Thiền

MÙA XUÂN CỦA CÔ DU ĐẠO BÀ

Vô vị chân nhân thì ai cũng có. Nhưng nhận ra được bằng chính công phu của mình thì không phải ai cũng nhận được.

27/03/2017



Cô Du Đạo Bà, người xứ Kim Lăng, làm nghề chiên bánh ở chợ, theo chúng tham hỏi Tổ Lang Gia Khởi. Gia Khởi lấy chỗ “Vô vị chân nhân” của Tổ Lâm Tế chỉ dạy cho Đạo Bà. Bà theo đó miên mật thực hành.

Một hôm nghe người ăn xin ca bài Liên Hoa Lạc, có câu “Chẳng nhờ Liễu Nghị truyền thơ tín, duyên đâu đến được Động Đình Hồ”, Đạo Bà đại ngộ, ném mâm bánh đang bưng xuống đất.

Chồng Đạo Bà là Bàng Nghệ thấy vậy hỏi:

- Bà điên ư?

Đạo Bà nói:

- Chẳng phải là cảnh giới của ông.

Nói rồi đi tới thăm Gia Khởi.

Gia Khởi từ xa trông thấy, biết Đạo Bà vừa đạt ngộ, bèn hỏi:

- Cái gì là “Vô vị chân nhân”?

Đạo Bà làm bài kệ:

Có một vô vi chân nhân
Sáu tay ba đầu nổ lực sân
Một nẻo Hoa Sơn phân hai lối
Muôn năm nước chảy chẳng hay xuân


Từ đó danh tiếng nổi lên. Đạo Bà thường tụng bài “Nhân duyên bất an” của Mã Tổ.

Đạo Bà nói: “Mặt trời, mặt trăng, hư không chớp nhoáng. Tuy là dứt yên đầu lưỡi các nạp tăng trong thiên hạ, nhưng rõ ràng chỉ nói được một nửa”.    

Vô vị chân nhân thì ai cũng có. Nhưng nhận ra được bằng chính công phu của mình thì không phải ai cũng nhận được. Nhận ra rồi, từ nhân đến quả cũng còn thô tế khác nhau. Đạo Bà không chỉ nhận ra mà còn thấy được quá trình do đâu chúng ta không thể sống được với cái “Vô vị chân nhân” của mình.

Tăng hỏi Triệu Châu:

- Con chó có Phật tánh không?

Triệu Châu trả lời:

- Có.

Tăng hỏi:

- Vì sao mang lông đội sừng?

Triệu Châu trả lời:

- Vì biết mà cố phạm.

“Biết mà cố phạm” không khác “Sáu tay ba đầu nổ lực sân”.

Từ cội nguồn chân thật đó, do bất giác huân thành vô minh mà có Kiến tướng Cảnh giới tướng. Vô minh nghiệp tướng là nền tảng để Kiến tướngCảnh giới tướng sinh khởi. Đó là Tam tế.

Kiến tướng là chỉ cho cái thấy (biết) chưa bị trần cảnh làm nhiễm. Nó là phẩn Kiến tinh nói trong kinh Lăng Nghiêm.

Cảnh giới tướng, chỉ cho thân xác và hoàn cảnh mà một chúng hữu tình đang thọ nhận.

Do có cảnh giới làm duyên mà sinh Lục thô. Đó là Trí tướng, Tương tục tướng, Chấp thủ tướng, Kế danh tự tướng, Khởi nghiệp tướng và Nghiệp hệ khổ tướng.

Vì 9 tướng bất giác đó mà chúng ta lưu chuyển sinh tử.

Trí Khải khi đến lễ bái thọ giáo nơi Tổ Nam Nhạc Huệ Tư ở Núi Đại Tô. Tổ bảo: "Ông xưa cùng ta đồng dự hội Linh Sơn nghe kinh Pháp Hoa, duyên xưa nay lại gặp đây". Rồi dạy Đại sư tụng kinh Pháp Hoa, trải qua 14 ngày, đến câu "Thị chân tinh tấn, thị danh chân pháp cúng dường Như Lai"[1], bỗng nhiên Đại sư nhập định, Ngài thấy Phật thuyết pháp ở hội Linh Sơn chưa tan...[2] Nhưng hiện thực, điều mà chúng sinh nhận được chỉ là thế giới Sa-bà khổ đau, Linh sơn không còn nữa. Đó là nhờ “Sáu tay, ba đầu nổ lực sân”. Nhờ sáu tay, ba đầu mà Hoa Nghiêm trở thành Sa-bà, pháp hội Linh Sơn phân thành hai lối. Xưa và nay, đạo và tục, sanh tử và niết-bàn, xuân và đông, vui và buồn v.v…. Cái chân thật với bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh bị bỏ mặc, chỉ chạy theo những thứ vô thường tạm bợ. Buồn đó rồi vui đó. Vui đó rồi buồn đó. Xuân đến xuân đi. Cứ trên cái tướng ấy mà buồn vui theo thế cuộc. Đánh mất mùa xuân miên viễn của mình. Không như thiền sư Mãn Giác nói: già đến

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai


Trong những hiện tượng đổi thay ấy, vẫn còn đó một nhành mai cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Bạn có tin trong mình cũng có một “Vô vị chân nhân”, và cành mai vẫn còn đó trong muôn trùng lưu chuyển?

Sang năm mới, nguyện cho tất cả mọi người điều phục được con khỉ của mình. Sống được với phần “Vô vi chân nhân” trong chính mình. Dù thế giới đổi thay thế nào, dù thân chúng ta có sinh diệt ra sao, chúng ta vẫn đang sống với dòng xuân bất tận của mình, một dòng xuân “không đến cũng không đi”.

Viết cho Tập san Phật giáo Đồng Nai

 


[1] Phẩm Dược vương Bồ-tát bổn sư.

[2] http://phatphap.orgfree.com/33.htm