Hương Sen Ngàn Cánh
BỒ-TÁT DIỆU HUỆ
20/04/2017
ĐỒNG NỮ DIỆU HUỆ
Diệu Huệ là một bé gái 8 tuổi. Dung mạo đoan chánh xinh đẹp, ai thấy đều vui thích. Tương truyền trong quá khứ, cô đã từng thân cận cúng dường, gieo trồng căn lành nơi vô lượng chư Phật. Khi Phật ở tại thành Xá Vệ, cô đã đến lễ dưới chân Phật, xin Phật trả lời những thắc mắc của mình bằng bài kệ sau:
Làm sao được thân đẹp
Đại phú và tôn quí
Và do nhân duyên gì
Quyến thuộc lại tan tác
Điều cô bé muốn hỏi đầu tiên là làm sao để có được thân tướng đẹp đẽ, đại phú và tôn quí. Nghĩa là, con phải gieo nhân gì để có được quả báo giàu sang, thân tướng đẹp đẽ ai nhìn vào cũng thấy thích, lại được mọi người tôn quí. Tôn quí là kính trọng mà thương yêu.
Việc thứ hai, cô bé muốn hỏi nguyên do vì đâu quyến thuộc lại tan tác. TAN TÁC có hai nghĩa : Hoặc là quyến thuộc tranh dành ghét bỏ lẫn nhau. Hoặc là gặp hoàn cảnh ly tán mà xa lìa nhau. Nói chung, không đoàn tụ hạnh phúc … gọi là tan tác.
Làm sao để thân mình
Được thọ nơi hóa sanh
Ngồi hoa sen ngàn cánh
Diện phụng Phật Thế Tôn
Đây hỏi tu hạnh gì để có thể ngồi nơi tòa sen và thấy Phật. HÓA SANH đây, chỉ cho việc được hóa sanh vào cõi Phật. Như chư vị tu pháp Niệm Phật để được vãng sanh Tịnh độ. DIỆN PHỤNG là diện kiến và phụng sự chư Phật.
Thế nào chứng nhập được
Tự tại thắng thần thông
Đến khắp vô lượng cõi
Kính lễ lạy chư Phật
TỰ TẠI THẮNG THẦN THÔNG là chỉ cho địa vị bất động, là địa vị đã chứng nhập được tánh bình đẳng của pháp thân, đã thấy được cảnh giới như huyễn. Được địa vị này liền có thần thông dạo chơi tất cả cõi nước.
Làm sao được không oán
Lời nói được người tin
Trừ sạch các pháp chướng
Lìa hẳn các ma nghiệp
KHÔNG OÁN là không ai oán ghét căm thù mình. Lời nói được người tin nhận. PHÁP CHƯỚNG là chỉ cho những pháp làm chướng ngại cho sự tu hành. MA NGHIỆP là chỉ cho các thứ làm não loạn thân mạng cũng như tuệ mạng của người tu.
Thế nào lúc mạng chung
Được thấy chư Phật hiện
Nghe thuyết pháp thanh tịnh
Không bị khổ não bức
Đấng đại bi vô thượng
Xin vì con giải nói
Đây là chấm dứt lời thỉnh cầu. ĐẤNG ĐẠI BI VÔ THƯỢNG là chỉ cho đức Phật. Gọi là ĐẠI BI vì cái bi của đức Phật đối với người đời rất trí tuệ và bình đẳng. TRÍ TUỆ, vì thấu được qui luật chi phối thế gian và có cái thấy không ngăn ngại suốt từ quá khứ đến vị lai, nên đức Phật mang lại lợi ích thiết thực cho muôn loài. BÌNH ĐẲNG, vì sự cứu khổ ấy không có biên giới, không bị những thứ như của tôi, ghét, thương v.v… chi phối. VÔ THƯỢNG vì không có lòng bi nào bằng lòng bi ấy. Đây là lý do để đồng nữ Diệu Huệ nêu lên những thắc mắc của mình.
Đức Phật trả lời :
1. Nầy Diệu Huệ! Bồ tát thành tựu 4 pháp sau thì có thân hình đoan chánh. Thế nào là bốn? Một, nơi bạn ác không khởi lòng giận hờn. Hai, trụ nơi đại từ. Ba, rất thích chánh pháp. Bốn, tạo hình tượng Phật.
Muốn có thân hình đoan chánh thì cần phải thực hành 4 điều sau :
Nơi bạn ác không khởi lòng giận hờn. BẠN ÁC là chỉ cho người không cư xử tốt với mình, người luôn làm mình bực mình, gây khó khăn cho mình, hãm hại mình, nói xấu mình, làm mình đau khổ v.v… Với những người như vậy mà mình không giận hờn, thì mình sẽ có thân tướng đoan chính đẹp đẽ. Muốn vậy thì phải có tâm thương người. Tâm thương người đó gọi là TỪ. Song TỪ ở đây không phải chỉ có TỪ thôi mà còn có ĐẠI nữa. Vì sao gọi là ĐẠI TỪ? Từ nghĩa chính của nó là ban vui. Muốn người an vui là do có tình thương rộng lớn đối với người. Nó xuất phát từ chân thể bình đẳng, là thương mà không kể thân hay sơ, tốt với mình hay không tốt với mình. Người đối với mình thế nào cũng được, còn mình làm được gì cho người thì làm, không phải ghét thì cho ra rìa, thương thì làm sống làm chết. Do cái bình đẳng đó mà gọi là ĐẠI. Phải có tâm bình đẳng đó thì mới thương được bạn ác của mình. Việc này không phải dễ làm, nhưng làm được thì có được thân tướng đẹp đẽ, ai thấy cũng có thiện cảm.
RẤT THÍCH CHÁNH PHÁP là ưa thích chánh pháp hết mực. Chánh pháp là chỉ cho những pháp mà thực hành nó mình sẽ có quả báo tốt đẹp. Theo kinh Thắng Man, chánh pháp chia làm 4 loại từ thô đến tế như sau :
1/ Các pháp thuộc Nhân Thiên thừa, như 5 giới của người tại gia hay Thập thiện của cõi trời.
2/ Pháp Thanh văn.
3/ Pháp Duyên giác.
4/ Vô thượng thừa. Pháp vô thượng này gồm có Đại thừa và Nhất thừa.
Thích chánh pháp thì sẽ sống thiện và làm thiện. Đó là điều kiện để có một tâm thần an ổn thoải mái. Cái an ổn thoải mái đó là một phần giúp thân tướng của mình đẹp đẽ trong hiện tại. Hoặc trong giới của người Phật tử tại gia và xuất gia đều có giới không sát sanh. Không sát sanh thì không bị chết yểu hoặc không bị bệnh hoạn. Khỏe mạnh tươi tốt cũng là một thứ góp phần cho thân tướng của mình được đẹp đẽ.
TẠO HÌNH TƯỢNG PHẬT là dùng công sức hay dùng tài vật để đúc hình tượng của Phật.
Thực hiện được 4 việc này, mình sẽ có được thân tướng mà ai nhìn cũng thấy tôn quí và thương yêu.
2. Nầy Diệu Huệ ! Bồ tát thành tựu 4 pháp sau thì được thân phú quí. Thế nào là bốn? Một, bố thí đúng thời. Hai, không có tâm khinh mạn. Ba, vui mừng mà cho. Bốn, không mong quả báo.
PHÚ QUÍ là giàu sang danh giá. Muốn giàu sang thì phải nói đến việc bố thí. Không có bố thí thì không bao giờ có sự giàu sang. 4 pháp nói đây đều liên quan đến việc bố thí. Bố thí thế nào? Đầu tiên là BỐ THÍ ĐÚNG THỜI, là bố thí đúng khi người ta đang cần. Người đói cơm thì cho ăn. Người đói pháp thì cho pháp. Người đang sợ hãi thì làm cho họ hết sợ hãi. Người cần một lời an ủi thì nói một lời an ủi. Đó là đúng thời. Người đói không cho, lại đem cho chỗ thừa mứa, là không đúng thời. Người đói cơm lại không cho ăn mà đem cho sách là không đúng thời v.v…
Cho được đúng thời rồi còn phải cẩn trọng về thái độ của mình nữa. Cho mà KHÔNG CÓ TÂM KHINH MẠN, kiêu ngạo. Điều này cũng đúng. Người cần đến mình mà mình cho với thái độ khinh khỉnh thì quả là tàn nhẫn. Chưa nói gì về mặt quả báo, chỉ nói về mặt tình người thôi, đã thấy không nên. Vả lại, đã cho rồi, tức tài vật cũng ra rồi, vì sao không là một nụ cười hay một khuôn mặt rạng rỡ để mọi người cùng vui vẻ, quả báo được tốt đẹp mà phải là một thái độ khinh khỉnh làm đau lòng người? Phần vi tế của tướng khinh mạn kiêu ngạo này rất nhiều dạng, khó mà lường hết.
VUI MỪNG MÀ CHO, vì phải thấy rằng nhờ cái cho ấy mình mới có điều kiện để tạo cái nhân giàu sang trong tương lai. Cái VUI MỪNG MÀ CHO này trị cái bệnh kiêu ngạo khinh khỉnh trên. Cho trong sự biết ơn thì không ai dám khinh khỉnh. Nói vậy nhưng cũng không nên có tâm muốn nhận lãnh của người vì nghĩ rằng đó là mình tạo phước cho người. Cái tâm muốn nhận lãnh vì người đó là tốt, nhưng chỉ sợ nó là trá hình của tâm tham một khi trí tuệ mình chưa đủ. Tham thì mạt đời, ngóc đầu không lên.
Umezu là một thương gia giàu có ở Edo, ông quyết định cúng năm trăm đồng ryo để đại sư Seisetsu xây một trường học rộng rãi hơn. Đại sư trả lời bình thản “Được rồi, tôi sẽ nhận”. Umezu không bằng lòng về thái độ không biết ơn ấy. Với ba ryo người ta đã có thể sống trọn một năm, đây đến năm trăm ryo. Không dấu được điều bất mãn đó, Umezu chỉ túi vàng nói “Trong túi đó là năm trăm ryo”. Đại sư nói “Ông đã nói với tôi rồi”. Umezu nói “Mặc dù tôi là một thương gia nhưng số tiền ấy không phải nhỏ”. Đại sư hỏi “Ông muốn tôi cảm ơn ư?” Umezu gật đầu. Đại sư lên tiếng “Vì sao lại là tôi? Người cho phải cảm ơn chứ”. Người cho luôn phải là người cảm ơn. Nên đây đức Phật dạy VUI MỪNG MÀ CHO là vậy.
Việc cuối cùng, cho nhưng đừng mong cầu quả báo. Sống thiện là để có một đời sống an lành. Dù không mong cầu quả việc làm ấy cũng nói lên sự mong cầu. Nhưng thật ra, trong đời sống mình đây, có những lúc mình cho hoặc cúng dường không hẳn vì muốn được quả báo giàu sang sung sướng, mà chỉ là một hành động rất tự nhiên của tâm thức, nó là một nhu cầu hơn là một mong cầu. Như thấy người đói, người khổ, tâm tự nhiên muốn cho. Thấy người gặp nạn rồi giúp, muốn Tam bảo trường tồn v.v… Nó xuất phát từ tình thương thật sự của mình đối với người, không vì cầu sự sung sướng cho mình. Những hình thức đó mang lại quả báo tốt đẹp hơn là bố thí mà có mong cầu. Nhưng dù có tâm mong cầu thì quả báo phú quí vẫn có, không phải không, song không bằng cho mà không mong cầu.
Ở đây Phật dạy không mong cầu quả báo, chủ ý là để tránh tình trạng sân giận khi làm thiện hoặc khi bố thí. Vì một khi bố thí mà có tâm mong cầu, thì khi mong cầu không được đáp ứng mình sẽ nổi sân. Giúp người mà người không mang ơn còn chơi ngược lại mình mà mình bất mãn, là mình đã bị tâm mong cầu chi phối. Mong cầu gì? Mong cầu sự biết ơn của người đó, mong cầu tình thương của người đó.
Ngoài ra, bố thí chỉ mới là nhân chứ chưa phải là quả. Phải đủ duyên quả mới xuất hiện. Nếu chưa đủ duyên thì sự giàu sang cũng chưa xuất hiện. Vì thế không phải bố thí là giàu sang liền. Đủ duyên thì ngay trước mắt. Chưa đủ duyên thì có khi kiếp sau hay vài chục kiếp nữa chưa biết chừng. Nếu tâm mong cầu quá mạnh, mà báo quả chưa đủ duyên để ra, mình dễ sinh sân giận, dễ chán nản và thất vọng với những điều mong muốn đó. Việc thiện có khi thành thối thất. Đó là điều tối kiên kỵ. Vì thế không phải chỉ có Phật dạy đừng mong cầu quả báo mà chư Tổ và các vị Thiện tri thức đời sau cũng dạy như vậy.
3. Nầy Diệu Huệ! Bồ tát thành tựu 4 pháp sau thì được quyến thuộc không tan hoại. Thế nào là bốn? Một, khéo xả bỏ lời ly gián. Hai, làm cho chúng sanh tà kiến an trụ chánh kiến. Ba, với chánh pháp muốn diệt, hộ trì cho trường tồn. Bốn, dạy chúng sanh xu hướng bồ đề Phật.
Đây là trả lời câu hỏi con phải làm những việc gì để quyến thuộc không bị chia lìa tan tác? Phật dạy có 4 điều phải thực hiện. Thực hiện được thì phá bỏ được cái quả không tốt kia.
1. Khéo xả bỏ lời ly gián : Đây là việc nhân quả dễ hiểu nhất. Mình chuyên đi xúc siểm, dùng tài ăn nói của mình để chia rẽ người khác thì đương nhiên mình phải bị quả báo tương tợ. Giờ muốn hết thì đầu tiên là phải ngưng cái nhân quyết định của sự việc này. Không nói lời ly gián là để không tạo tiếp nhân xấu. Đó là việc cần làm trước tiên. Còn cứ gây, rồi lại chữa cháy thì biết đời nào mới hết cái quả đó? KHÉO là chưa làm được liền thì từ từ. Dừng được chút nào hay chút đó.
Với những nhân đã gây trước đây, để cái quả có ra cũng nhẹ bớt, Phật dạy làm các việc sau :
2. Làm cho chúng sanh tà kiến an trụ chánh kiến : Chúng sanh là chỉ chung cho tất cả mọi loài từ người đến thú vật. Chánh kiến là cái thấy đúng đắn. Nay ta hay dùng từ QUAN NIỆM để chỉ cho chữ KIẾN này. Có quan niệm đúng đắn thì hành động mới đúng đắn. Thế nào là chánh kiến? Sống trong xã hội thì phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, là một loại chánh kiến. Không có thứ gì trên cuộc đời này mà không bị nhân quả chi phối, là một chánh kiến. Phật chính là trí tuệ rỗng rang sáng suốt của chính mình, là một chánh kiến v.v… Người đời khổ vì có cái nhìn không đúng với qui luật chi phối ở thế gian, gieo lộn nhân thành gặt cái quả không như ý. Cứ vậy mà quây cuồng trong mớ bòng bong của nghiệp lực.
Bằng cách nào đó, mình có thể giúp người có được cái nhìn đúng đắn về thân tâm và thế giới họ đang sống là đang giúp họ an trụ trong chánh kiến. TRỤ là tồn tại đứng vững. AN là yên lòng vững vàng. Vững vàng và an bình trong chánh kiến chứ không phải nay tin nhân quả mai lại đi tin bà Chúa Xứ. Vậy chưa gọi là an trụ chánh kiến.
Không phải chỉ có con người mới có khả năng biết chánh kiến và thực hiện chánh kiến. Con vật cũng có thể dạy nó chánh kiến. Ăn vụng, ăn những thứ người không cho, dành ăn với đồng loại là thiếu chánh kiến. Bằng cách nào đó dạy cho nó không phạm những thứ đó chính là dạy nó sống có chánh kiến. Một con vật với tánh tình hiền hòa chắc chắc sẽ có một quả báo tốt đẹp cho đời sau của nó.
Muốn giúp người an trụ chánh kiến thì đầu tiên mình cũng phải có chánh kiến. Còn bản thân mình cũng thích cúng sao, giải hạn, đi Châu Đốc vay tiền làm ăn, thì chắc chắn mình cũng dẫn người ta đi cúng sao giải hạn và Châu Đốc mà thôi. Vì thế tuy nói giúp chúng sanh tà kiến an trụ chánh kiến mà chính là an trụ chúng sanh tâm của mình trụ vào chánh kiến trước.
3. Với chánh pháp muốn diệt, hộ trì cho trường tồn : Có chánh kiến thì chắc chắn không bao giờ dùng tài ăn nói của mình vào những chỗ không đúng như ly gián, gieo họa cho người. Có chánh kiến và giúp người sống chánh kiến chính là đang góp tay giữ vững chánh pháp. Không hẳn phải có chùa chiền Tăng Ni chánh pháp mới tồn tại. Thứ khiến chánh pháp tồn tại chính là con người biết sống đúng chánh pháp. Chùa chiền, Tăng Ni, sách báo nhiều bao nhiêu mà chỉ tập trung dạy người cầu sao giải hạn, phá hủy nhân quả, bói toán rùm ben, chỉ khiến người rơi vào mê tín dị đoan thì chánh pháp vẫn bị diệt đọa.
Cho nên, tuy dạy 4 pháp mà thật không ngoài một, là GIÚP NGƯỜI AN TRỤ TRONG CHÁNH KIẾN.
4. Dạy chúng sanh xu hướng bồ đề Phật : Là giúp người hướng về Phật đạo. Đó là việc tất yếu của quá trình an trụ trong chánh kiến. Chánh kiến càng vững thì trí tuệ hướng về đạo Phật chính thống càng mạnh. Nhà bác học Einsten, người cả đời chỉ tập trung cho việc nghiên cứu khoa học đã phải thốt lên lời nói “Nếu có một tôn giáo nào ứng phó được với các nhu cầu của nền khoa học hiện đại, đó chính là Phật giáo”. Khoa học là thứ mà ai cũng tưởng nghịch lại với đời sống tôn giáo. Song với đạo Phật thì điều đó không hẳn. Đáng để ta phải suy gẫm.
4. Nầy Diệu Huệ! Bồ tát thành tựu 4 pháp sau, sẽ được ở trước Phật hóa thân ngồi tòa sen. Thế nào là bốn? Một, mang hoa quả và hương thơm đến dâng cúng chư Phật cùng các chùa tháp. Hai, không nói lời càn bậy khiến người thêm tổn hại. Ba, tạo tượng Như Lai trên tòa sen. Bốn, sanh lòng tin thanh tịnh với bồ đề Như Lai.
Hai việc mang hoa quả hương thơm cúng dường chư Phật và chùa tháp, cũng như tạo hình tượng đức Phật ngồi trên tòa sen đều là những việc dễ làm. Chưa tu vẫn làm được. Hướng lòng tin và sự kính ngưỡng vào Tam bảo như vậy là đang gieo duyên với Phật pháp. Có duyên thì mới gặp được Tam bảo. Riêng việc tạo hình tượng Phật, như hiện nay chùa nào cũng nhiều tượng quá, mà cứ tạo hoài thì có khi phải để Phật ngoài đường, mưa nắng dãi dầu, rất tội cho đức Phật của mình. Hoặc với người không có tiền, không có điều kiện đúc tượng Phật ngồi trên tòa liên hoa, không lý không được gặp Phật?
Phật là đấng đại bi vô thượng, chắc chắn không bao giờ để tình trạng thiếu xót ấy xảy ra, nên trong 4 điều đây, có một điều không cần điều kiện vật chất mà vẫn có thể tạo hình tượng Như Lai, đó là sanh niềm tin thanh tịnh với bồ đề Như Lai. SANH NIỀM TIN THANH TỊNH chính là có niềm tin với ông Phật của chính mình, là có lòng tin với chân tâm của mình. Đức Phật đó không hình tướng, ngồi trên tòa sen cũng không hình tướng, nên bao trùm tất cả các đức Phật ngồi tòa sen mà có hình tướng. Tạo được đức Phật đó là tạo được vô vàn đức Phật không gì sánh được. Đi đâu, làm gì mình cũng nhớ mình có cái chân tâm thường hằng bất biến không tham, không sân, không si, không thương, không ghét, rỗng rang, sáng suốt. Đó chính là tạo hình tượng Như Lai trên tòa sen. Tạo hình tượng như vậy chính là ta đang trực diện Phật ngay bây giờ chứ không đợi đâu xa.
Sống được với ông Phật của mình thì không bao giờ nói lời xằng bậy khiến người bị tổn hại. Thứ này các đấng không râu của mình dễ vướng hơn đấng mày râu. Bởi phụ nữ là mệnh danh cho thói nhiều chuyện. Nói vậy không có nghĩa quí ông đã hoàn toàn vô tội. Có ông còn nhiều chuyện gấp mấy lần quí bà. Song số nhiều vẫn thuộc quí bà nên nói quí bà. Không vừa lòng chuyện gì là tìm cách nói ra nói vào sao cho thiên hạ bay khỏi cư xứ của mình mới vừa lòng. Đó là nói xằng bậy khiến làm tổn hại đến người. Tội lỗi vô vàn. Không thể thấy Phật. Vì sao? Vì thiếu tâm từ thì không thể gặp một người đầy đủ lòng từ như đức Phật. Đồng thanh mới ứng nhau, đồng khí mới tìm nhau. Có lòng từ và không lòng từ không thể gặp nhau.
5. Nầy Diệu Huệ! Bồ tát thành tựu 4 pháp thì được thần thông thù thắng từ một Phật độ đến một Phật độ. Thế nào là bốn? Một, thấy người khác tu thiện chẳng làm chướng não. Hai, khi người thuyết pháp, chưa từng cản trở. Ba, đốt đèn cúng dường tháp Như Lai. Bốn, đối với các thiền định thường chuyên cần tu tập.
Trả lời câu hỏi làm sao chứng nhập được thần thông tự tại thù thắng, để có thể đi từ Phật độ này đến Phật độ khác của đồng tử Diệu Huệ. Cũng có 4 pháp.
1. Thấy người khác tu thiện thì không làm chướng não họ : TU THIỆN là chỉ cho các việc làm lợi ích cho người, hoặc niệm Phật, ăn chay, tụng kinh, thiền định v.v… Người uống rượu say sưa quên ngày quên tháng bỗng dưng tập bỏ uống rượu cũng là một dạng tu thiện. Thứ gì khiến con người hướng thiện, khiến gia đình êm ấm, xã hội tốt đẹp, đều gọi là tu thiện.
LÀM CHƯỚNG NÃO là gây sự cản trở và buồn phiền cho người. Như thấy người thân của mình đi làm việc phước thiện, rồi sợ tiền của tan tác, công việc nhà không ai lo, thành cấm cửa cho yên. Đó là một dạng chướng não nói đây. Khuyên người gắng lo chuyện nhà cho xong rồi hãy điø, hoặc tự mình giúp đỡ thanh toán việc nhà trong ngày đó cho yên thì tốt hơn là cấm cửa người làm chuyện phước thiện. Bởi cấm cửa như vậy là mình đang đánh mất cái phúc của mình mà cả cái phúc của người nữa.
2. Gặp người thuyết pháp thì đừng cản trở : Thuyết pháp nói đây là thuyết về chánh pháp chứ không phải tà pháp. Tà pháp thì cũng cần góp tay phá bỏ chứ không nên im lặng khuyến khích. Chính yếu là phải biết thứ gì là chánh, thứ gì là tà. Cái biết đó là trí tuệ. Vì thế có phần 3 sau.
3. Đốt đèn cúng dường Như Lai : Là soi sáng Như Lai của chính mình, là phát huy trí tuệ của chính mình. Đó là nghĩa sâu xa. Còn hình thức đốt đèn cúng dường Như Lai là cái nhân để mình có nhân duyên gặp được Phật pháp, học hỏi, tu hành để ông Phật của mình được soi tỏ. Nó là cái nhân gián tiếp mang đến trí tuệ sau này cho mình, không phải là không mang đến quả báo nào cho trí tuệ.
4. Đối với các thiền định thường chuyên cần tu tập : Muốn có thần thông du hí thì nhất định phải có thiền định mới nói đến chuyện thần thông. Không có phần thiền định này thì khỏi nói đến chuyện thần thông du hí. Ngay với ngoại đạo, muốn xuất hồn du phương cũng phải có thiền định. Có điều, thiền định của họ không giống thiền định của đức Phật.
Bạn tôi có người mẹ tu theo phái thiền xuất hồn. Bà ta có thể nhịn đói mười lăm ngày hoặc một tháng mà dung nhan vẫn tươi tắn trẻ đẹp. Mỗi lần ngồi thiền, là mỗi lần bà được một người gọi là ông Tám dẫn đi chu du khắp nơi. Một lần bà ngồi đến ba ngày mà không thấy trở lại như thường lệ. Trong nhà phải hạ bà xuống cho vào hòm đóng nắp. Không ai hiểu nguyên do vì sao. Nhưng chắc có dấu hiệu gì đó của sự thối rữa nên gia đình không thể để lâu hơn nữa. Đi chơi đâu đó vui quá thành quên mất đường về … Thôi thì tu thiền của Phật cho chắc. Không mầu nhiệm theo kiểu ăn liền dễ chết như thế. Thực tế và logic. An tâm hơn.
THIỀN ĐỊNH CỦA PHẬT là loại thiền định giúp ta dứt bỏ tham, sân, si … Không bị những thứ đó quấy rầy thì đương nhiên thân tâm được tự tại. Không bị ràng buộc trong bất cứ điều kiện nào, gọi là TỰ TẠI. Sự tự tại càng thâm sâu thì khả năng du hí của mình càng lớn. Muốn biết mình tu thiền có đúng là thiền của Phật không, chỉ cần xem lòng mình đối với những thứ như tình cảm, danh lợi, ngủ nghỉ, ăn uống thế nào thì biết. Cứ ít dính mắc với những thứ bên ngoài nhiều chừng nào là mình biết mình gần Phật nhiều chừng nấy. Khi tâm không còn chấp thủ thì mình sẽ có được cái dụng nói đây. Điều này cần sự chăm chỉ chuyên cần dài lâu.
6. Nầy Diệu Huệ! Bồ tát thành tựu 4 pháp sau thì trong việc xử thế không có kẻ thù. Thế nào là bốn? Một, dùng tâm không gian dối mà gần gũi bạn lành. Hai, nơi pháp thù thắng của người không sinh tâm tật đố. Ba, thấy người có danh dự thì tâm thường vui mừng. Bốn, đối với hạnh Bồ tát, không có tâm khinh hủy.
BẠN LÀNH là chỉ cho những người thật tâm với mình, những người đối xử tốt với mình.
PHÁP THÙ THẮNG là chỉ cho những gì thuộc về hạnh phúc, may mắn v.v… là những quả báo tốt đẹp của người. Thấy người giàu có mà ghét, thấy người giỏi giang trí tuệ thì không ưa, thấy người khác được thương hơn mình v.v… mà trong lòng khởi sinh bực bội, khó chịu là mình đang rơi vào thứ gọi là tật đố. TẬT ĐỐ nghĩa là ganh tỵ, ghen ghét, cành nanh, ghen tuông.
DANH DỰ là một trong những pháp được gọi là thù thắng. Nói chung, với những gì mà người hơn mình thì mình phải mừng cho người, đừng ganh ghét khó chịu. Vậy mới tránh được quả báo oán thù.
HẠNH BỒ TÁT là chỉ cho những hành động mang tính vì người. Chẳng hạn ra đường nhìn thấy một người đuổi theo bọn cướp, ngăn chặn sự cướp bóc. Không may người ấy gặp nạn. Có người thán phục nhưng cũng có người bĩu môi “Thiếu trí tuệ, không biết lượng sức mình”. Hành động đó gọi là khinh hủy. KHINH HỦY là khinh khi và chê bai. Dù người có thiếu trí tuệ, nhưng cái đáng quí là tinh thần và tấm lòng của người đó. Nhờ có những con người quên mình như vậy, xã hội mới tốt đẹp hơn. Vì thế, dù người ta thật sự thiếu trí tuệ chăng nữa, vẫn có thứ để mình tôn kính. Tôn kính thứ mà mình không dám làm và chưa làm được. Một lời tán thán đáng hơn là một câu phỉ báng. Mọi trường hợp đều như vậy.
HẠNH BỒ TÁT còn chỉ cho những thứ như ăn chay, niệm Phật, bố thí, cúng dường v.v… những thứ đó dù không hợp ý mình, mình cũng không nên chê bai, hủy báng. Đó là giúp mình tránh được quả báo oán thù trong hiện đời và mai sau.
7. Nầy Diệu Huệ! Bồ tựu thành tựu 4 pháp sau thì lời nói được người tin nhận. Thế nào là 4? Một, lời nói thường tương ưng với việc tu hành. Hai, chẳng giấu diếm tội lỗi với bạn lành. Ba, nơi pháp được nghe không tìm lỗi dỡ. Bốn, với người thuyết pháp không được sanh ác tâm.
Làm sao để lời nói của mình có trọng lượng? Cũng có 4 việc để làm :
1. Lời nói thường tương ưng với việc tu hành : Nói được thì phải làm cho được, TƯƠNG ƯNG là như vậy. Nói nhiều mà làm không bao nhiêu thì người ta nói mình sạo là chuyện đương nhiên. Sạo thì không ai tin mình nữa. Có nói đúng người ta cũng không tin. Thôi thì làm đi rồi nói. Thiền sư Động Sơn nói “Nói cái làm chẳng được không bằng làm cái nói chẳng được”. Đại Từ Hoàn Trung thì “Nói được một trượng chẳng bằng làm được một thước. Nói được một thước chẳng bằng làm được một tấc”.
2. Chẳng giấu diếm tội lỗi với bạn lành : Bạn lành là người tốt với mình. Người tốt với mình mà mình còn giấu cái này cái kia, đến khi nó lòi ra đương nhiên người ta hụt hẫn. Làm sao còn tin mình nữa.
3. Nơi pháp được nghe không tìm lỗi dở, là khi mình đi nghe pháp thì không nên khen chê. Đây là bệnh rất dễ vướng. Xuôi tai, hợp ý, mát lòng thì khen, nghịch thì chê. Đây dạy đừng chê để khỏi bị quả báo. Đừng chê cũng có nghĩa là khỏi khen. Bởi đã có khen thì thế nào cũng có lúc chê. Đó là qui luật tất yếu của cuộc đời. Không chê không khen để lời nói của mình được người tín thọ. Vì sao? Vì khen chê là tùy duyên. Người hiểu được khen chê là tùy lúc, tùy trường hợp, chỉ vì lợi ích của người mà mình khen hay chê, không phải khen chê có tánh thật của nó, thì mình khen hay chê không sao. Nhưng với người không hiểu, người ta sẽ cho mình có thói bốc đồng, khen đó rồi chê đó, không thể tin con này. Đó là cái quả không tin gần nhất trong hiện tại.
Ngoài ra, nghe pháp không nên chê khen vì pháp sư giảng hay hoặc dở là tùy cái duyên của mình với vị pháp sư đó. Có duyên thì thấy hay, không đủ duyên thì nghe như nước đổ đầu vịt. Mình như vậy thì người cũng như vậy. Mình nghe không hay nhưng người khác nghe hay. Không lợi ích gì cho mình nhưng lợi ích cho người khác. Tranh cãi khen chê trở thành không đúng. Cho nên, nói trúng tật trúng bệnh của mình thì mình nghe. Nghe mà tâm thần phới phới, máu huyết lưu thông thì tiếp tục. Không thì thôi, khỏi khen cũng khỏi chê. Cũng là phá bớt trí phân biệt.
4. Với người thuyết pháp không sanh ác tâm : Ác tâm là chỉ cho tâm ganh tỵ, tâm ghen ghét v.v… Tâm chê bai trên cũng là một loại ác tâm. Có bao giờ bạn nghe người giảng pháp mà thấy lùng bùng đáng ghét chưa? Có, thì chính là ác tâm. Không hiểu do nhân duyên gì trong quá khứ mà vừa nghe người đó mở miệng là lòng mình đã bực bội. Cái bực bội ấy là một dạng của ác tâm. Biết rồi thì buông! Làm hoài sẽ thành quen. Một lúc nào đó sẽ không còn ghét hay bực bội nữa. Người tu hành thì chắc chỉ vướng mấy thứ ác tâm đó. Không ai nghe pháp bực đến nổi thuê người chém pháp sư hay thuốc cho pháp sư chết. Nên đây không nhắc đến những loại ác tâm đó.
8. Nầy Diệu Huệ! Bồ tát thành tựu 4 pháp sau thì có thể xa lìa pháp chướng mau được thanh tịnh. Thế nào là 4? Một, thâm ý ưa thích nhiếp trì tam luật nghi. Hai, nghe kinh thậm thâm chẳng sanh hủy báng. Ba, thấy Bồ tát mới phát tâm thì sanh tất cả tâm trí. Bốn, đối với tất cả hữu tình sanh tâm đại từ bình đẳng.
9. Nầy Diệu Huệ! Bồ tát thành tựu 4 pháp sau thì hay rời lìa các ma. Thế nào là 4? Một, Liễu đạt pháp tánh bình đẳng. Hai, phát khởi tinh tấn. Ba, thường siêng niệm Phật. Bốn, tất cả thiện căn đều hồi hướng.
Phần đầu là trị CHƯỚNG. Phần sau là trị MA. Chướng là chỉ cho phiền não chướng. Ma chỉ cho phiền não ma, nghiệp ma, thiên ma, tử ma v.v… Nói chung thứ gì khiến việc tu hành của mình bị đình trệ thì nó không thuộc CHƯỚNG cũng thuộc MA.
Để trị loại ma chướng này có 8 pháp tất cả :
1. Ưa thích nhiếp trì tam luật nghi : Tam luật nghi là chỉ cho Giới pháp luật nghi, Tĩnh lự luật nghi và Vô lậu luật nghi. GIỚI là chỉ cho giới luật như 5 giới, 10 giới v.v… TĨNH LƯï là chỉ cho thiền định. VÔ LẬU là chỉ cho trí vô lậu của bậc thánh giả. NHIẾP là thu vào giữ lấy, TRÌ là nắm giữ hành trì.
2. Nghe kinh thậm thâm chẳng sanh hủy báng : KINH THẬM THÂM là chỉ cho kinh Đại thừa hay Nhất thừa. Kinh nào nói về Phật tánh, tánh không, Như Lai tạng, chân như … đều là chỉ cho pháp thậm thâm nói đây. Nghe mà không hủy báng thì mới tránh được loại pháp chướng này. HỦY BÁNG là chê bai. Như nói “Kinh Đại thừa không phải của Phật nói, chỉ là thứ ma mị” là một loại hủy báng.
3. Thấy Bồ tát mới phát tâm thì sanh tất cả tâm trí : Bài kệ thuộc phần này ghi “Kính sơ phát tâm như tưởng đến Phật”. Vậy SANH TẤT CẢ TÂM TRÍ nói đây là hết lòng kính cẩn với những vị Bồ tát sơ phát tâm, đối với họ phải có lòng trân trọng, thấy họ như thấy Phật. Bồ tát sơ phát tâm là những người mới phát tâm tu hạnh Bồ tát. Trên thì cầu Phật quả. Dưới hóa độ chúng sanh không nhàm mỏi.
4. Sanh tâm đại từ đối với tất cả chúng sanh : TỪ thì không sát hại, không sân giận, không đố kỵ v.v… mà mang sự an vui đến cho người.
5. Liễu đạt pháp tánh bình đẳng : LIỄU ĐẠT là thấu được rõ ràng, chính là thâm nhập pháp tánh bình đẳng. Biết rõ pháp tánh bình đẳng này trị được rất nhiều thứ.
6. Khởi tinh tấn : Môn này trị cả chướng lẫn ma. Bởi khó khăn chướng ngại bao nhiêu mà tinh tấn thì sẽ vượt được tất cả. Giải đãi thì chịu.
7. Thường siêng niệm Phật : Niệm là âm Hán. Nó không chỉ mang nghĩa tụng niệm như mình vẫn nghĩ mà chính nghĩa của nó là nhớ nghĩ. Đọc tụng danh hiệu Phật là một cách giúp mình nhớ đến Phật. Dùng lâu, mình cứ tưởng niệm Phật là nhẫm danh hiệu Phật. Không hẳn vậy. Pháp nào khiến mình nhớ nghĩ đến Phật, đều gọi là niệm Phật. Quán hình ảnh Phật, trì chú của Phật v.v… đều là hình thức của niệm Phật. Ngoài ra, Phật còn chỉ cho chân tâm, tánh giác của mình. Pháp nào giúp tánh giác chân tâm của mình hiện tiền, đều gọi niệm Phật. Vì thế niệm Phật nói đây chỉ chung cho việc nhiếp tâm. Siêng nhiếp tâm thì chướng nghiệp tiêu trừ. Nhiếp tâm là không để tâm dong duỗi theo cảnh bên ngoài. Không để cảnh bên ngoài làm tâm mình động. Đó gọi là nhiếp tâm.
8. Hồi hướng tất cả thiện căn : Những công đức nào đã làm được đều hồi hướng cho đường Phật đạo và cho tất cả chúng sanh trong 3 cõi. Xưa, sư bà TQ mỗi lần chườm một chiếc nón, hay làm bất cứ một công việc nào, đều hồi hướng đến tất cả mọi người. Hoặc như ngày nay mình ngồi thiền, mỗi lần xả thiền, mình đều tụng bài kệ “Nguyện đem công đức này, hồi hướng đến tất cả, đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo”. Đều là hình thức hồi hướng nói đây. Đây để trị tử ma cũng như phiền não ma.
10. Nầy Diệu Huệ! Bồ tát thành tựu 4 pháp sau thì lúc lâm chung, chư Phật hiện tiền. Thế nào là 4? Một, người có cầu muốn gì thì bố thí cho đầy đủ. Hai, nơi pháp lành sinh lòng tin và sự hiểu biết sâu xa. Ba, với chư vị Bồ tát thí đồ trang nghiêm. Bốn, ở nơi Tam bảo siêng tu cúng dường.
Đây là 4 pháp khiến khi lâm chung mình được an lành sáng suốt, thấy Phật.
1. Theo chỗ mong cầu của người mà cho đầy đủ : Việc này nghe thì đơn giản, nhưng thực hành không phải dễ. Niệm Phật hay buông niệm miên mật, đến lúc lâm chung thấy Phật, coi vậy mà có khi dễ hơn việc bố thí theo mong cầu của người nói đây. Bởi thời nay người biết đủ và có tâm tàm quí khá hiếm. Thích nhận hơn thích cho. Không đủ đại tâm khó mà hoàn thành được việc này.
2. Với pháp thậm thâm của chư Phật vừa tin mà phải vừa hiểu : Tin mà không hiểu, dễ sinh mê tín. Hiểu mà không tin, dễ sinh tà kiến. Vì thế phải vừa tin mà vừa hiểu. Tin là tin những gì Phật dạy. Hiểu là ứng dụng những điều đã tin vào thực tế. Chỉ có sự thực nghiệm, mình mới có thể hiểu những gì Như Lai đã nói. Nhất là chỗ thâm sâu của Phật pháp. Nhờ cái hiểu đó, lòng tin thêm kiên cố. Tin đưa đến hiểu. Hiểu lại đưa đến tin. Hai thứ đó làm duyên cho nhau để tồn tại. Hai thứ đó tồn tại, Phật pháp trong mình mới tồn tại.
3. Với chư Bồ tát thí đồ trang nghiêm : THÍ tức là bố thí. Bố thí hay cúng dường đều chỉ cho hành động trao tặng. Song theo cách dùng của thế gian thì bố thí mang ý nghĩa kẻ trên cho kẻ dưới hoặc cho với thái độ không kính trọng. Còn cúng dường mang vẻ kính trọng. Nên khi dùng với chư vị Bồ tát hay Tam bảo mình hay dùng từ cúng dường không dùng từ bố thí. Thật ra, với ai cũng vậy, dù là bố thí hay cúng dường, thì cũng phải bằng tâm trân trọng. Thành bố thí hay cúng dường, nghĩa của chúng không khác, chỉ vì tâm mình có khác mà chúng thành khác.
4. Ở nơi Tam bảo siêng tu cúng dường : Cúng mà phải SIÊNG chứ không phải lâu lâu mới cúng. Vì chuyên cần nên nói TU. Siêng cúng dường nói lên lòng thiết tha của mình với Tam bảo. Đó là một cách giúp mình thân cận Phật pháp khi chưa đủ trí tuệ. Đủ trí tuệ rồi sẽ thấy cúng dường Tam bảo càng có ý nghĩa, càng quan trọng. Vì thế, có trí tuệ hay chưa có trí tuệ, hết thảy đều cúng. Gọi là chuyên cần.
Nghe xong những lời dạy đó, Diệu Huệ đồng nữ bạch với Phật : Bạch đức Thế Tôn! Như lời đức Phật dạy về hạnh Bồ tát, con sẽ phụng hành. Trong 40 hạnh ấy, nếu con thiếu một hạnh không tu, thì trái với lời Phật dạy, là khi dối đức Như Lai.
Chí nguyện cao cả, lời nói kiên cường dứt khoát. Đáng mặt trượng phu.
Tôn giả Mục Kiền Liên bảo đồng nữ Diệu Huệ : Hạnh Bồ tát rất khó làm, nay con phát nguyện rộng lớn như vậy, có phải vì con đã được tự tại nơi nguyện ấy không?
Những hạnh đó đã khó làm với một người bình thường, huống là với một đứa trẻ lên 8, vì thế Mục Kiền Liên nghi ngờ đồng nữ phải có sẵn gì đó trong tâm mới dám phát nguyện như thế. ĐƯỢC TỰ TẠI NƠI NGUYỆN ẤY là đối với những nguyện ấy, Diệu Huệ đã sẵn đầy từ bao kiếp trước.
Diệu Huệ bạch với Tôn giả : Nếu hoằng nguyện của con chân thật không dối, có thể làm cho các hạnh Bồ tát được viên mãn, thì xin cõi Tam thiên đại thiên chấn động sáu cách, trời rải mưa hoa, trống trời vang dội.
Đồng nữ không trả lời thẳng ngài Mục Kiền Liên là đã được tự tại chưa, mà chỉ xin hoa trời rơi, trống trời vang để chứng minh cho lời hứa của mình. Nghĩa là, đã được tự tại với nguyện ấy chưa, không quan trọng. Quan trọng là lời hứa ấy có thành tựu hay không. Lời nguyện vừa dứt, thì hư không tuôn hoa như mưa, khắp trời vang đầy tiếng trống. Cả đại thiên thế giới chấn động theo sáu cách như lời đồng nữ đã nói.
CHẤN ĐỘNG SÁU CÁCH có hai loại : 1/ Chấn động sáu phương : Đông vọt lên tây chìm xuống, tây vọt lên đông chìm xuống, bốn phía vọt lên, giữa chìm xuống v.v… 2/ Chấn động theo sáu cách : 3 thứ thuộc mắt thấy là rung chuyển, nổi lên và vọt lên. 3 thứ thuộc âm thanh là tiếng khua, tiếng gầm rống, tiếng nổ. Đại khái như động đất, sóng thần, sấm sét v.v… Cứ tạm nhìn những hình tượng đó mà hình dung đến 6 thứ đây. Chỉ khác, những thứ đó làm chết người, còn những thứ nói đây không làm chết người, mà khiến niềm tin của người đối với Phật pháp thêm sâu đậm.
Diệu Huệ lại bạch với Tôn giả : Do lời phát nguyện chân thật ấy, đời vị lai con sẽ thành Phật như đức Thích Ca Như Lai hiện nay. Cõi nước con không có các ma sự và tên ác thú lẫn nữ nhân. Nếu lời con nói đây không hư vọng thì nguyện cho thân thể đại chúng đều có sắc vàng.
Niềm tin vững chắc, lòng thành rộng lớn, thực hiện các hạnh đầy đủ, chắc chắn sẽ đưa đến cái quả thành Phật trong tương lai. Vì thế, đồng nữ tự ấn chứng cho mình sẽ thành Phật trong tương lai, không cần đợi Phật ấn chứng. SẮC VÀNG là thân thể sáng chói ánh kim.
Thấy oai nghi của đồng nữ, ngài Mục Kiền Liên đảnh lễ dưới chân Phật, rồi bạch Phật rằng “Bạch Thế Tôn! Nay con kính lạy Bồ tát sơ phát tâm và chúng Đại Bồ tát”. Không phải nương vào oai lực hay thân thế của đức Phật mà có sự tôn kính ấy. Ngài Mục Kiền Liên đảnh lễ vì thán phục niềm tin và lòng thành của đồng nữ Diệu Huệ, đại diện cho những vị Bồ tát sơ phát tâm cũng như chư vị Đại Bồ tát. Nếu mình có niềm tin, lòng thành và cũng có tâm thực hành bằng được những gì đức Phật đã dạy như đồng nữ, mình cũng được các thánh nhân ở mười phương đảnh lễ như vậy. Công đức của một vị Bồ tát, dù chỉ mới sơ phát tâm, vẫn là lớn lao. Có điều, mình tu càng lâu thì chư thánh ngày càng dang. Thành Diệu Huệ đồng nữ thì thành Phật mà mình thì làm chúng sanh. Đó là chỗ khác nhau giữa mình với người xưa.
Pháp vương tử Văn Thù hỏi Diệu Huệ : Cô an trụ pháp gì mà phát nguyện thành thật ấy?
Mục Kiền Liên đại diện cho hành Thanh văn La Hán. Văn Thù Sư Lợi, đại diện cho hàng Đại Bồ tát. Văn Thù là Bồ tát, tương lai sẽ thành Phật nên gọi là PHÁP VƯƠNG TỬ, là con của vua pháp. Lời phát nguyện mãnh liệt hùng hồn đến nỗi ngài Văn Thù phải lên tiếng. Câu hỏi mang ý nghĩa “Ngươi nương vào gì mà dám phát nguyện như thế?”
Đồng nữ Diệu Huệ đáp : Bạch Văn Thù Sư Lợi, lời hỏi ấy không phải. Vì sao? Vì trong pháp giới không có chỗ trụ.
Mê nên thấy có đi có đến, tức có chỗ nơi. Tỉnh thì biết vạn pháp chỉ là nhất chân pháp giới, không đến không đi, không có chỗ nơi. Hỏi an trụ pháp gì tức là muốn nói đến chỗ nơi. Nên nói LỜI HỎI ẤY KHÔNG PHẢI.
Ngài Văn Thù hỏi tiếp : Thế nào gọi là bồ đề?
Đáp : Không phân biệt gọi là bồ đề.
Bồ đề là chỉ cho giác tâm hay trí tuệ Phật trong mỗi người chúng ta. Không ý phân biệt, bồ đề mới hiển. Không phân biệt cái gì? Không phân biệt cái này đẹp, cái kia xấu, cái này của tôi, cái này không phải của tôi, người đó thiện, người này ác … Không phân biệt thì không có tâm chấp thủ. Không chấp thủ thì tâm sẽ trở lại vô trụ. Cho nên, muốn có trí tuệ, muốn được bồ đề của Phật thì khi đối cảnh tiếp duyên, vừa khởi niệm thấy đẹp hay xấu, có hay không v.v… Phải biết đó là vọng, buông đi!
Lại hỏi tiếp : Thế nào là Bồ tát?
Đáp : Tất cả pháp đồng với tướng hư không, gọi là Bồ tát.
Đây không trả lời Bồ tát là hữu tình giác, hay trên cầu Phật đạo, dưới hạ hóa chúng sanh v.v… mà trực chỉ TẤT CẢ PHÁP ĐỒNG VỚI TƯỚNG HƯ KHÔNG. Ai thực sự thấy được vạn pháp như thế thì có thể vỗ ngực xưng là Bồ tát mà không sợ phạm húy hay đọa địa ngục.
Lại hỏi : Thế nào gọi là hạnh bồ đề”.
Đáp : Giống như dương diệm cốc hưởng là hạnh bồ đề.
Trên hỏi về bồ đề đây hỏi về hạnh của bồ đề.
HẠNH BỒ ĐỀ, là những thứ giúp ta đạt được bồ đề, như thiền định, công hạnh v.v…
Dương diệm và cốc hưởng là những hình ảnh không thật, chỉ có hình mà không có tánh thật. Chúng như một loại ảo giác. DƯƠNG DIỆM là tích chỉ con hươu đang khát, tưởng lầm ráng nắng là nước. Luận Đại Trí Độ ghi “Ráng nắng là khi mặt trời chiếu vào bụi trần, do gió thổi động, thấy như ngựa chạy giữa đồng hoang, người vô trí trông thấy bảo đó là nước”. Tình trạng này cũng giống như trưa nắng ngồi trên xe hơi, ánh nắng rọi xuống đường nhựa thấy như có nước loáng thoáng trên mặt đường. CỐC HƯỞNG là âm thanh vang trong hang. Luận Đại Trí Độ nói “Ở trong núi sâu hang hẹp khe cùng mà có tiếng nói thì từ tướng đó mà có tiếng dội lại, gọi là cốc hưởng”.
Không có hạnh bồ đề thì không được bồ đề. Song một khi nhận được bồ đề mới hiểu tất cả đều hư vọng. Vì thế, làm đến đâu mà chấp giữ đến đó là mình đang cho chúng là thật. Thấy thật là cái thấy còn mê, không nhập được bồ đề. Cho nên một khi nói đến hạnh bồ đề thì phải nhớ làm mà không chấp thủ.
Lại hỏi : Y vào mật ý nào mà nói như vậy?
MẬT Ý là ý bí mật. Không hiển lộ ra ngoài, gọi là MẬT. Song nếu là mật thì không thể biết. Còn đã biết thì không phải mật. Vậy thứ Bồ tát Văn Thù gọi là MẬT đó, với các bạn là mật hay không mật? Xin trả lời thử, mật hay không mật?
Đáp : Ở đó, con không thấy chút pháp nào là mật hay không mật.
Ở ĐÓ, chỉ cho chỗ mà ngài Văn Thù gọi là mật ý. “Ở đó con không thấy có chút nào là mật hay không mật”. Nghĩa là, thứ mà Tôn giả gọi là mật đó, với cái thấy của con, nó không thuộc mật hay không mật. Chỗ này không khác luận Trung Quán đã nói “Không sanh cũng không diệt, không thường cũng không đoạn …”. Chính vì nó không thuộc mật, không thuộc không mật, nên tùy duyên mới có mật hay không mật. Với người chưa thấu được nó, thì nó mật. Với người đã thấu được nó thì nó không mật. Song chỗ đó là chỗ nào? Người xưa nói : Tham! Cây phướng trước chùa đổ! Tiếng vỗ của một bàn tay v.v... Nếu mượn ngôn từ để hiển về nó thì : Vô sanh, không, chân như, nhất chân pháp giới, Như Lai v.v…
Lại hỏi : Nếu vậy, tất cả phàm phu nên là bồ đề.
Đây là câu hỏi vặn của ngài Văn Thù. Đại khái là, nếu không có mật và không mật như cô đã nói, thì cũng nên không có hai thứ phàm phu và bồ đề. Vì sao hỏi vặn như thế? Vì trên thực tế thấy phàm phu khác bồ đề. Đây là cách lập luận để bẽ đối phương trong văn nghị luận. Nếu thứ gì là chân lý phổ quát, thứ ấy phải áp dụng đúng với mọi trường hợp dù là một cọng cỏ hay một lời nói. Vì thế, muốn bẽ cái lý ấy, chỉ cần đưa ra một trường hợp không thuộc cái lý ấy, là đã phá bỏ được lập luận của đối phương.
Nếu không phải là người thấu tình đạt lý, sẽ cứng họng với câu hỏi của ngài Văn Thù.
Đáp : Ngài cho là bồ đề khác phàm phu sao? Không nên có cái thấy như vậy. Vì sao? Vì tất cả đều đồng pháp giới nhất tướng, không thủ, không xả, không có thành hoại.
Câu trả lời của đồng nữ rất đơn giản : Ngài cho bồ đề khác phàm phu sao? Nghĩa là, ngài mới thấy được mặt SỰ mà chưa thấu được mặt LÝ của chúng sao?
ĐỒNG PHÁP GIỚI NHẤT TƯỚNG, là chỉ cho mặt LÝ THỂ của vạn pháp. Vì nhất tướng nên không rơi vào phân biệt, không có hai pháp. Không hai pháp nên KHÔNG THỦ cũng KHÔNG XẢ, KHÔNG THÀNH cũng KHÔNG HOẠI.
Vì thấu tình đạt lý nên câu trả lời của đồng nữ khiến cho câu hỏi của ngài Văn Thù trở thành thảm hại. Hỏi như vậy thì khác gì anh tự cho mình chỉ mới thấy được mặt SỰ - là mặt khác nhau giữa phàm phu và bồ đề - mà chưa thấu được mặt LÝ - là cội nguồn chung của phàm phu và bồ đề? Mật và không mật cũng như thế.
Nếu chỉ thấy được mặt SỰ là phàm phu khác bồ đề mà chưa thấu được mặt LÝ là phàm phu không khác bồ đề, thì trên LÝ thuyết, ta chưa nắm được thực lý duyên khởi của vạn pháp. Trên SƯï, cái thấy của ta vẫn còn lòng vòng trong thức phân biệt. Chính trí phân biệt này khiến ta thấy thứ gì cũng có phần đoạn ngăn cách tách biệt như hiện nay. Vì bị cái phân biệt ấy che mờ, mà ta không nhận ra được cội nguồn chân thật của tất cả pháp. Chưa đạt được mặt LÝ SỰ không hai, chỉ nhận được mặt SỰ, rồi chấp cái SỰ ấy làm LÝ, nên chỉ thấy TƯỚNG KHÁC của pháp, mà không nhận được TÁNH KHÔNG KHÁC của vạn pháp. Một khi dứt trí phân biệt, ta sẽ nhận được mặt không hai kia.
Như vậy, nói khác hay không khác là do tự cái thấy của mình, không phải bản chất của vạn pháp vốn vậy. Pháp vốn không khác cũng không phải không khác, nên một khi còn thấy phàm phu khác bồ đề, thấy sanh tử khác niết bàn, thấy đến, thấy đi thì cũng có nghĩa là mình đang còn … mê! Vì thế đồng nữ nói KHÔNG NÊN CÓ CÁI THẤY NHƯ VẬY. Đại loại là, đừng có mê như thế nữa, thưa Tôn giả của con!
Lại hỏi : Người hiểu rõ được nghĩa ấy, số đó được bao nhiêu?
Hiểu được nghĩa ấy là hiểu cái nghĩa KHÔNG KHÁC và ĐỒNG NHẤT TƯỚNG PHÁP GIỚI nói trên. Có bao nhiêu người hiểu được như vậy?
Đáp : Có bao nhiêu tâm tâm sở lượng huyễn hóa thì có bấy nhiêu chúng sanh huyễn hóa có thể hiểu được nghĩa ấy.
TÂM, TÂM SỞ là chỉ cho 8 tâm vương và 51 tâm sở. Phần này thuộc về Duy Thức Học. Muốn hiểu cặn kẽ thì lật Duy Thức Học ra nghiên cứu. Vài dòng không đủ nói hết những phức tạp của chúng. Chỉ biết, làm người thì không ai không có 2 loại tâm, tâm sở này. Tất cả đều biến dạng xoay vòng trong hai loại tâm tâm sở ấy. Vui, buồn, thương, ghét, không vui không buồn, nhớ, hối hận, tinh tấn, phân biệt v.v… là những dạng của nó. Đồng nữ nói ai có tâm và tâm sở, người ấy có thể hiểu được những nghĩa đã nói đó. HUYỄN HÓA là cái nhìn của Diệu Huệ đối với tâm, tâm sở và chúng sanh. Vì sao gọi là huyễn hóa. Vì đủ duyên thì hiện, hết duyên liền hoại. Ngay khi hiện tánh nó vốn đã không. Nên nói huyễn hóa.
Mình cũng có tâm và tâm sở, vậy mình có hiểu và thấy được vậy không? Nếu không thấy không hiểu là vì mình không chịu hiểu, cũng không chịu thấy, không phải mình không có khả năng đó. Như Dược Sơn hỏi Sa di Cao “Ngươi do xem kinh mà được hay do thưa hỏi mà được?” Sa di Cao trả lời “ Không do xem kinh mà được cũng không do thưa hỏi mà được”. “Có lắm người không xem kinh cũng không thưa hỏi, sao không được?” Sa di Cao trả lời “ Đừng nói họ không được. Chỉ vì không chịu nhận đó thôi”.
Lại hỏi : Huyễn hóa vốn không, sao lại có tâm tâm sở pháp như vậy?
HUYỄN HÓA VỐN KHÔNG, vậy do đâu lại có những thứ tâm tâm sở pháp huyễn hóa đó?
Đáp : Pháp giới cũng vậy, không phải có không phải không. Cho đến Như Lai cũng như vậy.
KHÔNG PHẢI CÓ KHÔNG PHẢI KHÔNG là mớ từ dùng để chỉ cho thực tướng của pháp giới, Như Lai, cũng như tất cả vạn pháp hiện nay trong đó có thân tâm mình. KHÔNG PHẢI CÓ vì tánh chúng là không. KHÔNG PHẢI KHÔNG vì đủ duyên thì hiện tướng, không phải không có, đang lúc còn mê không thể nói không.
Trả lời PHÁP GIỚI CŨNG VẬY cũng là trả lời cho câu hỏi của Bồ tát Văn Thù “Do đâu có tâm tâm sở” : Đưa tâm về chỗ vô trụ thì tâm tâm sở đẳng đồng pháp giới. Được vậy sẽ hiểu về các thứ tâm tâm sở huyễn hóa kia. Tâm, tâm sở không phải có, cũng không hoàn toàn không. Thực tướng của chúng là KHÔNG CÓ CŨNG KHÔNG KHÔNG, tùy duyên mà thấy có thấy không, không phải chỉ có mặt CÓ như Tôn giả đã hỏi.
Lúc ấy, Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng : Bạch Thế Tôn! Như Diệu Huệ đây thật là hiếm có, mới có thể thành tựu pháp nhẫn như vậy.Sau một số câu hỏi, ngài Văn Thù phải gật đầu tán thán đồng nữ Diệu Huệ. Đúng là hàng thật! Phải là người đầy đủ ý chí, tâm hạnh cao cả và trí tuệ vượt bực như thế, mới có thể chứng đặng vô sanh pháp nhẫn. NHẪN chỉ cho vô sanh pháp nhẫn. Không phải chỉ chứng được nhân không, mà còn chứng được pháp không, gọi là đắc vô sanh pháp nhẫn.
Phật đáp : Đúng vậy, đúng vậy! Thật như lời ông nói. Đồng nữ này, trong quá khứ đã phát bồ đề tâm, trải qua 30 kiếp, ta mới phát tâm hướng về vô thượng bồ đề. Đồng nữ ấy cũng đã làm cho ông trụ vô sanh nhẫn.
Văn Thù Sư Lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ, bạch với Diệu Huệ rằng : Trong vô lượng kiếp trước, ta đã từng cúng dường cô. Không ngờ nay lại được gần gũi.
Bấy giờ Phật mới nói thật tiền thân của đồng nữ Diệu Huệ cho đại chúng nghe. PHÁT BỒ ĐỀ TÂM là phát tâm tu thành Phật. Phát tâm như vậy tức là phát tâm trên cầu Phật đạo, dưới giáo hóa chúng sanh.
Trí tuệ hiển bày không kể tuổi tác, không kể nam nữ, không kể xuất gia hay tại gia. Văn Thù Sư Lợi cũng thể hiện được uy nghi của một vị Đại Bồ tát : Sẵn sàng đảnh lễ trí tuệ của người dù là một đứa bé con.
Diệu Huệ nói : Bạch ngài Văn Thù Sư Lợi, xin đừng khởi phân biệt như vậy. Vì sao? Vì vô phân biệt thì được vô sanh nhẫn.
ĐỪNG KHỞI PHÂN BIỆT là chỉ cho hành động không đồng nhất trước sau của ngài Văn Thù Sư Lợi. Khi thấy được trí tuệ của đồng nữ và nghe Phật tán thán về tiền thân của nàng, Văn Thù đã đứng dậy làm lễ. Nếu không phải tâm của một Đại Bồ tát thì khó mà có được hành động thán phục tùy hỉ công đức trí tuệ của người khác như vậy. Song hành động đó cũng nói lên TÂM PHÂN BIỆT của ngài. Bồ tát Thường Bất Khinh không chỉ đảnh lễ người có tài đức, mà đảnh lễ tất cả mọi chúng sanh, trước sau không phân biệt. Cho nên, muốn đến được chỗ tột cùng, phải thoát cho được những lễ nghi ràng buộc thường tình. Vượt rồi, mới dùng lại những nghi lễ đó giáo hoá chúng sanh.
VÔ SANH NHẪN nói đây có thể là vô sanh nhẫn mà cũng có thể là VÔ SANH PHÁP NHẪN. Vô sanh pháp nhẫn là nói đến cảnh giới khi tâm chứng được pháp vô ngã. Đối duyên xúc cảnh, không để trí phân biệt làm chủ, sẽ chứng được loại vô sanh pháp nhẫn này.
Lại hỏi : Sao vẫn chưa chuyển đổi thân nữ?
Vấn đề chuyển nữ thành nam này là do Phật nói trong kinh. Đứng về mặt nghiệp tập mà nói, do nghiệp “đa đoan” hơn nam, nên mới có thân nữ. Vì thế, với mặt thể chất người nữ có nhiều bất lợi trong vấn đề tu hành hơn người nam, như việc hành kinh trong mỗi tháng, sức khoẻ không bằng người nam v.v… Công phu tu hành theo đó có hạn chế. Về tinh thần, người nữ có nhiều tật hơn người nam như sợ ma, sợ chuột, đố kỵ, nhiều chuyện, đa cảm v.v… là những chướng ngại khá lớn cho việc tu hành. Do những thứ đó mà sinh ra việc đổi thân nữ thành thân nam để thành chánh quả. Là dựa vào nghiệp tập mà nói, không phải do phân biệt mà ra. Đổi nữ thành nam cũng chính là đổi đi nghiệp chướng của chính mình. Song thế gian này là thế giới tương đối. Tương đối thì không có gì tuyệt đối. Phật nói là dựa trên cái đa số mà nói, không phải là tất cả. Không phải người nữ nào cũng có tất cả những tật xấu đó, cũng như không phải người nam nào cũng đầy đủ những mặt tốt kia. Một trong các nguyên do khiến có sự tương đối ấy vì thân tướng của một con người ngoài nghiệp tập ra, còn được quyết định bởi CẬN TỬ NGHIỆP hoặc HẠNH NGUYỆN của chư vị Bồ tát. Vì thế có người nữ, trí tuệ và công hạnh như người nam. Có người nam, lại bèo nhèo ủ dột hơn người nữ v.v…
Theo kinh Đại thừa, hàng Bồ tát Thập địa có thể tùy nguyện hóa thân đồng sự, để độ chúng sanh. Như lời nguyện 32 thân của Bồ tát Quán Thế Âm. Cho nên, tuy là thân tướng người nữ nhưng lại không bị những chướng ngại của người nữ làm ảnh hưởng đến việc tu hành, vẫn đắc quả, trí tuệ vẫn hiển lộ, hơn hẳn đấng mày râu. Điển hình như những vị Bồ tát đang nói trong tập truyện này. Bồ tát Văn Thù nêu câu này ra là muốn phá đi tâm chấp tướng nam nữ của chúng hội.
Đáp : Tướng nữ nhân hoàn toàn không thể nắm bắt, nay chuyển cái gì? Bạch Văn Thù Sư Lợi, con sẽ vì ngài mà trừ đoạn nghi hoặc.
Sống được với tâm thể thì tướng nam nữ chỉ là thứ huyễn hóa. Sanh như đắp chăn bông, tử như cởi áo hạ. KHÔNG THỂ NẮM BẮT là muốn nói đến tướng huyễn hóa của thân. Giống như mặc đồ. Đồ chật làm mình không đi đâu được, còn đồ rộng thì mình đi lại thoải mái. Vì thế, mình muốn bỏ áo chật, mặc áo rộng. Còn nếu áo chật bao nhiêu mà mình có năng lực khiến nó không dính vào người, mình vẫn tự do tự tại đi lại thoải mái, thì việc đổi áo sẽ không cần thiết. Tướng nữ đối với Diệu Huệ chỉ là thứ huyễn hóa, không đáng bận tâm, nên đồng nữ đáp “Tướng nữ nhân hoàn toàn không thể nắm bắt, nay chuyển cái gì?”.
Nói CON SẼ VÌ NGÀI MÀ GIẢI TRỪ NGHI HOẶC nhưng thật ra là vì chúng hội và vì những người còn đang còn chấp tướng nam nữ. Đây là phá đi cái chấp cho đàn ông ngon hơn đàn bà về cả phước báu lẫn trí tuệ. Không hẳn có cái mark đàn ông là đã hơn được đàn bà. Chỉ vì lòng bi rộng lớn mà giữ lấy thân nữ. Muốn có lòng bi rộng lớn, phải có trí tuệ rộng lớn. Vì thế, không hẳn vì thiếu trí tuệ và phước đức mà có thân nữ. Giống như Lục Tổ không hẳn đã thiếu phước báu mà làm gã tiều phu nghèo nàn. Song cũng không phải người nữ nào cũng là hóa thân của chư vị Bồ tát, không phải người nghèo hèn nào cũng đầy đủ công đức như Lục Tổ. Cho nên, việc của thiền sinh là gì? PHẢN QUAN TỰ KỶ BỔN PHẬN SỰ. Động tâm hướng ngoại phê phán, có ngày rước họa vào thân. Vì động là nhân của quả khổ.
Phần sau là Diệu Huệ chứng tỏ cho Văn thù và chúng hội thấy điềm lành, để trừ nghi hoặc về tướng nam nữ.
Do lời nói của con chân thật như vậy nên ở đời vị lai, khi được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, trong pháp của con, chư vị Tỷ kheo vâng mệnh hay đến xuất gia nhập đạo. Trong quốc độ của con, tất cả chúng sanh đều có thân sắc vàng, y phục đồ dùng đầy đủ như cõi Đệ Lục Thiên, đồ ăn thức uống dồi dào sung mãn, tùy niệm hiện ra. Không có ma sự và các đường ác. Cũng không có tên gọi nữ nhân. Có rừng bảy báu trên giăng lưới báu. Có sen bảy báu trùm kín màn báu. Đồng với cõi thanh tịnh trang nghiêm mà Văn Thù Sư Lợi đã được không khác. Nếu lời của con đây không hư dối thì hãy khiến cho thân của đại chúng đây đều được sắc vàng, còn thân nữ của con biến thành thân nam, như Tỷ kheo Tri Pháp 30 tuổi.
Diệu Huệ nói lời ấy xong, thân của đại chúng đều có sắc vàng, thân nữ của Diệu Huệ biến thành thân nam như Tỷ kheo Tri Pháp 30 tuổi. Lúc ấy chúng Địa Cư Thiên truyền nhau tán thán : Khéo thay! Khéo thay! Đại Bồ tát Diệu Huệ khi được bồ đề, công đức Phật độ của người lại trang nghiêm thanh tịnh đến thế!
Đây diễn tả cõi Phật của đồng nữ Diệu Huệ ở thời đương lai, với đầy đủ công đức vi diệu nhiệm mầu. Chỉ cần nghĩ đến là thức ăn y phục đã hiện ra trước mắt, không cần phải đi chợ nấu nướng, may vá cực nhọc như mình hiện nay, gọi là TÙY NIỆM HIỆN RA.
Người xưa, lời nói và việc làm đi đôi với nhau, nên việc giáo hóa thành công, lời nói được tín nhiệm. Nói tự tại nơi thân nữ, nói thân nữ đối với mình chỉ là huyễn hóa, lập tức có thể chuyển nữ thành nam, không chỉ với mình mà với tất cả đại chúng.
Sau đó Phật thọ ký cho đồng nữ Diệu Huệ được thành Phật hiệu là Thù Thắng Công Đức Bảo Tạng Như Lai. Lúc đó có vô số chúng sanh được bất thối chuyển nơi bồ đề, chứng trí, được pháp nhãn thanh tịnh. Phật cũng thọ ký cho vô lượng Tỷ kheo được thành Phật cùng hiệu là Biện Tài Trang Nghiêm Như Lai. Và căn dặn Bồ tát Văn Thù Sư Lợi như sau:
- Nầy Văn Thù Sư Lợi! Pháp môn này có đại oai đức hay khiến các Đại Bồ tát và chư Thanh văn được đại lợi ích. Nầy Văn Thù Sư Lợi! Có nam thiện, nữ lành nào, vì cầu bồ đề mà không có phương tiện thiện xảo, phải hành 6 Ba la mật mãn một ngàn kiếp, so với người trong nửa tháng biên chép đọc tụng kinh này, công đức ngàn muôn ức lần toán số thí dụ không thể sánh được. Cho nên, nầy Văn Thù Sư Lợi! Pháp môn vi diệu này là Khế kinh căn bản của chư Bồ tát. Nay ta giao phó cho ông. Ở đời vị lai, ông cần thọ trì, đọc tụng và vì người giải nói.
Đây là nói về công đức của người thọ trì đọc tụng kinh này trong vòng nửa tháng. So với người hành 6 Ba la mật đã được 1000 kiếp vẫn hơn hẳn, không có gì có thể thí dụ. Thôi thì, chúng ta hiện nay cũng gắng đọc tụng biên chép và vì người giải nói như vậy, để đỡ đi 1000 kiếp hành lục độ Ba la mật. Đỡ được kiếp nào hay kiếp đó.
KHẾ KINH là loại kinh vừa khế cơ lại vừa khế lý. KHẾ CƠ là hợp với căn cơ của người đời. KHẾ LÝ là tuy hợp với căn cơ của người đời mà vẫn không trái với lý pháp tánh. Tùy duyên mà bất biến. Phải y theo những khế kinh như vậy mà tu thì mới về lại được với pháp tánh của mình, nên nói, đây là KHẾ KINH CĂN BẢN CỦA CHƯ BỒ TÁT.
Thí như Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện ở đời thì bảy báu đều đủ trước mắt. Vương mất thì báu cũng mất theo. Cũng vậy, pháp môn vi diệu lưu hành ở đời thì pháp nhãn Thất bồ đề phần v.v… của chư Như Lai không mất. Nếu không lưu hành, chánh pháp sẽ diệt. Cho nên, nầy Văn Thù Sư Lợi! nam thiện nữ lành nào vì cầu bồ đề, cần phải phát khởi tinh tấn biên chép kinh này, thọ trì đọc tụng, vì người giải nói. Đây là lời dạy của ta, chớ để đời sau sanh tâm hối hận.
Đây là lời giáo phó của Phật, không chỉ đối với ngài Văn Thù Sư Lợi mà đối với tất cả những người phát tâm tu Phật. PHÁP NHÃN là mắt pháp. Mắt không sáng thì không thấy đường mà đi, nên thường dùng pháp nhãn để chỉ cho trí tuệ Phật của mình. Pháp nhãn nói đây là chỉ cho pháp của Phật. Như kinh Đại thừa đang nói đây, 37 phẩm trợ đạo v.v… THẤT BỒ ĐỀ PHẦN là chỉ cho 7 giác chi trong 37 phẩm trợ đạo. Các hạnh này đều thuận tới bồ đề nên gọi là Bồ đề phần.
SANH TÂM HỐI HẬN vì trân bảo mà không biết quí, không biết giữ để lưu hành giảng nói cho đời sau.
Các tin khác
-
» LỜI NÓI ĐẦU (01/04)
-
» HỘI ƯU-BÀ-DI HẰNG HÀ THƯỢNG (01/04)
-
» PHÁP HỘI ƯU-ĐÀ-DIÊN (01/04)
-
» BỒ-TÁT VÔ ÚY ĐỨC (P1) (01/04)
-
» BỒ-TÁT VÔ ÚY ĐỨC (P2) (01/04)
-
» BỒ-TÁT VÔ ÚY ĐỨC (P3) (01/04)