Bài Chánh Tấn Tuệ

KHẢO VỀ TÁM THỨC VÀ TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI - CHỦNG TỬ DANH NGÔN

Không chỉ riêng vấn đề gọi tên các sự vật mới cần đến quá khứ. Nhìn một cách tổng quát, từ tư tưởng đến tình cảm ở thời hiện tại, đều được xây dựng trên cái nền quá khứ. Nếu không có quá khứ cũng không có hiện tại tâm lý.

24/03/2017


Duy thức học phân tích các chủng tử thành ba loại: Chủng tử ngã chấp, chủng tử danh ngôn và chủng tử nghiệp. Trong phạm vi bài viết này chúng ta nói sơ về chủng tử ngã chấp và nói chính về chủng tử danh ngôn.

Chủng tử ngã chấp, là loại chủng tử khi hiện hành sẽ làm xuất hiện sự nhận thức về ta và cái của ta (ngã và ngã sở). Do các chủng tử này mà có sự phân biệt giữa ta với người, ta với vật.

Chủng tử danh ngôn, là loại chủng khi hiện hành sẽ khiến chúng ta ý thức được tên gọi của pháp, có được sự hiểu biết về muôn sự muôn vật thông qua ngôn từ.

Sự xuất hiện danh ngôn trong tâm thức con người

Hiện nay các Tâm lý gia đã có nhiều hiểu biết về mối tương quan giữa việc chỉ dạy danh ngôn và khả năng vận dụng danh ngôn nơi con người. Họ đã tìm ra nhiều phương cách để giúp trẻ em tiếp nhận ngôn từ một cách hiệu quả. Giúp trẻ sớm biết nói, biết nhận dạng và định danh các sự vật. Dù vậy, vẫn còn nhiều điều mà các Tâm lý gia chưa hiểu được, như tiến trình đi từ việc dạy danh ngôn đến việc xuất hiện các ý niệm danh ngôn khi chúng ta tiếp xúc với ngoại cảnh. Một số Tâm lý gia cho rằng việc xuất hiện các ý niệm danh ngôn trong tâm thức là một bí mật mà chúng ta không bao giờ thấu tỏ. Hãy xem Duy thức học giải quyết vấn đề này như thế nào? Để đơn giản, ta hãy bắt đầu từ việc ý thức được tên gọi của một sự vật.

Muốn nói được tên một sự vật, trước hết ta phải ý thức được tên gọi của sự vật ấy. Bản chất của việc ý thức đó là gì?

Ý thức tên gọi của vật, là kết quả của việc nhớ lại. Như nhìn một người thấy quen, ta chợt nhớ lại đó là anh A. Nhìn một vật nằm trên bàn, ta nhận ra đó là cái chén. Việc nhận ra này là kết quả của sự so sánh giữa hình tướng của vật nằm trên bàn và hình tướng của cái chén ta đã từng thấy trong quá khứ. Như vậy việc ý thức được tên gọi của pháp luôn là sự kết quả của sự nhớ lại. Điều này dẫn đến hai hệ quả sau:

. Nếu trong quá khứ, ta chưa từng biết tên một sự vật nào đó thì ở hiện tại ta không thể có ý thức tên gọi của vật ấy. Vì lúc này tên ấy chưa sẵn có trong tâm để ta có thể nhớ lại. Như có một mớ trái cây trên sàn nhà, có người yêu cầu ta đọc tên các loại trái cây ấy. Nhanh chóng ta có thể nói trái này là ổi, trái này là cam… nhưng với những loại trái ta chưa biết tên thì ta không thể ý thức được tên gọi của nó.

. Việc nhớ lại tên của pháp chỉ diễn ra với điều kiện tên ấy đã được lưu trữ sẵn trong tâm. Như đã nói ở bài trước, để được lưu trữ trong tâm, cần phải có sự huân tập. Như vậy, ngôn từ chỉ có thể xuất hiện trong tâm thức sau khi có sự huân tập ngôn từ vào tâm. Ta sẽ kiểm tra kết luận này bằng cach đối chiếu với thực tế.

Khi mới sinh ra, không ai biết nói. Trong quá trình trưởng thành ta mới dần biết nói, lúc đầu là từng chữ một, sau đó là nguyên câu, kèm theo là sự hiểu biết về ngôn từ ngày càng nhiều. Đến một lúc nào đó, ta dễ dàng vận dụng ngôn từ trong giao tiếp, học hỏi, tư duy v.v… Tất cả các điều trên chỉ có được sau một quá trình huân tập danh ngôn của con người. Trong trường hợp ngược lại, nếu thiếu sự huân tập ngôn ngữ của con người thì dù lớn đến tuổi nào, chúng ta cũng không có khả năng nói và khả năng hiểu biết ngôn từ. Đây là trường hợp của các trẻ do một biến cố nào đó, chúng đã ở với thú rừng từ lúc chưa biết nói. Khi được phát hiện, có trẻ đã 15 tuổi, nhưng không biết nói cũng như hiểu được chút ngôn ngữ nào của loài người. Các trường hợp này cho thấy ngôn từ không thể xuất hiện nếu thiếu sự huân tập.

Với các em được nuôi dưỡng trong môi trường con người, việc huân tập danh ngôn diễn ra như sau: Để chỉ cho bé đọc được tên một vật nào đó, người hướng dẫn sẽ chỉ vào vật và gọi tên. Lúc này bé vừa tiếp nhận được hình tướng của vật qua năm căn (thấy hình tướng cái lục lạc, nghe tiếng lục lạc kêu v.v…), vừa nghe được âm thanh hiển thị vật của người hướng dẫn (Đây là cái lục lạc). Việc này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, sẽ huân thành chủng tử danh ngôn trong thức thứ tám của trẻ.Về sau, khi gặp lại vật ấy chủng tử sinh khởi, dẫn đến sự hiện hành tên gọi của vật trong ý thức của bé. Lúc này bé có thể tự mình nói tên của vật. Để thấy rõ hơn cơ chế vận hành của tâm trong trường hợp này, chúng ta cần làm quen với các khái niệm như tổng tướng và biệt tướng.

* Tổng tướng & Biệt tướng *

Với tiền ngũ thức, mỗi thức chỉ nhận biết được một mặt của pháp, như mắt thấy hình cầu nhỏ màu xanh của chanh, mũi ngửi được mùi của chanh, lưỡi nếm được vị chua của chanh. Da cảm nhận được vỏ trơn láng của chanh. Các tướng mà tiền ngũ thức nhận biết được nơi pháp như thế, gọi là biệt tướng của pháp. Tên gọi của pháp, chỉ cho pháp ở tình trạng tổng quát, gọi là tổng tướng của pháp. Trong thí dụ trên, chanh là tổng tướng, cũng gọi là pháp. Pháp là đối tượng chính của ý thức.

Nguyên tắc của sự huân tập là làm sao cho chủ thể huân tập tiếp nhận được biệt tướng lẫn tổng tướng của pháp. Việc tiếp nhận tổng tướng của pháp khá đơn giản vì pháp chỉ có một tên. Việc tiếp nhận biệt tướng của pháp cần nhiều thời gian, vì pháp có thể có rất nhiều biệt tướng.

Vì dụ: Mới gặp anh A vài lần, ta chỉ biết một cách tổng quát về A. Tiếp xúc lâu ngày, ta nhận ra nhiều đặc điểm mới ở A, như có một nút ruồi nhỏ sau tai, khi xúc động hay nói trại vài từ v.v… Những đặc điểm riêng này (biệt tướng) sẽ được huân tập thành chủng tử bổ sung cho pháp A. Việc tiếp xúc nhiều lần vừa đóng vai trò của tập, vừa giúp chúng ta nhận ra nhiều biệt tướng của A. Sau này, dù không gặp A trong thời gian dài, khi gặp lại, dù A đã thay đổi ít nhiều, ta vẫn có thể nhận ra đó là A.

Ở giai đoạn huân sanh, ta đưa cả tổng tướng lẫn biệt tướng vào trong tâm. Khi sự huân sanh hoàn thành, thì tổng tướng lẫn biệt tướng đều được lưu trữ dưới hình thức chủng tử. Do chủng tử vận hành theo lý Nhân duyên, nên thông thường các chủng tử này ngủ ngầm trong tâm, khi đủ duyên mới sanh khởi, đưa đến sự hiện hành của pháp theo một trong hai cách sau:

. Nương tổng tướngbiệt tướng hiện hành trong ý thức. Như chợt nhớ đến A, tiếp theo đó là nét mặt, nụ cười v.v... lần lượt hiện về. Việc nhớ đến A (tổng tướng) là duyên để các chủng tử sanh khởi cung cấp các biệt tướng của A cho ý thức.

. Nương nơi biệt tướngtổng tướng hiện hành trong ý thức. Như thấy dáng người cao gầy, liền nhận ra là A. Hoặc chưa thấy người, chỉ mới nghe giọng nói, đã biết là A. Các biệt tướng như cao, gầy, giọng nói v.v… là duyên giúp chủng tử sanh khởi, dẫn đến sự hiện hành tổng tướng A trong ý thức.

Quay trở lại với quá trình huân tập danh ngôn cho một đứa trẻ, thoạt tiên nó chỉ có khả năng biết mà chưa có khả năng hiểu, nên việc huân tập danh ngôn chỉ có hiệu quả đối với những pháp mà nó thường thấy, nghe, ngửi, nếm hay xúc chạm được. Điều này giải thích vì sao trẻ thường nói được hai từ cha mẹ trước. Vì thông thường đây là hai pháp mà trẻ thường tiếp xúc và quan tâm. Ở giai đoạn này, việc huân tập các danh ngôn có khả năng hiển thị các sự vật cụ thể sẽ mau đạt kết quả. Theo thời gian, ý thức phân biệt của trẻ dần phát triển, khiến cho trẻ, ngoài khả năng biết còn khả năng hiểu. Lúc này việc huân tập các danh ngôn có khả năng hiển thị các nghĩa như tốt, xấu, đúng, sai v.v… mới có hiệu quả. Về sau, khi kiến thức của trẻ đã có được ở mức tương đối, ý thức phân biệt dần hoàn thiện. Lúc này, trẻ có khả năng tiếp nhận được các danh ngôn mang tính tổng quát, hiển thị nhiều sự vật khác nhau, đồng hiện trong sự tương quan tương tác với nhau, các danh ngôn hiển thị các khái niệm trừu tượng… Tóm lại sự huân tập danh ngôn sẽ mang lại hiệu quả cao khi nó phù hợp với khả năng tiếp nhận của chủ thể được huân tập.

Các phương thức huân tập danh ngôn

Có nhiều phương thức tạo ra sự huân tập danh ngôn. Như sự huân tập đến từ việc chỉ dạy của người khác, sự huân tập đến từ việc giao tiếp hay nghe người khác nói, sự huân tập đến từ việc giáo dục của nhà trường v.v… Hiện nay trẻ tiếp xúc với truyền hình và vi tính rất sớm. Việc nghe âm thanh và thấy các hình ảnh phát ra từ màn hình góp phần không nhỏ trong việc huân tập danh ngôn cho trẻ.

Việc một người trưởng thành có khả năng vận dụng danh ngôn một cách thuần thục trong giao tiếp, học hỏi, tư duy v.v… là kết quả của quá trình huân tập từ khi còn bé. Việc huân tập ấy vẫn đang tiếp diễn, vì ngày càng xuất hiện nhiều sự vật mới, nhiều khái niệm mới. Ngay với một pháp đã sẵn có, vẫn có thể xuất hiện nhiều hình thức mới cần bổ sung vào kho kiến thức danh ngôn của mỗi ngưởi.

Ai cũng rành và dễ dàng nhận ra đâu là cái ghế. Thời gian gần đây, có một số nghệ sĩ sáng tạo ra những kiểu ghế mới lạ và độc đáo đến nổi khi mới nhìn thấy lần đầu, ta không biết được đó là cái gì. Sau khi biết được đó là ghế, hình tướng mới này sẽ được đưa vào thức thứ tám, bổ xung những chủng tử mới cho pháp ghế. Nhờ đó lần sau khi gặp lại, ta dễ dàng nhận ra đó là ghế. Tóm lại, việc huân tập danh ngôn đã diễn ra từ lúc ta còn bé và vẫn tiếp tục huân tập cho đến cuối đời.

Danh ngôn là đối tượng riêng của ý thức     

Tiền ngũ thức chỉ duyên với hiện cảnh, không duyên được cảnh quá khứ và vị lai. Như mắt chỉ ghi nhận cảnh hiện tại, không ghi nhận được cảnh đã xuất hiện trong quá khứ. Tai chỉ ghi nhận được âm thanh trong hiện tại, không ghi nhận được âm thanh đã có trong quá khứ v.v… Danh ngôn dù ứng với duyên hiện tại mà hiện ra, nhưng bản thân nó là cảnh quá khứ, nên không phải là cảnh sở duyên của tiền ngũ thức. Lại nữa, khi danh ngôn hiện khởi, nó xuất hiện từ thức thứ tám, tức nó từ bên trong hiện ra, trong khi tiền ngũ thức chỉ duyên được với trần cảnh bên ngoài, nên không duyên được với danh ngôn. Ý thức duyên được cảnh đến từ bên trong cũng như bên ngoài (thông qua tiền ngũ thức), lại duyên được cảnh của ba thời,[1] nên danh ngôn là đối tượng của ý thức. Trong sáu thức ngoài, chỉ ý thức duyên được danh ngôn, nên danh ngôn là đối tượng riêng của ý thức. Đây là chỗ để chúng ta thấy không thể gộp chung ý thứctiền ngũ thức lại với nhau.

Nhìn bên trái, nhãn thức nhận biết được một màu và ý thức đó là màu xanh. Nhìn bên phải, nhãn thức nhận biệt được một màu và ý thức đó là màu đỏ. Khi biết là xanh, là đỏ, thì cái biết ấy đã vượt khỏi phạm vi của nhãn thức và rơi vào phạm vi của ý thức rồi. Chính Platon, ông Tổ của Hữu thể học phương Tây, cũng đã nói với đại ý như sau: Hễ có ngôn từ thì tri giác không còn là cảm giác thuần túy nữa[2].

* Hỏi: Vậy tiền ngũ thức không có khả năng phân biệt?

- Đáp: Nếu tiền ngũ thức không có phân biệt thì ý thức cũng không thể thấy là xanh, là đỏ.

Phân biệt có ba loại: Tự tánh phân biệt, Kế đạt phân biệt và Tùy niệm phân biệt[3].

Từ sự so sánh đối đãi mà danh ngôn được thành lập, đây thuộc về Kế đạt phân biệt. Tiền ngũ thức chỉ có Tự tánh phân biệt, nên danh ngôn không thuộc vào loại cảnh để tiền ngũ thức duyên. Với Tự tánh phân biệt, dù có phân biệt mà không có sự xuất hiện của danh ngôn. Ý thức có đủ ba loại phân biệt.

* Hỏi: Nếu rơi vào Kế đạt phân biệt hay Tùy niệm phân biệt thì không còn là Tự tánh phân biệt nữa. Trong trường hợp nào, ý thức chỉ còn Tự tánh phân biệt?

- Đáp: Đó là ý thức trong trạng thái hiện lượng, hay còn gọi là ý thức hiện lượng.

* Ý thức hiện lượng & Ý thức phân biệt *

Thức có thể nhận biết cảnh theo ba cách:

. Nếu trực tiếp mà biết, cảnh thế nào biết y thế đó, không thêm không bớt, gọi là hiện lượng.

. Nếu gián tiếp mà biết, do suy lường mà biết thì gọi là tỉ lượng. Như nhìn thấy khói ở xa mà biết ở đó có lửa.

. Nếu nhận biết sai lầm, gọi là phi lượng.

Tiền ngũ thức nhận biết cảnh theo hiện lượng. Ý thức nhận biết cảnh có thể là hiện lượng, có thể là tỉ lượng, có thể là phi lượng. Như đã nói ở phần sáu thức, tiền ngũ thức chỉ xuất hiện khi có sự hiện hành của ý thức, vì thế khi tiền ngũ thức xuất hiện, luôn có ý thức cùng hiện. Ý thức cùng hiện với tiền ngũ thức được gọi là ý thức cùng sanh.

Với tiền ngũ thức, thức nào đủ duyên thức đó liền hiện. Nếu hai, ba, bốn, năm cùng đủ duyên thì hai, ba, bốn, năm thức cùng hiện. Dù cùng hiện nhưng thức nào biết cảnh thức đó, không biết được cảnh thức khác. Ý thức cùng sanh có khả năng biết được tất cả cảnh của các thức ngoài.

Khi ý thức nhận biết cảnh của tiền ngũ thức, nếu cảnh thế nào biết thế ấy, không lựa chọn không thêm bớt, không suy lường thì gọi là ý thức hiện lượng. Lúc này ý thức chỉ có Tự tánh phân biệt, ngôn từ chưa xuất hiện.

Nếu trên cảnh của tiền ngũ thức, ý thức lựa chọn cảnh của một thức nào đó để duyên[4], rồi khởi lên các ý niệm so đo suy lường, lúc này ý thức đã rời trạng thái hiện lượng, trở thành ý thức phân biệt. Đến đây danh ngôn mới xuất hiện.

Bất kỳ người nào cũng có phần ý thức hiện lượng này. Sau một quá trình huân tập, Ý thức phân biệt xuất hiện. Sự giao tiếp với người và vật, việc tìm cách thức ứng với môi trường sống… đã tạo ra sự huân tập, làm ý thức phân biệt phát triển.

Với ý thức hiện lượng, chưa có sự phân biệt rõ rệt giữa ta với vật. Vật không ở trong hay ngoài tâm (thức). Chưa thấy sự phân biệt tách bạch giữa vật này với vật khác. Đây là tâm lý con người khi còn bé (tâm lý trẻ em). Sự phát triển của ý thức phân biệt dẫn đến sự chia cắt giữa ta với vật, thấy vật ngoài tâm, thấy các sự vật trong sự tách biệt với nhau. Đây là tâm lý của người không còn bé, người trưởng thành.

Với một người trưởng thành, khi căn tiếp xúc với trần cảnh, lúc đó tiền ngũ thức xuất hiện. Ở sát-na đầu tiên, ý thức cùng sanh vẫn ở trong trạng thái hiện lượng. Qua sát-na thứ hai, ý thức lựa chọn cảnh để duyên, khởi lên các suy lường. Lúc này ý thức không còn ở trạng thái hiện lượng mà đã rơi vào phân biệt. Vì thế, người trưởng thành hầu như chỉ sống với ý thức phân biệt, hiếm khi sống được với ý thức hiện lượng.

Với ngươi học đạo, việc chứng được ý thức hiện lượng là vô cùng quan trọng. Vì ý thức hiện lượng được ví như cánh cửa nhập đạo. Trong nhà thiền, có một số công án chủ yếu giúp hành giả thực chứng được phần ý thức hiện lượng này.

* Hỏi: Làm sao để quay về với ý thức hiện lượng?

- Đáp: Nếu đối duyên tiếp cảnh thường khởi phân biệt, thì cần buông phân biệt đó đi. Đó là cách quay về.

* Hỏi: Hai loại ý thức trên, loại nào là ý thức tự nhiên?

- Đáp: Nếu nói tự nhiên thì ý thức hiện lượng tự nhiên hơn ý thức phân biệt.

* Hỏi: Với ý thức nào, cái thấy của chúng ta phù hợp với thực tế hơn?

- Đáp: Với ý thức hiện lượng, chúng ta có cái thấy phù hợp với thực tế và thực lý hơn.

* Hỏi: Tại sao sự xuất hiện các ý niệm danh ngôn trong tâm thức lại được xem là một bí mật đối với các Tâm lý gia phương Tây?

- Đáp: Dù các Tâm lý gia đã có nhiều hiểu biết về sự tương quan giữa việc huân tập danh ngôn và khả năng vận dụng danh ngôn trong cuộc sống, nhưng họ vẫn không hiểu được tiến trình đi từ sự huân tập đến việc xuất hiện các ý niệm danh ngôn đã diễn ra như thế nào. Nhiều Tâm lý gia cho rằng đây là một bí mật của tâm hồn và có lẽ không bao giờ con người có thể hiểu được điều đó.

Duy thức học cho chúng ta thấy chủng tử đóng vai trò trung gian giữa giai đoạn huân tập và giai đoạn phát khởi hiện hành của danh ngôn. Giai đoạn huân tập thành chủng tử, giai đoạn lưu trữ, giai đoạn phát khởi hiện hành của danh ngôn đều diễn ra ở thức thứ tám. Sự xuất hiện các ý niệm danh ngôn trong ý thức là kết quả của các giai đoạn nói trên. Ý thức chỉ là nơi tiếp nhận các ý niệm danh ngôn. Vì vậy, việc các Tâm lý gia tìm hiểu tiến trình đi từ sự huân tập đến sự xuất hiện trong ý thức sẽ không có kết quả. Chưa kể, giai đoạn huân sanh và huân trưởng của chủng tử diễn ra trong thức thứ tám. Thức này hoạt đông một cách tinh tế, nên ý thức của người bình thường không thể soi thấu. Hai điều vừa nói giải thích tại sao các Tâm lý gia xem sự xuất hiện của ý niệm danh ngôn là một bí mật.

Duy thức học chỉ cho chúng ta thấy ai cũng có một thức thứ tám. Thức này là nơi tập hợp và phát khởi các chủng tử danh ngôn. Nhờ đó mới có sự lưu trữ các danh ngôn đã được huân tập trong quá khứ, làm nền tảng cho danh ngôn xuất hiện trong hiện tại. Đương nhiên, không phải là tất cả mà chỉ những danh ngôn có liên hệ với hiện tại mới xuất hiện.

Bí mật về sự xuất hiện các ý niệm danh ngôn đã được giải quyết, nên việc minh giải các đề tài đang gây rối cho các Tâm lý gia như bản chất của nhận thức, bản chất của tư duy v.v…. không còn là vấn đề nan giải.

Không chỉ riêng vấn đề gọi tên các sự vật mới cần đến quá khứ. Nhìn một cách tổng quát, từ tư tưởng đến tình cảm ở thời hiện tại, đều được xây dựng trên cái nền quá khứ. Nếu không có quá khứ cũng không có hiện tại tâm lý.

Lại nữa, trong giao tiếp, ứng xử, giải quyết những khó khăn trước mắt… luôn đòi hỏi chúng ta phải vận dụng các kinh nghiệm đã trải qua trong quá khứ, vận dụng các kiến thức đã thâu lượm được trong quá khứ. Điều này chỉ có thể xảy ra khi kinh nghiệm, tri thức, kiến thức, tình cảm thuộc quá khứ được lưu trữ và giữ gìn không để mất.

* Hỏi: Dù việc lưu trữ các dự kiện quá khứ là có thật, nhưng tại sao phải được lưu trữ và phát ra ở thức thứ tám? Vì sao không được lưu trữ và phát ra ở bộ não như chủ trương của các nhà Thần kinh học?

- Đáp: Không có một cơ chế vật chất nào lại thu nhận và phát ra theo cách thức huân tập. Không có một cơ chế vật chất nào có thể thu nhận lưu trữ và phát ra các hiện tượng tình cảm như thương, ghét, giận, hờn, hy vọng, ước mơ…

Trong thực tế, các hiện tượng tình cảm nói trên thường xuất hiện trong các sự kiện tâm lý, không chỉ ở thời hiện tại mà cả trong các hoài niệm. Với một người bình thường, tình cảm luôn xuất hiện trong mọi hoạt động tâm lý, cả trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đừng nói rằng không có tình cảm khi các nhà khoa học lựa chọn lý thuyết để theo đuổi công việc nghiên cứu. Đừng nói rằng các nhà khoa học không có tình cảm khi chọn lấy hay bỏ đi một số sự kiện quan sát được, để chỉ nhận được các thông tin phù hợp với quan điểm khoa học của chính họ. Vì các sự kiện tâm lý luôn chứa đựng tình cảm nên bộ não không phải là nơi thích hợp để lưu trữ hay phát ra các sự kiện tâm lý. Chỉ có “thức” với sự linh hoạt mềm dẻo của nó mới thích hợp với sự huân tập. Chỉ có “thức”, mà tình cảm là một thành phần của nó, mới phù hợp cho việc thu nhận hay phát ra các hiện tượng tâm lý.

* Hỏi: Nếu mỗi mỗi đều do thức thứ tám đảm trách, hóa ra thân xác của chúng ta chẳng có vai trò gì không hoạt động tâm lý của con người?

- Đáp: Nên nhớ các chủng tử chỉ là những tiềm thể thuần túy, cần hội đủ các duyên, chủng tử mới hiển thể. Thân xác là một điều kiện rất quan trọng và không thể thiếu cho sự hiển thể các hoạt động tâm lý. Nhờ có thân xác mà hoạt động tâm lý của tiền ngũ thức ý thức mới xuất hiện dược. Vì thế không thể nói rằng thân xác chẳng có vai trò gì. Vấn đề là chúng ta phải xác định đúng vai trò của thân xác để không bị nhầm lẫn. Để đơn giản xin dùng thí dụ sau nhằm minh giải cho vấn đề này.

Sóng truyền hình là một tiềm thể vì chúng ta không thể trực tiếp nhận biết gì từ sóng truyền hình. Nhờ có tivi mà sóng truyền hình được hiển thể qua việc phát ra âm thanh và hình ảnh để chúng ta nhận biết được nội dung chương trình truyền hình. Nếu tivi bị trục trặc thì âm thanh và hình ảnh phát ra không chuẩn. Nếu tivi bị hỏng hoàn toàn thì không có âm thanh và hình ảnh được phát ra. Tuy vậy, không thể nói tivi là nơi phát ra chương trình truyền hình hay tivi là nơi tạo ra nội dung chương trình truyền hình. Nơi phát ra chương trình truyền hình là đài truyền hình.

Cũng thế, nhờ có thân xác mà hoạt động của tiền ngủ thức ý thức được xuất hiện. Nếu thân xác có vấn đề, hoạt động của tiền ngũ thứcý thức bị ảnh hưởng. Nếu thân xác bị hư hoại, không còn sự xuất hiện của tiền ngũ thứcý thức. Tuy vậy, chúng ta không thể nói rằng thân xác là nơi chứa đựng và phát ra nội dung các hiện tượng tâm lý. Nơi phát ra nội dung các hiện tượng tâm lý là thức thứ tám. Điều này đã giải thích tại sao các nhà Thần kinh học với chủ trương bộ não là nơi phát ra các sự kiện tâm lý, lại không thể tìm thấy cơ chế phát ra các quyết định, phát ra sự tưởng tượng một cách phóng khoáng từ bộ não. Lý do là trong thực tế, bộ não không hề có chức năng ấy.

Để minh họa cho kết luận vừa nêu trên, xin dẫn ra đây kết quả nghiên cứu về đề tài “Những kinh nghiệm cận kề cái chết”, gọi tắt là NDEs (Near-Death Experiences), do một nhóm nghiên cứu thuộc bệnh viện Trung ương Southampton nước Anh thực hiện. Kết quả nghiên cứu đã làm xôn xao dư luận. Vì đưa đến kết luận rằng tâm trí vẫn có thể tiếp tục hoạt động sau khi não đã ngừng hoạt động.

Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là các bệnh nhân đã chết lâm sàng, sau đó sống lại. Các cuộc phỏng vấn bệnh nhân đã tìm thấy 3500 trường hợp có trí nhớ rõ ràng về những gì xảy ra trong giai đoạn họ đã được các bác sĩ kết luận là đã chết lâm sàng, vì tim đã ngừng đập, hơi thở đã dứt, não không còn hoạt động. Nhiều người đã mô tả được khung cảnh chung quanh giường bệnh, hoạt động của các bác sĩ, y tá và người thân cũng như những người đã có mặt ở đó. Parnia, thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu và các cộng sự đã đi đến kết luận: Có thể ý thức vẫn tiếp tục suy nghĩ và suy luận ngay cả khi hoạt động của não không còn gì.

Kết quả nghiên cứu trên dẫn đến các kết luận sau:

1/ Việc cho rằng “chết là khi các hoạt động sinh lý không còn nữa” chưa phù hợp với thực tế. Với cái nhìn Duy thức học, chết là khi không còn sự hiện diện của thức thứ bảy và thức thứ tám trên phần thân xác đó. Kết quả nghiên cứu nói trên cho thấy dù cái chết đã diễn ra trên mặt sinh lý, nhưng vì thức thứ bảythức thứ tám vẫn còn hiện diện, nên với một số trường hợp đặt biệt, ý thức nương vào đó tái xuất hiện khiến bệnh nhân sống lại.

2/ Dù cái chết sinh lý đã hiện ra, nhưng vô thức vẫn hiện diện, nên hoạt động tâm lý vẫn có thể tiếp tục diễn ra.  

3/ Bộ não không phải là nguồn gốc đích thực của các hiện tượng tâm lý. Vì tâm trí vẫn còn tiếp diễn khi bộ não không còn hoạt động. Việc đi tìm cơ chế tạo ra tinh thần ở bộ não đã không mang lại kết quả vì các nhà Thần kinh học đã tìm không đúng chỗ.    

* Hỏi: Hiện nay đã chế tạo được những robot có một số hành vi và sự tương tác rất giống con người. Duy thức học lý giải điều này ra sao?

- Đáp: Sự thành công của các nhà Robot học nằm ở chỗ đã mô phỏng được hoạt động của tiền ngũ thức để chế tạo các robot. Hoạt động của tiền ngũ thức mang nhiều tính cơ học, ít tính tâm lý, mang nhiều tính khách quan, ít tính chủ quan, không tư duy sáng tạo, tình cảm cũng không nhiều. Các điều vừa nói là điều kiện thích hợp để các nhà Robot học chương trình hóa các hoạt động của tiền ngũ thức. Ý thức thì khác. Hoạt động của ý thức mang nhiều tính tâm lý, ít tính cơ học, nhiều tư duy sáng tạo, cũng rất nhiều tình cảm và tính chủ quan. Đây là lý do để việc mô phỏng hoạt động của ý thức không mang lại hiệu quả. Họ không thể chương trình hóa hoạt động của ý thức như của tiền ngũ thức.

* Hỏi: Với trí thông minh nhân tạo thì sao?

- Đáp: Các nhà Robot học cho rằng nếu chúng ta chế tạo được computer có khả năng thực hiện 100 ngàn tỉ phép tính trong một giây (100 triệu MIPS) thì họ có khả năng tạo ra các robot có khả năng tư duy và sự thông minh như con người. Tuy nhiên, tốc độ tính toán mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải chương trình hóa được hoạt động của ý thức. Song việc này không đơn giản. Vì ý thức không như tiền ngũ thức. Tiền ngũ thức lấy năm trần cảnh bên ngoài làm đối tượng để duyên, năm trần cảnh này mang nhiều tính vật lý, nên việc chương trình hóa không phải là vấn đề. Trong khi đối tượng chính của ý thức là pháp, tư duy của ý thức là tư duy trên pháp, đa số các pháp đều không thể chương trình hóa được, không chương trình hóa được thì tốc độ tính toán nhanh đến bao nhiêu cũng thành vô ích. Thực tế là các nhà Robot học cũng thấy rằng, viết một chương trình để robot chơi cờ hay giải các bài toán đại số phức tạp dễ hơn nhiều so với việc cho robot phân biệt một tách cà phê với cái bàn, điều mà một em bé 4 tuổi làm không khó.

Tóm lại, trí thông minh nhân tạo chỉ là một ước mơ, một ước mơ không bao giờ trở thành hiện thực của các nhà Robot học.

Lạm bàn về giá trí của con người

Mặc dù ý thức của chúng ta hiện có nhiều sai lầm chủ quan, nhưng chỉ với ý thức, không phải với tiền ngũ thức, chúng ta mới chứng nghiệm được chân lý. Chỉ với ý thức, chúng ta mới có thể tìm thấy được sự tự do tự tại vốn có của chính mình trước muôn pháp. Chỉ với ý thức chúng ta mới có trí tuệ, hiểu được đạo đức, nhờ đó xa lìa được tính vị kỷ của bản ngã, sống với những phẩm chất cao đẹp phù hợp với đạo lý. Đây mới là giá trị đích thực của con người. Đây mới là điều làm cho chúng ta khác với các sinh vật khác hiện có trên trái đất.

Hoạt dộng của tiền ngũ thức vốn thụ động. Việc chế tạo ra các robot có những phản ứng nhanh nhạy đối với ngoại cảnh hơn hẳn con người là điều rất tốt nếu chúng ta xem đấy là những công cụ để chúng ta sử dụng theo hướng phù hợp với đạo đức. Trong trường hợp ngược lại, nếu đề cao quá mức những thành tựu công nghệ, bắt ý thức phải phục tùng công nghệ, xem công nghệ là cứu cánh thì chúng ta đang cơ giới hóa tâm hồn của chình mình, đang robot hóa con người.             

 

 


[1] Ý thức có thể nhớ lại những gì xảy ra ở quá khứ, và nghĩ tưởng những gì sẽ xảy ra ở tương lai.    

[2] Lịch sử triết học phương tây – Lê Tôn Nghiêm

[3] Tự điển Phật học Huệ Quang.

[4] Đây là chỗ để nói lên sự cần thiết khi lập sáu thức. Nếu cảm giác là ý thức thì ý thức không thể lựa chọn cảm giác này, bỏ qua cảm giác kia. Do ý thức khác với cảm giác, nên nó mới có khả năng lựa chọn.