Căn bản
TOÀN BI CỦA PHẬT
Thiền Đạo Tu Tập - Chang-chen-chi - Như Hạnh dịch
25/03/2017Toàn bi của Phật bao trùm tất cả và vô phân biệt. Đó là một tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện.
Như mọi thứ khác trên đời này, tình yêu cũng có rất nhiều tầng bậc và thâm độ.
Tình yêu càng vĩ đại càng ít lệ thuộc vào điều kiện.
Tình yêu tôn giáo có phạm vi rộng lớn và mức độ sâu xa hơn tình yêu cá nhân, gia đình hay tổ quốc v.v… Vì những tình yêu đó có điều kiện. Vì thế nó bị hạn hẹp trong vòng ranh giới chật hẹp của những giới hạn mà nhân loại đã đặt ra.
Tuy nhiên vẫn còn một biên giới khác mà ngay cả tình yêu tôn giáo hình như cũng không vượt qua được. Chẳng hạn, tôn giáo dạy ta yêu láng giềng và kẻ thù của ta, nhưng hiếm khi tôn giáo dạy ta yêu những kẻ ngoại đạo. Tôn giáo nhắc nhở ta yêu Thượng đế nhưng cấm ta yêu quỉ sứ. Tà giáo vẫn luôn bị coi là những tội ác xấu xa nhất. “Ngươi không được thờ những thần linh giả mạo” là giáo lệnh tối thượng trong nhiều tôn giáo. Tinh thần và tình yêu của một tôn giáo có thể dễ dàng vượt qua những biên giới của gia đình và chủng tộc, của sinh và tử, nhưng hiếm khi nó vượt qua được biên giới của chính nó. Giới hạn này ẩn tàn ngay trong những giáo điều của chính Tôn giáo đó. Sự hô hào nhiệt thành của nhiều nhà tôn giáo rằng: “Tình yêu của Thượng đế tôi là vô phân biệt, vô điều kiện” chỉ đúng khi Thượng đế của họ được sùng bái, chỉ khi giáo lý của họ được chấp nhận, và chỉ khi tín ngưỡng của họ được tán đồng. Loại giáo lý “độc hữu gây ra nhiều bất hạnh và hỗn loạn” hình như đã thấm nhiễm vào tận cốt tủy của sự cố chấp tôn giáo, phản ảnh trong những giáo điều căn bản của rất nhiều tín ngưỡng. Nếu nghiên cứu những giáo điều này trong ánh sáng của kinh Bát-nhã ba-la-mật, ta sẽ khám phá ra ngay rằng: Đằng sau tất cả tình yêu và ân điển giao ước được tán tụng trong rất nhiều kinh điển, có một sự chấp trước thâm căn cố đế, một sự chấp trước vào đấng Thượng đế chân thật độc nhất, một tôn giáo chân thật độc nhất, một nguyên tắc chân thật độc nhất v.v…, định tính và tiên định những giới hạn hẹp hòi của chúng.
Theo Phật giáo, tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện chỉ thành tựu được nhờ một sự thực hiện rốt ráo chân lý tánh không (sũnyatã). Từ bi tối thượng chỉ đạt được khi nào đạt được trí tuệ tối thượng. Nói cách khác từ bi tuyệt đối của Phật chỉ phát sinh bằng cách phá hủy tất cả mọi chấp trước, nhờ giác ngộ được chân lý về mãyã (ảo hóa) và sũnyatã (tánh không).
Theo ý nghĩa tối hậu, từ bi của Phật phát khởi không phải vì ngài có một con mắt hay một trái tim nhìn thấy hay cảm được biển khổ thực sự hiện hữu trên thế gian này, mà nó phát khởi một cách tự nhiên và ngẫu phát nhất. Loại từ bi ngẫu phát này, một sở hữu vô song của Phật quả, chỉ có thể phát sinh nhờ một sự giác ngộ sâu xa về sũnyatã và đồng nhất hoàn toàn với toàn thể. Chỉ nhờ gạt bỏ hoàn toàn hết chấp trước, ta mới đạt được từ bi tuyệt đối. Chỉ bằng cách phủ nhận Phật quả, ta mới thành tựu được Phật quả. Chẳng có chúng sinh nào để tội nghiệp. Phật có lòng từ mẫn vĩ đại nhất. Vì bản lai vô nhất vật mà Phật xuống thế để cứu chúng sinh. Như vậy nghịch lý chăng? Nếu có, thì chỉ là bởi chúng ta nghịch lý chứ không phải chân lý nghịch lý. Theo nhãn quan nhân loại, một nghịch lý là một cái gì mâu thuẫn và bất hòa. Nhưng theo nhãn quan Phật giáo thì nó là hòa điệu và đồng nhất.
Như vậy toàn bi của Phật là một tình yêu bao trùm tất cả và vô điều kiện. Một tình yêu hệ tại và đồng nhất với toàn trí. Một tình yêu không phát khởi từ một hình thức chấp trước nào mà từ một giải thoát hoàn toàn khỏi tất cả mọi vướng mắc.
Các tin khác
-
» BẤT ĐẮC KỲ TỬ VÀ PHÁP ĐỐI TRỊ (27/05)
-
» 4 PHÁP LÀM THỐI THẤT TÂM BỒ-ĐỀ (24/04)
-
» HỌC HẠNH KÍNH LỄ (26/03)
-
» NHÂN QUẢ QUA MỘT CÂU CHUYỆN (26/03)
-
» VU LAN NÓI ĐẾN BIẾT ÂN VÀ BÁO ÂN (26/03)
-
» PHÁP GIÚP BỒ TÁT SINH HỈ TÂM (26/03)
-
» BẰNG CHỨNG CÓ THÂN TRUNG ẤM TRONG KINH LUẬN (25/03)
-
» MỘT CÂU CHUYỆN VỀ NGHIỆP (25/03)
-
» NĂNG LỰC PHÁT NGUYỆN (25/03)
-
» BA PHÁP TU TẬP CỦA BỒ-TÁT TẠI GIA (25/03)