Luận Đại thừa khởi tín
ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN (P.10)
Phần Giải thích - Đối trị tà chấp.
01/04/2017Tất cả tà chấp đều nương nơi ngã kiến. Nếu lìa ngã thì không có tà chấp. Ngã kiến này có 2 loại. Thế nào là 2? Một là nhân ngã kiến, hai là pháp ngã kiến.
Những gì không phù hợp với Lý Duyên Khởi gọi là TÀ. Ôm chặt những thứ ấy làm của riêng gọi là CHẤP.
NGÃ KIẾN là chỉ cho những quan niệm cho rằng vạn sự vạn vật ở đời này đều có chủ tể hoặc tự tánh của riêng nó. Nói cách khác, ngã kiến là cái kiến cho rằng các pháp ở thế gian là thật có hay thật không. Vì quan niệm vạn pháp đều có chất thật mà sanh ra vô số những quan niệm sai lệch khác, nên nói “Tất cả tà chấp đều NƯƠNG NƠI NGÃ KIẾN”.
Tà chấp nương vào ngã mà có thì lìa ngã ắt không còn tà chấp, nên nói “Nếu LÌA NGÃ thì không có tà chấp”.
Cái thấy vạn pháp là thật này bao gồm 2 thứ là nhân ngã kiến và pháp ngã kiến. Nghĩa của nhân ngã kiến và pháp ngã kiến sẽ được giải thích rõ ở những phần sau.
A. NHÂN NGÃ KIẾN : Y nơi phàm phu mà nói thì có 5 loại. Thế nào là năm?
NHÂN NGÃ KIẾN này, phàm phu hay vướng phải nên nói “Y phàm phu mà nói”. Theo cách phá của 5 loại nhân ngã kiến dưới thì hạng phàm phu nói đây không phải là hạng phàm phu bình thường mà là những người đã có sự hiểu biết đối với Phật pháp, song chưa được sâu xa. Ngài Hiền Thủ nói: “Đây là sự vọng khởi của những người mới học Đại thừa trong Phật pháp do lầm giáo mà ra, chẳng phải là chỗ khởi của ngoại đạo”.
A1. Nghe Tudala nói: “Pháp thân Như Lai rốt ráo vắng lặng giống như hư không”. Bởi chẳng biết chỉ là phá sự dính mắc, lại cho hư không là tánh Như Lai.
Pháp thân Như Lai không sắc tướng lại trùm khắp nên mượn hình ảnh hư không để người đời tạm hình dung về pháp thân Như Lai, cũng là để người hiểu Như Lai không phải là thân tướng với 32 vẻ đẹp v.v… Song nghe nói như hư không lại chấp ngôn làm nghĩa, cho hư không chính là pháp thân Như Lai. Đây là điều sai lầm. Phần dưới giải thích nhằm phá bỏ tư tưởng cho pháp thân Như Lai là hư không.
Làm sao đối trị? Phải rõ tướng hư không là pháp hư vọng, thể không, không có thật, vì đối với sắc mà có, là tướng bị thấy, khiến tâm sanh diệt. Bởi tất cả sắc pháp vốn là tâm, thật không có sắc bên ngoài. Nếu không có sắc thì không có tướng hư không. Nghĩa là, tất cả cảnh giới chỉ từ nhất tâm vọng khởi mà có. Nếu tâm lìa vọng động thì tất cả cảnh giới đều diệt, chỉ là nhất chân tâm, không chỗ nào là chẳng khắp. Đây là nghĩa rốt ráo về tánh trí quảng đại của Như Lai, chẳng phải như tướng hư không.
Có 2 điểm để thấy hư không không phải là pháp thân Như Lai.
a. Hư không là pháp duyên khởi với sắc. Duyên khởi thì không có thật thể. Sắc và hư không là do tự tâm bất giác mà hiện. Không bất giác thì sắc và hư không đều không. Vì thế, hư không không phải là pháp thân Như Lai. Vì pháp thân Như Lai thì rốt ráo vắng lặng, không phải là pháp nhờ duyên mới có.
b. Hư không là pháp bị thấy, trong khi pháp thân Như Lai thì lìa năng sở đối đãi, không năng kiến, sở kiến.
Phẩm ‘Phá Lục Chủng’ của Trung Luận, cũng phá cái chấp hư không này. Là phá cái thấy của các hành giả khi tu thiền định, thấy thân mất và tâm trải đồng với hư không, lại chấp cái hư không ấy là pháp thân.
A2. Nghe Tudala nói: “Các pháp thế gian, thể rốt ráo là không” cho đến “Pháp niết bàn chân như cũng rốt ráo không, xưa nay tự không, lìa tất cả tướng”, vì chẳng biết là do phá sự dính mắc, lại cho tánh của niết bàn chân như đều không.
Vì người đời chấp TƯỚNG hiện thấy đây có thật tánh nên nói tất cả đều không, là muốn nói những tướng đó chỉ như mộng huyễn bào ảnh không có tánh thật. Do nghe ‘không’ lại cho tánh thật không. Đây là cái thấy đoạn diệt.
Làm sao đối trị? Phải rõ pháp thân chân như, tự thể chẳng không vì đầy đủ vô lượng tánh công đức.
LÀM SAO ĐỐI TRỊ là làm sao trị được bịnh chấp đó? Giải thích : Pháp thân chân như tuy không, nhưng cái không này cũng không, nên đầy đủ vô lượng tướng công đức chẳng thể nghĩ bàn, không phải là không ngơ vô tri vô giác như thuyết đoạn diệt của ngoại đạo.
3. Nghe Tudala nói: “Như Lai Tạng không có tăng giảm, thể của nó sẵn đủ tất cả pháp công đức”. Vì chẳng hiểu, liền cho Như Lai Tạng có pháp sắc tâm, tự tướng sai biệt.
SẮC TÂM nói đây là sắc tâm nói ở phần “Vì sao pháp thân lìa sắc mà hay hiện sắc”, là chỉ cho Như Lai Tạng đầy đủ các công đức. SẮC là chỉ cho sắc báo hóa thân của Phật. Do quen sử dụng cái ‘một, khác, ít, nhiều’ của tâm phân biệt, nên khi nghe nói TẤT CẢ TƯỚNG CÔNG ĐỨC, liền chấp rằng các sắc công đức ấy có tự tướng sai biệt. tức cho sắc và tâm đều có tự thể sai biệt riêng lẻ của nó. Vì có riêng lẻ mới nói TẤT CẢ. Đây là chấp tánh đức đồng với pháp hư vọng.
Làm sao đối trị? Đó chỉ là y nơi nghĩa chân như mà nói. Nói sai biệt là nhơn nơi sự thị hiện của nghĩa nhiễm ô sanh diệt mà nói.
SẮC báo hóa thân của Phật là dụng của chân như nên chỉ khi lìa nghiệp thức phân biệt thì sắc báo hóa thân ấy mới đầy đủ. Đã không phân biệt thì “Sắc và tâm chẳng phải hai” mà “Sắc sở hiện ấy cũng không có phần tề”. Không hai không phân ranh thì không có tự tướng sai biệt. Nói TẤT CẢ là do đối với các tướng nhiễm ô sanh diệt sai biệt khi tâm động mà nói, không phải vì bản thân nó có nhiều thứ sai biệt mà nói ‘tất cả’.
4. Nghe Tudala nói: “Tất cả pháp nhiễm ô sanh tử ở thế gian đều y nơi Như Lai Tạng mà có. Tất cả pháp chẳng lìa chân như”. Vì chẳng hiểu, lại cho tự thể Như Lai Tạng có đủ tất cả pháp thế gian sanh tử...
Nói “Tất cả pháp nhiễm ô sanh tử ở thế gian đều y nơi Như Lai Tạng mà có. Tất cả pháp CHẲNG LÌA CHÂN NHƯ” là muốn nói pháp thế gian không ngoài tâm mà có, chúng không có thật thể. Do không hiểu lại chấp vào chữ LÌA, cho tất cả pháp thế gian sanh tử không bao giờ lìa được Như Lai Tạng. Có Như Lai Tạng là có pháp nhiễm ô sanh tử. Đây là chấp vọng làm chân.
Làm sao đối trị? Bởi Như Lai Tạng, từ xưa đến nay, chỉ có vô lượng các công đức thanh tịnh, chẳng lìa, chẳng đoạn, chẳng khác nghĩa chân như. Còn vô lượng pháp nhiễm ô phiền não chỉ là vọng có, tánh vốn tự không, từ vô thủy đến nay chưa từng cùng Như Lai Tạng tương ưng. Nếu thể của Như Lai Tạng có pháp hư vọng mà cho rằng chứng đắc có thể dừng hẳn được vọng, ắt không có việc này.
Pháp nhiễm ô sanh tử là do vô minh bất giác tâm động mà sanh cái thấy cùng cảnh giới bị thấy, từ đó có nhiễm ô sanh tử. Vô minh hết thì những thứ ấy cũng không, chỉ còn lại vô lượng tướng công đức mà thôi. Như do mắt bịnh mà thấy trong hư không có hoa đốm. Một khi mắt hết bịnh thì hoa đốm cũng không.
“Nếu thể của Như Lai Tạng CÓ pháp hư vọng mà CÓ THỂ CHỨNG ĐẮC dừng hẳn được vọng …” là, nghĩa của câu này đặt nặng ở chữ CÓ. Nghĩa là, nếu pháp hư vọng ấy là thứ thật có trong Như Lai Tạng, tức chúng không phải là vọng thì khi chứng được quả vị Phật rồi, cái thật có ấy không thể hết. Trên thực tế, những thứ ấy không còn khi Như Lai Tạng hiển lộ hoàn toàn. Thì biết, những thứ ấy không có chất thật, không phải là thứ có sẵn trong Như Lai Tạng. Câu kết này chủ yếu cho thấy, nói Y hay nói KHÔNG LÌA là muốn hiển bày pháp sanh tử thế gian chỉ là một loại vọng pháp, chỉ do tự tâm bất giác vọng hiện. Không bất giác thì không. Chấp CÓ là rơi vào tà kiến.
5. Nghe Tudala nói: “Y Như Lai Tạng nên có sanh tử. Y Như Lai Tạng nên đắc niết bàn”. Do chẳng hiểu nên nói chúng sanh có chỗ khởi đầu. Do thấy có khởi đầu nên nói niết bàn Như Lai đạt được có tận chung, trở lại làm chúng sanh.
Đây là chấp sanh diệt có thật tánh. Y NHƯ LAI TẠNG nên có sanh tử là muốn nói sanh tử không có chất thật, không có nơi chốn, chỉ do bất giác mà có. Do không hiểu, nghe “Y NHƯ LAI TẠNG nên có sanh tử” lại tưởng chân có trước, vọng có sau nên chấp chúng sanh có chỗ khởi đầu. Một khi đã cho có chỗ khởi đầu thì chấp niết bàn là chỗ tận chung, trở lại làm chúng sanh.
Cái chấp này tương tự như cái chấp của các vị ngoại đạo cho cái mờ mờ mịt mịt là ban sơ (minh sơ) và từ cái ban sơ ấy sanh ra sự hiểu biết (giác) v.v... Với họ, đắc niết bàn chính là lúc chúng sanh tận chung hoàn trở về chỗ mờ mờ mịt mịt ấy. Vì cái mờ mờ mịt mịt ấy không phải là cội nguồn chân thật, nên thấy nhập niết bàn rồi lại thấy xuất niết bàn sanh ra sự hiểu biết, liền cho chúng sanh đắc niết bàn xong trở lại làm chúng sanh. Đây là chỗ ngoại đạo chứng thực qua quá trình thiền định, không phải là những suy luận suông trên sách vở. Vì thế những kiến giải này có khi trở thành những kiến chấp rất kiên cố.
Làm sao đối trị? Bởi Như Lai Tạng không có mé trước nên tướng vô minh cũng không có khởi đầu. Nếu nói ngoài tam giới lại có chỗ khởi đầu của chúng sanh là kinh của ngoại đạo nói. Như Lai Tạng không có mé sau, niết bàn mà chư Phật đạt được tương ưng với đó, nên cũng không có mé sau.
Thấy các pháp có trước sau hạn định là do mê Như Lai Tạng mà thấy như vậy. Như Lai Tạng vốn không có bờ mé nên không có chỗ khởi đầu cũng không có chỗ chấm dứt. Vọng pháp là do Như Lai Tạng bất giác mà khởi, làm sao có chỗ khởi đầu và chấm dứt? Chẳng qua do mê mà thấy như vậy. Hết mê thì chỉ là một thể thường nhất không có bờ mé.
“NGOÀI TAM GIỚI lại có chỗ khởi đầu” là cho niết bàn chính là chỗ khởi đầu sanh ra tam giới như trường hợp minh sơ sanh ra sự hiểu biết trên. Cái chấp này tương tự cái chấp có bổn tế từ đó phát sanh vạn vật trong Trung Luận. Đây là chấp niết bàn có chỗ nơi.
B. PHÁP NGÃ KIẾN : Do Nhị thừa độn căn nên Như Lai vì họ mà nói nhân vô ngã. Vì chỗ nói chẳng phải là cứu cánh, thấy có pháp ngũ ấm sanh diệt, sợ hãi sanh tử, vọng thủ niết bàn.
Pháp ngã kiến là chỉ cho chỗ chấp của Nhị thừa. Nhị thừa gồm 2 hạng là Thanh văn và Duyên giác. PHÁP NGÃ KIẾN là cái thấy cho rằng vạn pháp là có thật : Tuy thấy ngũ ấm vô ngã nhưng vẫn cho sanh tử và niết bàn là thật nên thấy ngũ ấm diệt mà hiện niết bàn.
ĐỘN CĂN là căn tánh không sáng. Không sáng đây là so với trí tuệ của chư vị Bồ tát đăng địa và các Như Lai, không phải so với phàm phu mà nói là độn căn. Chỉ mới giác ngộ được nhân vô ngã mà chưa thấy được pháp vô ngã, chưa thấy được “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, nên chư vị bỏ cái này nắm cái kia, sợ sanh tử mà níu niết bàn. Đây cũng giống như bỏ trăng trong lạch mà bắt trăng trên sông, cũng chỉ là bóng mặt trăng không phải mặt trăng thật, nên nói VỌNG THỦ. Vì còn vọng thủ mà nói ĐỘN CĂN.
Làm sao đối trị? Vì pháp ngũ ấm, tự tánh chẳng sanh thời không có diệt, vốn vẫn là niết bàn. Lại nữa, chỗ cứu cánh thì lìa vọng chấp. Phải biết nhiễm pháp tịnh pháp đều là tương đãi, không có tự tướng có thể nói. Cho nên tất cả pháp từ xưa đến nay, chẳng phải sắc chẳng phải tâm, chẳng phải trí chẳng phải thức, chẳng phải có chẳng phải không. Rốt ráo, chẳng có tướng có thể nói. Mà có ngôn thuyết, phải biết đó là phương tiện thiện xảo của Như Lai, mượn lấy ngôn thuyết để dẫn đạo chúng sanh, còn chỉ thú của ngài đều là ly niệm qui về chân như. Vì niệm tất cả pháp khiến tâm sanh diệt, chẳng nhập được thật trí.
Cách đối trị là nêu bày thật tánh của ngũ ấm và niết bàn. Sanh hay diệt chỉ do mê mà thấy. Pháp vốn chẳng sanh nên chưa từng diệt. Thấy diệt là do vọng chấp mà ra. Song chỗ cứu cánh thì lìa vọng chấp. CHỖ CỨU CÁNH là chỉ cho cội nguồn chân thật nhất tâm. Chỗ cứu cánh thì lìa vọng chấp vì còn chấp là còn thấy vạn pháp là thật. Chấp sanh tử tức thấy sanh tử thật, chấp niết bàn tức thấy niết bàn thật. Nếu không thật vì sao lại chấp? Đã níu giữ tức đã có tâm thấy thật. Song nếu thật trở về được với cội nguồn chân thật thì phải có cái trí thấy vạn pháp như huyễn, sanh tử niết bàn như hoa đốm trong hư không, không còn gì để chấp. Vì thế, nói “Chỗ cứu cánh thì LÌA VỌNG CHẤP”.
TƯƠNG ĐÃI là đợi chờ nhau mà thành, là muốn nói đến tính duyên khởi của pháp, như nói về nhân duyên và nhân quả. NHÂN DUYÊN thì phải có DUYÊN mới gọi là NHÂN, hoặc như duyên thì phải có NHÂN mới gọi là DUYÊN. Nhân quả cũng vậy. Phải có cái này, cái kia mới có danh có phận, mới xuất hiện ở cõi đời này. Do phải đợi nhau mới thành nên gọi là PHÁP TƯƠNG ĐÃI.
Tất cả pháp thế gian đều do nhân duyên sanh, nên đều là pháp tương đãi. Đặc tính của pháp tương đãi là không tánh. Nếu có tánh thì nó phải tự có, duy nhất và thường trụ. Song nếu tự có thì không phải đợi nhau. Đã đợi nhau thì biết là không tánh. Vì thế nói “Không có tự tướng có thể nói”. ĐỢI NHAU mới thành thì không thể là TỰ. Tướng ấy không tánh nên không có TỰ TƯỚNG.
CHO NÊN, là từ những việc nói đó mà hiểu ra một điều : Thật tánh hay thật tướng của vạn pháp vốn không phải sắc cũng không phải tâm, không phải trí cũng không phải thức … Do chúng sanh lập CÓ mà phải đưa về KHÔNG, chúng sanh dùng THỨC nên mới có vấn đề TRÍ … Còn thật tướng của 2 mặt tương đãi ấy thì không phải THỨC cũng không phải TRÍ, không phải CÓ cũng không phải KHÔNG. Vì không phải nên mới có thể tùy duyên mà thành TRÍ hay thành THỨC, thành CÓ hay thành KHÔNG … Trong kinh Lăng Già, đức Phật trả lời 108 câu của ngài Đại Huệ bắt đầu bằng một từ PHI. Trung Quán Luận mở đầu bằng 4 vế đối đãi “Chẳng sanh cũng chẳng diệt, chẳng đến cũng chẳng đi …”. Nói CHẲNG PHẢI là muốn hiển bày “RỐT RÁO chẳng có tướng có thể nói”. Sanh tử hay niết bàn chỉ là pháp đối đãi. Vì có sanh tử mà nói niết bàn. Không sanh tử thì niết bàn cũng không lập. Không lập thì không trụ. Không trụ là niết bàn.
Rốt ráo, chẳng có tướng có thể nói. Còn nói dài dòng văn tự đây thì biết chỉ là phương tiện thôi. PHƯƠNG TIỆN là chỉ cho những thứ chưa phải là cứu cánh như văn từ, chữ nghĩa, pháp môn … Khéo và hay thì gọi là THIỆN XẢO. Nói khéo và hay vì nó phù hợp với căn cơ của chúng sanh mà không rời khỏi LÝ, tức vừa khế lý vừa khế cơ, khiến người có thể nương đó mà đến được chỗ rốt ráo là vô niệm.
CHỈ THÚ là mục đích mà Như Lai muốn nhắm đến. Nói nhiều thứ như thế nhưng chủ ý của ngài chỉ muốn chúng sanh “LY NIỆM qui về chân như”, vì chân như vốn vô niệm. Nếu ai một bước có thể ‘ly niệm’ rồi ‘vô niệm’ như Lục Tổ thì không cần văn tự cũng chẳng cần Niệm Phật, Chỉ Quán Song Hành hay Biết Vọng Không Theo. Song sanh ra đời thì ai cũng đầy vọng niệm. Con nít nằm nôi cũng ú ớ luôn miệng. Người lớn, mở mắt suy nghĩ đã đành, nhắm mắt cũng mơ này mơ kia, làm đủ thứ chuyện. Nếu không nương vào kinh luận và các pháp môn thì khó mà gạt bỏ dòng vọng tưởng để tùy thuận chân như.
Như vậy, phương tiện thì không phải là chỗ cứu cánh nhưng là thứ giúp chúng sanh ly niệm để quay dần về cảnh giới vô niệm của tâm. Vô niệm mới là chỗ rốt ráo. Rốt ráo thì không phải phương tiện. Vì thế văn từ, pháp môn đều thuộc phương tiện. Là phương tiện thì phải khế lý mà không được thiếu khế cơ. Khế lý mà thiếu khế cơ thì không lợi ích gì cho chúng sanh. Khế cơ mà không khế lý thì tu Phật mà thành tà ma ngoại đạo, vì tùy duyên mà thiếu bất biến... Cho nên phải khế cả lý lẫn cơ.
KHẾ LÝ là pháp môn nào có khuynh hướng đưa tâm ta về vô niệm gọi là khế lý. Nói ĐƯA bởi pháp môn là thuyền bè đưa ta đến đích chứ không phải là ngay chính đích đó. Pháp môn nào có khuynh hướng đưa tâm từ cái nhiều về cái ít, từ cái ít về cái không, để thể nhập trạng trái vô niệm của tâm gọi là khế lý. Khế lý là vậy, không phải khế lý là làm cho phương tiện thành cứu cánh.
KHẾ CƠ là pháp môn ấy có phù hợp với căn cơ của mình không. Phù hợp nghĩa là dùng pháp môn ấy, tâm mình ngày một ít dính mắc với cảnh bên ngoài, lòng tin đối với Phật Tổ tăng trưởng, đối cảnh tâm bớt khởi phân biệt líu lo, kinh sách ngày một tường tận … ấy gọi là khế cơ. Do dụng pháp đúng căn cơ mà tật bịnh tiêu trừ nên gọi là khế cơ. Còn dùng một pháp môn mà tâm không bớt phiền não, chỉ tăng thêm sở tri, người khi nào cũng chướng, dụng pháp thì phù thủng cả người, hết dụng pháp lại lành bịnh … thì biết pháp ấy hoặc không khế lý hoặc không khế cơ. KHÔNG KHẾ LÝ vì pháp môn ấy chỉ khiến làm tăng sở tri mà phiền não thì không giảm. KHÔNG KHẾ CƠ vì có khi nó khế lý, nhưng vượt quá căn cơ tu tập của người tu, nên chỉ khiến mình sanh bịnh mà không thể tiêu trừ được tật của mình.
Như chúng ta thời nay, không biết những suy nghĩ của mình là vọng, tha hồ vung vẫy, niệm khởi liền theo, không hề tính chuyện dừng nghĩ, nên gây nghiệp tạo tội vô vàn. Nếu không dạy mình ‘biết vọng không theo’ mà dạy ‘vọng tức chân’ thì mình sẽ theo dòng vọng tưởng tiếp tục tạo nghiệp. Đổ nợ như vậy là do cái ‘vọng tức chân’ trên LÝ thì không sai, nhưng do áp dụng không đúng căn cơ mà thành tầm bậy. ‘Vọng tức chân’ chỉ khi nào mình đã thấy rõ vọng đúng là vọng. Vọng đã là vọng thì không vì nó mà gây nghiệp tạo tội. Cũng không vì nó mà sợ thiệt thòi cho bản thân khi việc đó mang lại lợi ích cho muôn người. Lúc đó mới có thể nói ‘vọng tức chân’. Còn vọng với mình đang là một, niệm khởi LIỀN THEO mà ‘vọng tức chân’ thì gây nghiệp tạo tội không cơ mang nào đếm xuể. Cho nên, NIỆM KHỞI LIỀN THEO phải có cái tương đãi là BIẾT VỌNG KHÔNG THEO thì LÝ kia mới được hiển bày. Thành nói BIẾT VỌNG KHÔNG THEO thì phải nhớ đó là pháp hành. Pháp hành này đưa tâm chúng ta thuận dần với pháp tánh chân như chứ không phải chính là lý chân như. Không phải, thì khỏi bàn nó là cứu cánh hay không cứu cánh, chỉ một việc là hành. Hành rồi sẽ thấy, đi rồi sẽ đến.
Phải đủ 2 tiêu chuẩn là khế lý và khế cơ thì pháp môn ấy mới đưa người đến chỗ rốt ráo. Chư Phật, Tổ sư cùng các vị thiện tri thức ngày nay lập ra pháp môn cũng y cứ vào 2 mặt LÝ và TƯƠNG ĐÃI này mà lập. Thiếu một thì việc lập pháp chẳng tới đâu. Song đã nói khế cơ thì không có gì cố định. Bởi duyên khởi thì tùy duyên mà có pháp. Xoay chuyển thế nào cho phù hợp với căn cơ của từng người, từng thời miễn không ngoài LÝ là được. Có người hỏi ngài Triệu Châu “Con chó có Phật tánh không?”. Câu trả lời lúc CÓ, lúc KHÔNG. Đó là tùy cơ của chúng sanh mà đáp, là tùy duyên mà lập pháp để không đánh mất cái LÝ. Nếu nhìn cách hành xử của chư vị bằng cái nhìn thiếu duyên khởi, mình sẽ dễ dàng kết luận chư vị xảo ngôn. Thấy pháp của các bậc Cổ đức đối ngược kình chống lẫn nhau cũng vì thiếu cái nhìn duyên khởi này.
Thấu LÝ thật sự thì phải nắm được mặt TƯƠNG ĐÃI của vạn pháp. Nắm được mặt TƯƠNG ĐÃI của vạn pháp thì mới thật là nắm được LÝ. Vì thế, trong kinh Trung Bộ Phật nói “Ai thấy pháp, người ấy thấy duyên khởi. Ai thấy duyên khởi, người ấy thấy được pháp”. Theo DUYÊN bỏ LÝ là chúng sanh. Thấy LÝ mà không thấy DUYÊN là Nhị thừa. Biết và hiểu là một chuyện. Lý sự viên dung là chuyện khác.
Các tin khác
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN (01/04)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN (P.1) (01/04)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN (P.2) (01/04)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN (P.3) (01/04)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN (P.4) (01/04)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN (P.5) (01/04)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN (P.6) (01/04)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN (P.7) (01/04)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN (P.8) (01/04)
-
» ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN (P.9) (01/04)