Luận Đại thừa khởi tín

ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN (P.7)

Phần Giải thích - Hiển thị chánh nghĩa - Tâm sanh diệt (Bất giác)

01/04/2017


ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN
Bồ-tát Mã Minh tạo luận
Quyển 1
Chân Hiền Tâm dịch và giải

III. PHẦN GIẢI THÍCH
Hiển thị Chánh nghĩa - Tâm sanh diệt (Bất giác)

B2. BẤT GIÁC là, chẳng biết đúng như thật pháp chân như toàn nhất, bất giác tâm khởi mà có niệm. Niệm không có tự tướng, chẳng lìa bản giác. Giống như người mê nương nơi phương hướng mà lầm. Nếu lìa phương hướng thì không lầm. Chúng sanh cũng vậy. Y giác nên mê. Nếu lìa giác tánh thì không có bất giác. Vì có tâm vọng tưởng bất giác nên hay biết danh nghĩa mà nói chân giác. Nếu lìa tâm bất giác thì không có tự tướng chân giác có thể nói.

BẤT GIÁC là đối với GIÁC mà nói. BẤT GIÁC thì không phải giác. Tự tánh chân như do không tự tánh nên không tự giữ mà vọng động. Cái động đó là do BẤT GIÁC mà có. BẤT GIÁC vì chẳng biết đúng như thật về một cái toàn nhất.

Bản giác biểu trưng cho cái không động. Nay động nên gọi là bất giác. Bất giác thì khởi niệm. Niệm này là do bản giác vọng động mà có, nên nó không có tự thể riêng mà thể của nó chính là bản giác, nên nói “Niệm không có tự tướng, chẳng lìa bản giác”. Như sóng lăn tăn từ nước mà có, thể của nó vẫn là nước.

GIỐNG NHƯ NGƯỜI MÊ … là ví dụ để hiểu bất giác nương nơi giác mà có. Bất giác không phải là bản giác, nhưng không lìa bản giác. GIÁC TÁNH là chỉ cho thể tánh của cái giác, chính là bản giác, là thể ‘như thật không’ nói trên.

Có bất giác nên có niệm tưởng, có niệm tưởng nên có ngôn từ, văn tự. DANH là chỉ cho tướng, hình thức. NGHĨA là chỉ cho nội dung, tính chất, ý nghĩa. Cũng như từ chân như, lập ra CHÂN GIÁC vì có bất giác. Bất giác đã không thì chân giác cũng chẳng thể nói. Bởi nó là thứ không năng giác - sở giác, không năng kiến - sở kiến nên không thể lấy tri thức đây mà suy lường hay nói năng.

Đây là nêu bày mặt duyên khởi của chân giác và bất giác. Không có chân giác thì không có bất giác mà không có bất giác thì cũng không lập chân giác, chỉ là một thể thường trụ không sanh không diệt, không đến không đi. Duyên khởi nên ngay bất giác chính là giác. Ngay cái sanh diệt chính là cái không sanh diệt. Ngay cái mê ấy mà biết là mê, chính là giác. Như người ngủ rồi mộng, ngay trong mộng mà biết mình đang mộng thì lúc ấy không mộng.

Lại nữa, y bất giác nên sanh 3 thứ tướng, cùng với bất giác kia tương ưng chẳng lìa.

Y BẤT GIÁC NÊN SANH … tức bất giác là nhân sanh ra 3 thứ tướng. TƯƠNG ƯNG nghĩa là phù hợp không trái nghịch, như nắp đi đôi với nồi. Cùng bè cùng lứa gọi là tương ưng. Phải có nhân bất giác mới có quả là 3 tướng, không có bất giác thì không có 3 tướng nên nói CHẲNG LÌA.

Tướng trước là nhân để tướng sau sanh khởi. Theo thứ tự trước sau có tất cả 9 tướng, khiến chân tâm thanh tịnh vô tướng khởi sanh thế giới, chúng sanh, nghiệp quả, luân hồi … nối tiếp vô hạn định.

Thế nào là ba?

1. VÔ MINH NGHIỆP TƯỚNG : Vì y bất giác nên tâm động mà gọi là nghiệp. Giác thì bất động. Động tức có khổ vì quả chẳng lìa nhân.

Nghĩa VÔ MINH, ngài Hàm Thị nói như sau: “Trong Như Lai Tạng thật có 2 nghĩa minh và vô minh. Minh, là giác thể vốn minh. Vô minh, là giác thể vốn không tánh, vì cực chân nên không phân biệt, trong cái không phân biệt ấy mà trạm nhiên thường trụ - gọi là diệu, trong cái không phân biệt mà mờ mịt chẳng tỉnh - gọi là vô minh”. Bị cái lực mờ mịt ấy mà tâm không còn ở trạng thái tĩnh lặng nên nói động. Tướng động ấy gọi là NGHIỆP TƯỚNG. Nghiệp tướng là nói về tướng nghiệp. Nghiệp, chỉ cho hành động hoặc sự tạo tác. Không tĩnh lặng mà đã có vọng động nên gọi là nghiệp. Gọi VÔ MINH NGHIỆP TƯỚNG vì tướng nghiệp ấy do vô minh mà có.

Bản chất của bất động là thường, lạc, ngã, tịnh. Động thì ngược lại với bất động, lại chính từ cái động ấy mà sanh ra 9 tướng trong phần Bất Giác đây, khiến chúng sanh chịu nhiều sanh tử khổ não, nên nói “Động tức có khổ, vì quả chẳng lìa nhân”. NHÂN là chỉ cho Nghiệp Tướng. QUẢ là chỉ cho tướng Nghiệp hệ khổ, là tướng cuối cùng trong 6 thô.

Ngài Hiền Thủ nói: “Đây tuy động, nhưng động niệm này rất vi tế. Duyên khởi mà thành nhất tướng, năng sở chưa phân. Chính là phần tự thể của thức Alaida”.

2. NĂNG KIẾN TƯỚNG : Vì y động nên hay thấy. Bất động thì không có thấy.

KIẾN nghĩa là thấy. NĂNG là chỉ cho phần chủ thể. NĂNG KIẾN là chỉ cho chủ thể hay thấy. Tuy nói là thấy nhưng không nhất định phải có mắt mới thấy, mà sự rõ biết của tâm thức cũng gọi là thấy. Điều này sẽ được nói rõ ở phần Cảnh giới tướng sau.

Nói NĂNG là do đối với SỞ mà nói. Sở kiến là chỉ cho Cảnh giới tướng dưới. Phần Năng kiến này là do Nghiệp tướng chuyển thành, nên nói “Y động nên hay thấy”. Tuy là do bất giác mà có, nhưng nó là cái thấy chưa bị nhiễm ô bởi sự phân biệt của Trí tướng và Tương tục tướng. Kinh Lăng Nghiêm gọi nó là KIẾN TINH, là cái thấy còn tinh ròng. Có sự vọng động của Nghiệp tướng mới có Năng kiến, không có sự vọng động đó thì không có Năng kiến, nên nói “Bất động thì không có thấy”.

3. CẢNH GIỚI TƯỚNG : Vì y Năng kiến mà vọng hiện cảnh giới, lìa Kiến thì không có cảnh giới.

CẢNH GIỚI TƯỚNG, ngài Hám Sơn giải thích là hư không và tứ đại. Trong phạm vi xa nguồn hiện nay, cảnh giới mà một chúng sanh hữu tình đang thọ nhận chính là Cảnh giới tướng. Như với Nhân đạo thì Cảnh giới tướng chính là thế giới con người đang sống bao gồm cả thân và các căn, còn tâm thuộc về Năng kiến.

Vì có Năng kiến mới có Cảnh giới tướng, nó là phần SỞ KIẾN của tướng Năng kiến này, nên nói Y NĂNG KIẾN. Không có Năng kiến thì không có Cảnh giới tướng nên nói “LÌA KIẾN thì không có Cảnh giới”. Nói VỌNG HIỆN vì cảnh giới này không có thật thể, chỉ do tâm bất giác mà vọng thấy có cảnh giới. Như đi trong sa mạc, do ảo giác mà thấy có nước. Nước ấy vốn không thật có. Cái thấy do ảo giác ấy chỉ cho Năng kiến. Nước chỉ cho Cảnh giới tướng. Đây là do mê Như Lai Tạng mà thấy dường như có thân căn và cảnh giới trước mắt, nên nói VỌNG HIỆN.

Quá trình biến khởi từ chân tâm ra cảnh giới chúng sanh được giải rõ trong kinh Lăng Nghiêm như sau: Khi ngài Phú Lâu Na hỏi: “Tánh bản nhiên thanh tịnh vì sao bỗng nhiên sanh ra núi, sông, đất liền cùng các thứ hữu vi thứ lớp dời đổi… ?”. Trả lời từng chi tiết xong, Phật kết luận: “… Đều do tánh rõ biết sáng suốt của giác minh. Nhơn rõ biết mà phát ra tướng. Từ cái vọng thấy mà sanh ra núi, sông, đất liền cùng các tướng hữu vi thứ lớp dời đổi …”. Nhơn rõ biết mà phát ra tướng thì cái tướng được thấy đầu tiên là SỞ MINH. Sở minh chính là MINH. Song gọi là sở minh vì cái minh ấy trở thành đối tượng mà ta nhận biết được.

Nghĩa là, GIÁC TÁNH vốn là minh, song TÁNH thì không rơi vào năng sở, nên cái MINH này không phải là đối tượng để ta thấy được. Do không tự tánh, không thể tự giữ nên có Nghiệp tướng. Có nghiệp tức có sự chuyển biến mà sanh ra sở. Chính là SỞ MINH. Sở lập thì năng sanh, chỉ cho Năng kiến tướng. Nói năng - sở vì trạng thái sáng chiếu thanh lương ấy vẫn là thứ mà ta cảm nhận được, không phải vì nó tách biệt thành chủ thể và đối tượng rõ rệt như ta thấy hiện nay. Chỉ thuần là một GIÁC MINH thanh tịnh. Đây là cảnh giới niết bàn của các vị Duyên giác.

Khi sở minh được lập tức giác tánh bị che mờ. Giác tánh đã mờ thì minh ẩn mà vô minh hiện, nên xem trở lại đồng như mờ tối, chính là hư không. Hư không mờ tối không chủ thì động tịnh so nhau nên đối đãi mà thành dao động, sanh ra phong luân nắm giữ thế giới. Do sự dao động mà minh giác càng thêm cứng chắc nên có kim luân giữ gìn cõi nước. Phong đại và kim bảo cọ xát với nhau nên có lửa sáng. Ánh sáng của kim bảo thấu suốt trong ngoài như thủy tinh có hơi đượm ướt, thêm lửa liền biến thành chất lỏng nên có thủy đại trùm khắp mười phương v.v… Đó là nói về quá trình biến khởi của hư không và tứ đại từ chân thể thanh tịnh. Từ hư không tứ đại ấy mới phát sanh núi, sông, đất liền và các pháp hữu vi. Tất cả đều thuộc Cảnh giới tướng.

SỞ MINH là phần sở kiến tế, khi ấy chưa có thế giới và thân căn của chúng sanh, nên nói: “không nhất định phải có mắt mới thấy mà sự rõ biết của tâm thức cũng gọi là thấy”. Chưa có căn thân vì sao lập bày Năng Kiến? Vì sự rõ biết về cái sáng chiếu ấy không thể là nghe, ngửi hay nếm mà chỉ có thể là thấy, nên đây lập Năng Kiến và cũng chỉ lập Năng Kiến chứ không thể lập gì khác.

Vì có cảnh giới làm duyên lại sanh 6 tướng

CẢNH GIỚI LÀM DUYÊN vì Năng kiến là nhân. Nhân duyên đầy đủ thì trổ quả, nên nói SANH 6 TƯỚNG.

Thế nào là 6?

1. TRÍ TƯỚNG : Y nơi Cảnh giới, tâm khởi phân biệt mà có yêu thích cùng chẳng yêu thích.

Nói TRÍ TƯỚNG, nghĩa của nó nằm ở chữ TRÍ. Nên tuy nói “Tâm khởi phân biệt mà có yêu thích cùng chẳng yêu thích” nhưng phần chính chỉ nằm ở mấy chữ KHỞI PHÂN BIỆT mà thôi. Song vì sao lại có thêm yêu thích cùng chẳng yêu thích? Vì phải có phần YÊU THÍCH cùng CHẲNG YÊU THÍCH thì trí này mới thuộc bất giác, Thiền sư Tổ Nguyên nói: “Khéo hay phân biệt mà chẳng sanh yêu ghét, gọi là huệ”.

Phân biệt mà sanh yêu ghét là do không biết cảnh giới trước mắt chỉ là tướng sở hiện của hiện thức. PHÂN BIỆT là thấy mình khác người, người khác người, vật khác vật v.v… nói chung, những cái thấy rơi vào nhị biên đều gọi là phân biệt. Vì thấy thứ nào cũng có tự tánh của riêng nó, nên sanh tâm yêu thích hay không yêu thích. Song bản chất của các pháp thì không tánh, chỉ do tự tâm bất giác vọng hiện. Pháp không có thật thể mà lại nảy sanh yêu ghét thì biết cái yêu ghét ấy là thứ để đánh giá TRÍ này bị vô minh chi phối. Vì thế không chỉ nói “Tâm khởi phân biệt” mà còn kèm theo “Có yêu thích cùng chẳng yêu thích”.

2. TƯƠNG TỤC TƯỚNG : Y nơi Trí tướng mà sanh ra khổ vui, giác tâm khởi niệm tương ưng chẳng dứt.

Nghĩa chính của đoạn này nằm ở mấy từ “Giác tâm khởi niệm tương ưng chẳng dứt”. Y NƠI TRÍ TƯỚNG vì do phân biệt ta, người, tốt, xấu… mới sanh quan niệm, suy nghĩ, cảm giác... niệm này nối tiếp niệm kia không dứt, kết thành một sự tương tục chặt chẽ. Cái tướng nối tiếp liên tục ấy gọi là TƯƠNG TỤC TƯỚNG. Vì ta hay hướng ra ngoài để ý đến cảnh nhiều hơn tâm, nên không thấy được sự tương tục này.

Người tu thiền chiếu phá vọng tâm, sẽ thấy được sự tương tục không dứt này. Kinh Lăng Già phân nó này thành 11 thứ sâu kín. Do chấp pháp và chấp vào nhị biên phân biệt mà hình thành nên 11 loại này. Như chấp 5 ấm, chấp vô ngã, chấp nhân duyên v.v... mà có tương tục. Ngài Hiền Thủ thì phân thành 2 loại tha và tự như sau: “Y nơi phân biệt trước, đối với cảnh yêu thích thì khởi sự vui thích, với cảnh chẳng yêu thích thì sanh đau khổ buồn phiền. Mỗi mỗi khởi niệm mà tương tục hiện tiền, đây là để rõ cái TỰ tương tục. Lại hay khởi hoặc làm nhuận thấm thêm nghiệp duy trì sanh tử, đây là cái THA tương tục”.

3. CHẤP THỦ TƯỚNG : Y nơi Tương tục, duyên niệm cảnh giới, duy trì sự khổ vui, tâm khởi dính mắc.

CHẤP là chẳng chịu xa lìa. THỦ là nắm giữ. Nghĩa của nó tương đương với từ DÍNH MẮC thêm nghĩa DUY TRÌ.

DUYÊN NIỆM CẢNH GIỚI là chú ý đến cảnh, rồi duyên lấy cảnh ấy mà sanh ra sự khổ, vui. KHỔ VUI là hai trạng thái đối nghịch của tâm thức. Nói khổ vui nhưng là nói tất cả những gì khởi lên trong tâm như tham, sân, thích thú, đau khổ v.v… Chúng đều biểu hiện cho việc duyên niệm cảnh giới. Do tâm dính mắc với cảnh mà sanh ra những trạng thái đó. Dính mắc còn biểu hiện ở việc không yên lòng với chính mình mà cứ hướng ra ngoài bám vào âm thanh, sắc tướng … như cần một cuốn sách để đọc, cần một ai đó để nói chuyện, không chịu được sự tĩnh lặng v.v… Ngược lại, không chịu được sự ồn náo mà chỉ thích chỗ tĩnh lặng cũng biểu hiển cho tâm dính mắc. Song dính vào sự tĩnh lặng dù gì cũng gần đạo hơn là mắc vào cảnh bên ngoài.

DÍNH MẮC có, là do sự tương tục của dòng vọng niệm làm nhân, cảnh giới trước mắt làm duyên mà thành sự. Sự tương tục của dòng vọng niệm chính là sự nối kết liên tục những định kiến và quan niệm của mỗi người về thế giới mình đang sống. Vì lấy những thứ đó làm nền tảng để đánh giá so đo vạn pháp, nên thuận thì sanh vui thích rồi muốn nắm giữ, nghịch thì sanh khổ lạc và muốn xa lìa. Cả 2 đều chỉ cho sự dính mắc, chính là Chấp Thủ Tướng.

4. KẾ DANH TỰ TƯỚNG : Y nơi vọng chấp, phân biệt tướng danh ngôn hư dối.

KẾ là tính toán so đo. PHÂN BIỆT nói đây mang nghĩa suy tính so đo nhiều hơn là sự phân biệt của Trí tướng. Trí tướng chỉ có phân biệt chứ chưa bị sự chi phối của Tương tục tướng và Chấp thủ tướng. Phân biệt của Trí tướng khiến tâm tương tục không dứt, song nó chưa có tác dụng tạo nghiệp như sự phân biệt ở đây. Vì vậy Bồ tát ở các địa dưới, tuy còn trí phân biệt nhưng không bị dòng nghiệp lực chi phối tạo nghiệp như chúng sanh.

VỌNG CHẤP là chỉ cho tướng Chấp thủ trên. Gọi là VỌNG vì nó chỉ là thứ hư dối, do huân tập lâu đời mà thành, không có thật thể. Song do sự dính mắc ấy mà trên cảnh sở thủ mới nảy sanh tâm suy lường rồi tạo nghiệp.

DANH NGÔN là chỉ cho danh và ngôn thuyết. Gọi là DANH nhưng trong đó gồm đủ cả danh và tướng. Bởi có tướng mới lập danh. NGÔN là ngôn thuyết vọng tưởng. 3 thứ danh, tướng và vọng tưởng này đi liền với nhau. Kinh Lăng Già nói: “Tướng và danh theo nhau mà sanh các vọng tưởng”. Nói chúng HƯ DỐI vì tướng là từ tâm biến hiện không có thật thể. Danh và vọng tưởng là y nơi cái không thật thể ấy mà lập, nên cũng không có thật thể.

5. KHỞI NGHIỆP TƯỚNG : Y nơi danh tự, tìm danh thủ trước, tạo mọi thứ nghiệp

KHỞI NGHIỆP là khởi lên hành động, tạo tác. Nghĩa chính của nó nằm ở mấy từ TẠO MỌI THỨ NGHIỆP. Làm các việc thiện gọi là khởi nghiệp thiện. Làm các việc ác gọi là khởi nghiệp ác. Song đây đang nói về quá trình bất giác nên chỉ nói đến nghiệp ác chứ không nói đến nghiệp thiện. Nghiệp thiện thuộc về thủy giác. Giác được tướng diệt là giác phá được niệm ác không để nó thành hành động, chính là phá được tướng Khởi nghiệp này. Không có tướng này thì cũng không có tướng Nghiệp hệ khổ sau.

Y DANH TỰ là do có tướng Kế danh tự trên mà sanh ra phần Khởi nghiệp này. Bởi phân biệt đã mang màu sắc dính mắc của tướng Chấp thủ, nên tìm danh thủ trước. TÌM DANH THỦ TRƯỚC là tìm tòi và ôm giữ những danh tướng mình thích. Một khi đã có tâm niệm như thế đối với những vật mình thích thì với những vật mình không thích, mình cũng sẽ có những hành động ngược lại. Thích thì tìm cách thu vào. Không thích thì tìm cách đẩy đi. Đây là cái nhân để tạo nghiệp. TẠO MỌI THỨ NGHIỆP là phát động thân và miệng tạo nên những hành động khiến muôn loài đau khổ. Phần Khởi nghiệp này là cái nhân để có cái quả là khổ.

6. NGHIỆP HỆ KHỔ TƯỚNG : Y nghiệp mà thọ báo nên chẳng tự tại.

HỆ, là trói buộc. NGHIỆP HỆ KHỔ là nói đến sự trói buộc của nghiệp mà sanh ra khổ. Y NGHIỆP, là nương vào phần Khởi nghiệp tướng trên. Đã có nhân thì đủ duyên quả sẽ có, nên nói “Y nghiệp mà thọ báo”. THỌ BÁO là chỉ cho việc thọ nhận cái quả từ cái nhân đã gieo trước đó.

TỰ TẠI nghĩa là không vướng bận hay dính mắc, nó trái với từ HỆ. Người mà không có thứ gì trên đời làm họ nao núng hay vướng bận thì người ấy không thể khổ. CHẲNG TỰ TẠI là chỉ cho cái Nghiệp hệ khổ đó.

Người đời gây nghiệp vì nhiều lý do : Đầu tiên là do thiếu trí tuệ mà gây nghiệp, sau là do hoàn cảnh bức bách mà gây nghiệp. Hoàn cảnh bức bách là cái quả của một cái nhân bất thiện trước đó. Cái bức bách ấy chỉ cho cái CHẲNG TỰ TẠI thứ nhất. Đó là “Thọ báo nên chẳng tự tại”. Từ cái bức bách ấy mà phải gây tạo thêm nhiều ác nghiệp, là cái CHẲNG TỰ TẠI thứ hai. Nghiệp một khi đã thành thói quen, lại bị lệ thuộc vào thói quen ấy, là cái CHẲNG TỰ TẠI thứ ba. Bị 2 dòng họ nghiệp và khổ ràng rịt chặt chẽ như thế, nên nói Nghiệp hệ khổ tướng.

Giải thích xong 9 tướng bất giác. 9 tướng này, ngài Hiền Thủ nói 3 tế thuộc thức Alaida, còn 6 thô thuộc ý thức. Chỉ nêu bày Alaida và ý thức thông qua 3 tế và 6 thô mà không nói đến Matna vì : Vô minh làm động tâm thể thanh tịnh, khiến khởi hòa hợp là nghĩa của Alaida, không phải nghĩa của Matna, nên trong 3 tế không đề cập đến Matna. Còn Trí Tướng v.v… sanh khởi được là do tâm duyên với cảnh bên ngoài. Matna thì không duyên được với ngoại cảnh, nên trong phần 6 thô cũng không nói đến Matna. Song một khi Alaida khởi thì đã có thức Matna tương ưng, còn khi ý thức duyên với cảnh giới bên ngoài thì bên trong cũng phải có Matna làm chỗ y chỉ, ý thức mới sanh khởi được. Vì vậy, chỉ đề cập đến ý thức và Alaida mà không nói đến Matna. Tuy cách phân chia thấy có khác nhưng nghĩa chung giữa kinh và các luận thì không khác.

Phải biết vô minh hay sanh tất cả nhiễm pháp, vì tất cả nhiễm pháp đều là tướng bất giác.

VÔ MINH, chỉ cho cái bất giác đầu tiên sanh ra 9 tướng trong phần Bất Giác. NHIỄM PHÁP, chỉ cho 9 tướng trên. Đều do bất giác mà có nên nói “Đều là tướng bất giác”.

Lại nữa, giác và bất giác có 2 tướng. Thế nào là 2? Một là tướng đồng, hai là tướng khác.

Đây là nêu bày thật tướng của bất giác và giác. TƯỚNG ĐỒNG và TƯỚNG KHÁC là muốn nói đến cái ‘không một cũng không khác’ giữa bất giác và giác.

1. Tướng đồng : Thí như mọi thứ đồ gốm đều đồng tánh tướng vi trần. Cũng vậy, mọi thứ huyễn nghiệp vô lậu vô minh đều đồng tánh tướng chân như.

TƯỚNG ĐỒNG, là nói về cái KHÔNG KHÁC giữa giác và bất giác, chính là chỉ cho THỂ tánh chân như. Giác và bất giác tuy tướng trái nhau nhưng cùng chung cội nguồn, như sóng vỗ làm lật thuyền, nước lặng thì tải thuyền nhưng đều cùng chung một tánh ướt và tướng nước. MỌI THỨ ĐỒ GỐM là chỉ cho giác và bất giác. Tuy đồ gốm mỗi thứ hình tướng khác nhau nhưng đều từ đất làm ra. Đất, đây gọi vi trần. TÁNH TƯỚNG VI TRẦN là dụ cho TÁNH TƯỚNG CHÂN NHƯ.

Nghiệp vô lậu thuộc về giác. Nghiệp vô minh thuộc về bất giác. Gọi là huyễn nghiệp vì nghiệp vô lậu hay vô minh đều do huân tập mà có, không có thật thể. 2 tướng trái nhau ấy đều không rời bản thể chân như, nên nói ĐỒNG.

Cho nên, trong Tudala – y nơi nghĩa ấy – nói “Tất cả chúng sanh xưa nay thường trụ nhập niết bàn”. Pháp bồ đề, chẳng phải là tướng có thể tu, chẳng phải là tướng có thể tạo, rốt ráo không chứng đắc, cũng không sắc tướng có thể thấy. Mà có sắc tướng để thấy chỉ là do huyễn nghiệp tùy nhiễm tạo ra, chẳng phải tánh của trí sắc là bất không, vì tướng của trí không thể thấy.

CHO NÊN là kết lại như sau. Y NƠI NGHĨA ẤY là y nơi tướng ĐỒNG vừa nói đó. Đây là dẫn kinh để nêu bày chỗ đồng của giác và bất giác. Niết bàn thuộc giác. Chúng sanh thuộc bất giác. Nói CHÚNG SANH là muốn nói đến sanh tử. Tướng sanh tử không phải là tướng niết bàn. Giác không phải là bất giác. Nhưng do cái ĐỒNG nói trên mà biết “TẤT CẢ CHÚNG SANH xưa nay thường trụ nhập niết bàn”. Thấy sanh tử khác niết bàn chẳng qua là do mê và ngộ mà có cái thấy như vậy. Mê nên thấy có sanh tử để ra, niết bàn để vào. Ngộ thì biết ngay sanh tử là niết bàn. Như ngủ rồi mộng mà thấy đi đây, đi kia, vui, buồn lẫn lộn. Tỉnh mộng thì biết trước sau vẫn trên giường.

TƯỚNG BỒ ĐỀ là giác tánh chân như. “Tướng bồ đề chẳng thể …” là nêu bày thực chất của pháp bồ đề. “Chẳng phải là tướng CÓ THỂ TU …” vì bồ đề là pháp sở liễu không phải là pháp sở tác. Như ngọn đèn chỉ khiến vật trong phòng tối hiện rõ, không phải ngọn đèn tạo được đồ vật.

Bồ đề vốn sẵn đủ, chỉ do hoặc nhiễm mà không thể hiển. Tu chính là phương tiện trừ bỏ hoặc nhiễm để bồ đề hiển lộ, không phải bồ đề trước không nay nhờ tu mới có. Nên nói “Chẳng phải là tướng CÓ THỂ TẠO”.

KHÔNG CHỨNG ĐẮC bởi bồ đề không phải là pháp sở chứng. Nói chứng đắc là đứng ở địa vị mê mà nói. Ngay cái chứng ấy không có năng chứng cũng không có sở chứng. Không năng không sở thì không có cái thấy cũng không có cái bị thấy, nên nói “KHÔNG SẮC tướng có thể thấy”. Thực chất của bồ đề là thế, nên thứ gì còn là cái để ta thấy được thì thứ ấy đều do HUYỄN NHIỄM mà ra.

BẤT KHÔNG ở đây tạm hiểu là ‘có’. TÁNH CỦA TRÍ là chỉ cho tánh không. Cái không này không thuộc phạm trù KHÔNG và CÓ ở thế gian, không phải là cái bị thấy, nên nói “CHẲNG PHẢI tánh của trí là bất không”. Đây là nêu lý do để hiểu vì sao nói “Có sắc tướng để thấy, chỉ là do huyễn nghiệp tùy nhiễm tạo ra”. Đó là vì chân như Phật tánh hoàn toàn không có sắc tướng, nhưng lại có khả năng hiện sắc tướng. Cái hiện ấy là do căn nghiệp của chúng sanh mà ra, không phải do bản thân nó tự hiện. HUYỄN NGHIỆP TÙY NHIỄM là chỉ cho căn nghiệp của chúng sanh. Tùy mức độ của huyễn nhiễm mà thấy được ứng hay báo thân Phật.

2. Tướng khác : Như mọi thứ đồ gốm, mỗi thứ chẳng giống nhau. Cũng vậy, vô lậu vô minh tùy huyễn nhiễm mà có sai biệt, vì tánh sai biệt của huyễn nhiễm.

Đây là nói về cái KHÔNG MỘT giữa giác và bất giác, là nói về TƯỚNG của chúng. THỂ thì đồng mà TƯỚNG lại khác vì tùy duyên. Theo duyên tịnh, gọi là giác. Theo duyên nhiễm, gọi là bất giác. KHÁC là như thế. Như chén và bình đều từ đất mà ra, nhưng hình thức và công dụng của chén và bình khác nhau. Nên nói “Mỗi thứ CHẲNG GIỐNG NHAU”.

CŨNG VẬY là, tướng của giác và bất giác cũng như tướng của các thứ đồ gốm đó. Thể đồng mà tướng khác. Cái khác này là do duyên. Huyễn nhiễm là tịnh thì có vô lượng tướng công đức vô lậu thanh tịnh. Huyễn nhiễm là bất tịnh thì có vô lượng pháp vô minh nhiễm ô. TÁNH sai biệt ở đây phải hiểu là SỰ sai biệt. Đại khái là, tướng của các pháp thấy có sai biệt, chẳng qua là do sự sai biệt của huyễn nhiễm tạo ra, không phải bản chất của pháp vốn sai biệt. Như cùng một khuôn mặt, nhưng tùy cách vẽ mà có hình tướng là ác quỉ hay mỹ nhân, không phải khuôn mặt vốn như thế.