Căn bản
PHẬT DẠY VỀ LỢI DƯỠNG
Kinh Tăng Nhất A-hàm I - Phẩm Nhập Đạo.
25/03/20171/ Chớ nên sinh tâm lợi dưỡng
Kinh Tăng Nhất A Hàm 1, phẩm Nhập đạo, trg 147 ghi:
Khi còn ở thành Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, đức Phật nói với các Tỉ kheo rằng:
Lợi dưỡng quá nặng khiến người không đến được đạo vô thượng.
Vì sao?
Đề-bà-đạt-đa ngu si, nhận 500 nồi cơm của Vương tử A-xà-thế cúng dường. Nếu ông ta không cúng dường thì Đề-bà-đạt-đa trọn không có điều kiện để làm điều xấu ác. Vì Vương tử hằng ngày đem 500 nồi cơm đến cúng dường nên Đề-bà-đạt-đa mới khởi 5 điều xấu ác. Thân hoại mạng chung sinh vào địa ngục A-tì. Do đây mới biết lợi dưỡng quá nặng khiến người không đến được đạo vô thượng (thành chánh quả). Vì thế nếu chưa sinh tâm lợi dưỡng, chớ nên sinh. Đã sinh rồi thì nên diệt đi. Như thế các Tì kheo, hãy học điều này.
Ghi chú : Lời này Phật dạy cho Tăng Ni sĩ. Tuy vậy, đối với hàng Phật tử tại gia, dù chỉ cúng dường tập trung cầu phước báu cũng cần biết đến lời dạy này.
Nói đến bố thí cúng dường thì đối với ngoại đạo tà giáo, Phật nói vẫn nên bố thí cho chư vị khi cần (xem bài bố thí). Nhưng trong kinh Đại Bửu Tích, Phật nói người đã có trí chỉ nên cúng dường cho người có giới đức. Dù chưa phải là bậc đắc đạo, chư vị cũng phải lấy giới luật làm trọng.
Theo lời dạy trên, khi chúng ta chưa đủ trí tuệ để biết ai mới là người có giới đức thì:
- Đối với Tăng Ni chúng, khi cúng dường nguyện sự cúng dường đó đến tay các bậc có giới đức, nếu chưa đủ giới đức nguyện chư vị sẽ đủ giới đức.
- Với hàng ngoại đạo tà kiến, khi bố thí cúng dường nguyện hồi hướng chư vị sống đúng với chánh pháp trong tương lai.
- Với bản thân người cúng dường thì nguyện đem công đức cúng dường đó hồi hướng cho con đường Vô thường bồ đề của bản thân. Nếu là hàng Phật tử tại gia cúng dường chỉ mong cầu phước báu thì nguyện mang phước đức đó hồi hướng cho chúng ta có phước báu nhưng vẫn sống trong hào quang của Phật, sống đúng với chánh giáo mà Phật đã dạy. Để chúng ta không vì sự cúng dường cầu phước mà lọt vào đường dữ hay vào nhà tà kiến.
Nếu là hàng cư sĩ có tâm muốn xuất gia trong tương lai thì hiện tại cần phải giữ tâm đối với vấn đề lợi dưỡng như Phật đã dạy cho Tăng Ni.
Hiện tại chúng ta hay có khuynh hướng cúng dường chùa nghèo hơn là cúng dường chùa giàu. Việc làm đó cũng xuất phát từ một tâm rất tốt. Nhưng cần nhớ chùa giàu chùa nghèo chưa nói lên được việc Tăng Ni chúng có giới đức hay không? Chùa nghèo có thể có Tăng Ni có giới đức mà cũng có khi không. Chùa giàu cũng vậy. Trong khi vấn đề Phật nêu ra ở đây là cúng dường cho các bậc có giới đức, không nói là giàu hay nghèo. Công đức và phước dức tùy theo phần giới đức đó mà tăng trưởng.
2/ Hãy như sư tử đối với lợi dưỡng
Kinh Tăng Nhất A hàm 1 – trang 340 ghi:
Đức Thế Tôn bảo các Tỉ kheo: Có loại người như sư tử cũng có loại người như dê.
Có người được cúng dường y phục đồ ẩm thực v.v… Người đó được rồi liền tự ăn uống, không khởi tâm dính mắc, cũng không có dục ý, chẳng khởi các tưởng, cho dù được lợi dưỡng cũng không khởi loạn niệm, không có tâm tăng giảm. Như sư tử ăn thịt thú nhỏ, không nghĩ rằng cái này tốt, cái này không tốt…
Có người được cúng dường y phục đồ ẩm thực v.v… Người đó được rồi liền tự ăn uống, khởi tâm dính mắc, sinh ý ưa thích, không biết đạo xuất yếu. Được của cúng dường rồi, hướng về các tỉ kheo khác mà cống cao hủy báng người khác “Ta được, các tỉ kheo kia không được”. Như con dê ăn phân no rồi, tư cống cao với bầy đàn…
Này các Tỉ kheo ! hãy học như sư tử, đừng học như dê.
Ghi chú : Đây, Phật nói về thái độ mà Tăng Ni chúng cần có đối với vấn đề lợi dưỡng.
Với hàng Phật tử tại gia, đối với phước báu mình đang có cũng nên có thái độ như vậy. Do việc cúng dường bố thí v.v… ở quá khứ mà chúng ta có được các lợi dưỡng ở hiện đời. Để các lợi dưỡng đó được tồn tại dài lâu thì cần phải tiếp tục hành thiện nghiệp, không nên để tâm cao mạn xuất hiện. Tâm cao mạn là một loại phiền não nghiệp đưa đến quả báo xấu trong hiện đời và tương lai. Vì thế không nên để nó xuất hiện.
3/ Sa môn của Phật không có những việc như vậy
Kinh Trường A Hàm quyển 14, bài kinh 21, Phật dạy:
Các Sa môn Bà-la-môn tuy ăn của tín thí nhưng hành pháp chướng ngại đạo, nuôi sống bằng cách tà vạy, như kêu gọi quỷ thần, hoặc lại đuổi đi, các thứ ếm đảo, vô số phương đạo, làm người khiếp sợ , có thể tụ, có thể tán , có thể làm cho khổ , có thể làm cho vui , có thể an thai, trục thai, hoặc phù chú người ta hóa làm lừa, ngựa , có thể khiến người điếc, đui, câm, ngọng , hiện các kỹ thuật, hoặc chắp tay hướng về mặt trời, mặt trăng , hành các khổ hạnh để cầu lợi dưỡng….
Hoặc vì người mà chú đảo bệnh tật, đọc ác thuật, tụng thiện chú , làm thuốc thang, châm chích, trị liệu bệnh tật…
Hoặc chú nước lửa, hoặc chú quỷ thần, hoặc chú Sát-lỵ, hoặc chú voi, hoặc chú chân tay, hoặc bùa chú an nhà cửa , hoặc giải chú lửa cháy, chuột gặm , hoặc đọc sách đoán việc sống chết , hoặc đọc sách giải mộng , hoặc xem tướng tay, tướng mặt , hoặc đọc sách thiên văn , hoặc đọc sách hết thảy âm…
Sa-môn Cù-đàm không có các việc đó.
Ghi chú : Phật so sánh hai hạng sa môn: Sa môn của Bà la môn và sa môn của Phật. Để biết mà phân biệt.
Lý nhân quả chi phối mọi hiện tượng ở thế gian này. Nếu hành ác nghiệp thì sẽ nhận được quả không tốt. Nếu hành thiện nghiệp thì không gặp nạn tai, chết chóc, đói khổ nghèo hèn v.v… Vì thế muốn phá bỏ đi một hoàn cảnh xấu thì cần phải tu nhân tích đức, nghĩa là phải hành thiện nghiệp.
Có một số vị, do phương tiện đối với người chỉ biết tin vào báo toán, bùa chú v.v… mà phải dùng những thứ đó để độ người, giúp người biết rõ nhân quả ở thế gian, đưa người vào đường chánh trong lai, thì chư vị không phải là hàng Tăng Ni mà Phật nói đây.
Phật nói đây, là nói đến những vị đã lấy những phương tiện này làm kế sinh nhai… Đối với người chịu tin nhân quả hành thiện nghiệp vẫn không dạy nhân quả mà lấy các thứ đó ma mị người, khiến người bỏ mất chánh hạnh, lọt vào đường tà.
Phật tử khi đến chùa cũng nên có tâm đức khoát đối với các vấn đề tà mị trên. Nên y bản kinh nói đó mà tìm thiện tri thức cho mình, tránh lọt vào đường tà.
Các tin khác
-
» BẤT ĐẮC KỲ TỬ VÀ PHÁP ĐỐI TRỊ (27/05)
-
» 4 PHÁP LÀM THỐI THẤT TÂM BỒ-ĐỀ (24/04)
-
» HỌC HẠNH KÍNH LỄ (26/03)
-
» NHÂN QUẢ QUA MỘT CÂU CHUYỆN (26/03)
-
» VU LAN NÓI ĐẾN BIẾT ÂN VÀ BÁO ÂN (26/03)
-
» PHÁP GIÚP BỒ TÁT SINH HỈ TÂM (26/03)
-
» BẰNG CHỨNG CÓ THÂN TRUNG ẤM TRONG KINH LUẬN (25/03)
-
» MỘT CÂU CHUYỆN VỀ NGHIỆP (25/03)
-
» NĂNG LỰC PHÁT NGUYỆN (25/03)
-
» BA PHÁP TU TẬP CỦA BỒ-TÁT TẠI GIA (25/03)