Có trí tuệ là biết như thật về...
CÓ TRÍ TUỆ LÀ BIÊT NHƯ THẬT VỀ... (P.6)
Quán các pháp như huyễn
02/04/2017QUÁN CÁC PHÁP NHƯ HUYỄN
Quang Huệ và Giới Diễn vào thời bấy giờ đều là thiền sư. Một hôm khi đang ngồi thiền, nơi tiềm thức của Giới Diễn nổi lên một niệm sắc ái, ngài liền trừ diệt. Song bên kia thiền sư Quang Huệ đã hay biết. Sau khi xuất định, ngài Quang Huệ làm bài kệ mang ý trêu cợt Giới Diễn. Giới Diễn buồn thẹn, liền thâu thần nhập diệt.
Ngài Quang Huệ hối hận, gọi đệ tử đến phó chúc rằng: «Bạn ta trong khi thiền định có một niệm sắc ái, sau tất lụy về sắc. Vì phiền ta mà thị tịch, sau sẽ phá hoại Tăng bảo. Lỗi ấy một phần do nơi ta, nếu ta không theo hóa độ, tất sẽ mang lấy hậu quả».
Dặn dò xong, ngài cũng viên tịch theo luôn. Sau, Quang Huệ chuyển thân làm thiền sư Phật Ấn. Giới Diễn chuyển kiếp làm Tô Đông Pha. Đông Pha do kiếp trước có tu nên làm quan to trong triều, thông minh trí tuệ mà cũng đa tài đa tình. Ông có đến bảy người thiếp, và thường đem sự thông minh bác lãm của mình ra vấn nạn các thiền sư. Về sau Tô Đông Pha bị Phật Ấn chiết phục, mới quay lại đường tu.
Tu, mà khi cần có thể thâu thần nhập tịch, không phải là hạng xoàng. Chỉ là vì còn thấy mọi thứ là thật nên với niệm ái dục, thay vì phải soi thấu bản chất của nó thì lập tức diệt trừ, với lời chế giễu lại sinh buồn phiền. Chính niệm buồn phiền ấy đã khiến Tô Đông Pha có những biểu hiện hơn thua với Phật Ấn sau này.
Phật dạy Quán các pháp như huyễn, Hòa thượng dạy Biết vọng không theo… là để chúng ta không vướng vào những trường hợp như trên.
Ngài Giới Diễn, với sức định như thế, chỉ cần quán niệm ấy như huyễn thì không có gì xảy ra, cũng không phải bận tâm đến sự chế giễu của ngài Quang Huệ mà mang hậu thân Tô Đông Pha.
Chúng ta, dù chưa thấy được tính mộng huyễn của pháp, mà biết quán các pháp là huyễn, là không thật, thì khi niệm ái dục xuất hiện, chỉ cần nhận rõ nó xuất hiện và … không theo, thì từ từ bản chất vọng của nó sẽ hiện hình. Nếu có diệt trừ, cũng chỉ vì để phá cái lực đang mạnh của nó, không phải vì thấy nó thật mà diệt nó đi.
Tu thiền, không chỉ tu Chỉ mà cần cả tu Quán là vậy. Quán này không chỉ dừng ở « khổ, không, vô thường, vô ngã » của hàng Thanh văn mà còn phải thấu được bản chất của các pháp: Vì chỉ là cái quả của « tập », nên không thứ gì có gốc, chỉ như mộng, huyễn, bào, ảnh. Vì là mộng, huyễn, bào, ảnh, nên với cái nhìn từng phần từng đoạn của chúng sinh, chúng thành vô thường.
Chỉ là nhân, Định là quả.
Quán là nhân, Tuệ là quả.
Chỉ Quán song hành thì Định Tuệ bình đẳng.
Các tin khác
-
» CÓ TRÍ TUỆ LÀ BIÊT NHƯ THẬT VỀ... (02/04)
-
» CÓ TRÍ TUỆ LÀ BIÊT NHƯ THẬT VỀ... (P.1) (02/04)
-
» CÓ TRÍ TUỆ LÀ BIÊT NHƯ THẬT VỀ... (P.2) (02/04)
-
» CÓ TRÍ TUỆ LÀ BIÊT NHƯ THẬT VỀ... (P.3) (02/04)
-
» CÓ TRÍ TUỆ LÀ BIÊT NHƯ THẬT VỀ... (P.4) (02/04)
-
» CÓ TRÍ TUỆ LÀ BIÊT NHƯ THẬT VỀ... (P.5) (02/04)