụng vất vả nhưng cuộc sống vẫn cơ cực. Chàng thanh niên bất mãn chán nản. Khi nghe đồn về sự ra đời của đức Phật và giáo pháp của ngài, chàng quyết tâm bỏ mẹ, tìm cho được Phật để mong ngài có thể giúp mình có cuộc sống tốt hơn.
Trên đỉnh núi Linh Thứu, Thế Tôn đang nhập định quán sát nỗi khổ của chúng sinh. Ngài thấy cảnh người mẹ đang ốm đau bịnh tật, ngày đêm vẫn trông con. Ngài lại thấy hình ảnh của chàng thanh niên, không sợ rừng cao nước độc, vẫn một lòng quyết chí tìm gặp cho được Phật. Thế Tôn động lòng từ, quyết độ cho hai mẹ con được như sở nguyện. Ngài hóa hiện thành vị Sa môn đi khất thực. Gặp được vị Sa môn, chàng thanh niên hỏi thăm về nơi ở của đức Phật, vị Sa môn trả lời: “Ngươi hãy quay lại con đường cũ, nếu gặp ai đi dép trái chân, người ấy chính là Phật”.
Chàng thanh niên nghe lời vị Sa môn và quay trở lại. Gặp ai cậu cũng chú ý đến chân họ. Không một ai đi dép trái chân. Cậu thấy mình trở về nhà cũ. Cậu đưa tay gõ cửa và cất tiếng gọi mẹ. Người mẹ nghe tiếng con, vội vàng xỏ chân vào dép mà không hề biết mình đang mang dép trái. Bà mở cửa, cậu con trai nhìn thấy mẹ mang dép trái, tỉnh ngộ ôm chầm lấy mẹ.
Qua hình tượng người mẹ trong câu chuyện trên, cộng với các lời dạy hiếu kính đối với cha mẹ trong các kinh thì việc hiếu kính cha mẹ, dù là phật tử tại gia hay xuất gia, đều được đặt lên hàng đầu. Nhưng trên sự tướng đôi khi chúng ta thấy có sự sai khác là vì đi sâu vào mặt lợi ích mà có khác nhau. Những hình tướng tưởng như không hiếu chính thực là rất hiếu. Nhưng do cái nhìn của mình chưa tới nên mình không nhận thấy được bản chất của sự việc. Song nói chung, với Phật giáo, hiếu hạnh vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Phật nói công đức cúng dường cha mẹ nhiều như công đức cúng dường chư Phật. Kinh Nhẫn Nhục nói: “Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu. Cùng tột điều bất thiện không gì hơn bất hiếu”. Kinh Tạp Bảo Tạng ghi: “Người nào muốn cúng dường thánh hiền và Phật, hãy cúng dường cha mẹ, tất cả thánh hiền và Phật đều ở trong nhà”. Cái nhìn của Phật giáo đối với hiếu hạnh là như vậy.
Trả hiếu không gì bằng biết ân và báo ân
Hiếu hạnh, không gì tốt bằng biết ân và báo ân. Không có phần báo ân này thì hiếu hạnh của chúng ta chỉ có trên bờ môi chót lưỡi. Muốn báo ân thì trước chúng ta phải biết “biết ân”. Phải biết đó là ân, ân như thế nào, làm thế nào để báo ân thì chúng ta mới biết báo ân. Ân có báo thì việc hiếu hạnh mới khả thi. Không thì hiếu hạnh chỉ nói cho vui miệng, bàn cho qua chuyện mà thôi.
Tứ ân
Với việc báo ân, Phật giáo không chỉ có ân cha mẹ mà còn có ân quốc vương, ân chúng sinh và ân Tam Bảo.
Ân quốc vương, là đối với chính quyền nhà nước và những người đã bỏ mạng sống vì đất nước để mình có được ngày nay, mình phải biết ân. Biết ân bằng cách nào? Sống tôn trọng pháp luật, sống đúng với bổn phận của một người dân, không thị phi quấy nhiễu khiến mọi thứ thêm rắc rối.
Chẳng may nếu chúng ta gặp phải một chế độ mà trong đó những người lãnh đạo tham nhũng v.v… thì chúng ta phải hiểu rằng, mọi thứ đều duy tâm sở hiện. Không có gì không từ tâm lưu xuất. Hoàn cảnh bất lợi bên ngoài đến với mình, chính là do cái nhân bên trong mình đã tạo ra trong quá khứ. Đó là lý duy tâm sở hiện mà Phật đã nói. Vì thế, nếu tâm bên trong không thay đổi hoàn thiện thì cảnh giới bên ngoài khó mà thay đổi. Cho nên, bản thân mình phải tu thiện, làm thiện và giúp mọi người chung quanh tu thiện, làm thiện. Khi tâm người dân thiện thì nhất định sẽ có sự thay đổi ở các cấp chính quyền. Tâm người dân phải thiện, phải có phước thì thành phần thanh liêm và có lòng với đất nước mới có thể xuất hiện làm lợi ích cho đất nước, mới có thế lực nắm quyền chủ động mà phá bỏ các việc không ích nước, lợi dân. Không thì dù chư vị có lòng bao nhiêu cũng không thể tồn tại để giúp người dân được ổn định đời sống tốt đẹp, nói là nắm vận mệnh đất nước để lật ngược thế cờ. Cho nên, biết ân và báo ân tổ quốc không gì hơn là cùng mọi người sống thiện và làm thiện.
Ân chúng sinh, là biết ân với những người chung quanh ta, những người ta có duyên gặp gỡ trong đời. Với những người mà thuận duyên nhiều, là những vị hay giúp đỡ ta, mang đến hạnh phúc an vui cho ta thì biết ân không khó. Nhưng với những người chuyên gây não hại cho ta mà nói đến hai chữ biết ân là khó. Song Phật đã dạy phải biết ân là có nhân duyên. Bởi trong nhiều đời nhiều kiếp, sinh đây chết kia, nhân duyên làm cha mẹ con cái qua lại không phải ít. Dù nghịch thì công sinh thành vẫn khó nhọc, khổ cực, nên Phật khuyên nên biết ân.
Ngoài ra, kẻ thuận duyên coi vậy mà ít giúp ta tiến tu trên đường đạo, nhưng nghịch duyên thì thường giúp ta tiến tu dễ dàng hơn. Cho nên, hóa thân của Bồ-tát có phần nghịch hạnh, là làm oan gia v.v… khiến chúng sinh thấy khổ mà tu hành. Cũng nhờ gặp nghịch duyên mà ta sử dụng trí thủy giác của mình được thuần thục.
Thuận duyên khiến ta buông trôi tâm thức, nhưng nghịch duyên giúp ta phải định tĩnh, phát tuệ để sử lý tình huống cho tốt đẹp, giúp nhẫn lực của ta thêm lớn.
Đó là lý do phải biết ân chúng sinh.
Muốn báo ân thì không nên vì nghịch duyên mà ghét bỏ thiên hạ. Cần hồi hướng công đức tu hành, công đức lợi tha để nghịch duyên biến thành thuận duyên. Đó là cách dễ làm nhất trong các cách báo ân khi gặp nghịch duyên.
Ân cha mẹ, là đối với cha mẹ phải biết công sinh thành và sinh dưỡng rất lớn.
Nếu giữa cha mẹ và con cái có sự đồng cảm, thương yêu, con làm gì cha mẹ cũng thấy đúng, cha mẹ nói gì con cũng thấy hợp lý thì việc hiếu hạnh dễ xảy ra. Việc báo ân cũng dễ dàng. Nhưng gặp phải duyên nghịch, cha mẹ con cái không đồng quan niệm thì việc biết ân và báo ân thành khó.
Trong hoàn cảnh bất nghịch đó, nếu con cái vẫn có thể hiếu hạnh với cha mẹ thì Phật nói đó là hàng Bồ-tát tái lai.
Trong trường hợp bất nghịch như vậy…
1/ Nếu chúng ta là cha mẹ, hiểu biết Phật pháp thì chúng ta phải có định tỉnh và trách nhiệm đối với những mối nghịch duyên này. Cần phải quán nhân quả để không thấy bực bội sân hận với con cái. Nếu khởi tâm sân hận với con trẻ thì con trẻ sẽ rơi vào đường dữ trong tương lai. Kinh nói: “Nếu nam nữ nào bội ân không thuận, khiến cha mẹ sinh niệm ai oán, mẹ phát lời ác con liền theo đó mà đọa, có khi rơi vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Sự mau chóng ở thế gian không gì bằng gió mạnh, biểu hiện của ai oán cũng nhanh như thế. Tất cả Như Lai cho đến tiên nhân có đủ ngũ thông v.v… đều không thể cứu”[1]. Con rơi vào đường khổ thì mình cũng không thể sung sướng khi đã có nhân duyên với nhau.
Ngoài việc thấu hiểu, đả thông những mối nghịch duyên, ta cần tham gia tu học và làm việc phước thiện để có công đức hồi hướng cho con trẻ, giúp mối nghịch duyên thành thuận duyên. Hồi hướng công đức tu hành của bản thân cho con trẻ là việc làm dễ dàng nhưng không kém phần hiệu quả.
2/ Nếu chúng ta là con cái thì phải biết mềm mỏng thuận thảo với cha mẹ. Phải thấy trên đời này không có gì không có nhân mà có quả. Trong quá khứ mình đã tạo ra những duyên không tốt với cha mẹ nên hiện đời mới gặp nghịch duyên, không được cha mẹ thương yêu v.v… Quán vậy rồi thì thuận thảo. Cha mẹ dù khó khăn đến đâu nếu mình thành tâm thì mọi thứ đều được chuyển hóa.
Trong việc báo ân, ngoài việc bình thường mà người đời hay làm như phụng dưỡng cha mẹ, giữ thanh danh cho gia đình, lo tang chay cho cha mẹ được tốt đẹp v.v… chúng ta phải làm sao để cha mẹ được yên vui mà đến với đạo, giúp cha mẹ qui y Tam bảo, hiểu biết nhân quả, biết bố thí cúng dường và làm thêm các việc phước thiện khác. Có vậy, mới trả được phần nào công dưỡng dục sinh thành.
Ân Tam bảo, là đối với Phật, Pháp, Tăng phải có tâm quí kính và phụng hành. Phải nói, không có Tam bảo thì chúng sinh khó mà có được cuộc sống yên vui trong thế giới tạm bợ này.
Muốn báo ân Tam bảo, không gì hơn ngoài ba việc văn, tư, tu Phật pháp. Nói rõ hơn là Giới nên giữ, Định nên tu và Tuệ cần hiển. Tùy sức tùy lực mà làm việc này.
Cách báo ân lớn nhất đối với Tam bảo chính là phát tâm Bồ-đề vô thượng và thể nhập lại Phật tri kiến của mình. Nương việc phát tâm đó mà tự lợi, lợi tha.
Báo ân tổ quốc, báo ân chúng sinh và báo ân cha mẹ cũng chính là góp phần báo ân Tam bảo.
Nhân mùa Vu lan, nguyện tất cả chúng sinh trong mười phương pháp giới, hiếu hạnh tròn đầy, thảy đều phát tâm Bồ-đề vô thượng, tự giác, giác tha viên mãn.
Các tin khác
-
» BẤT ĐẮC KỲ TỬ VÀ PHÁP ĐỐI TRỊ (27/05)
-
» 4 PHÁP LÀM THỐI THẤT TÂM BỒ-ĐỀ (24/04)
-
» HỌC HẠNH KÍNH LỄ (26/03)
-
» NHÂN QUẢ QUA MỘT CÂU CHUYỆN (26/03)
-
» PHÁP GIÚP BỒ TÁT SINH HỈ TÂM (26/03)
-
» BẰNG CHỨNG CÓ THÂN TRUNG ẤM TRONG KINH LUẬN (25/03)
-
» MỘT CÂU CHUYỆN VỀ NGHIỆP (25/03)
-
» NĂNG LỰC PHÁT NGUYỆN (25/03)
-
» BA PHÁP TU TẬP CỦA BỒ-TÁT TẠI GIA (25/03)
-
» BẢN CHẤT CỦA VIỆC CẦU CƠ (25/03)