Căn bản

MỤC ĐÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH

Thiền Đạo tu tập - Chang-chen-chi - Như Hạnh dịch

25/03/2017


Tư tưởng của nhân loại đặt nền tảng trên sáu phương thức là tích lũy, hữu hạn, mâu thuẫn, điên đảo, hư nhược và chấp thực. Sáu phương thức này có một đặc tính chung, là đều có tính chất phù trầm, di động và biến dịch.

Tâm thức con người giống như một dòng sông. Không ngớt trôi chảy ngoằn ngoèo uốn khúc đây đó, đầy thác và xoáy, ít khi im lặng, không bao giờ tĩnh chỉ.

Hình như tâm thức con người chỉ tác động được bằng cách tuân theo các phương thức hoạt động thăng trầm và vận động này. Chúng ta thường quả quyết rằng, tâm thức con người giống như tất cả mọi cái khác trên thế gian, để tác động được, nó phải hoạt động. Rằng một tâm thức tác động phải ở trong trạng thái chuyển động. Còn một tâm thức tĩnh thì chết.

Nhưng như thế có đúng không?

Có một cách nào khác để tâm thần con người thực hành các nhiệm vụ mà không phải hệ thuộc vào các phương thức lưu chuyển này không?

Theo Phật giáo, bản chất của tâm thức hoặc ý thức là BIẾT. Có nghĩa là trạng thái nhận biết không hơn không kém. Chính chữ BIẾT đó, không gợi ra bất cứ một loại hoạt động chuyển động hay biến dịch nào. BIẾT đi đôi với vận động bởi các xung lực của ý chí mù quáng chỉ đúng trên bình diện nhân loại. Điều kiện đó không cần đúng đối với mức độ cao hơn của ý thức. Ý thức của Phật không bao giờ chuyển động, thăng trầm hoặc biến dịch. Một ý thức giao động chuyển từ một điểm đến một điểm khác, hoặc thay đổi hình thức theo nhiều cách khác nhau không tài nào là ý thức của Phật. Ý thức bao trùm tất cả của Phật không cần chuyển từ chỗ này đến chỗ khác, vì nó thâm nhập vạn pháp. Ý thức siêu việt của Phật không cần phải thăng trầm , vì nó không cần phải biến dịch. Ý thức về toàn thể của Phật không cần những biến dịch hình tướng cũng không cần những điều chỉnh tác năng, bởi vì tất cả vô lượng hình tướng và khả năng thể hiện vô lượng trong ý thức tối thượng của Phật luôn luôn đồng thời hiện hành trong một hòa điệu viên mãn, tương tức tương nhập.

Để thành tựu ý thức tối thượng này, Phật giáo cho rằng, bước đầu trong việc hành trì là phải trấn tĩnh sự lưu xuất không ngừng của những tư tưởng, đem chúng đến một trạng thái hoàn toàn tĩnh chỉ. Nhờ đó, ta có dịp nâng cao nhận thức của mình lên một mức độ cao hơn, vững chắc hơn cho đến khi nó được đưa đến mức hoàn thiện tột đỉnh. Đó đó, thiền định là sự tu tập nền tảng và thiết yếu để chuyển tâm thức của nhân loại thành trí giác ngộ của Phật.

Lý thuyết và pháp môn tu tập thiền định Phật giáo cùng với những chủ đề liên quan đến nó bao la và hàm xúc đến nỗi cả một kiếp sống có lẽ cũng không đủ để khảo sát tường tận.