Văn xuôi

NGHIÊN CỨU VỀ THÚ HƯỚNG TÁI SINH QUA DẤU HIỆU NÓNG LẠNH CỦA THÂN THỂ (Chúc Phú)

Nguyệt san giác ngộ số 257 - Tháng 08/2017 (PL 2561)

06/09/2017




Trong tín niệm vãng sanh của một số truyền thống Phật giáo Bắc truyền, ở quá khứ cũng như hiện tại, đã căn cứ vào tình trạng nóng, lạnh từ thân thể của một người đang chết, để đưa ra những đoán định về thú hướng tái sanh của người ấy. Niềm tin này rất lớn, vì đôi khi có những người trợ niệm chuyên tâm theo dõi việc này, và không kiểm soát được hoan cảm khi phát hiện người lâm tử bộc lộ những dấu hiệu mà họ cho là “thụy tướng” (điềm lành).

Cơ sở của lý thuyết này có nguồn gốc từ đâu? Và phải chăng, đây cũng là một quan điểm chính thống của Phật giáo? Nỗ lực giải đáp tồn nghi nêu trên là chủ đích của khảo luận này.

Để tiện việc khảo sát, chúng tôi xin được viết tắt về tình trạng nóng, lạnh của một thân thể trong thời khắc lâm chung bằng cụm từ quan điểm nóng, lạnh.

Xét về lịch sử, quan điểm nóng lạnh làm tiêu chí vãng sanh có cơ sở từ một số tác phẩm trong Đại tạng kinh chữ Hán.Quan điểm này mang tính kế thừa, tổng hợp, sáng tạo, được thể hiện qua một số tác phẩm sau.

Tịnh độ cực tín lục

Trước hết và gần nhất, quan điểm về nóng, lạnh trong thời cận đại có cơ sở từ Tục tạng kinh, tập 63, số 1194, trong tác phẩm Tịnh độ cực tín lục (淨土極信錄) do ngài Trí Thiện Giới Hương (智善戒香) viết vào năm Tân Mùi niên hiệu Đồng Trị (同治辛未), tức năm 1871, đời nhà Thanh (1644-1912). Nguyên văn quan điểm nóng, lạnh được trình bày cô động trong bài kệ, gọi tắt là Bài kệ nóng, lạnh:

頂聖眼天生

人心餓鬼腹

傍生膝蓋離

地獄脚板出

Tạm dịch:

Đỉnh đầu sanh Thánh, mắt lên Trời
Ngạ quỷ ở bụng, tim làm người
Bàng sanh thì thoát ở đầu gối
Thoát ở bàn chân, địa ngục sanh


Trong khi nêu ra quan điểm này, tác phẩm Tịnh độ cực tín lục (淨土極信錄) không nêu dẫn cơ sở kinh điển dùng để tham chiếu.

Tiếp tục khảo cứu kinh điển Hán tạng, chúng tôi phát hiện ra rằng, quan điểm này được kế thừa từ một tác phẩm luận giải Phật học ở thời nhà Minh (1368-1644).


Bát thức quy củ bổ chú

Tác phẩm Bát thức quy củ bổ chú (八識規矩補註) do ngài Phổ Thái (普泰) viết vào năm Tân Mùi, niên hiệu Chánh Đức (正德辛未), tức năm 1511, triều vua Minh Vũ Tông (1491-1521). Tác phẩm hiện thu lục trong tạng Đại chánh, tập 45, số 1865.

Mặc dù tác phẩm chủ yếu giải thích sự vận hành của tám thức, tuy nhiên, khi lý giải đến thức thức tám, thì ngài Phổ Thái (普泰) đã viện dẫn bài kệ nêu trên. Đặc biệt, ngài Phổ Thái còn cho rằng, bài kệ này có cơ sở từ kinh Tạp bảo tạng1. Kinh Tạp bảo tạng (雜寶藏經) thuộc hệ Bổn duyên, gồm 10 quyển, mang số hiệu 023, thuộc tập 4 trong tạng Đại chánh. Khảo sát 10 quyển bản kinh này, chúng tôi không tìm thấy nguyên văn bài kệ như ngài Phổ Thái đã nêu dẫn! Tuy nhiên, từ những gợi mở trong Bát thức quy củ bổ chú, chúng tôi đã lần ngược lên và phát hiện Bài kệ nóng, lạnh nằm trong một tác phẩm mang tính bách khoa Phật giáo ở thời nhà Đường, có niên đại thế kỷ thứ VII.


Pháp uyển châu lâm

Pháp uyển châu lâm (法苑珠林) do ngài Đạo Thế (道世 ?-683)2  tổ chức biên soạn dưới thời vua Đường Cao Tông (628-683), được thu lục vào tập 53, mang số 2.122 thuộc tạng Đại chánh. Trong thư tịch Phật giáo Bắc truyền, Pháp uyển châu lâm được xem như một bộ bách khoa toàn thư vì nội dung đồ sộ của tác phẩm.

Đặc biệt, Pháp uyển châu lâm đã đề cập đến vấn đề nóng lạnh rất mực chi tiết:

Môn thứ nhất: người sắp mạng chung, kiểm tra trên thân thể nóng hay lạnh thì biết được quả báo của họ đời sau thụ sinh vào đường lành hay dữ.

Luận Du-già ghi: “Loài hữu tình là phi sắc phi tâm, thân giả tạm lớn nhỏ đều giống nhau, nhưng chết có nhanh chậm. Các luận sư cho rằng, người làm điều thiện, khi chết nếu sờ thấy lạnh từ dưới chân lên đến rốn, từ rốn lên vẫn còn hơi ấm, sau đó mới hết hẵn, người ấy sẽ sinh trở lại trong cõi người. Nếu sờ thấy lạnh từ dưới lên, đầu và mặt ấm, sau đó mới hết, người này được sinh lên cõi trời. Còn người làm ác thì ngược lại. Nếu sờ thấy người này lạnh từ trên đầu xuống đến thắt lưng còn hơi ấm, sau đó mới hết hẳn thì người này sẽ đọa vào loài ngạ quỷ. Nếu sờ thấy lạnh từ trên xuống, đến đầu gối còn hơi ấm, người này chết sinh vào loài súc sanh. Nếu chỉ từ đầu gối đến chân còn hơi ấm, người này chết bị đọa vào địa ngục. Bậc vô học khi nhập Niết-bàn thì ấm ở tim hoặc trên đỉnh đầu”3.

Từ đoạn trích dẫn vừa nêu, đã chứng minh rằng, Bài kệ nóng lạnh được dẫn trong Tịnh độ cực tín lục ở thời Đồng Trị (1856-1875) nhà Thanh, và Bát thức quy củ bổ chú ở thời Minh Vũ Tông (1491-1521), có nguồn gốc từ Pháp uyển châu lâm, được biên soạn vào đời Đường Cao Tông (628-683). Tuy nhiên, theo ngài Đạo Thế, tác giả của Pháp uyển châu lâm, thì quan điểm này có nguồn gốc từ luận Câu-xá và luận Du-già.


Luận Câu-xá

Luận Câu-xá do ngài Thế Thân (Vasubandhu) biên soạn vào khoảng cuối thế kỷ thứ IV, đầu thế kỷ thứ V và được ngài Huyền Tráng (602-664) dịch vào thế kỷ thứ VII. Tư liệu về nóng, lạnh trong luận Câu-xá có nhiều điểm khác biệt so với những quan điểm trên. Luận ghi:

(Hỏi): Trong khi lâm tử, thì cuối cùng, thức diệt ở phần nào của thân?

(Đáp): Khi người bị chết bất thình lình, thì ý thức và thân căn cùng lúc bị biến hoại. Nếu như cái chết diễn ra từ từ, thì sẽ đi xuống, hoặc làm trời, người, thì thức sẽ diệt tương ứng ở chân cũng như ở tim. Bị đọa ác thú, nên gọi là vãng hạ(往下). Lúc này, thức diệt cuối cùng ở chân. Nếu sinh làm người, thì thức diệt ở rốn. Nếu sinh làm Trời thì thức diệt ở tim. Các vị A-la-hán, cũng gọi là bậc Bất sanh, thức cuối cùng sẽ ở tim và từ tim mà diệt. Một số luận sư cho rằng thức diệt ở đầu4.

Tổng quát, theo luận Câu-xá, thức rời khỏi thân tương ứng như sau:

Ở chân – đọa ác thú (謂墮惡趣說名往下. 彼識最後於足處滅).

Ở rốn – sinh làm người (若往人趣識滅於臍).

Ở tim – sinh làm Trời, chứng A-la-hán (諸阿羅漢說名不生. 彼最後心亦心處滅。有餘師說. 彼滅在頂).

Ở đỉnh đầu – chứng A-la-hán (有餘師說. 彼滅在頂).

Như vậy, quan điểm của luận Câu-xá có nhiều điểm khác biệt quan trọng, so với bài kệ nóng lạnh trong Tịnh độ cực tín lục. Điều đáng chú ý, trong tác phẩm Pháp uyển châu lâm, cũng nêu ra quan điểm này, và mở rộng nhiều chi tiết, nhưng cho rằng, đó là quan điểm của luận Du-già-sư-địa. Vậy thực chất điều này ra sao?


Luận Du-già sư địa

Luận Du-già-sư-địa là một bộ luận đồ sộ trong thư tịch Hán tạng, gồm 100 quyển. Tác giả bộ luận là Bồ-tát Di-lặc, người ghi chép là ngài Vô Trước (Asanga) và người dịch ra chữ Hán là ngài Huyền Tráng. Ngài Huyền Tráng dịch tác phẩm này trong vòng một năm, từ ngày 15 tháng 5 năm Trinh Quán thứ 21 (647 TL) đến ngày 15 tháng 5 năm Trinh Quán thứ 22 (648) thì hoàn thành5. Theo ngài Chân Đế trong tác phẩm Bà-tẩu-bàn-đậu pháp sư truyện6, thì Vô Trước là anh của ngài Thế Thân, cả hai anh em là những tác gia am tường biện luận. Tác phẩm này, xin được gọi tắt là luận Du-già.

Về vấn đề nóng lạnh, luận Du-già ghi:

Kẻ tạo nghiệp ác, lúc sắp mạng chung, thì thức ở nơi chỗ dựa, từ phần trên xả bỏ, tức từ phần trên có cảm giác lạnh lẽo theo thức dấy khởi. Như thế dần dần xả bỏ cho đến quả tim.

Người tạo nghiệp thiện, thì thức ở nơi chỗ dựa, từ phần dưới xả bỏ, tức từ phần dưới có cảm giác lạnh lẽo, theo thức dấy khởi, như vậy dần dần xả bỏ cho tới quả tim. Nên biết, sau thức chỉ còn chỗ quả tim là xả bỏ sau cùng. Từ đó cảm giác lạnh lẽo lan khắp toàn thân7.

Điều đáng chú ý, luận Du-già không dựa trên vấn đề nóng lạnh của thân thể nhằm xác quyết nơi thác sanh về. Nói rõ hơn, luận Du-già không gắn kết giữa hơi nóng đến việc đọa vào ác đạo, hay sanh làm người, làm Trời, làm Thánh.

Thêm một bằng chứng nữa là, một phần của luận Du-già (thuộc quyển 51-54), được ngài Chân Đế (499-569) dịch vào thời nhà Lương, mang tên là luận Quyết định tạng8, quyển thượng, cũng ghi nhận tương tự:

Theo như lúc lâm chung của kẻ ác và người lành. Người lành thì lạnh từ chân và hơi nóng chuyển lên đến đỉnh đầu, khi đỉnh đầu lạnh thì mạng sống chấm dứt. Người ác thì lạnh từ đầu đến chân, khi hơi ấm không còn thì kẻ ấy mạng chung. Ý thức thường gắn liền với thân. Thức A-la-da (阿羅耶識) giữ gìn thân thể. Thức A-la-da diệt thì thân sẽ lạnh, không còn tri giác. Hai việc nóng và lạnh không phải do ý thức, nhờ vậy mới biết có thức A-la-da9.

So sánh nguyên tác 2 bản dịch luận Du-già, và phần được trích dẫn về luận Du-già trong Pháp uyển châu lâm đã cho thấy, đoạn trích dẫn trong Pháp uyển châu lâm có sự biên tập theo chủ kiến của ngài Đạo Thế, hoặc do vô tình nhầm lẫn.

Trong khi đối khảo về các truyền bản của luận Du-già, chúng tôi đã phát hiện thêm một tư liệu quan trọng. Đó là quan điểm về nóng lạnh của thân thể trong luận Du-già khá tương đồng với một tác phẩm kinh điển tối cổ của Ấn giáo.


Tác phẩm B
hadāraṇyaka Upanihad

Tác phẩm Bṛhadāraṇyaka Upaniṣhad là một trong những kinh thư quan trọng của Ấn giáo, được biên soạn vào khoảng 700 Tr.TL, chú trọng biện giải về Tiểu ngã (Ātman) cũng như đề cập đến các khái niệm đạo đức, siêu hình học... Nội dung liên quan đến hơi nóng và sự tái sinh nằm ở chương IV, đoạn 2.

Anh ta trở về nhất thể (Ekī-bhavati एकीभवति)10, họ bảo, anh ta không còn thấy. Anh ta trở về nhất thể, họ bảo anh ta không thể ngửi. Anh ta trở về nhất thể, họ bảo anh ta không biết mùi vị. Anh ta trở về nhất thể, họ bảo anh ta không thể nói. Anh ta trở về nhất thể, họ bảo, anh ta không thể nghe. Anh ta trở về nhất thể, họ bảo anh ta không thể suy nghĩ. Anh ta trở về nhất thể, họ bảo anh ta không biết xúc chạm. Anh ta trở về nhất thể, họ bảo anh ta không thể giác tri. Có một điểm từ tim anh ta bỗng rực sáng, và theo ánh sáng đó, tự ngã (ātmā आत्मा) sẽ rời đi thông qua mắt, qua đầu hay bất cứ thân phần nào của cơ thể. Và khi tự ngã rời xa, thì sự sống cũng lìa xa sau đó. Và khi sự sống rời xa, thì tất cả dấu hiệu sinh tồn đều rời xa. Anh ta trở về Linh thức (vijñāna विज्ञान)11. Linh thức cùng ra đi với anh ta bao gồm những gì? Đó chính là tri thức do học hỏi, hành nghiệp cũng như kinh nghiệm quá khứ (prva-prajñā पूर्वप्रज्ञा 12).13

Theo bản văn Bhadāraṇyaka Upanihad, thì linh hồn cá thể (prāṇa)14 sẽ thoát ra sau cùng và có thể thông qua mắt (cakṣuṣo), thông qua đầu (mῡrdhno) hoặc bất cứ chỗ nào của thân thể. Trong khi luận giải bản văn này, nhà học giả Ấn giáo Swami Krishnananda (1922-2001) nêu nhận xét: Có niềm tin cho rằng, nếu linh hồn cá thể (Prāṇa) thoát ra từ đỉnh đầu, thì kẻ ấy sinh lên cảnh giới Phạm thiên (The belief is that if the Prāṇa departs through the crown of the head, one reaches Brahma-loka)15.

Đánh giá về các nguồn tài liệu

Một trong những tiêu chí để khẳng định sự vãng sanh, theo một vài truyền thống tu tập của Phật giáo Bắc truyền, là căn cứ vào điểm nóng cuối cùng trên thân thể của người vừa chết. Quan niệm này được hình thành từ sự kế thừa và tổng hợp nhiều nguồn thư tịch.

Trước hết, về tính kế thừa. Bản văn Tịnh độ cực tín lục xuất hiện trong Tục tạng kinh kế thừa trọn vẹn toàn bộ Bài kệ nóng lạnh từ tác phẩm Bát thức quy củ bổ chú. Cơ sở để Bát thức quy củ bổ chú đúc kết thành bài kệ nóng, lạnh là dựa vào những tư liệu từ tác phẩm Pháp uyển châu lâm. Xem ra, quan điểm tái sanh căn cứ trên sự nóng lạnh của thân thể, có một lịch sử tiếp biến, kế thừa. Tuy nhiên, sự kế thừa đó không mang tính trọn vẹn, vì có sự sắp sếp theo chủ kiến riêng tư.

Thứ hai, về tính tổng hợp. Tư liệu mang tính thẩm quyền để hình thành Bài kệ nóng, lạnh, phải kể đến tác phẩm Pháp uyển châu lâm. Tuy tác giả cho rằng dựa trên hai nguồn tư liệu vững chãi là luận Câu-xá và luận Du-già, nhưng Pháp uyển châu lâm đã tự thêm vào những chi tiết. Cụ thể, luận Du-già chỉ đề cập hơi ấm mang tính chung, nhưng khi dẫn lại bản luận này, Pháp uyển châu lâm tự thêm vào những cảnh giới Thánh, phàm tương ứng với sự ngưng tụ hơi nóng tại nhiều vị trí của thân thể. Chỉ xét riêng tiêu chí làm thân người, nếu theo Bài kệ nóng lạnh, thì hơi nóng phải thoát ở tim, nhưng theo luận Câu-xá thì phải ở rốn (若往人趣識滅於臍). Đây là sự khác biệt rất lớn, và qua đó đã cho thấy sự bất cập của tiêu chí này.

Thứ ba, tài liệu mang tính tiên phong về cơ sở tái sanh qua hơi ấm của thân thể là luận Du-già. Tuy nhiên, có những dấu hiệu tương đồng về vấn đề này giữa luận Du-già và kinh thư Upanihad của Ấn giáo. Cụ thể, luận Du-già ghi: Nên biết, sau thức chỉ còn chỗ quả tim là xả bỏ sau cùng (當知後識唯心處捨)16, thì kinh thư Bhadāraṇyaka Upanihad chép: Có một điểm từ tim anh ta bỗng rực sáng, và theo ánh sáng đó, tự ngã (ātmā) sẽ rời đi. (Tasya haitasya hṛdayasyāgram pradyotate, tena radyotenaiṣa ātmā niṣkrāmati)17. Không những vậy, khi luận Câu-xá cho rằng:Trong khi mạng chung, thân căn từ từ hư hoại, từ chân hoặc các nơi, và sau đó đột nhiên dứt hẵn. Ví như rảy chút ít nước lên phiến đá nóng, thì nước sẽ từ từ tiêu mất ở một chỗ nào đó vậy (臨命終時身根漸滅. 至足等處欻然都滅. 如以少水置炎石上. 漸減漸消一處都盡.又漸命終者)18. Tương tự, kinh thư Bhadāraṇyaka Upanihad cho rằng: tự ngã sẽ rời đi thông qua mắt, qua đầu hay bất cứ thân phần nào của cơ thể (ātmā niṣkrāmati, cakṣuṣo vā mῡrdhno vā anyebhyo vā śarīra-deśebhyaḥ)19.

Chúng tôi chưa thể xác quyết mức độ giao thoa trong toàn bộ nội dung giữa luận Du-già, luận Câu-xá và kinh thư Bhadāraṇyaka Upanihad. Tuy nhiên, chỉ xét riêng sự tương đồng về hơi nóng trong khi hấp hối của một con người, đã cho thấy rằng, đây chỉ là quan điểm có mặt trong luận tạng.

Nhận định

Trong khi phần lớn các truyền thống tôn giáo ở Ấn Độ cổ đại ít nhiều mang ảnh hưởng của tư tưởng Vệ-đà, thì Đức Phật không những song hành cùng với những giá trị văn hóa được tích tụ hàng ngàn năm đó, mà còn tái định nghĩa những khái niệm của Ấn giáo, khi chúng được sử dụng trong giáo nghĩa của Ngài20.

Về vấn đề tái sanh cũng vậy. Trong khi các tôn giáo cùng thời đánh giá cao khả năng của một đạo sĩ, khi đoán định chính xác nơi chốn thác sanh của một con người thông qua việc gõ vào đầu lâu, như trường hợp của tôn giả Bằng-kỳ-xà (Vangīsa)21 trước khi xuất gia, thì Đức Phật cho rằng điều đó không quan trọng. Với Ngài, điều quan trọng là phải diệt tận gốc rễ các nguyên nhân đưa đến tái sanh.

Là một bậc y cứ trên thực tiễn, đúng với sự thật của mọi sự, Đức Phật không tán thán những tín niệm có cơ sở hình thành từ tri thức kinh nghiệm, mang tính truyền thống, lâu đời và đôi khi xem chúng như những điềm triệu (điềm lành). Với Đức Phật, điềm lành (thụy tướng) chỉ có ý nghĩa trong hiện thực tu tập. Bài kinh Mahāmangala trong kinh Tập (Sn.46) và những tư liệu liên quan đến bài kinh này, được ghi nhận ở chuyện tiền thân (Jātaka) số 87, 453, cũng như phẩm Cát tường trong kinh Pháp cú Bắc truyền22, là những minh chứng sống động, cụ thể.

Trong đời sống và thực tế nghiệp cảm của chúng sanh, có nhiều cách kết thúc sinh mạng của một con người, nhiều hơn cả sự khái quát của cư sĩ Mahānāma khi ông lược nêu các nguyên nhân có thể gây mất mạng, như: Con gặp con voi cuồng chạy; con gặp con ngựa cuồng chạy; con gặp người cuồng chạy; con gặp cỗ xe lớn cuồng chạy; con gặp cỗ xe nhỏ cuồng chạy23; nếu như trong lúc ấy, một người giữ vững chắc niềm tin Tam bảo và không khuyết phạm về giới luật, nói cách khác là thành tựu Tứ bất hoại tín, thì không phải ưu tư nơi chốn thác sanh về.

Đức Phật đã từng la rầy nhiều vị cư sĩ, khi có người thân từ trần liền hỏi Đức Phật kẻ ấy sẽ sinh về đâu, Ngài gọi đó là quấy nhiễu Đức Thế Tôn24. Từ nhân duyên này, Đức Phật đã dạy kinh Pháp kính25, là một cách trình bày khác về Tứ bất hoại tín, xem đó là cơ sở để biết nơi chốn tái sanh.

Có thể nói, tri thức về sự nóng lạnh của một thân thể trong thời điểm lìa trần không phải là điều chú trọng của Đức Phật. Không những vậy, đây không là cơ sở vững chải để đưa ra đoán định nơi thác sanh của một con người, vì mãi đến hôm nay, vẫn chưa tìm thấy lời dạy này của Đức Phật trong nhiều nguồn kinh tạng.

 


  (1)大正藏第 45 冊 No. 1865 八識規矩補註卷下. Nguyên văn: 依憑經(即雜寶藏經).

  (2)大正藏第 49 冊 No. 2036 佛祖歷代通載, 卷第十二.

  (3) Pháp sư Đạo Thế, Hương hoa vườn chánh pháp (Pháp uyển châu lâm), tập 7, Thích Nguyên Chơn, chủ biên, Nxb. Phương Đông, 2011, tr.570.

  (4)大正藏第 29 冊 No. 1558 阿毘達磨俱舍論, 卷第十. Nguyên văn: 於命終位何身分中識最後滅. 頓命終者意識身根欻然總滅. 若漸死者往下人天.於足齊心如次識滅. 謂墮惡趣說名往下. 彼識最後於足處滅. 若往人趣識滅於臍若往生天識滅心處. 諸阿羅漢說名不生. 彼最後心亦心處滅. 有餘師說. 彼滅在頂.

   (5) Luận Du-già-sư-địa, tập 1, Nguyên Huệ dịch, Nxb.Hồng Đức, 2013, tr.11.

   (6) 大正藏第 50 冊 No. 2049 婆藪槃豆法師傳.

   (7) Luận Du-già-sư-địa, tập 1, Nguyên Huệ dịch, Nxb.Hồng Đức, 2013, tr. 31. Nguyên tác: 大正藏第 30 冊 No. 1579 瑜伽師地論, 卷第一. Nguyên văn: 又將終時. 作惡業者. 識於所依從上分捨. 即從上分冷觸隨起. 如此漸捨乃至心處. 造善業者. 識於所依從下分捨. 即從下分冷觸隨起. 如此漸捨乃至心處. 當知後識唯心處捨. 從此冷觸遍滿所依.

  (8)大正藏第 30 冊 No. 1584 決定藏論.

  (9)大正藏第 30 冊 No. 1584 決定藏論. Nguyên văn: 如善惡二人臨命終時. 善人足冷煖上至頂.頂若冷時人命即滅.惡人死時從頂冷至足煖氣滅時此人命終. 意識常在身. 阿羅耶識持身故. 阿羅耶識滅而身即冷. 便不覺觸. 此冷煖二事不由意識故. 知有阿羅耶識.

  (10) Ekībhavati: trở về cái Nhất thể.

  (11) Tác giả Swami Krishnananda cho rằng, thuật ngữ  vijñāno bhavati là một giác quan đặc biệt. Nó ngụ ý rằng, có một ý thức tiềm ẩn dành cho đời sống tương lai, đó là Linh thức (Vijñana). Swami Krishnananda. Bṛhadāraṇyaka Upaniṣhad. Ashram, Rishikesh, India: The Divine Life Society Sivananda, 1983. p. 435. Cf: Now this term vijñāno bhavati has a special sense. It seems to imply that there is a feeble consciousness of the future stage that is Vijñana.

 (12) M.MonierWilliams, ASanskritEnglishDictionary. Springfield, MA: Nataraj Books, 2014, p.643.

 (13) The Principal Upaniṣad. Edited by S. Radhakrishnan. London: George Allen & Unwin Ltd., 1968. p.270. Cf: Ekī-bhavati, na paśyati, ity āhuḥ; ekī-bhavati, na jighrati ity āhuḥ; ekī-bhavati na rasayati, ity āhuḥ; ekī-bhavati, na vadati, ity āhuḥ; ekī-bhavati na śṛṇoti, ity āhuḥ; ekī-bhavati, na manute, ity āhuḥ; ekī-bhavati na spṛśati, ity āhuḥ; ekībhavati, na vijānāti, ity āhuḥ. Tasya haitasya hṛdayasyāgram  pradyotate, tena radyotenaiṣa ātmā niṣkrāmati, cakṣuṣo vā mῡrdhno  vā anyebhyo vā śarīra-deśebhyaḥ; tam utkrāmantam prāṇo’nutkrāmati, prāṇam anῡtkrāmantaṁ sarve prāṇā nῡtkrāmanti; sa vijñāno bhavati, sa vijñānam evānvavakrāmati; taṁ vidyā-karmaṇī samanvārabhete pῡrva-prajñā ca.

 (14) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, MA: Nataraj Books, 2014, p. 705.

 (15) Swami Krishnananda. Bṛhadāraṇyaka Upaniṣhad. Ashram, Rishikesh, India: The Divine Life Society Sivananda, 1983. p. 435.

 (16)大正藏第 30 冊 No. 1579 瑜伽師地論, 卷第一.

 (17) The Principal Upaniṣad. Edited by S. Radhakrishnan. London: George Allen & Unwin Ltd., 1968. p.270

 (18)大正藏第 29 冊 No. 1558 阿毘達磨俱舍論, 卷第十.

 (19) The Principal Upaniṣad. Edited by S. Radhakrishnan. London: George Allen & Unwin Ltd., 1968. p.270

 (20) Nhiều khái niệm của Ấn giáo đã được Đức Phật tái định nghĩa với nội dung mới. Từ những khái niệm quan trọng và căn bản như Nghiệp, Luân hồi, Niết-bàn, Sa-môn…cho đến những khái niệm mang tính chuyên sâu như Mộc dục,Bất hại, Thanh tịnh, Trưởng lão…đều được Đức Phật tái định nghĩa với những nội dung khác biệt hoàn toàn so với quan niệm của Ấn giáo cũng như các quan niệm thông thường.

 (21)大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十, 四. Xem thêm, Trưởng lão Tăng kệ, Vangisa. Tích truyện Pháp Cú, phẩm Bà-la-môn.

 (22)大正藏第 04 冊 No. 0210 法句經, 吉祥品.

 (23) Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 742.

 (24)大正藏第 01 冊 No. 0001 長阿含經, 卷第二, 遊行經. Nguyên văn: 若一一人死,來問我者,非擾亂耶?  Bản Pāli ghi: Tasmiṃyeva kālaṅkate tathāgataṃ upasaṅkamitvā etamatthaṃ pucchissatha, vihesā hesā, ānanda, tathāgatassa. Xem tại: www.tipitaka.org

(25)大正藏第 01 冊 No. 0001 長阿含經, 卷第二, 遊行經. Xem thêm, 大正藏第 02 冊 No. 0099 雜阿含經, 卷第三十, 八五一.  Nguyên văn: 我今當說法鏡經, 諦聽, 善思, 當為汝說. 何等為法鏡經? 謂聖弟子於佛不壞淨, 於法、僧不壞淨,聖戒成就,是名法鏡經.