Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG HOA NGHIÊM KINH Q.8b

BỒ-TÁT THẬP TRỤ - Phẩm 11

04/02/2022


Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh
Quyển 8
BỒ-TÁT THẬP TRỤ
Phẩm 11
Đại Tạng Kinh 9 - số 278
Dịch từ Phạn sang Hán : Phật Đà Bạt Đà La (Đông Tấn)
Dịch từ Hán sang Việt : Chân Hiền Tâm

Lúc đó, Bồ-tát Pháp Tuệ nương thần lực của Phật, nhập vô lượng phương tiện tam muội chánh thọ của Bồ-tát. Nhập tam muội rồi, ở mười phương, ngoài ngàn Phật thế giới trần số Phật độ đều thấy ngàn Phật thế giới trần số chư Phật. Chư Như Lai này đều có hiệu là Pháp Tuệ.

Khi ấy, chư Phật đó nói với Bồ-tát Pháp Tuệ rằng : Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Ngươi mới có thể nhập vô lượng phương tiện tam muội chánh thọ của Bồ-tát. Này thiện nam tử! Mười phương, mỗi phương đều có ngàn Phật thế giới trần số chư Phật gia bị thần lực cho ngươi, để ngươi có thể nhập tam muội chánh thọ này. Cũng là nhờ lực bản nguyện của Phật Lô-xá-na, uy thần lực, cùng với lực thiện căn của ngươi. Cũng là muốn khiến ngươi thuyết pháp rộng, trưởng dưỡng phật tuệ, khai giải pháp giới, phân biệt chúng sinh giới, trừ diệt chướng, nhập cảnh giới vô ngại, vô đẳng đẳng phương tiện nhập tất cả trí Đà-la-ni, giác tất cả pháp, khéo biết các căn, thuyết pháp trì, chính là Bồ-tát Thập trụ. Này thiện nam tử! Phải nương thần lực của Phật mà thuyết pháp vi diệu.        

Lúc ấy, tất cả Như Lai liền cho Bồ-tát Pháp Tuệ trí vô ngại, trí vô trụ, trí vô đoạn, trí vô si, trí vô hoại, trí vô ác, trí vô lượng, trí vô thắng, trí vô giải đãi, trí vô thối. Vì sao? Vì pháp lực của tam muội đó như vậy.

Lúc ấy, chư Phật đều duỗi thẳng tay phải xoa đỉnh Bồ-tát Pháp Tuệ. Được xoa đỉnh xong, liền từ định khởi, nói với chúng Bồ-tát rằng: Thưa các Phật tử! Chủng tánh Bồ-tát thậm thâm, quảng đại, cùng với pháp giới hư không đồng. Tất cả Bồ-tát từ trong chủng tánh của chư Phật ba đời sinh ra. Thưa các Phật tử! Thập trụ hạnh của Bồ-tát ma-ha-tát, chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều nói. Thế nào là mười? 1/Sơ phát tâm trụ. 2/Trị địa. 3/Tu hành. 4/Sinh quí. 5/Phương tiện cụ túc. 6/Chánh tâm. 7/Bất thối. 8/Đồng chân 9/Pháp vương tử. 10/Quán đỉnh. Thưa các Phật tử! Đó gọi là Bồ-tát Thập trụ mà chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều nói.

Thưa các Phật tử! Thế nào là Bồ-tát ma-ha-tát SƠ PHÁT TÂM TRỤ?

Bồ-tát này thấy Phật với 32 tướng và 80 thứ sắc hảo diệu đầy đủ tôn trọng khó gặp, hoặc thấy thần biến, hoặc nghe thuyết pháp, hoặc nghe giáo giới, hoặc thấy chúng sinh thọ vô lượng khổ, hoặc nghe Như Lai thuyết rộng Phật pháp, phát tâm bồ-đề, cầu Nhất thiết trí, một lòng không thối chuyển. Bồ-tát này, do sơ phát tâm được 10 phần lực. Thế nào là mười? Đó là Thị xứ phi xứ trí, Nghiệp báo cấu tịnh trí, Chư căn trí, Dục lạc trí, Tánh trí, Nhất thiết chí xứ đạo trí, Nhất thiết thiền định giải thoát tam muội chánh thọ cấu tịnh khởi trí, Túc mạng vô ngại trí, Thiên nhãn vô ngại trí, Tam thế lậu tận trí. Đó là mười.

Thưa các Phật tử! Bồ-tát đó nên học 10 pháp, đó là : Học cung kính cúng dường chư Phật. Tán thán các Bồ-tát. Hộ chúng sinh tâm. Thân cận hiền minh. Tán thán pháp bất thối. Tu Phật công đức xưng dương tán mỹ sinh trước chư Phật. Phương tiện tu tập tịch tĩnh tam muội. Tán thán viễn ly sinh tử luân hồi. Vì chúng sinh khổ mà làm chỗ qui y. Vì sao? Vì muốn khiến tâm bồ-đề chuyển thắng kiên cố, thành đạo vô thượng. Nếu có nghe pháp thì tự khai hiểu chẳng do nơi khác mà ngộ.

Thưa các Phật tử! Thế nào là Bồ-tát ma-ha-tát TRỊ ĐỊA TRỤ? Bồ-tát này, đối với tất cả chúng sinh phát 10 loại tâm. Thế nào là mười? Đó là, đại từ tâm, đại bi tâm, lạc tâm, an trụ tâm, hoan hỉ tâm, độ chúng sinh tâm, thủ hộ chúng sinh tâm, ngã sở tâm, sư tâm, Như Lai tâm. Đó là mười tâm.

Thưa các Phật tử! Bồ-tát này nên học 10 pháp. Thế nào là mười? Đó là, trước phải chuyên cần học cầu đa văn, tu cái định ly dục ; Gần thiện tri thức ; Không trái giáo này ; Khéo biết thời ngữ ; Học vô sở úy ; Minh giải thâm nghĩa ; Liễu đạt chánh pháp ; Biết chắc pháp hành ; Xả ly si ám ; An trụ bất động. Vì sao? Vì muốn tăng trưởng đại từ bi với tất cả chúng sinh. Nếu có nghe pháp thì tự khai hiểu chẳng do nơi khác mà ngộ.

Thưa các Phật tử! Thế nào là Bồ-tát ma-ha-tát TU HÀNH TRỤ?

Bồ-tát này, 10 loại quán tất cả pháp. Thế nào là mười? Đó là quán tất cả pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, không tự tại. Tất cả pháp không thể lạc, tất cả pháp không tập tán, tất cả pháp không kiên cố, tất cả pháp hư vọng, tất cả pháp không tinh cần hòa hợp kiên cố. Đó là mười.

Thưa các Phật tử! Bồ-tát ấy nên học 10 pháp. Thế nào là mười? Đó là học phân biệt biết tất cả chúng sinh giới; Phân biệt biết tất cả pháp giới; Phân biệt biết tất cả thế giới; Phân biệt biết địa, thủy, hỏa, phong giới; Phân biệt biết Dục, Sắc, Vô sắc giới. Vì sao? Vì muốn đối với tất cả pháp, tăng trưởng trí tuệ minh tịnh. Nếu có nghe pháp thì tự khai hiểu chẳng do nơi khác mà ngộ.

Thưa các Phật tử! Thế nào là Bồ-tát ma-ha-tát SINH QUÍ TRỤ? Bồ-tát này từ trong tất cả thánh pháp chánh giáo sinh ra, tu 10 loại pháp. Thế nào là mười? Đó là tin Phật không hoại; Rốt ráo đối với pháp; Tịch nhiên định ý; Phân biệt chúng sinh; Phân biệt cõi Phật; Phân biệt thế giới; Phân biệt các nghiệp; Phân biệt quả báo; Phân biệt sanh tử; Phân biệt niết bàn. Đó là mười.

Này các Phật tử! Bồ-tát này nên học 10 pháp. Thế nào là mười? Đó là học phân biệt Phật pháp quá khứ, vị lai và hiện tại; Tu hành Phật pháp quá khứ, vị lai và hiện tại; Đầy đủ Phật pháp quá khứ, vị lai và hiện tại; Bình đẳng quán sát tất cả chư Phật. Vì sao? Vì muốn khiến minh đạt nhị thế đẳng quán. Nếu có nghe pháp thì tự khai hiểu chẳng do nơi khác mà ngộ.

Thưa các Phật tử! Thế nào là Bồ-tát ma-ha-tát PHƯƠNG TIỆN CỤ TÚC TRỤ? Bồ-tát này nghe 10 loại pháp cần phải tu học. Thế nào là mười? Thiện căn đã hành đều vì cứu hộ tất cả chúng sinh, nhiêu ích tất cả chúng sinh, an lạc tất cả chúng sinh, bi mẫn tất cả chúng sinh, thành tựu tất cả chúng sinh, khiến tất cả chúng sinh xả ly các nạn, bạt đi tất cả khổ não sinh tử của chúng sinh, khiến chúng sinh hoan hỉ vui vẻ, khiến tất cả chúng sinh điều phục, khiến tất cả chúng sinh đều được niết bàn. Đó là Cụ tục phương tiện trụ.

Thưa các Phật tử! Vị Bồ-tát này nên học 10 pháp. Thế nào là mười? Đó là học biết chúng sinh không có biên; Biết chúng sinh không thể đếm; Biết chúng sinh khó nghĩ bàn; Biết mọi thứ sắc của chúng sinh; Biết chúng sinh không thể lường; Biết chúng sinh không; Biết chúng sinh không tự tại; Biết chúng sinh không chân thật; Biết chúng sinh vô sở hữu; Vì sao? Vì muốn khiến tâm này không nhiễm trước. Nếu có nghe pháp thì tự khai hiểu chẳng do nơi khác mà ngộ.

Thưa các Phật tử! Thế nào là Bồ-tát ma-ha-tát CHÁNH TÂM TRỤ? Bồ-tát này nghe 10 loại pháp được tâm quyết định. Thế nào là mười? Đó là nghe tán Phật hủy Phật ở trong Phật pháp tâm định không động. Nghe tán pháp hủy pháp ở trong Phật pháp tâm định không động. Nghe tán hủy Bồ-tát ở trong Phật pháp tâm định không động. Nghe tán hủy pháp hành của Bồ-tát ở trong Phật pháp tâm định không động. Nghe chúng sinh hữu lượng vô lượng ở trong Phật pháp tâm định không động. Nghe chúng sinh hữu cấu vô cấu ở trong Phật pháp tâm định không động. Nghe chúng sinh dễ độ khó độ ở trong Phật pháp tâm định không động. Nghe pháp giới hữu lượng vô lượng ở trong Phật pháp tâm định không động. Nghe pháp giới hoặc thành hoặc hoại ở trong Phật pháp tâm định không động. Nghe pháp giới hoặc có hoặc không ở trong Phật pháp tâm định không động. Đó là mười.

Thưa các Phật tử! Bồ-tát này nên học 10 pháp. Thế nào là mười? Đó là học tất cả pháp vô tướng, tất cả pháp không tánh, tất cả pháp không thể tu, tất cả pháp vô sỡ hữu, tất cả pháp không chân thật, tất cả pháp như hư không, tất cả pháp không tự tánh, tất cả pháp như huyễn, tất cả pháp như mộng, tất cả pháp như hưởng. Vì sao? Vì muốn khiến được vô sanh pháp nhẫn bất thối chuyển. Nếu có nghe pháp thì tự khai hiểu chẳng do nơi khác mà ngộ.

Này Phật tử! Thế nào là Bồ-tát ma-ha-tát BẤT THỐI CHUYỂN TRỤ? Bồ-tát này nghe 10 loại pháp, tâm kiên cố không động chuyển. Thế nào là mười? Đó là nghe có Phật không Phật ở trong Phật pháp không thối chuyển. Nghe có pháp không pháp ở trong Phật pháp không thối chuyển. Nghe có Bồ-tát không Bồ-tát ở trong Phật pháp không thối chuyển. Nghe có Bồ-tát hạnh không Bồ-tát hạnh ở trong Phật pháp không thối chuyển. Nghe Bồ-tát hạnh ra khỏi sanh tử không ra khỏi sanh tử ở trong Phật pháp không thối chuyển. Nghe có quá khứ Phật không có quá khứ Phật ở trong Phật pháp không thối chuyển. Nghe có Phật vị lai không có Phật vị lai ở trong Phật pháp không thối chuyển. Nghe có Phật hiện tại không có Phật hiện tại ở trong Phật pháp không thối chuyển. Nghe Phật trí có tận không tận ở trong Phật pháp không thối chuyển. Nghe pháp ba đời nhất tướng phi nhất tướng ở trong Phật pháp không thối chuyển. Đó là mười.

Thưa các Phật tử! Bồ-tát này nên học 10 pháp. Thế nào là mười? Đó là biết một tức là nhiều, nhiều tức là một, tùy vị biết nghĩa, tùy nghĩa biết vị, biết phi hữu là hữu, biết hữu là phi hữu, biết phi tướng là tướng, biết tướng là phi tướng, biết phi tánh là tánh, biết tánh là phi tánh. Vì sao? Vì muốn đối với tất cả pháp phương tiện đầy đủ. Nếu có nghe pháp thì tự khai hiểu chẳng do nơi khác mà ngộ.

Thưa các Phật tử! Thế nào là Bồ-tát ma-ha-tát ĐỒNG CHÂN TRỤ? Bồ-tát này, đối với 10 loại pháp tâm được an lập. Thế nào là mười? Đó là thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, tùy ý thọ sinh, biết tâm chúng sinh, biết mọi thứ dục lạc của chúng sinh, biết mọi thứ tánh của chúng sinh, biết mọi thứ nghiệp của chúng sinh, biết sự thành hoại của thế giới, thần thông tự tại không có chướng ngại. Đó là mười.

Thưa các Phật tử! Bồ-tát đó nên học 10 pháp. Thế nào là 10? Đó là học biết tất cả cõi Phật; Chấn động tất cả cõi Phật; Nắm giữ tất cả cõi Phật; Quán tất cả cõi Phật; Đến tất cả cõi Phật; Đến khắp tất cả thế giới; Khéo vấn nạn vô lượng diệu pháp; Thần thông biến hóa vô lượng thân; Khéo hiểu vô lượng các âm thanh; Trong một niệm cung kính cúng dường vô lượng chư Phật. Vì sao? Vì muốn trong tất cả pháp xuất xảo phương tiện thành tựu đầy đủ. Nếu có nghe pháp thì tự khai hiểu chẳng do nơi khác mà ngộ.

Thưa các Phật tử! Thế nào là Bồ-tát ma-ha-tát PHÁP VƯƠNG TỬ TRỤ? Bồ-tát này, khéo hiểu 10 loại pháp. Thế nào là mười? Đó là khéo hiểu nẻo chúng sinh; Khéo hiểu các phiền não; Khéo hiểu các tập khí; Khéo hiểu phương tiện trí; Khéo hiểu phân biệt vô lượng pháp; Khéo hiểu các uy nghi; Khéo hiểu phân biệt các thế giới; Khéo hiểu quá khứ, hiện tại, vị lai. Khéo hiểu thuyết thế đế; Khéo hiểu thuyết đệ nhất nghĩa đế. Đó là mười.

Thưa các Phật tử! Bồ-tát này nên học 10 pháp. Thế nào là mười? Học khéo biết trụ xứ của pháp vương, khéo biết sở hành uy nghi của pháp vương, khéo biết an lập pháp vương xứ, khéo biết khéo nhập pháp vương xứ, khéo biết phân biệt pháp vương xứ, khéo biết pháp vương cam lộ quán đỉnh, khéo biết thọ trì pháp của pháp vương, khéo biết pháp vô úy của pháp vương, khéo biết pháp vô trước của pháp vương, khéo biết tán thán pháp của pháp vương. Vì sao? Vì muốn đối với tất cả pháp được trí không chướng ngại. Nếu có nghe pháp thì tự khai hiểu chẳng do nơi khác mà ngộ.

Thưa các Phật tử! Thế nào là Bồ-tát ma-ha-tát QUÁN ĐỈNH TRỤ? Bồ-tát này thành tựu 10 loại trí trụ. Thế nào là mười? Đó là đều hay chấn động vô lượng thế giới; Đều hay chiếu sáng vô lượng thế giới; Đều hay trụ trì vô lượng thế giới; Đều hay du khắp vô lượng thế giới; Đều hay nghiêm tịnh vô lượng thế giới; Đều biết tâm hạnh của vô lượng chúng sinh; Đều biết tùy tâm sở hành của chúng sinh; Đều biết các căn của vô lượng chúng sinh; Đều có thể phương tiện độ vô lượng chúng sinh; Đều có thể điều phục vô lượng chúng sinh. Đó là mười.

Thưa các Phật tử! Bồ-tát này, thân không thể biết, thân nghiệp thần túc, thần túc tự tại, quá khứ trí, vị lại trí, hiện tại trí, tịnh chư Phật độ trí, tâm cảnh giới, trí cảnh giới đều không thể biết. Tất cả chúng sinh cho đến Bồ-tát pháp vương tử đều không thể biết.

Thưa các Phật tử! Bồ-tát này nên học 10 loại trí. Thế nào là mười? Đó là học Tam thế trí, Nhất thiết Phật pháp trí, Pháp giới vô chướng ngại trí, Pháp giới vô lượng vô biên trí, Sung mãn nhất thiết thế giới trí, Phổ chiếu nhất thiết thế giới trí, Năng trì nhất thiết thế giới trí, Phân biệt nhất thiết chúng sinh trí, Nhất thiết chủng trí, Tri Phật vô lượng vô biên trí. Vì sao? Vì muốn khiến Bồ-tát này đầy đủ Nhất thiết chủng trí. Nếu có nghe pháp thì tự khai hiểu không do nơi khác mà ngộ.

Lúc ấy, nhờ thần lực của Phật, nơi mười phương, vạn Phật thế giới trần số Phật quốc ở mỗi phương, có sáu loại mười tám tướng chấn động; mưa thiên bảo hoa, thiên mạt hương, thiên bảo kế, thiên tạp hương, thiên bảo y, thiên bảo vân, thiên trang nghiêm cụ. Thiên diệu âm nhạc không trổi mà tự vang, lại tự diễn xuất âm vô úy. Như Tứ thiên hạ ở điện Diệu Thắng trên đỉnh Tu-di, uy thần biến hóa thuyết pháp Thập trụ đó, tất cả mười phương thế giới cũng lại như thế.

Lúc ấy, nhờ thần lực của Phật, qua khỏi vạn Phật thế giới trần số các cõi ở mười phương, có thập Phật sát vi trần số các đại Bồ-tát, đầy khắp mười phương, đến tại đất này nói lời như vậy : Lành thay! Lành thay! Thưa Phật tử! Khéo thuyết pháp đó. Bọn chúng tôi đồng danh Pháp Tuệ, đến từ Phật quốc đồng danh Pháp Vân, chư Như Lai ở đó đồng hiệu Diệu Pháp. Chỗ Phật của chúng tôi cũng thuyết Thập trụ. Đại chúng, quyến thuộc, danh, vị, cú, thân v.v… không khác. Cho nên, thưa Phật tử! Chúng tôi nương thần lực của Phật đi đến đất này, vì ông mà tác chứng. Như Tứ thiên hạ ở điện Diệu Thắng trên đỉnh Tu-di, thuyết pháp Thập trụ, được thập Phật thế giới vi trần số các đại Bồ-tát đến đó tác chứng, tất cả mười phương cũng lại như thế.

Lúc ấy, Bồ-tát Pháp Tuệ nương thần lực của Phật quán khắp mười phương và các pháp giới, rồi dùng kệ tụng rằng :

Thấy thân vi diệu đại trí tôn
Tướng hảo đoan nghiêm đều đầy đủ
Tối thắng tôn trọng rất khó gặp
Đại sĩ dũng mãnh Sơ phát tâm (1)
Thấy đại thần biến vô đẳng đẳng
Nghe thuyết diệu pháp và giáo giới
Quán sát ngũ đạo vô lượng khổ
Đại sĩ vô úy Sơ phát tâm (2)
Nghe phổ trí của các Như Lai
Vô lượng công đức đều đầy đủ
Hiểu tâm tướng Phật như hư không
Bồ-tát nhân đây Sơ phát tâm (3)
Năng biết thị xứ và phi xứ
Hoặc ngã phi ngã các thứ thế
Muốn hiểu nghĩa bình đẳng chân thật
Bồ-tát nhân đây Sơ phát tâm (4)
Quá khứ vị lai hiện tại thế
Tất cả thiện ác các nghiệp báo
Muốn khéo quán sát đều bình đẳng
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (5)
Các thiền tam muội và giải thoát
Tùy thuận chánh thọ không chấp trước
Muốn khéo phân biệt cấu tịnh khởi
Bồ-tát nhân đây Sơ phát tâm (6)
Tùy các chúng sinh căn lợi độn
Mọi thứ cần tu tinh tấn lực
Đều muốn hiểu rõ trí phân biệt
Bồ tát nhân đây sơ phát tâm (7)
Tất cả các dục của chúng sinh
Tâm thích chấp trước các hư vọng
Đều muốn hiểu rõ trí phân biệt
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (8)
Tất cả mọi tánh của chúng sinh
Vô lượng vô biên không thể tính
Đều muốn hiểu rõ trí phân biệt
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (9)
Tất cả các đạo, chỗ đã đến
Bát chánh thánh lộ hướng vô vi
Đều muốn liễu đạt trí thật đó
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (10)
Mọi loài chúng sinh trong thế giới
Lưu chuyển ngũ đạo biển sanh tử
Muốn được thiên nhãn đều minh đạt
Bồ tát nhân đây sơ phát tâm (11)
Tất cả sự trong thời quá khứ
Như thế tánh ấy sở hữu tướng
Đều muốn tùy thuận đạt túc mệnh
Bồ tát nhân đây sơ phát tâm (12)
Thế gian, tất cả các phiền não
Đã có kết phược còn tập khí
Đều muốn giác tri cứu cánh tận
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (13)  
Thế gian đã có pháp thế đế
Danh tự đàm luận ngữ ngôn đạo
Đều muốn minh đạt nghĩa thế đế
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (14)
Tất cả các pháp ngữ ngôn đoạn
Không có tự tánh như hư không
Đều muốn minh đạt nghĩa chân đế
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (15)
Chấn động tất cả thế giới Phật
Nghiên đổ khua tháo các đại hải
Đều muốn minh đạt Phật thần lực
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (16)
Một lông phóng ra vô lượng quang
Chiếu khắp tất cả cõi mười phương
Muốn nơi một quang, tất cả giác
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (17)
Vô lượng Phật độ khó nghĩ bàn
Đều có thể đặt trong lòng tay
Muốn hiểu tất cả như huyễn hóa
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (18)
Vô lượng Phật độ, các chúng sinh
Thảy đều đặt yên trên đầu lông
Đều muốn liễu đạt, đều tịch diệt
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (19)
Tất cả nước đại hải mười phương
Các giọt, một lông hết không dư
Đều muốn phân biệt biết số giọt
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (20)
Các cõi Phật không thể nghĩ bàn
Đều nghiền vụn ra như vi trần
Đều muốn phân biệt biết số ấy
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (21)
Quá khứ vị lai vô lượng kiếp
Tất cả thế giới tướng thành bại
Đều muốn rốt ráo đạt mé ấy
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (22)
Tất cả Đẳng Chánh Giác ba đời
Các Bích Chi Phật và Thanh văn
Đều muốn phân biệt Tam thừa đạo
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (23)
Vô lượng vô biên các thế giới
Hay dùng một lông đều xứng khắp
Muốn biết tướng thực của hữu vô
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (24)
Núi bọc kim cang số vô lượng
Có thể đặt hết trên đầu lông
Muốn biết đến tướng đại có tiểu
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (25)
Tất cả thế giới ở mười phương
Có thể dùng nhất âm đầy khắp
Thảy muốn rõ âm thanh tịnh diệu
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (26)
Mọi pháp ngữ ngôn của chúng sinh
Một lời diễn thuyết hết không sót
Thảy muốn hiểu rõ âm tịnh mật
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (27)
Âm tịnh vi diệu của Như Lai
Đầy khắp các thế giới mười phương
Muốn được đầy đủ tướng thiệt căn
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (28)
Tất cả thế giới ở mười phương
Nếu có thành hoại thảy đều thấy
Muốn được hiểu rõ đầy hư vọng
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (29)
Tất cả Phật độ ở mười phương
Trong đó có vô lượng Như Lai
Đều muốn liễu đạt chánh pháp Phật
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (30)
Khắp nơi ứng hiện các loại thân
Tất cả thế giới vi trần đẳng
Thảy muốn liễu đạt như huyễn hóa
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (31)
Quá khứ vị lai hiện tại thế
Vô lượng vô biên các Như Lai
Muốn nơi nhất niệm đều liễu tri
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (32)
Muốn diễn thuyết đủ một cú pháp
A-tăng-kỳ kiếp không cùng tận
Muốn khiến biện tài không đoạn tuyệt
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (33)
Tất cả quần sinh ở mười phương
Tùy theo tướng sanh diệt dời đổi
Thảy muốn nhất niệm đều liễu tri
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (34)
Thân, khẩu và ý hành tịnh diệu
Du hí mười phương không chướng ngại
Muốn biết tam thế đều không tịch
Bồ-tát nhân đây sơ phát tâm (35)
Bồ-tát phát tâm như vậy rồi
Nơi chỗ Phật ở mười phương giới
Cần học tận kính cúng dường Phật
Người thuyết như thế giáo bất thối (36)
Bồ-tát xả ly mọi thứ lạc
Không chán sinh tử cầu Bồ-đề
Do đây khuyến tiến hoan hỉ thán
Kẻ thuyết như thế, giáo bất thối (37)
Tất cả thế giới ở mười phương
Trong đó tất cả các thánh hiền  
Bồ-tát thường nên tán thán họ
Kẻ thuyết như thế giáo bất thối (38)
Tối thắng tối thượng không gì sánh
Pháp thanh tịnh vi diệu thậm thâm
Bồ-tát lấy đó dạy chúng sinh
Kẻ thuyết như thế giáo bất thối (39)
Diệu thiện pháp thanh tịnh vô thượng
Tất cả các ma không thể hoại
Bồ-tát tôn trọng thường xưng tán
Kẻ thuyết như thế giáo bất thối (40)
Tất cả công đức đã có được
Bậc Thiên Nhân tôn đều thành tựu
Lấy đó an lập các Bồ-tát
Kẻ thuyết như thế vua của người (41)
Phương tiện giáo hóa thấy các Phật
Vô lượng vô số khó nghĩ bàn
Nếu dùng phương tiện giáo hóa này
Kẻ thuyết như thế, giáo bất thối (42)
Tất cả các tam muội thậm thâm
Đều dạy chúng sinh không thiếu sót
Bồ-tát phân biệt đều khai đạo
Kẻ thuyết như thế, giáo bất thối (43)
Đều tìm diệt bánh xe sanh tử
Đều chuyển thánh đạo diệu pháp luân
Tất cả thế gian không chấp trước
Chư Phật thọ ký là Bồ-tát (44)
Bồ-tát nếu thấy vô lượng chúng
Luân chuyển sanh tử thọ các khổ
Vì họ làm chỗ cứu, qui y
Chư Phật thọ ký là Bồ-tát (45)
Đây thuyết Bồ-tát Phát tâm trụ
Một lòng chí cầu đạo vô thượng
Như ta đã thuyết pháp vi diệu
Tất cả chư Phật cũng như thế (46)
Đệ nhị Trị địa chân Phật tử
Trước nên phát tâm tác niệm này
Nguyện khiến tất cả quần sinh loại
Tùy nguyện tu hành các Phật giáo (47)
Nhiêu ích an lạc tâm chúng sinh
Hoan hỉ không bỏ tâm chúng sinh
Đại bi cứu hộ tâm ngã sở
Khởi tâm đại sư, tâm Như Lai (48)
Phát các thắng diệu tâm như thế
Tinh cần học hỏi cầu đa văn
Tịch nhiên định ý chánh tư duy
Tâm thường thân cận thiện tri trức (49)
Tùy thuận phụng hành tu giáo này
Thiện ngữ nhu nhuyến không phóng dật
Khéo hay liễu tri tất cả thời
Thâm đạt pháp nghĩa không sợ hãi (50)
Hiểu rõ thâm nghĩa, liễu chánh pháp
Thì lìa tất cả các si ám
Đã lìa ngu si tâm an trụ
Thì gọi đó là chân Phật tử (51)
Cũng gọi Trị địa Ma-ha-tát
Một lòng kiên cố cầu bồ-đề
Khéo học các Phật giáo như vậy
Thì gọi đó là chân Phật tử (52)
Đệ tam Tu hành chân Phật tử
Cần phải quán các pháp như vầy
Vô thường khổ không không kiên cố
Vô ngã vô chủ không tự tại (53)
Tất cả các pháp không đáng thích
Vô tác hư cuống không chân thật
Không có tích tập không phân tán
Người quán như thế là Bồ-tát (54)
Phân biệt quán sát chúng sinh giới
Cũng thường hiểu rõ các pháp giới
Khéo hay phân biệt phương tiện quán
Vô lượng vô biên các thế giới (55)
Trong mọi quốc độ ở mười phương
Địa thủy hỏa phong tứ địa giới
Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới
Đều hay quán sát phân biệt biết (56)
Khéo hay minh liễu tất cả giới
Chân thật cứu cánh không bỏ sót
Chân đế chánh pháp giáo như vậy
Người tùy thuận học là Bồ-tát (57)
Đệ tứ Chân quí chân Phật tử
Từ các thánh hiền chánh pháp sanh
Các pháp hữu vô không chấp trước
Xả ly sanh tử xuất tam giới (58)
Tin Phật kiên cố không thể hoại
Tịnh tâm rốt ráo không thối chuyển
Hiểu rõ quán sát pháp thậm thâm
Tất cả chúng sinh không chân thật (59)
Hành nghiệp thế giới các Phật độ
Sanh tử quả báo và niết bàn
Phật tử nếu hay quán như thế
Thì gọi pháp Như Lai hóa sanh (60)
Quá khứ vị lai hiện tại thế
Chư Phật Như Lai và chánh pháp
Vô lượng phương tiện cầu cứu cánh
Thành tựu tất cả pháp đại thánh (61)
Tất cả Như Lai của tam thế
Bình đẳng quán sát tướng không khác
Phân biệt sai biệt không thể được
Kẻ quán như vậy đạt tam thế (62)
Như ta đã nói kẻ tán thán
Thì gọi Tứ trụ ma-ha-tát
Nếu kẻ hay tu học như thế
Chóng thành bồ-đề Phật vô thượng (63)
Đệ ngũ Bồ-tát chân Phật tử
Vi diệu cụ túc phương tiện trụ
Thâm nhập xảo phương tiện thanh tịnh
Cứu cánh tất cả công đức nghiệp (64)
Vô lượng công đức đã tu được
Đều vì tất cả làm qui y
Nhiêu ích an lạc đại từ bi
Ai mẫn độ thoát các quần sinh (65)
Vì tất cả thế trừ các nạn
Bạt hẳn sinh tử khiến hoan hỉ
Điều phục tất cả các quần sinh
Đầy đủ công đức thú niết bàn (66)
Khắp vì tất cả các quần sinh
Phân biệt diễn thuyết pháp thanh tịnh
Đó gọi đệ ngũ Ma-ha-tát
Thành tựu phương tiện độ chúng sinh (67)
Người đầy đủ tất cả công đức
Diễn thuyết ngũ trụ tịnh diệu pháp (67.5)
Đệ lục Chánh tâm chân phật tử
Hiểu chân thật pháp lìa ngu si
Ở tất cả đời, trong Nhân Thiên
Chánh niệm tư duy diệt hư vọng(68)
Nghe tán hủy Phật và Phật pháp
Chỗ hành đạo của mọi Bồ-tát
Chúng sinh hữu lượng hoặc vô lượng
Ở trong Phật pháp tâm không động (69)
Chúng sinh hữu cấu hay vô cấu
Hoặc khó độ hoặc là dễ độ
Pháp giới hữu lượng hoặc vô lượng
Thế giới có thành hoặc có bại(70)
Hoặc nghe pháp giới bằng hữu vô
Quá khứ vị lai và hiện tại
Bồ-tát với tất cả pháp đó
Tịch nhiên quán sát tâm không động (71)
Quán tất cả pháp không tánh tướng
Nghĩa ấy chân thật như hư không
Giống như huyễn hóa mộng đã thấy
Người này, với pháp là chân giải(72)
Đệ thất Bất thối chân phật tử
Nghe có pháp chư Phật Bồ-tát
Nghe không pháp chư Phật Bồ-tát
Hoặc xuất phi xuất không thối chuyển (73)
Quá khứ vị lai và hiện tại
Tất cả chư Phật hữu dĩ vô
Nếu pháp khởi diệt không khởi diệt
Nếu có tướng một hoặc tướng khác (74)
Nếu một tức nhiều, nhiều tức một
Nghĩa vị tịch diệt đều bình đẳng
Chóng lìa một khác tướng điên đảo
Gọi đó Bồ-tát Bất thối trụ (75)
Hoặc có pháp tướng và vô tướng
Hoặc có pháp tánh và vô tánh
Cả hai không thật đồng hư không
Người biết như thế là rốt ráo (76)
Đệ bát Đồng chân chân Phật tử
Thân khẩu ý hành đều đầy đủ
Vi diệu thanh tịnh không nhiễm ô
Tùy ý sở dục tự tại sinh (77)
Đều biết tất cả chúng sinh tâm
Khéo hay quán sát các tánh dục
Liễu pháp chúng sinh không sai biệt
Thập phương thế giới tướng thành bại (78)
Chóng được tất cả diệu thần thông
Đi đến các Phật độ mười phương
Tùy ý tự tại không chướng ngại
Nghe thuyết diệu pháp đều thọ trì (79)
Lục chủng chấn động tất cả nước
Thảy đều trì giữ các thế giới
Phạm âm biến khắp mười phương cõi
Độ thoát vô lượng quần sinh loại (80)
Vấn hỏi Phật nghĩa không thể tính
Biến hóa thân này vô hạn lượng
Tùy người thọ hóa diễn pháp ngôn
Như Phật đã nói không có khác (81)
Đệ cửu vương tử Ma-ha-tát
Đều hay phân biệt các quần sinh
Khéo biết khinh trọng phiền não hạnh
Tùy theo sở ứng phương tiện độ (82)
Khéo phân biệt biết các pháp tướng
Rõ tiền hậu tế của thế giới
Khéo biết tục đế đệ nhất nghĩa
Đầy đủ phương tiện không bỏ sót (83)
Khéo hay liễu đạt pháp vương xứ
Tùy thuận pháp uy nghi pháp vương
Khéo biết an nhập pháp vương vị
Khéo biết phân biệt pháp vương giới (84)
Đệ thập Quán đãnh chân Phật tử
Phương tiện khéo trì tất cả pháp
Như pháp tùy thuận nhập thâm nghĩa
Đều hay rốt ráo phân biệt thuyết (85)
Đều độ chúng sinh không bỏ sót
Mà với chúng sinh không thủ tướng
Tịch nhiên bất động học chánh niệm
Đều ở trước mười phương chư Phật (86)
Quán đỉnh Bồ-tát chân phật tử
Đều hay rốt ráo các thắng pháp
Thập phương vô lượng các thế giới
Đều hay chấn động quang phổ chiếu (87)
Giữ gìn thế giới ở mười phương
Nghiêm tịnh tất cả tâm chúng sinh
Đều biết tất cả căn chúng sinh
Diễn Phạm âm thanh khắp mười phương (88)
Điều phục hóa độ các quần sinh
Thảy khiến tu tập tâm bồ-đề
Phổ nhập Phật quốc ở mười phương
Quán sát pháp giới không bỏ sót (89)
Quán đỉnh, sắc thân và thân nghiệp
Thần túc tự tại khó nghĩ bàn
Quán sát tam thế Phật quốc trí
Cho đến vương tử không chỗ lường (90)
Chư Phật ba đời và Phật pháp
Phân biệt liễu tri không chướng ngại
Pháp giới vô lượng vô hữu biên
Chư Phật Thanh văn đều sung mãn (91)
Tận ở tất cả các thế giới
Thảy đều giữ gìn quang phổ chiếu
Tận nơi tất cả quần sinh loại
Vì thuyết chánh giác trí rốt ráo (92)
Như vậy chư Bồ-tát Thập trụ
Đều từ pháp Như Lai hóa sinh
Tùy theo phương tiện và cảnh giới
Tất cả Thiên Nhân không thể biết (93)
Sơ phát tâm bồ-đề vô thượng
Đầy khắp mười phương đều không sót
Liễu đạt các pháp tướng ba đời
Thành tựu đầy đủ tất cả trí (94)
Vô biên Phật độ và thế gian
Vô lượng vô số chúng sinh loại
Phiền não nghiệp báo tâm bồ-đề
Như vậy tất cả không chấp trước (95)
Sơ cầu Phật đạo phát nhất niệm
Chúng sinh thế gian và Nhị thừa
Bọn họ tất cả không thể biết
Huống công đức của Bồ-tát khác? (96)
Tất cả thế giới ở mười phương
Dùng một sợi lông đều ứng khắp
Kia biết Bồ-tát đầy đủ hạnh
Chóng được tất cả trí Như Lai (97)
Tất cả đại hải thủy mười phương
Dùng một giọt lông khiến tận hết
Trong nhất niệm thảy đều biết số
Hành giả như vậy chân Phật tử (98)
Tất cả thế giới nghiền thành bụi
Thảy đều phân biệt biết số lượng
Sở hành Bồ-tát đồng như bụi
Gọi đó chính là chân Phật tử (99)
Phật quá khứ, hiện tại, vị lai
Tất cả Duyên giác và Thanh văn
Phân biệt giải thoát không thể tận
Phát tâm Bồ-tát các công đức (100)
Bồ-tát mới phát bồ-đề tâm
Quảng đại vô lượng không giới hạn
Đại từ đại bi trùm tất cả
Huống công đức của Bồ tát khác? (101)