Căn bản
BẤT ĐẮC KỲ TỬ VÀ PHÁP ĐỐI TRỊ
Bài viết này được trích ra từ bài KHẢO BIỆN VỀ KINH DƯỢC SƯ của thầy Chúc Phú, được đăng trên Nguyệt San Giác Ngộ số 251. Muốn hiểu rõ hơn về nguồn gốc, các ghi chú v.v... xin nghiên cứu kỹ bài viết đó.
22/06/20171. Minh giải về hoạnh tử (Bất đắc kỳ tử)
Theo luận giải của ngài Anuruddhācariyatrong tác phẩm Abhidhammattha Saṅgaha: Cái chết sở dĩ diễn ra do bốn nguyên nhân: thọ diệt, nghiệp diệt, cả hai diệt và sát nghiệp (Āyukkhayena kammakkhayena ubhayakkhayena upacchedakakammunā ceti catudhā maraṇuppatti nāma)25. Sát nghiệp (upacchedakakamma) là trọng nghiệp cắt đứt mạng sống thình lình, là một cái chết phi thời (akālamaraṇa), và cũng có thể gọi là hoạnh tử.
Hoạnh tử là một cái chết không đúng thời. Trong kinh Tương ưng, hoàng thân Mahānāma nêu dẫn về những trường hợp chết không đúng thời do con gặp con voi cuồng chạy; con gặp con ngựa cuồng chạy; con gặp người cuồng chạy; con gặp cỗ xe lớn cuồng chạy; con gặp cỗ xe nhỏ cuồng chạy.26
Trong luận Tứ đế cũng nêu định nghĩa:Tự mình hoặc do người khác, dùng các phương tiện như thuốc độc, lửa thiêu, đao trượng…làm cho chấm dứt mạng căn, nên gọi là hoạnh tử.27
Trong kinh Pháp cú thí dụ, Đức Phật dạy rằng: Trong đời sống nhân sanh, có ba loại chết oan uổng. 1/ Có bệnh nhưng không được chữa trị nên bị chết oan uổng. 2/ Tuy được chữa trị, nhưng không thận trọng nên bị chết oan uổng. 3/ Do kiêu mạn, buông lung, tự tiện, không biết lẽ đúng sai nên bị chết oan uổng.28
Kinh điển Hán tạng và Nikāya ghi nhận rất nhiều trường hợp hoạnh tử, như: Phật thuyết cửu hoạnh kinh, Ma-ha tăng-lỳ-luật, quyển 28, Du-già sư địa luận, quyển 31…Theo kinh Giới phân biệt29, trong khi cùng trú tạm qua đêm ở lò gốm, thanh niên Pukusāti hạnh kiến Đức Phật, sau đó quy ngưỡng xin xuất gia và cầu thọ giới pháp. Trong khi đi tìm y bát để được truyền trao giới pháp, Pukusāti bị tử nạn do gặp phải một con bò cuồng chạy. Tuy nhiên, do vừa đoạn năm hạ phần kiết sử, thanh niên Pukusāti đã chứng quả Bất lai, không phải tái sinh lại cõi đời này nữa.
Như vậy, chín thứ hoạnh tử mà kinh Dược Sư miêu tả không những có cơ sở từ kinh điển, mà còn làm rõ thêm các phương cách đặc thù trong việc chấm dứt sự tồn tại của chúng sanh.
Trong thời đại ngày nay, khi đời sống luôn bị đoanh vây bởi dục vọng và phiền não, thì càng có nhiều cái chết hoạnh tử xảy ra.
Xem ra, khát vọng được sống, sống đúng với thọ mạng mà không bị hoạnh tử, vẫn là một mong mỏi cháy bỏng từ ngàn xưa cho đến hôm nay, và cũng từ đây đã mở ra vấn đề kéo dài sự sống, hay còn gọi là diên mạng.
2. Diên mạng và nhân quả
Trong thực tế đời sống, thọ mạng của mỗi người không đồng nhau và cái chết của mỗi người cũng diễn ra khác biệt do nghiệp lực sai khác nhau.
Diên mạng là phương cách kéo dài mạng sống nếu thọ mạng chưa hết. Diên mạng có thể được hiểu như là được cung cấp đúng mực và đầy đủ thức ăn, nước uống để tồn tại, được điều trị thuốc thang khi gặp phải bệnh tật, được sống trong môi trường an ninh và an toàn, được hội đủ điều kiện để chuyển hóa các trọng nghiệp của bản thân. Diên mạng vì vậy không trái với nhân quả mà tuân theo quy luật nhân quả. Vì lẽ, sự sống là sự kết hợp của nhiều yếu tố mà trong đó, diên mạng chỉ là một điều kiện trợ duyên, và là phương cách bổ sung, tăng cường những điều kiện cần thiết giúp bảo toàn sinh mạng.
Có thể thấy, đời sống của một chúng sanh có thể chấm dứt một cách đột ngột nếu như gặp phải một trọng nghiệp đến thời phải trổ quả. Nếu nhận ra sự thật này và dùng các biện pháp cần thiết và phù hợp thì đôi khi có thể kéo dài sinh mạng.
Trong kinh Phật thuyết cửu hoạnh, cho rằng nếu như gặp phải voi say, ngựa chứng, bò điên, xe cộ, rắn độc, hầm hố, nước, lửa, chiến loạn, người say, kẻ xấu cũng như bao điều tệ ác khác … Nếu bậc có trí tuệ thì sẽ biết và tránh các nhân duyên đó để bảo toàn tính mạng. Và đây cũng là một trong những phương cách cụ thể để diên mạng.
Mặt khác, tùy theo tính chất của nhân dẫn đến thời gian trổ quả nhanh hay chậm. Có những nhân gây ra kết quả tức thời và cũng có những nhân tạo ra kết quả ở thời gian lâu xa.
Câu chuyện Tỳ-kheo Kokālika trong kinh Tăng chi (A.v,170) là một bằng chứng nhân quả gần như tức thời, vì lẽ sau khi vừa mắng chửi Tôn giả Sāriputta và Moggallāna xong thì toàn thân mọc lên những mụt nhọt lớn bằng hột cải. Từ hột cải, chúng lớn lên bằng hột đậu xanh (mugga). Từ hột đậu xanh, chúng lớn lên bằng hột đậu lớn (kalāya). Từ hột đậu lớn, chúng lớn lên bằng rolatthi (hột cây jujube, cây táo). Từ hột rolatthi, chúng lớn lên bằng hột kolama. Từ hột kolama, chúng lớn lên bằng hột amala (a-ma-la quả). Từ quả amala, chúng lớn lên bằng quả beluva chưa chín. Từ quả beluva chưa chín, chúng lớn lên bằng quả billa. Từ hình lớn bằng quả billa, chúng nứt vỡ ra, chảy máu và mủ.
Ở đây, dù nhanh hay chậm, thì yêu cầu cơ bản để khi đi từ nhân đến quả là phải có yếu tố thời gian. Tính chất khác thời mà chín luôn có mặt trong tiến trình nhân quả.
Chính vì vậy, khi đã lỡ gây nhân, nhưng nếu kịp thời ăn năn và vận dụng các biện pháp phù hợp tùy theo nhân đã gây tạo, thì có thể góp phần thay đổi phần nào tính chất của kết quả. Tính chất tích cực trong lý thuyết nhân quả của Phật giáo thể hiện ở điểm này. Vì lẽ, nhờ tính chất bất định và có khả năng thay đổi đó, mà hàng phàm phu có cơ may tiến lên Thánh vị và kẻ hung ác có cơ hội quay đầu.
Có thể nói, diên mạng là những giải pháp nhằm kéo dài sự sống mang tính trợ duyên. Khi duyên thay đổi theo chiều hướng tích cực, thì quả có thể thay đổi. Do vậy, diên mạng nằm trong khuôn khổ và tuân theo quy luật nhân quả.
3. Những phương cách diên mạng
a) Theo kinh Dược Sư
Theo kinh Dược Sư, những phương cách diên mạng chính là:
- Giữ tám phần trai giới.
- Niệm danh hiệu và lễ bái Đức Phật Dược Sư.
- Thắp 49 ngọn đèn.
- Làm một lá phướn ngũ sắc.
- Cúng dường chư Tăng tứ sự.
- Phóng sanh 49 loại.
- Khởi tâm từ bi.
- Ân xá kẻ tù tội.
- Rải các thứ hoa.
- Đốt các thứ hương thơm cúng dường.
Có hai chi tiết đáng lưu ý về những giải pháp diên mạng được nêu dẫn trong kinh Dược Sư cần được minh giải. Thứ nhất là danh từ “Thần phan tục mạng”. Thứ hai là con số 49.
Về thần phan tục mạng, cần phải hiểu rằng, việc cúng dường phan có khả năng tăng trưởng thọ mạng, nên thường gọi tắt là thần phan tục mạng.
Theo nghĩa ban đầu từ kinh điển, tràng phan là một lá cờ biểu trưng cho Đức Phật hay trí tuệ của Đức Phật, tùy theo hình dạng mà được phân ra là tràng, hay phan.
Theo kinh Tương ưng, kinh Đầu lá cờ khi có sự hiện hữu lá cờ của Đức Phật, bản kinh Hán tạng tương đương gọi là lá cờ cao rộng. Là ngọn cờ biểu trưng cho trí tuệ , hay lá cờ của những vị Thiên tướng, thì sẽ không còn sợ hãi, đem lại an ổn cho chúng sanh.
Như vậy, trong nghĩa thứ nhất, an ổn và an toàn là một trong những nghĩa cụ thể của diên mạng, và sở dĩ có được là do sự hiện diện của lá cờ mang tính biểu trưng cho Đức Phật. Có thể tìm thấy nghĩa biến thể tương đương về lá cờ này trong thư tịch Hán tạng, gọi là Trục ma thần phan. Trong nghĩa thứ hai, thần phan ở đây chính là ngọn cờ trí tuệ, ngọn cờ Chánh pháp, khi nêu cao ngọn cờ Chánh pháp, tức quảng diễn nghĩa lý kinh điển, cũng là một phương cách để diên mạng có cơ sở kinh điển.
Về con số 49. Trong không gian văn hóa Ấn Độ, số 7 là con số thành, là con số thiêng trong văn hóa Hindu, biểu trưng cho sự mỹ mãn. Bảy lần bảy là 49, là tích số biểu trưng cho mọi sự tròn đầy, mỹ mãn.
Khi dùng con số này để minh họa về mức độ, số lượng…hàm nghĩa rằng, mức độ tối ưu và số lượng hợp lý trong khả năng có thể. Cụ thể là, theo kinh Dược Sư, khi làm phan dài 49 gang tay, mang ý nghĩa là dài trong khuôn khổ hợp lý nhất của đàn tràng. Phóng sanh 49 loài vật khác nhau, tức là phóng sanh với khả năng có thể, với các giống loài có thể. Cần phải phân biệt ý nghĩa biểu trưng thông qua ẩn dụ, trong văn hóa cũng như trong kinh điển.
Những phương cách diên mạng, đem lại sự thịnh vượng cho cá nhân, dân tộc và xứ sở được đề cập trong kinh Dược Sư, có thể tìm thấy cơ sở liên hệ trong kinh điển Hán tạng và Nikàya.
b) Theo kinh tạng Nikàya
Trong kinh tạng Nam truyền, cụ thể là kinh Tăng chi, Đức Phật dạy rằng, nếu bố thí thức ăn thì sẽ thành tựu 4 điều và một trong số chúng là được tăng tuổi thọ. Kinh ghi:
Những ai khéo chế ngự
Sống bố thí người khác
Ai tùy thời nhiệt thành
Bố thí đồ ăn uống
Ðem lại cho các vị
Bốn sự kiện như sau
Cho thọ mạng, dung sắc
Cho an lạc, sức mạnh.
Đặc biệt, trong tác phẩm Tích truyện Pháp cú, tức là bản Sớ giải kinh Pháp cú tương truyền là của ngài Budhaghosa, đã ghi lại một câu chuyện hết sức kỳ đặc về việc gia tăng tuổi thọ:
Có hai Bà-la-môn sống ở thành Dīghalambika, tu theo ngoại đạo và khổ hạnh suốt bốn mươi tám năm. Một người sợ dòng giống bị diệt vong nên hoàn tục. Ông bán công đức của mình cho người khác, và với một trăm trâu bò, một trăm đồng, cưới vợ sống đời gia chủ. Chẳng bao lâu ông được một mụn con trai. Tu sĩ kia, bạn cũ của ông, đi nơi khác, một hôm trở về thăm. Họ chào mừng lẫn nhau. Tu sĩ chúc cả hai vợ chồng sống lâu, nhưng khi đứa bé được trình diện thì tu sĩ lặng thinh. Ông cha thắc mắc và được tu sĩ giải thích có một tai họa đang chờ đứa bé, và nó sẽ chết trong bảy ngày. Cả hai ông bà hoảng hốt không biết tính sao. Tu sĩ khuyên nên đến cầu cứu với Sa-môn Cồ Đàm. Họ ngần ngừ vì sợ mang tiếng bỏ những ẩn sĩ của mình, nhưng lòng thương con mãnh liệt khiến họ rồi cũng đến Thế Tôn. Họ đến chào Thế Tôn, được Phật chúc sống lâu, nhưng đến phiên đứa bé Phật cũng lặng thinh, cùng lý do như tu sĩ đã nói. Ông cha thỉnh cầu Phật ngăn đừng cho tai họa cướp mất đứa bé. Phật dạy:
- Nếu ông dựng trước cửa nhà một cái lều, đặt một ghế ở giữa, sắp tám hay mười sáu chỗ ngồi vòng quanh cho đệ tử của Ta; và nếu ông cho tụng những bài kinh cầu an và ngăn ngừa tai họa suốt bảy ngày liên tục, thì con ông sẽ tránh được hiểm họa.
Bà-la-môn làm đúng theo lời Phật, và các Tỳ-kheo đã đọc tụng đúng bảy ngày đêm liên tiếp. Ðến ngày thứ bảy Thế Tôn đến, chư thiên các cõi cũng tụ hội. Có một quỷ Dạ-xoa phụng sự cho Vessavana tên là Avarudhaka suốt mười hai năm, được ân huệ là bảy ngày nữa sẽ nhận được đứa bé, đi đến đứng đợi. Nhưng có mặt Thế Tôn và thiên thần đầy quyền lực, các vị khác yếu hơn đều phải thối lui mười hai dặm nhường chỗ, cả Avarudhaka cũng thế.
Phật đọc kinh cầu an suốt đêm, kết quả sau bảy ngày Dạ-xoa không bắt được đứa bé. Bình minh ngày thứ tám, đứa bé được đặt trước Thế Tôn và được chúc sống lâu, đến một trăm hai mươi tuổi theo lời Phật, do đó có tên là “Chàng trai tăng tuổi thọ” Ayuvaddhana. Lớn lên chú có năm trăm đệ tử cư sĩ đi theo.
Một hôm các Tỳ-kheo thảo luận trong Pháp đường về Ayuvaddhana, và không hiểu tại sao mạng sống của chúng sanh được gia tăng ở thế gian này. Phật nghe được liền bảo:
- Các Tỳ-kheo! Không phải chỉ có tuổi thọ mà thôi. Ở thế gian này chúng sanh biết tôn kính và lễ trọng những vị đạo đức, sẽ được tăng trưởng bốn pháp, thoát khỏi nguy hiểm và sống an toàn suốt đời.
Và Ngài đọc Pháp cú:
(109) Thường tôn trọng, kính lễ
Bậc kỳ lão trưởng thượng
Bốn pháp được tăng trưởng
Thọ, sắc, lạc, sức mạnh.40
Theo đối khảo, câu Pháp cú Nam truyền này tương đương câu 274 trong Pháp cú Bắc truyền:
Ai sống đời lễ nghĩa
Kính trọng bậc cao minh
Bốn phước đến với mình
Sống thọ, khỏe, đẹp, an.41
Như vậy, giải pháp diên mạng trong trường hợp này là tôn trọng và kính lễ bậc trưởng thượng, thông qua hình thức tụng kinh, cầu nguyện, nghi lễ, là cơ sở để tăng tuổi thọ theo sớ giải kinh Pháp cú.
c) Theo kinh văn Hán tạng
Trong kinh điển Hán tạng, những giải pháp nhằm gia tăng tuổi thọ được đề cập rất phong phú, chúng tôi xin lược trích các nguồn tư liệu sau.
Trước hết, theo kinh Pháp cú thí dụ: Muốn mạng sống được trường thọ, cần phải thực hành lòng thương yêu rộng khắp. Câu chuyện Sa-di cứu kiến nên vượt qua nạn hoạnh tử và được tăng tuổi trong kinh Tạp bảo tạng là minh chứng về trường hợp này43.
Thứ hai, theokinh Phân biệt thiện ác báo ứng, Phật dạy rằng, có mười việc làm đem đến trường thọ:
- Xa lìa việc tự mình giết.
- Xa lìa việc khuyên bảo người giết.
- Xa lìa sự vui mừng khi thấy giết.
- Xa lìa việc tùy hỷ giết.
- Cứu kẻ bị giết bởi ngục hình.
- Phóng sanh mạng.
- Ban lòng vô úy với tha nhân.
- Thương yêu, chăm sóc người bệnh.
- Bố thí thức ăn, nước uống.
- Cúng dường đèn đuốc, tràng phan44.
Thứ ba, theo kinh Tạp bảo tạng, quyển bốn, ghi rằng:
Xưa, có vị Tỳ-kheo sắp chết, vô tình gặp Bà-la-môn ngoại đạo và được cho biết rằng, sau bảy ngày ông sẽ mạng chung. Lúc ấy vị Tỳ-kheo kia đang đi vào Tăng viện, thấy vách tường bị hư hỏng nên vo bùn thành viên sửa chữa lại. Do duyên phước đó nên tăng thọ mạng, vượt qua bảy ngày. Khi gặp lại, Bà-la-môn tỏ ra kinh quái nên cật vấn: “Ông đã tu phước gì?” Vị Tỳ-kheo đáp: “Tôi không tu gì cả, duy chỉ một lần vào chốn Tăng viện, thấy vách hư hỏng nên đã sửa sang”. Vị Bà-la-môn ca thán: Quả phước điền Tăng, cực kỳ tối hảo, có thể khiến một Tỳ kheo sắp chết được kéo dài mạng sống và được trường thọ45. Ở đây, nghĩa chính của câu chuyện này là tu bổ, cúng dường chỗ ở cho chư Tăng đem lại phước quả trường thọ.
Như vậy, những giải pháp diên mạng được nêu dẫn từ kinh Dược Sư như khởi tâm đại bi, phóng sanh, cúng dường, thắp đèn, làm phan, chí thành niệm danh hiệu Phật Dược Sư… là những giải pháp có cơ sở từ Hán tạng và cả trong kinh tạng Nikāya.
Xin xem bài KHẢO BIỆN VỀ KINH DƯỢC SƯ tại đây.
Các tin khác
-
» 4 PHÁP LÀM THỐI THẤT TÂM BỒ-ĐỀ (24/04)
-
» HỌC HẠNH KÍNH LỄ (26/03)
-
» NHÂN QUẢ QUA MỘT CÂU CHUYỆN (26/03)
-
» VU LAN NÓI ĐẾN BIẾT ÂN VÀ BÁO ÂN (26/03)
-
» PHÁP GIÚP BỒ TÁT SINH HỈ TÂM (26/03)
-
» BẰNG CHỨNG CÓ THÂN TRUNG ẤM TRONG KINH LUẬN (25/03)
-
» MỘT CÂU CHUYỆN VỀ NGHIỆP (25/03)
-
» NĂNG LỰC PHÁT NGUYỆN (25/03)
-
» BA PHÁP TU TẬP CỦA BỒ-TÁT TẠI GIA (25/03)
-
» BẢN CHẤT CỦA VIỆC CẦU CƠ (25/03)