Căn bản

ĐẠI NĂNG CỦA PHẬT

Thiền Đạo Tu tập - Trương Trừng Cơ – Như Hạnh dịch

25/03/2017
   

Đại năng của Phật là quyền lực vĩ đại nhất và thanh tịnh nhất có thể hiện hữu được, nhưng nó không phải là toàn năng.
Phật toàn trí, toàn bi nhưng không toàn năng.

Nếu có một đấng nào đó có thể bảo là toàn năng thì đấng ấy có khả năng làm tất cả những gì mình muốn. Nói cách khác, một đấng toàn năng có thể đá trái đất lên Thiên đàng như một quả bóng. Bằng cách đó thì đấng ấy cũng có thể tiêu trừ tất cả phiền não và khổ đau của hành tinh này trong nháy mắt nếu đấng ấy muốn vậy. Nhưng Phật không có được quyền lực tự chuyên này. Ngài cũng không bao giờ tự phụ là có quyền lực ấy. Mặc dù nhiều tôn giáo khác đã dành cho thượng đế của họ như vậy. Như thế cũng đủ cho ta thấy rằng toàn trí toàn năng và toàn bi không tài nào có thể hiện hữu trong cùng một sinh linh vào cùng một lúc.

Một đấng thượng đế toàn năng và toàn trí không thể nào có toàn bi. Nếu không, chủ ý sáng tạo thế gian này của ngài với tất cả những hậu quả đau khổ, tội lỗi, địa ngục được coi như vĩnh cửu trở nên lố bịch và không giải thích được. Do đó, lương tâm và sự tiên tri khôn ngoan của ngài cũng chỉ còn là một trò đùa.

Đức Phật đại năng chứ không toàn năng.

Ngài không thể bắt ai tuân theo ý muốn của ngài. Ngài cũng không thể thi hành hoặc thành tựu một cái gì cho một kẻ nào. Vì như thế thì nghịch với lý nhân quả. Phật không trừng phạt ai hoặc giáng ai xuống địa ngục đời đời cả. Một vị Phật toàn bi, có lẽ không bao giờ làm một việc như vậy. Nếu có kẻ nào xuống địa ngục, đó là tự hắn làm, hắn xuống, vì hậu quả ác nghiệp của chính hắn. Trong các kinh điển Phật giáo, không hề nói rằng Phật sẽ trừng trị một người nào đó bằng cách giáng y xuống địa ngục nếu y lỡ bất tuân ý muốn của ngài. Trái lại, tinh thần Phật giáo lại khuyến khích người ta xuống địa ngục, như Bồ-tát Địa Tạng từ bi nói: “Nếu chúng ta không xuống đia ngục thì ai sẽ xuống để cứu những sinh linh khốn khổ dưới đó?”.

Quyền năng linh thánh của Phật cũng giống như mặt trời, không có nó chẳng cây cỏ nào mọc được cả. Nhưng sự tăng trưởng của một cội cây không lệ thuộc hoàn toàn vào mặt trời. Không khí, đất, nước và quan trọng hơn cả, chính là hạt giống, đều cần thiết. Không khí, đất và nước cũng như những nổ lực cá nhân, hướng đến giác ngộ. Còn hạt giống thì như Phật tánh tiềm ẩn trong tâm ta. Phải phối hợp những thành tố dị biệt này mới có thể đạt được Phật quả. Thiếu bất cứ một yếu tố nào trong đó, Phật quả trở nên xa chúng ta. Tóm lại đại năng của Phật có thể trợ giúp và cung cấp những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tâm linh của chúng ta, chớ không thể làm tất cả cho ta. Có lẽ đây là một trong những khác biệt chính yếu giữa Phật giáo với những tôn giáo khác.

Theo quan điểm Đại thừa, dù đại năng của Phật không bao gồm toàn năng viên mãn, nó cũng không xa điều đó lắm. Phật giáo Đại thừa quả quyết rằng, đại năng của Phật giống như năng lực sẵn có từ mặt trời, vốn vô cùng tận, nhưng lợi ích mà người ta có thể rút ra từ đó tùy thuộc hoàn toàn vào khả năng và nỗ lực của cá nhân. Với một kính hội tụ nhỏ, ta có thể qui tụ đủ sức nóng từ ánh sáng mặt trời để đốt một que diêm. Với những thấu kính mạnh hơn, ta có thể thu hoạch đủ sức nóng để sưởi ấm cả căn nhà. Nếu toàn năng của thượng đế được hiểu trong ánh sáng này thì giữa Phật giáo và các tôn giáo khác không có gì là bất hòa cả.

Các nhà Phật giáo Đại thừa tin rằng: Những giáo lý dị biệt của các tôn giáo khác nhau đều có ích và cần thiết cho những người có khả năng và viễn ảnh khác nhau. Một số những giáo lý này có thể có tính chất quyền biến hoặc dụ dỗ, do để phù hợp với tâm thức non nớt của quần chúng. Một số khác mới là giáo lý tối hậu, chỉ thích hợp vào giai đoạn tiến hóa hiện tại của chúng ta, cho một thiểu số người có căn cơ cao. Nhưng tất cả các tôn giáo đã đóng vai trò xây dựng của chúng trong việc xúc tiến an lạc và phát triển tâm linh nhân loại. Theo nhãn quan của một Phật tử, trong đại gia đình của những giáo lý linh thiêng, chỉ có một sự dị biệt giữa giáo lý sơ bộ và giáo lý tiến bộ, giữa giáo lý quyền biến và giáo lý tối hậu, chớ không phải giữa giáo lý đúng và giáo lý sai.