Mục tiêu của cuộc sống

THẦY TÚ LÀNG AN NINH

22/04/2017

THẦY TÚ LÀNG AN NINH

Sự thịnh suy của một dòng họ

Năm 1900 thầy Tú 28 tuổi. Thầy đỗ đầu kỳ thi tú tài cựu học chữ hán, nhưng cuộc thi kế tiếp lấy cữ nhân, không thấy thầy đi thi. Chỉ thấy thầy hàng ngày vác cuốc ra đồng kiếm cơm, thời gian còn lại thì lý sự chuyện thế gian.

Nẩy sinh chuyện ấy là có lý do ...

15 năm trước, khi kinh đô Phú Xuân chưa thất thủ, thầy là con quan ngũ phẩm Trung Nghị Phủ Quân. Tuổi thơ như thế làm thầy hảnh diện và chuẩn bị cho mình nhiều ước hẹn. Thầy không chỉ học chữ hán, chữ quốc ngữ mà còn tinh thông cả huyệt mạch, lý số âm dương v.v… Thông cái kho ấy rồi, mới nhận ra rằng, nghiệp vận của con cháu dòng họ Dương, nếu đỗ đạt làm quan thì trước sau gì cũng vĩnh viễn ra đi vì chịu nghiệp số triệt hệ.

Từ cái nhìn ấy, thầy chỉ cho con cháu học cho biết mặt chữ rồi chia ruộng cho sinh sống, không cho đi thi, không cho làm quan. Làm như thế, thầy hy vọng bảo hộ được mạng sống của con cháu mình. Thời gian còn lại thầy ngồi đó chiêm nghiệm những gì mình đã nhìn thấy …

Cuộc nổi dậy của vua Hàm Nghi bại vong, dòng họ Dương của thầy cũng chịu ít nhiều cảnh tan đàn xẻ nghé. Người anh con ông bác ruột là Vệ Kỳ Võ theo vua Hàm Nghi bôn tẩu, nay con cháu không ai dám về làng nhận mình là con cháu làng An Ninh. Coi như dòng họ Dương Công đã đi hẳn một nhánh trên. Ông chú ruột của thầy cũng dần dần lâm vào cảnh túng quẩn bán dần đất của cha ông để lại. Vụ ông Dương Công Hoan lập đội quân nữ cùng vua Thành Thái âm mưu vượt biên ở Thanh Hóa bị bắt, rồi bị đày ra Côn đảo khiến những người còn lại trong dòng họ cũng mang tiếng và chịu ảnh hưởng ít nhiều. May việc vua Thành Thái vẫn còn trong trứng nước nên bản án chưa thành hình, việc xử lý cả người trong dòng tộc nhờ đó mới tạm yên.

Anh kế thầy, dưới thời Nguyễn Hữu Bài, đang làm quan ở bộ ngoại giao Huế bỗng nhiên có giấy chuyển ra Hải Phòng. Quan Cửu phẩm khi về làng có kiệu, có quân đưa đi oai phong lẫm liệt. Thế mà bỗng nhiên cũng chết một cách không rõ ràng. Sự thế một ngày một ứng với quẻ triệt thầy đã xem, khiến thầy ngày càng gàn dở mà lý sự lại thêm nhiều …

Người anh cả, cũng làm đến chức Cửu phẩm, là bá hộ ở phố Nhà Bè, giàu sang phú quí tột bực nhưng huyênh hoang cũng không kém. Đàn con 5 đứa, ngoại trừ đứa út là bê tha trác táng, còn lại đều là quan triều lục phẩm, đứa thì đi Pháp lấy vợ Tây v.v… Một gia đình tương đối khá hoàn mãn như thế, dưới mắt thầy Tú lại hoàn toàn không ổn chút nào. Thầy biết chuyện gì sẽ xảy ra và đang chờ nó xảy ra …

Cơ ngơi ở phố Nhà Bè của ông anh cả tan hết thật. Đống của, ông bá hộ tưởng chừng không bao giờ hết, vậy mà chưa hết đời ông, chúng đã không cánh mà bay. Ông bá hộ phải về lại căn nhà cha mẹ cho ngày trước tá túc qua ngày. Thằng út không chịu lấy vợ, vẫn theo bên lưng ông như một cái nợ tiền kiếp để rút cho hết tiền của của ông. Còn mấy đứa con có chức vị thì giờ đổ bệnh đàn ca xướng hát v.v… mỗi lần gặp là mỗi lần có chuyện, chúng chỉ xin và gợi ý bán nhà chia của là chính.

Chuyện làm thầy Tú đau lòng nhất là cái chết của người cháu kêu thầy bằng chú ruột. Một đứa hiền lành, học giỏi nhất dòng tộc, làm phán tòa Qui Nhơn rồi đến Ban Mê Thuộc. Phải nói, dòng tộc hy vọng tràn trề vào sự nghiệp đương thời của nó. Vậy mà bỗng dưng nó lăn ra chết. Chữ triệt không buông tha dòng họ cho tới đời cháu. Cái chết của đứa cháu như nhắc nhở hai anh em. Ông Cửu bắt đầu tin vào những gì thầy Tú nói. Vợ chết khiến ông càng hụt hẫng, rồi ra đi vào một ngày cuối đông.

Sau cái chết của anh, thầy Tú đâm ít nói, nhưng một ý tưởng mới vừa nẩy sinh trong đầu. Nhìn cảnh ngựa xe của dòng tộc cứ ngày một thưa thớt, thầy quyết định phải làm một cái gì đó để cứu vãn tình thế. Còn nước còn tát. Thầy không thể bó tay ngồi nhìn gia tộc lụn bại thêm nữa. Thầy quyết định dời mộ cha đi nơi khác để trừ đi mớ nghiệp quả bấy lâu đang đè nặng lên dòng tộc ...

Sau khi nghiên cứu kỹ âm dương mộ táng, thầy quyết định dời mộ cha lên một vùng đất cao. Có điều, đất đó lại thuộc quyền sở hữu của người khác, vì thế thầy phải âm thầm lén lút mọi chuyện. Sau, sự việc vỡ lỡ, thầy phải dời mộ đến mảnh đất khác, cũng cao và ở cạnh một con suối. Không ngờ nhà nước quyết định xây một con đập. Cuối cùng ngôi mộ trở về lại cố hương.

Lý số và lý đạo 

Xét ra, thầy Tú là người rất am tường lý số nhưng lại không phải là người am tường lý đạo. Trong khi lý đạo mới là thứ chi phối tất cả. Lý số chỉ là một phần nổi rất nhỏ của lý đạo.

Am tường LÝ SỐ HUYỆT MẠCH ÂM DƯƠNG, nên thầy biết rất rõ thời vận của dòng họ sẽ ly tán ra sao. Không cho con cháu đi làm quan để tránh những cái chết thương tâm. Thầy cũng biết cách dùng chính cái lý số đó để cải đổi sự thịnh suy của dòng họ mình. Nhưng vì không nắm rõ được LÝ ĐẠO nên thầy không biết qui luật nhân quả đang chi phối thế giới này. Nói chính xác là thầy vận dụng NHÂN QUẢ không được đúng lắm khi giải quyết một số việc …

Nhìn thấy cái QUẢ quan lộ chỉ đưa đến chỗ triệt tận, nên thầy không cho con cháu mình đi thi, mà cho về làm ruộng. Tức chỗ nào đưa mình đến cái chết thì ngưng ngay con đường dẫn đến chỗ đó. Thầy biết triệt cái NHÂN để cái QUẢ không còn. Đó là cách giải quyết đơn giản nhất. Tuy cách giải quyết vẫn còn nằm trên mặt nhân quả thô sơ, nhưng vô tình lại đi đúng theo phần nhân quả thâm sâu : Làm ruộng, ẩn cư là ta đang diệt bớt cái NHÂN tham danh, tham lợi. Diệt bớt những cái duyên khiến mình dễ tạo tội. Bởi quan lộ không phải là con đường bằng phẳng, khó mà không dính vào danh vào lợi, vào những tội ác khác. An phận thì tránh được nạn tai. NHÂN đã diệt thì QUẢ phát sinh từ những NHÂN đó không còn. Cũng là một trong các cách tu tâm dưỡng tánh của người xưa.

Nếu thầy nắm được lý đạo, ý thức hơn về vấn đề nhân quả, biết mọi xấu tốt hiện nay mà dòng họ đang gánh chịu, đều bắt nguồn từ những việc thiện và bất thiện trong quá khứ, chứ không chỉ nằm trên việc sửa mồ sửa mả cải tạo thế đất, thì có lẽ thầy đã không cải số bằng cách chỉ dời mồ mả cha ông. Làm sao dời được khi cái nhân đưa đến quả đó chưa thay đổi?

Những thầy lý số của Đài Loan khi xem qua địa thế của Trúc Lâm Đà Lạt đã cho Hòa thượng Trúc Lâm là tay lý số tuyệt vời. Cái đức cái phước như thế thì địa thế đất nó như thế, sự sắp xếp an bày nó trở thành phù hợp với lý số như thế, chứ Hòa thượng nào có dùng gì đến lý số. Nắm được cái gốc của sự việc rồi thì không ai chạy theo cái ngọn để làm gì.

Chỉ có chúng sinh mình, không biết cái gốc, chỉ chạy theo những hiện tượng trước mắt, thì mới tin vào việc sửa thế bếp thế mả để giải quyết sự bất yên bất ổn trong gia đình. Ừ, cứ cho là thế, mồ mả ông cha nằm như thế thì con cháu sẽ phát đạt như thế đi. Nhưng muốn có thế đất như thế để con cháu phát như thế, thì dòng họ phải có cái ĐỨC hay cái PHƯỚC thế nào đó, mồ mả ông cha mình mới ở vị trí đó. Không phải tự dưng mà có. Y báo tùy thuộc vào chánh báo. Đức và phước nằm ở thân khẩu ý thiện và những việc làm thiện của mình. Nó không nằm ở chỗ chuyển mồ chuyển mả. Cái mồ cái mả có chuyển vào được chỗ tốt là do phước đức của dòng họ đã đủ, vận xấu đã qua. Còn qua bằng cách nào lại là chuyện khác : Hoặc nghiệp nhân cũ đã trả đủ. Hoặc nhờ những việc làm phước thiện trong hiện tại đang nở quả, góp phần xóa bớt những nghiệp nhân xấu đã tạo ra trong quá khứ … Còn đức chưa có, phước chưa đủ thì có làm gì cũng bằng thừa. Thầy Tú không phải đã tính chuyện dời mả lên vùng có khí phát đó sao? Thầy cũng đã dời rồi nhưng không được. Đi đâu rồi cũng về chốn cũ khi nghiệp nhân cũ chưa thay đổi. Chỉ thêm cực cho người sống.

Cho nên, vận dụng qui luật nhân quả trong đời sống thì gần như ai cũng biết vận dụng. Bởi cuộc đời vốn thế mà. Nhưng vận dụng cho đúng NHÂN nào sinh ra QUẢ nào thì ít ai vận dụng đúng, hoặc chỉ vận dụng nó theo cảm tính, nên lúc trúng, lúc trật.

Như bệnh lỡ loét, phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa sinh ra bệnh ấy là gì : tiểu đường, thiếu chất hay dư chất? Phải tìm ra nguyên nhân sâu xa bên trong để giải quyết, thì việc xoa thuốc bên ngoài mới có kết quả. Cái nhân bên trong không trị mà cứ xoa xoa xức xức những cái bên ngoài thì vết cũ có lành, vết mới cũng sinh. Việc dời mả chỉ như việc xức thuốc bên ngoài. Không thể trị lành được vết thương. Dù có cứu được việc này thì việc khác cũng phát sinh cho tương ưng với cái nhân đã từng gieo đó. Đây là lý do vì sao dù rất tinh thông lý số, thầy cũng chỉ biết ngồi nhìn mọi thứ xảy ra và bó tay với những dự định của mình. Vì cái quyết định vấn đề không nằm ở việc tinh thông lý số hay muốn mà được. Nó bị chi phối bởi phúc đức của dòng họ. Đó mới là nhân chính mà ta phải thấy khi vận dụng nhân quả trong đời sống của mình.

Việc là vậy, nhưng thường thì sửa bếp dời mả vẫn được tin tưởng và thực hành nhiều hơn là sống thiện và làm thiện để trị những bất toàn trong đời sống của mình. Bởi dời mả hay nhờ thầy đặt bếp, cũng như việc cầu an, cầu siêu v.v… xem ra khoẻ hơn là phải giữ gìn thân - khẩu - ý của mình cho được trong sạch. Song mỗi cái quả đều có cái nhân của nó. Phải trị đúng cái nhân thì cái quả mới thay đổi được…