Mục tiêu của cuộc sống
PHÁP TU TRỰC CHỈ
22/04/2017PHÁP TU TRỰC CHỈ
Hai giờ sáng, lão gọi tới tìm tôi. Lão đọc cuốn Trung Luận, tâm đắc quá nên tìm tôi trò chuyện ... Mô Phật! Giờ đó con đang ngủ ai mà cho bố gặp, nhất là đàn ông.
Lão nói lão chăm chú quá nên không biết đã 2 giờ sáng. Biết, lão đã không gọi...
Lão cứ tưởng Cht là thầy, nghe nói "Mẹ con ngủ rồi", lão mới biết không phải đàn ông. Nhưng lão vẫn muốn gặp mặt và nói chuyện. Vì lão nghĩ chỉ có tôi mới hiểu lão. Một phần, gọi tôi để coi xem địa chỉ trong sách có ... ma không. Không phải địa chỉ ma thì coi còn sống hay đã chết. Gã nói, mấy cuốn sách gã ưng ý, lật tên tìm tác giả thì gần như chết hết trơn. Tôi hỏi đọc cuốn gì mà ưng ý? Lão nói cuốn kinh Pháp Bảo Đàn. Bố ơi! Cuốn đó của Lục Tổ viết. Ổng tịch cả ngàn năm rồi, Bố đòi gặp tác giả thì sao mà gặp được. "Hì hì ... Công nhận ổng viết đọc thấy đã! Không có cuốn nào như cuốn đó!". Trời! Tổ viết mà không hay thì ai viết hay nữa trời! Đầu hàng luôn!
Lão không thích đi chùa ... Bởi yên ổn là do tâm, không phải do chùa. Lão nói vợ lão đi chùa cầu tài lão không thích. Ông Phật không dạy cầu tài, ông Phật chỉ dạy để tâm thần mình được an ổn. Bã khoái giàu, tui thì chỉ thích yên ổn, đủ ăn là được. Ăn nhiều cũng chết, ăn ít cũng chết, nhưng làm nhiều thì lo nhiều, khổ nhiều, gây nghiệp nhiều. Song bã muốn làm gì đó thì làm. Tại tui nói bã hổng[1] nghe. Bã nói tui tu kiểu gì kỳ, hổng chịu đi chùa, hổng chịu làm phước. Bã làm sao hiểu được mình tu ra sao. Thành bã làm gì đó thì làm. Tui làm gì được cho bã tui cũng làm. Tại bã hổng bực mình thì tui mới được yên. Hì.hì... Lão này cũng khôn, biết ... tùy duyên!
Hôm trước có ông thầy chỉ tui tu. Ổng nói: "Cúi mặt nhìn đất mà đi và thấy thứ gì cũng thành đất, một thời gian sau mọi thứ sẽ đổi khác". Tui cũng nhìn xuống rồi, cũng thấy mọi thứ là đất, nhưng nghĩ tới nghĩ lui thấy pháp đó không trực chỉ. Tui có cách tu trực chỉ hơn.
- Tu sao mà gọi là trực chỉ hơn?
Zầy, đi chùa về mà thấy cơm chưa có thì đừng bực, hong bực thì hong chửi. Chứ như bã đi chùa về, nhà có chuyện chút là chửi ào ào. Đi chùa zậy tâm đâu có an. Thành tui thấy hổng cần đi chùa, cứ chuyện gì đáng bực mà không bực là tu. Tu zậy là tu trực chỉ. Nhưng nói zậy chứ nhiều khi quên, cũng nhăn cái mặt lại. Thì giản cái mặt ra mà cười. Tu zậy trực chỉ nhất không gì bằng. Chà, cái này phải tập nghen. Tập riết nó quen, thực hành mới được. Chứ không thì cũng hỏng làm được. Phải tập từ từ!
Cũng như khi mình lau nhà, hai bàn chân nó đen thui mà nó cứ lượn vô lượn ra, in đầy nhà đầy cửa. Bã bực mình, bà hét ... Tui thấy đừng hét. Thì thôi hổng lau nữa, cho nó đi cho đã đi, khi nào nó hết đi mình lau tiếp. Hong thì nó đi là chuyện của nó, mình lau là chuyện của mình. Chỗ nào dơ thì lau. Nó đi qua dơ, mình lau. Nó đi lại dơ, mình lau. Hổng bực mình cũng hổng la hét. Tui thấy tu zậy trực chỉ.
Chứ cứ thâu vô rồi lại xả ra, biết đến khi nào mới rồi. Cứ nói quét rác mà rác thì cứ xả hoài, biết đến bao giờ mới hết rác. Chán lắm!
Úi trời! Tui nói tâm thức của mình nó kỳ quái nghe, nó hay tính trước. Vừa gặp nhau là lập tức nhìn cái quần cái áo để đánh giá nhau. Nghe cái gì chút là lập tức nói người này có ngã, người kia phân biệt. Mấy cái đó nó chướng dữ lắm, hổng bỏ là hổng tu được ...
Đứng chờ đèn đỏ mà hơi lâu chút là cứ ngóng đèn xanh. Tui chạy xe ôm mờ - Lão giơ tay chỉ cái xe - Cái xe đó đó .. Ngóng zậy làm sao tâm an. Giờ không ngóng nữa, cứ đứng đó, khi nào tới đèn xanh thì đi, chưa tới đèn xanh thì chưa đi. Vậy là tâm an. Tu zậy tui thấy trực chỉ.
Nghe lão nói mình mới nhớ, nhiều khi ngồi trước máy vi tính, cái máy tới hồi lên cơn, ù ù ạc ạc không chịu chạy, mình cũng nôn nóng thắp thỏm, nhiều lúc bực cả mình. Ừ, lúc đó phải nhớ lời lão nói mà bình cái tâm. Nhiều khi quên chứ không phải là không làm được hay khó làm. Quên thôi!
Cũng như đang viết bài nửa chừng, bỗng dưng cúp điện. Lúc đó bực đến nỗi ... văng tục. Cúp thì thôi viết lại, có gì mà bực. Coi như nó tạo cơ hội cho mình rèn luyện cái tâm. Lão nói đúng, phải bình cái tâm để giữ cái tĩnh. Chứ xả rác hoài, quét đến bao giờ mới hết.
Chạy xe ôm như tui, có nhiều chuyện để nói lắm. Mới thấy cái tâm mình nó lanh, chụp không kịp. Đang chạy mà có thằng nào băng qua là chửi loạn xạ. Hễ người ta nói một câu, mình tìm cách kê lại hai câu mới thấy vừa lòng. Dựng cái xe đó mà thiện hạ đụng ngã thì không phải đụng xe, mà đang đụng mình. Xe đụng đó mà đây mình đau mới kỳ! Đau thấu gan thấu ruột. Phải nó đụng đâu mình cũng mặc kệ thì đâu có gì thấy khổ. Chẳng qua là vì còn cái ngã ...
Cha, còn cái này nữa nha, bã đi chùa xa, tối thui mà thấy chưa về là tâm bất an liền. Thấy cũng tức cười. Ở đời cái gì cũng có nhân có quả mà bất an nỗi gì. Bất an thì có tránh được đâu. Nghĩ zậy cái hết bất an. Yên! Tu zậy tui thấy trực chỉ.
Rồi mới hôm qua nè, hai đứa nhỏ lấy đá ném qua ném lại, mình thấy trước sau gì cũng có đứa lỗ đầu, mới kêu "Nè, hai đứa ngừng chơi đi". Nhưng không đứa nào nghe. Thì thôi, đứng zậy bỏ đi cho rồi. Chứ ngồi đó mà nhìn cục này bay qua, theo cục kia bay lại thì làm sao mà yên cho được ...
- À, mà ông gì gì Thọ Thọ ghi ở cái bìa đó là thầy chị hả?
- Dạ đó là tác giả cuốn sách. Sư phụ khác nữa …
- Zậy, sư phụ có tóc như chị không?
- Dạ không, tăng …
- À, thầy chùa hả? Thôi tui đi, khi nào rảnh tui tới thăm. Tui nói nhiều quá hả?
- Dạ không có gì!
- Zậy chứ có mấy cha nói ì xèo như tui mà cứ một mực “Tui thanh tịnh”. Nội một cái thấy tâm mình thanh tịnh là đã thấy tâm chưa thanh tịnh rồi. Hì hì …
Con thì chẳng quan tâm Bố thế nào Bố ạ! Bố thanh tịnh hay không thanh tịnh, Bố nói nhiều hay không nói nhiều … liên quan gì đến con mà con phải thấy? Chỉ biết con viết cuốn sách, dự định 100 trang, nhưng mới tới 80 trang thì không còn chữ để viết. Bố tới giúp con thêm mấy trang, chưa kể còn giúp con nhớ tới mấy cái tật của con, tưởng chừng như vô hại mà thật là không vô hại chút nào. Không khéo lại đang nuôi dưỡng tập sân mà không biết. Chừng đó, đủ để Bố trở thành Bồ tát trong tâm con. Đa tạ Bố …
Ừ, mà Bồ tát trong cái duyên này thôi nhé. Duyên khác thì tính khác nhe Bố. Pháp duyên khởi thì đâu thể lấy tánh của sự việc này làm tánh cho các việc khác Bố nhỉ?
[1] Phát âm của chữ “không”.
Các tin khác
-
» LỜI NÓI ĐẦU (04/04)
-
» NGỌN LỬA ĐỊA NGỤC (04/04)
-
» THẦY TÚ LÀNG AN NINH (04/04)
-
» CÓ NÊN TỰ SÁT (04/04)
-
» KHEN VÀ CHÊ (04/04)
-
» SÁM HỐI THEO ĐƯỜNG CHIM BAY (04/04)
-
» NIỀM TIN VÀ HẠNH PHÚC (04/04)
-
» MỤC TIÊU CỦA CUỘC SỐNG (04/04)
-
» TẮM PHẬT KHÔNG ĐỦ (04/04)