Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký Q1

GIÁO THỂ NĂNG THUYÊN

V. GIÁO THỂ NĂNG THUYÊN

11/07/2017

HOA NGHIÊM KINH THÁM HUYỀN KÝ
QUYỂN 1
Sa môn Pháp Tạng thuyết
Chân Hiên Tâm việt dịch
V. GIÁO THỂ NĂNG THUYÊN
Giáo thể năng thuyên, nếu luận chung giáo thể từ cạn đến sâu lược có 10 môn:
1/ Môn Ngôn thuyên biện thể.
2/ Môn Thông nhiếp sở thuyên.
3/ Môn Biến cai chư pháp.
4/ Môn Duyên khởi duy tâm.
5/ Môn Hội duyên nhập thật.
6/ Môn Lý sự vô ngại.
7/ Môn Sự dung tương nhiếp.
8/ Môn Đế võng trùng trùng.
9/ Môn Hải Ấn bỉnh hiện.
10/ Môn Chủ bạn viên bị.
I. MÔN NGÔN THUYÊN BIỆN THỂ
Môn này có hai phần : Đầu là Tiểu thừa. Sau là Đại thừa.
1. Tiểu thừa : Y theo tông Tát-bà-đa mà nói thì có ba thuyết :
. Thuyết I : Chỉ lấy danh cú văn thân làm giáo thể. Luận Phát Trí nói: “12 bộ kinh lấy gì làm tánh? Danh thân, cú thân, văn thân thứ lớp mà trụ …”. Thuyết này là pháp xứ.
. Thuyết II : Vì âm thanh thiện nên là giáo thể. Danh v.v… đều vô ký, là tác dụng của giáo. Luận Bà-sa q.126 nói: “Giáo của Phật là gì? Ngữ ngôn, lời xướng, bình luận, ngữ âm, ngữ lộ, ngữ biểu của Phật là giáo của Phật … Ngữ nghiệp làm thể. Phật ngữ là pháp gì? Là danh thân, cú thân, văn thân, thứ lớp liệt kê, thứ lớp an bày, thứ lớp liên hợp. Đây là hiển chung tác dụng của giáo Phật”. Giải thích : Chánh nghĩa mà các Luận gia muốn nói là lấy thanh làm thể. Tông Kinh Bộ cũng lấy âm thanh làm tánh. Nên luận Thuận Chánh Lý q.14 mới phá tông Kinh Bộ rằng: “Ông không nên lập danh cú văn thân (là âm thanh) làm thể”. Vô Tánh Nhiếp Luận cũng phá: “Nếu lấy cú ngữ của các Khế kinh làm tự tánh thì không tương ưng với lý”. Thuyết này là thanh xứ.
. Thuyết III : Nhân hai thuyết trên, các bậc tôn đức hợp lại lấy đó làm giáo thể. Còn lại, đều như trên nói.
2. Đại thừa : Tông Đại thừa thì có tứ cú (4 câu):
2/1. Nhiếp giả theo thật : Chỉ lấy âm thanh làm thể. Vì danh v.v… đều nương nơi sự khuất khúc của thanh mà giả lập, không có thể riêng. Vô Tánh Nhiếp Luận nói: “Y nơi hoằng thệ nguyện mà lập thanh Bồ-tát”. Luận Tạp Tập nói: “Thành sở dẫn thanh là chư thánh thuyết”.                                                                                                                                                                
2/2. Phân giả khác thật : Vì lấy danh v.v… làm tánh. Luận Duy Thức q.2 nói: “Nếu danh, cú v.v… không khác thanh thì pháp và lời không chướng ngại, cảnh phải không khác”.
2/3. Giả và thật hợp lại : Cả thanh cả danh v.v… Kinh Duy-ma nói: “Có khi lấy âm thanh, ngữ ngvôn, văn tự làm Phật sự”. Luận Thập Địa nói: “Người nói lấy hai việc mà nói, người nghe lấy hai việc mà nghe. Đó là âm thanh và danh tự”.
Hỏi : Theo Tông này, biểu hiện của âm thanh có thiện ác, nhưng âm thanh lại vô ký. Tánh của danh, cú, văn cũng vô ký, sao vô ký mà có thể làm thể của thánh giáo?
Đáp : Nếu có lậu tâm biến dịch thì đúng là vô ký. Nếu là Phật và hậu đắc trí của Bồ-tát thuyết thì đều nhiếp thuộc thiện. Luận Thập Địa nói: “Y chỉ việc gì? Là âm thanh và danh tự thiện”.
2/4. Giả thật đều mất: Không phải thanh không phải danh. Vì là không. Vì ngôn thuyết chính là không ngôn thuyết. Kinh Duy-ma nói: “Văn tự tánh ly chính là giải thoát”. Trong luận Thập Địa, gió dụ cho âm thanh, tranh dụ cho danh tự. Nếu gió động vào cây lá, và tranh treo trên tường thì có thể thủ. Nếu gió ở trong không và tranh treo giữa trời thì không thể thủ. Phải biết, âm thanh và danh tự trong Đại thừa cũng vậy, đều không thể thủ vì cùng mất.
Tứ cú trên là toàn giáo thể. Cho nên, có - không vô ngại, gọi là pháp Đại thừa. Nghĩa là, không chẳng khác có. Có là huyễn có. Huyễn có thì khác gì hiển thể là không. Có chẳng khác không. Không là chân không. Chân không tịnh minh tức hiển thể là có. Cho nên, không và có không chút phân biệt. Kinh Phật Tạng nói: “Các pháp có một chút chẳng không, chư Phật không xuất hiện”. Văn sau cũng nói kệ: “Các pháp rốt ráo không, không có một chút tướng”. Các câu như thế không phải một.
II. MÔN THÔNG NHIẾP SỞ THUYÊN
Không như trước chỉ dùng giáo năng thuyên, mà dần dần dùng thông cả nghĩa sở thuyên, vì đều là pháp sở tri sở giải (đối tượng của sự hiểu biết). Du-già q. 81 nói: “Thể của các Khế kinh lược nói có hai loại. Một là văn. Hai là nghĩa. Văn là sở y. Nghĩa là năng y. Hai loại như vậy gọi chung là cảnh giới sở tri”. Giải thích : Nghĩa nương nơi văn mà hiển.
III. MÔN BIẾN CAI CHƯ PHÁP
Tất cả các pháp đều là thể của giáo. Đây cũng có hai loại. Một là pháp hữu vi. Hai là pháp vô vi. Bởi không có gì không thể làm cho chúng sinh khai mở tánh giác. Như văn dưới nói, hoa, tóc, báu, đất, hương, cây, mây, lầu các, pháp giới, pháp môn đều là Phật sự. Như Bồ-tát Thắng Âm và tòa liên hoa là thông hết nhân pháp, giáo nghĩa, hành vị, nhân quả, lý sự. Tất cả đều có thể làm phát sinh giải hạnh thù thắng, nên đều là thể của giáo. Suy nghĩ thì có thể hiểu.   
IV. MÔN DUYÊN KHỞI DUY TÂM
Tất cả giáo pháp sai biệt trên đây đều từ tâm mà hiện. Cho nên đều lấy duy thức làm thể. Có hai nghĩa : 1/Bản và ảnh đối nhau. 2/Nói nghe toàn nhiếp.
1. Bản và ảnh đối nhau : Biện chung các giáo thì có 4 câu tất cả.
a. Chỉ là bản tánh không có ảnh tượng : Như giáo Tiểu thừa. Vì không có duy thức biến hiện v.v... Các luận sư như Đạt-ma-đa-la v.v… đa phần đều lập nghĩa này.
b. Vừa bản tánh vừa ảnh tượng : Như Đại thừa Thủy giáo. Cho ngoài tâm chúng sinh có Phật với đầy đủ các pháp sắc, thanh v.v… vi diệu. Do lực thiện căn của người nghe làm tăng thượng duyên, kích động cái nhân là chủng tử lợi tha của Phật v.v… mà ngay nơi Phật trí đó, tướng văn nghĩa sinh khởi. Đó là bản tánh tướng giáo. Do giáo của Phật làm lực tăng thượng duyên, kích động chủng tử thiện căn hữu lậu lẫn vô lậu của ngươi nghe pháp, mà người nghe nhận được tướng văn nghĩa sinh khởi nói trên. Đó là ảnh tượng tướng giáo. Luận Nhị Thập Duy Thức nói: “Lực tăng thượng triển chuyển, hai thức thành quyết định”. Luận sư Hộ Pháp v.v… đều lập nghĩa này.
c. Chỉ là ảnh tượng không có bản tánh : Như Đại thừa Chung giáo. Cho lìa tâm chúng sinh thì không có Phật quả với sắc thân, ngôn thuyết, âm thanh, sự tướng, công đức. Chỉ có như như và trí như như. Do đại bi và đại nguyện làm tăng thượng duyên khiến nơi tâm chúng sinh được hóa độ đã thuần kia, hiện ra sắc thanh của Phật thuyết pháp. Cho nên, thánh giáo chỉ là ảnh tượng của tâm chúng sinh. Văn kinh sau nói kệ: “Tất cả chư Như Lai, không có thuyết Phật pháp, chỉ tùy chỗ ứng hóa, mà thành có thuyết pháp”. Cũng nói: “Pháp thân Như Lai khó nghĩ bàn. Không sắc, không tướng, không gì sánh. Thị hiện sắc tượng vì chúng sinh. Mười phương thọ hóa thảy đều thấy”. Các câu như thế không phải một. Các luận sư như Long Quân, Kiên Tuệ v.v… đều lập nghĩa này.
d. Không bản tánh cũng không ảnh tượng : Như trong Đốn giáo. Đã không có gì ngoài tâm thì cũng không có Phật với sắc, thanh v.v… . Phật là thứ hiện ra từ tâm chúng sinh, nên ngay tướng đó cũng không. Vì chỉ là thức, không có ảnh tượng riêng. Vì sắc v.v… ly tánh, vô sở hữu. Vì tất tả đều vô ngôn, vô ngôn cũng không. Cho nên, thánh giáo tức là giáo không giáo, như kinh nói: “Như Lai không ra đời, cũng không có niết bàn”. Kinh Mật Nghiêm cũng nói: “Phật thường nơi pháp giới, khi nào cũng hiện thế…”. Các tông Long Thọ v.v… đa phần đều lập nghĩa này.
Bốn thuyết này chung thành một giáo, viên dung vô ngại, không cản trở nhau. Vì các thánh giáo này đi từ cạn đến sâu để nhiếp hóa chúng sinh. Suy nghĩ thì có thể hiểu.
2. Nói nghe toàn nhiếp : Cũng có bốn câu.
a/ Lìa ngoài tâm Phật thì không có chúng sinh được hóa độ, huống là giáo thuyết. Cho nên, tất cả chỉ là sở hiện của Phật tâm. Nghĩa này thế nào? Các chúng sinh không có tự thể riêng, chỉ do chấp vào Như Lai Tạng mà thành chúng sinh. Như Lai Tạng này, là chỗ mà trí Phật chứng làm tự thể. Cho nên, thể của chúng sinh đều không ngoài trí tâm Phật. Văn sau có kệ: “Chư Phật đều liễu tri, tất cả từ tâm chuyển”. Lại nói: “Trong thân bồ-đề, Như Lai đều thấy, tất cả chúng sinh, phát tâm bồ-đề, tu hạnh Bồ-tát, thành Đẳng chánh giác” cho đến thấy “Tất cả chúng sinh, niết bàn tịch diệt, cũng lại như thế, thảy đều nhất tánh, vì là vô tánh”. Lại có kệ: “Ba đời tất cả kiếp, Phật độ và các pháp, các căn tâm tâm pháp, tất cả pháp hư vọng, ở trong một thân Phật, các pháp đó đều hiện”. Luận Phật tánh q.2, phẩm Như Lai Tạng cũng nói: “Tất cả chúng sinh đều không ngoài trí Như Lai nên gọi là tạng. Vì trí như như tương ưng với cảnh như như. Tất cả chúng sinh nhất định không ngoài cảnh như như, đều là chỗ Như Lai nhiếp trì, nên gọi chỗ chứa (sở tạng) chúng sinh là Như Lai Tạng”. Cho nên, lìa ngoài trí tâm Phật, không có một pháp để nắm bắt.
b/ Tất cả đều không ngoài tâm chúng sinh. Vì lìa tâm chúng sinh thì không riêng có Phật đức. Nghĩa này thế nào? Phật chứng được chân như nơi tâm chúng sinh mà thành Phật. Vì thủy giác đồng với bản giác. Cho nên, tất cả đều không ngoài tâm chúng sinh. Từ thể khởi dụng. Ứng hóa thân chính là phần ‘dụng đại’ của chân như trong tâm chúng sinh, hoàn toàn không có Phật nào khác. Luận Đại Thừa Khởi Tín đã nói nhiều về nghĩa này. Văn kinh sau có kệ: “Nếu người muốn cầu biết, tất cả Phật ba đời, phải nên quán như vầy, tâm tạo các Như Lai”.
c/ Bất kỳ một thánh giáo nào cũng không ngoài hai tâm. Vì hai thuyết trên không lìa nhau. Nghĩa là, Phật trong tâm chúng sinh vì chúng sinh trong tâm Phật mà thuyết pháp. Chúng sinh trong tâm Phật lắng nghe Phật trong tâm chúng sinh thuyết pháp. Như vậy, nói và nghe toàn thu không có chướng ngại. Đó là đạo lý duy thức thậm thâm.
d/ Thánh giáo đều không thuộc hai tâm. Vì cả hai đều hình đoạt (形奪) không cùng hiện. Vì cả hai đều thông hai vị, không gì là không mất. Nghĩa là, chúng sinh trong tâm Phật thì không nghe, Phật trong tâm chúng sinh thì không nói. Nói và nghe đều còn, nói và nghe đều mất, nên hai tướng đều tận. Kinh nói: “Phàm, người thuyết pháp không thuyết cũng không dạy, người nghe pháp không nghe cũng không được”. Văn kinh sau có kệ: “Chúng sinh sở sinh không phải sinh, cũng không lưu chuyển trong sinh tử”. Kinh nói: “Như Lai không thuyết pháp, cũng không độ chúng sinh … ”.
Cho nên, bốn câu này trong một thánh giáo, viên dung, vô ngại mới là rốt ráo.                                         
V. MÔN HỘI DUYÊN NHẬP THẬT
Cũng có hai nghĩa : 1/Dùng gốc thu ngọn. 2/Hội tướng hiển tánh.
1. Dùng gốc thu ngọn : Vì các thánh giáo đều từ chân tánh lưu xuất nên không khác chân tánh. Như biển khởi sóng triều mà chẳng mất vị mặn. Luận nói: “Mười hai phần giáo đều từ chân như lưu xuất”. Cũng nói: “Từ pháp giới tối thanh tịnh … lưu xuất giáo pháp …”. Cho nên, dùng gốc thu ngọn, chỉ là chân như.
2. Hội tướng hiển tánh : Mọi giáo pháp sai biệt đều theo duyên mà khởi. Theo duyên mà khởi tức không có tự tánh. Không có tự tánh chính là chân như. Cho nên, không tướng, vốn đều là chân tánh, bản hiện chỉ là chân như. Kinh nói: “Tất cả pháp là như”. Văn kinh sau cũng nói: “Pháp sinh diệt đó, tướng như như”.        
VI. MÔN LÝ SỰ VÔ NGẠI
Cũng có hai nghĩa :
1/ Thể của tất cả giáo pháp chính là chân như, không ngại sự tướng sai biệt rõ ràng.
2/ Thể chân như chính là tất cả pháp, không ngại nhất vị, trạm nhiên bình đẳng.
Nghĩa (1) giống như sóng chính là nước, không ngại tướng động. Nghĩa (2) giống như nước chính là sóng, không mất thể ướt. Phải biết lý Trung đạo nói đây cũng như thế. Cho nên, lý sự dung thông vô ngại, duy nhất, vô trụ, không phải là hai pháp môn.
Kinh Duy Ma nói nhiều về nghĩa này. Kinh này cũng nói: “Biết phi có là có, có là phi có, phi tướng là tướng, tướng là phi tướng”. Đó là do lấy cái phi có làm có, nên cái có này chính là phi có. Thánh giáo y cứ vào cái lý sự vô ngại này. Suy nghĩ thì biết.   
VII. MÔN SỰ DUNG TƯƠNG NHIẾP
Cũng có hai nghĩa : Tương tại và tương thị.
1. Tương tại (ở trong nhau)
. Một trong tất cả : Như một giáo pháp không ngại với SỰ, đều là chân lý. Chân lý trùm khắp trong tất cả SỰ còn lại, là đồng LÝ. Giáo SỰ cũng như LÝ mà trùm khắp. Cho nên, trong tất cả pháp thường có cái một này. Y theo nghĩa này thì không có chỗ nhỏ nhiệm nào như mảy bụi, đầu lông v.v… mà không có Phật thuyết pháp. Kinh này nói kệ: “Trong mọi Phật độ nhiều như bụi, Lô-xá-na hiện lực tự tại, hoằng thệ nguyện rộng lớn vang dội, điều phục tất cả chúng sinh loại”.
. Tất cả trong một : Lý không có phần hạn, đã không đổi tánh mà toàn là sự. Cho nên, một sự nhiếp lý không gì không tận. Các sự còn lại cũng như lý ở nơi một sự. Vì lý không có bờ mé, bất khả phân, nên bất cứ ở chỗ một sự nào, cũng đều nhiếp hết. Cho nên, trong một thường có tất cả, là theo nghĩa này. Kinh này nói: “Nơi mỗi hạt bụi trong Liên Hoa tạng trang nghiêm thế giới hải, thấy tất cả pháp giới”. Cũng nói kệ: “Ở trong một pháp, hiểu rõ nhiều pháp, ở trong nhiều pháp, hiểu rõ một pháp”.
Nói đầy đủ chung hết thì có bốn câu:
. Một trong một : là nói riêng. Trong tất cả sự sai biệt, mỗi sự đều có nhất pháp này.
. Một trong tất cả : là nói chung. Tất cả đều có một.
. Tất cả trong một : là nói riêng. Trong một nhiếp tất cả.
. Tất cả trong tất cả : là nói chung. Tất cả đều có tất cả. Cái này thường dung chứa cái một của tất cả, cũng hằng ở trong cái tất cả đó, đồng thời, tự tại, không chướng, không ngại. “Không động một phương mà trùm hết mười phương …” là chỉ cho ý này. Suy nghĩ thì có thể thấy.
Tất cả pháp đã là thể của giáo thì đều thu nhiếp lẫn nhau. Viên dung, vô ngại, mới là thể tánh của kinh giáo này.
2. Tương thị (tức là nhau)
. Một tức tất cả : Như một giáo sự, nếu đã toàn là chân lý thì chân lý tức là tất cả sự. Cho nên, một tức là tất cả.
. Tất cả tức một : Đây ngược lại với trên. Kinh này nói: “Nếu một tức nhiều, nhiều tức một, thì vị tịch diệt đều bình đẳng”.
Nói đầy đủ cũng có bốn câu, cứ theo trước mà hiểu.
Thực là do cái “Sự của toàn lý” cùng với cái “Lý của toàn sự” không phải một, không phải khác. Do môn “Không phải một” nên được tương tại (ở trong nhau). Do môn “Không phải khác” nên được tương thị (tức là nhau). Ngẫm thì sẽ thấy.
Theo nghĩa đó nên một câu tức là tất cả câu, không có cùng tận. Đối với tất cả câu cũng như vậy. Văn kinh sau nói kệ: “Muốn diễn bày đủ pháp một câu, a tăng kỳ kiếp cũng không hết”. Như vậy, tự tại là thể của giáo này.       
VIII. MÔN ĐẾ VÕNG TRÙNG TRÙNG
Cũng có hai nghĩa : 1/ Nói về một. 2/ Nói về tất cả.
1. Nói về “một” : Như trong một câu liền đầy đủ tất cả. Cái tất cả trong một đó lại là ‘một tức tất cả’. Trùng trùng đầy đủ như thế thì không thể cùng tận, mà vẫn là một câu.
2. Nói về “tất cả” : Như một câu, tất cả các câu còn lại đều như thế. Đó là vô tận và vô tận. Tất cả chỉ là chỗ biết của phổ nhãn không phải là cảnh giới của tâm thức suy lường. Văn kinh sau có kệ: “Ở trong mỗi một Tu-da-la, phân biệt các pháp không thể nói. Ở trong mỗi một các pháp đó, lại nói các pháp không thể nói”. Cũng nói: “Như ở trong một hạt bụi nhỏ. Có các Phật độ không thể nói. Ở trong mỗi một Phật độ đó. Lại có Phật độ không thể nói”. Giải thích : Cái trùng trùng như lưới Nhân-đà-la đó chính là giáo thể Viên tông của kinh này.
IX. MÔN HẢI ẤN BỈNH HIỆN  
Cũng có hai nghĩa :
1. Tại quả vị : Giáo pháp sai biệt vô tận nói trên, đều ở trong định Hải Ấn Như Lai, đồng thời hiển hiện tròn sáng rỡ ràng. Nếu kẻ được hóa độ cũng đồng duyên khởi thì sẽ hiện trong đó. Cho nên, chỉ lấy Hải Ấn tam-muội này làm giáo thể. Như sau có kệ: “Tất cả thị hiện không bỏ sót, nhờ thế lực Hải Ấn tam-muội”.
2. Tại nhân vị : Chỉ có các đại Bồ tát như Phổ Hiền v.v… mới được định này. Đồng với nghiệp dụng trước cũng không sai biệt. Cho nên, chỗ mãn tâm Thập tín trong vị Phổ Hiền cũng được định này, như phẩm Hiền Thủ nói.       
X. MÔN CHỦ BẠN VIÊN BỊ
Giáo của phổ pháp này không thể tự khởi, nhất định phải có chủ bạn cùng sinh. Như ở văn sau, đồng tử Phổ Trang Nghiêm nghe Phật thuyết kinh Nhất Thiết Pháp Giới Vô Cấu Trang Nghiêm lấy các Khế kinh nhiều như bụi ở các thế giới làm quyến thuộc. Các văn như vậy chỗ nào cũng có. Loại kinh quyến thuộc này có hai : Đồng loại và dị loại.
1. Đồng loại : Như nói Thập trụ, mười phương mỗi phương đều có thập sát trần số Bồ-tát chứng đến, đồng gọi là Pháp Tuệ. Chỗ Phật chúng ta cũng nói Thập trụ, đại chúng quyến thuộc, danh vị, cú thân v.v… không khác. Cho nên, phải biết một cuốn kinh Thập trụ, mười phương đều có thập sát trần số Khế kinh v.v… làm quyến thuộc. Như một kinh Thập trụ này, tất cả các kinh Thập trụ được thuyết ở những nơi khác, đều có thập sát trần số quyến thuộc như thế. Thập trụ đã vậy, Thập hạnh v.v... còn lại, trong mỗi phẩm hội đều có Bồ-tát chứng pháp, số lượng cứ theo phần giải thích trên.
2. Dị loại : Tùy theo mỗi phương, mỗi thế giới, vì một loại căn cơ mà thuyết một hội pháp. Vì không kết thông hết mười phương nên không phải là kinh chủ. Song cũng cùng với chủ làm phương tiện thù thắng, nên là quyến thuộc. Cho nên, nếu là kinh chủ thì nhất định trong từng thế giới nơi mỗi hạt bụi ở khắp mười phương, phải đồng lúc đồng thuyết. Kinh bạn thì không như thế. Tùy phương mà mỗi thứ mỗi khác. Cho nên, tất cả kinh chủ mỗi thứ đều có số lượng quyến thuộc nhiều như bụi. Nghĩa là, gốc và ngọn trợ nhau, chủ và bạn đầy đủ.

Môn giáo thể xong.