Luận Đại thừa khởi tín

ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN (P.5)

Phần Giải thích - Hiển thị chánh nghĩa - Tâm chân như.

01/04/2017


ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN
Bồ-tát Mã Minh tạo luận
Quyển 1
Chân Hiền Tâm dịch và giải

III. PHẦN GIẢI THÍCH
Hiển thị Chánh nghĩa - Tâm chân như

Giải thích có 3 phần. Thế nào là ba?

Phần Giải Thích này có ba, là để giải thích tất cả những gì đã nêu ra ở phần Lập Nghĩa.

HIỂN THỊ CHÁNH NGHĨA là giải nói để hiển rõ phần PHÁP và NGHĨA của Đại thừa trong phần Lập Nghĩa.

ĐỐI TRỊ TÀ CHẤP là phá trừ những quan niệm hay sự chấp thủ sai lệch, để có thể nhận hiểu, tu hành mà thể nhập hoàn toàn với pháp tánh chân như.

PHÂN BIỆT TƯỚNG ĐẠO PHÁT TÂM là hiển bày mức độ tu tập của người tu qua từng giai đoạn trong quá trình đi từ chúng sanh đến Phật.

Như vậy, PHẦN GIẢI THÍCH này có 3 phần chính. Trước, nói về Hiển Thị Chánh Nghĩa

I. HIỂN THỊ CHÁNH NGHĨA               

Y nhất tâm pháp có 2 môn. Thế nào là hai? Một là môn tâm chân như. Hai là môn tâm sanh diệt. 2 môn này, mỗi thứ đều nhiếp tất cả pháp. Nghĩa này thế nào? Vì 2 môn này chẳng tách lìa nhau.

Y NHẤT TÂM PHÁP CÓ 2 MÔN, ngài Hiền Thủ chỉ giải thích từ NHẤT TÂM mà không thấy nhắc đến từ PHÁP như sau: “NHẤT TÂM là 1 tâm Như Lai Tạng bao hàm ở 2 mặt. Một là xét về cái thể tuyệt tất cả tướng mà nói, là môn chân như. Hai là xét về nghĩa tùy duyên khởi diệt, tức môn sanh diệt”. Nếu hiểu từ PHÁP thành Y NHẤT TÂM PHÁP thì đây là chỉ cho tâm chúng sanh. Y một tâm chúng sanh mà lập 2 môn. 2 môn nhưng cùng 1 tâm, vì chân như là chỉ cho thể của tâm ấy, sanh diệt là chỉ cho thể, tướng và dụng của tâm ấy, không phải 2 môn là có 2 tâm, nên nói NHẤT TÂM PHÁP. Hiểu theo kiểu nào thì nghĩa ‘1 tâm 2 môn’ vẫn không đổi.

CHÂN NHƯ là chỉ cho cái THỂ không tướng có thể thấy, thường hằng bất biến, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng đến chẳng đi, chẳng nhiễm chẳng tịnh, bình đẳng một vị, tánh không sai biệt, thế và xuất thế gian không có tướng một hai, không có tướng ngôn thuyết. Do đó trong kinh Lăng Già, Như Lai chỉ đáp khái quát 108 câu của ngài Đại Huệ bằng một chữ PHI. Vì là chỗ không thể chỉ bày nên chỉ dùng lời nói ngăn để người thầm ngộ.

Ngài Hiền Thủ nói: “SANH DIỆT là chỉ cho mặt tùy duyên khởi diệt của chân như. Từ sự huân tập chuyển động mà thành có nhiễm tịnh. Nhiễm tịnh tuy thành nhưng tánh hằng bất động. Vì từ bất động mà thành nhiễm tịnh nên bất động cũng ở trong động môn”. BẤT ĐỘNG là chỉ cho môn chân như. ĐỘNG MÔN là chỉ cho môn sanh diệt. Đây là lý do vì sao trong môn sanh diệt có cả phần cứu cánh giác, là cảnh giới vô niệm của tâm không sanh diệt.

Tuy phân 2 nhưng không thể là 2 nên mỗi môn đều nhiếp tất cả pháp. Vì sao là 2 mà không thể 2 sẽ được Luận chủ làm rõ ở phần chân vọng huân tập lẫn nhau.

Ngài Hám Sơn nói: “2 môn ấy mỗi thứ đều tổng nhiếp tất cả pháp là để hiển Như Lai Tạng và thức tạng, chân vọng hòa hợp, mỗi thứ đều có lực dụng hàm nhiếp lẫn nhau, đồng thời hiển bày sự diệu mầu của việc huân biến chẳng thể nghĩ bàn. Như Lai Tạng có đủ vô lượng các công đức thanh tịnh, nay mê mà làm thức tạng, biến vô lượng công đức thanh tịnh thành duyên nhiễm ô. Nay nói MỖI THỨ ĐỀU NHIẾP là : Nếu Như Lai Tạng theo sự huân thuộc pháp tịnh thì chân có lực mà vọng không lực, nên duyên nhiễm liền biến thành pháp tịnh, tức tổng nhiếp duyên nhiễm trong Như Lai Tạng thành tất cả dụng thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn. Nếu sự huân thuộc duyên vô minh nhiễm ô thì vọng có lực mà chân không lực, nên công đức thanh tịnh liền biến thành duyên nhiễm ô, tức nhiếp công đức trong thức tạng thành tất cả nghiệp dụng chẳng thể nghĩ bàn”.

Như vậy, phần Hiển Thị Chánh Nghĩa này có hai môn cần đề cập đến, đó là tâm chân nhưtâm sinh diệt. Sau, nói về tâm chân như.

A. TÂM CHÂN NHƯ

Chính là thể nhất pháp giới đại tổng tướng pháp môn. Đó là tâm tánh chẳng sanh chẳng diệt. Tất cả pháp chỉ nương nơi vọng niệm mà có sai biệt. Nếu lìa vọng niệm thì không có tướng tất cả cảnh giới. Cho nên, tất cả pháp từ xưa đến nay lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, rốt ráo bình đẳng, không có biến khác, chẳng thể phá hoại, chỉ là nhất tâm, nên gọi là chân như.

NHẤT PHÁP là không có 2 pháp. GIỚI, chỉ cho những chủng tử trong thức tạng, là nhân để phát sanh tất cả nhân, quả, thánh, phàm trong mười pháp giới. PHÁP GIỚI, Trung Biên Luận nói: “Vì là nghĩa của nhân thánh pháp cho nên gọi là pháp giới”. Nhiếp Luận thì nói: “Pháp giới là hết thảy mọi nhân pháp”. Cái nhìn của Nhiếp Luận về pháp giới rộng hơn Trung Biên Luận, nhưng chúng đều có chung một nghĩa là NHÂN, là chỗ làm phát sanh vạn pháp. Song là nhân của tất cả pháp hay chỉ là nhân của thánh đạo thôi, là y nơi mê và ngộ mà lập. Mê thì ẩn đó mà ngộ thì hiển bày. Thấy thì khác mà thật là không khác.

Không gì có thể ngoài pháp giới ấy nên gọi là ĐẠI. Một vị bình đẳng, lìa tướng sai biệt nhưng thâu tóm hết thảy tướng sai biệt, gọi là TỔNG TƯỚNG. PHÁP MÔN, ngài Hiền Thủ nói: “Quĩ sanh vật giải viết pháp. Thánh trí thông du viết môn”. Nghĩa là, những qui phạm nào giúp con người nhận hiểu được sự vật gọi là PHÁP. Thánh trí thông đạt gọi là MÔN.

NHẤT PHÁP GIỚI ấy không có tướng sai biệt, bình đẳng một vị, không gì có thể ngoài nó, lại là chỗ chung cho thánh nhân nhập đạo, nên gọi là NHẤT PHÁP GIỚI ĐẠI TỔNG TƯỚNG PHÁP MÔN.

CHÂN NHƯ là THỂ của cái nhất pháp giới đó. Nói TÂM TÁNH là muốn nhấn mạnh đến chữ TÁNH này. Nó cùng nghĩa với các từ bản thể, thể, cội nguồn. CHẲNG SANH CHẲNG DIỆT là tính chất của cái tánh ấy. Ngài Hiền Thủ nói: “Cái chẳng sanh chẳng diệt này là để giải thích pháp thể. Theo vọng mà chẳng sanh, phá trừ cũng chẳng diệt. Sửa trị cũng chẳng sanh, nơi nhiễm cũng chẳng diệt”.

Hiện nay có sanh diệt đây là do vọng niệm. NIỆM là tướng của tâm, chỉ chung cho những gì khởi lên trong tâm. Nói là VỌNG vì chúng là thứ không thật có. Tuy NIỆM thì muôn hình vạn trạng nhưng những tướng ấy không có chất thật nên nói là VỌNG NIỆM. Chính vì không có chất thật nên niệm sanh rồi lại diệt, diệt rồi lại sanh, liên tu bất tận. Vì không có chất thật, ta mới có thể trừ bỏ vọng niệm để trở về tâm chân thật của mình.

“TẤT CẢ PHÁP chỉ nương nơi vọng niệm mà có sai biệt” có 2 ý :

1. Sự sai biệt do nhân duyên biến : Cảnh giới chúng sanh là do lực HUÂN và BIẾN không thể nghĩ bàn của những chủng tử huân tập trong tàng thức mà ra. Tùy loại niệm và tùy mức độ huân tập mà hiện ra vô lượng vô biên tướng sai biệt trong pháp giới này. Như niệm tham là nhân thì quả là cảnh giới quỉ đói. Niệm sân là nhân thì quả là tướng súc sanh. Niệm từ, bi, hỉ, xả là nhân thì quả là tướng Bồ tát v.v...

2. Sự sai biệt do phân biệt biến : Vì không biết cảnh giới trước mắt là do thức biến nên trên cảnh lại sanh phân biệt, niệm niệm tương tục chẳng dứt, khiến cảnh giới càng thêm sai biệt. Như trên cùng một cảnh mà vui thì thấy cảnh tươi tắn rạng rỡ, buồn thì thấy cảnh tiêu điều tang thương. Hoặc trên cùng một người mà người thì thấy đẹp, kẻ lại thấy xấu. Cảnh giới phát sanh nhiều thứ sai khác như thế là do tâm trạng và quan niệm của từng người có sai khác.

Do 2 loại vọng niệm trên mà hiện ra vô số tướng cảnh giới sai biệt trong pháp giới này.

TƯỚNG TẤT CẢ CẢNH GIỚI đều do vọng niệm mà có như vậy, nên “Nếu lìa vọng niệm thì không có tướng tất cả cảnh giới”. Cảnh giới rốt ráo của Nhị thừa là diệt niệm, nên chư vị thể nhập cảnh giới không. Cái không ấy rất an lạc nên gọi là niết bàn. Cảnh giới ly niệm của Bồ tát là ngay niệm mà lìa niệm, tức ngay cảnh mà bình thản với cảnh. Đây là cảnh giới vô tâm mà nhà Thiền nói: “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.

“Cho nên, tất cả pháp TỪ XƯA ĐẾN NAY …” là nói lên THẬT TƯỚNG của thế giới ta đang sống đây, của pháp giới rộng lớn này. Thiên hình vạn trạng bao nhiêu, cũng chỉ là chiếc bóng của một cái THỂ trong suốt, sáng ngời, chưa từng sanh chưa từng diệt, chưa từng đến chưa từng đi.

Cái THỂ này không thể dùng tâm phan duyên sanh diệt đây mà thấu được, nên nói: “Lìa tướng NGÔN THUYẾT, lìa tướng DANH TỰ, lìa tướng TÂM DUYÊN”. Không bị chi phối bởi các tướng sanh, trụ,ï dị, diệt nên nói KHÔNG CÓ BIẾN KHÁC. Không thuộc hữu vi nên CHẲNG THỂ PHÁ HOẠI.

Vì tất cả ngôn thuyết giả danh không thật, chỉ tùy vọng niệm, chẳng thể nắm bắt, nên nói chân như mà cũng không có tướng, chỉ là chỗ cùng cực của ngôn thuyết, nhơn ngôn thuyết mà bỏ ngôn thuyết. Thể chân như ấy chẳng thể bỏ vì tất cả pháp thảy đều chân. Cũng chẳng thể lập vì tất cả pháp thảy đều đồng như. Phải biết, tất cả pháp chẳng thể nói, chẳng thể niệm nên gọi là chân như.

Đây giải thích vì sao trên nói chân như LÌA ngôn thuyết, danh tự mà đây lại có tên là chân như. Đặt tên CHÂN NHƯ là để người đời biết sự có mặt của nó, là để tạm phân biệt với tâm sanh diệt của chúng sanh, chứ nó không phải là vật thể để ta nắm bắt hay hình dung như một cái chén hay con bò theo cái tên nó đang mang, cũng không phải có danh mà không thật như lông rùa, sừng thỏ.

Vì sao biết THỂ chân như chẳng thể bỏ mà cũng chẳng thể lập? Nếu BỎ thì vạn pháp không có chỗ y cứ để sanh khởi như hiện nay. Vì thế, biết thể chân như ấy là CÓ chứ không phải không. CÓ nhưng chẳng thể LẬP. Vì LẬP thì THỂ chân như ấy lại đồng với pháp sanh diệt, tức rơi vào đoạn diệt. Đoạn diệt thì diệt rồi, không còn sanh, vạn pháp cũng không thể sanh khởi nối tiếp như hiện nay. Nên biết “Thể chân như ấy chẳng thể bỏ, cũng chẳng thể lập”.

LẬP đây chẳng qua là mượn ngôn thuyết để chỉ bày sự hiện hữu của tâm chân như. Song muốn nhận được tâm ấy thì ngôn từ, niệm tưởng và sự chấp thủ phải dứt bặt.

“TẤT CẢ pháp chẳng thể nói, chẳng thể niệm nên gọi là chân như” là muốn hiển bày cảnh giới chân như phải là chỗ ly niệm rốt ráo, không phải cảnh giới bị thấy hay bị biết. Không bị thấy, bị biết thì cũng không năng thấy, năng biết.

Hỏi : Nếu nghĩa ấy như vậy thì chúng sanh làm sao tùy thuận mà thể nhập được?

Đáp : Nếu biết tất cả pháp, tuy nói mà không có năng nói sở nói, tuy niệm mà không có năng niệm sở niệm, gọi là tùy thuận. Nếu ly niệm, gọi là được nhập.

Câu hỏi nêu lên sự khó khăn khi nói chân như là thứ vượt ngoài suy luận và nhận thức của người đời, lại là chỗ ly tướng rốt ráo. Làm sao chúng sanh có thể thể nhập bằng tâm ngôn thuyết và đầy suy nghĩ này?

NĂNG là chỉ cho chủ thể. SỞ là chỉ cho đối tượng. NĂNG là chỉ cho cái tạo tác, SỞ là chỉ cho cái được tạo tác. Chúng là một cặp duyên khởi. Gọi là duyên khởi vì cái này làm duyên để cái kia sanh khởi. Duyên khởi nên có thì cùng có, không cùng không. NĂNG NÓI là chỉ cho người nói. SỞ NÓI là chỉ cho cái được nói như ngôn thuyết, văn tự v.v… SỞ NÓI cũng có thể hiểu là người nghe, là đối tượng của cái nói ấy. Cái NÓI này là phần thô của NIỆM.

NIỆM, nghĩa của nó rất rộng. Thô tế nhiều dạng, nhưng có thể hiểu chung chung về niệm như sau : Những gì khởi lên trong tâm đều gọi là niệm. Thấy cảnh mà khởi lên suy nghĩ thì sự suy nghĩ ấy gọi là niệm. Đặt sự chú ý của mình vào một tướng nào đó thì sự chú ý ấy gọi là niệm. Niệm Phật là tâm khởi đọc danh hiệu Phật hoặc quán tưởng hình tượng Phật. Niệm còn có nghĩa là nhớ nghĩ, phân biệt. NĂNG NIỆM là chỉ cho chủ thể. SỞ NIỆM là đối tượng của cái NĂNG NIỆM đó. Như niệm Phật thì NĂNG NIỆM là người niệm, nói chính xác là cái tâm đang niệm. Phật là SỞ NIỆM. Chú tâm vào cái bong bóng thì cái tâm đang chuyên chú ấy là NĂNG NIỆM, bong bóng là SỞ NIỆM.

Để thể nhập lại tâm chân như từ tâm sanh diệt, luận nêu ra 2 phần : Tùy thuận trước, thể nhập sau.

TÙY THUẬN là chưa nhập một với tâm chân như, mà cùng hướng thuận với nó rồi từ từ nhập lại với nó. Như chỗ đến là Trúc Lâm, chưa đến nhưng đang trên đường hướng về Trúc Lâm, gọi là tùy thuận. Muốn tùy thuận để thể nhập thì khi đang nói hay đang niệm, đều quán biết chúng là không. KHÔNG, nghĩa là những thứ đó không có thật thể. Tướng thì có đó nhưng tánh thì không.

Vì sao nói tánh của chúng là không? Vì cái NĂNG - SỞ ấy do duyên mà có. Duyên hết thì NĂNG - SỞ cũng không. Vì pháp CÓ hay KHÔNG là tùy duyên, mà ta biết các tướng ấy không tánh. Vì không tánh nên Phật gọi chúng là vọng. “BIẾT tất cả pháp, tuy nói mà không có năng nói sở nói, tuy niệm mà không có năng niệm sở niệm” là BIẾT những thứ mình đang dùng đây đều là vọng. BIẾT chúng đúng là vọng gọi là TÙY THUẬN.

Điều kiện để thể nhập lại tâm chân như là phải LY NIỆM. Phần LY NIỆM này cũng có thô và tế. Tùy theo mức độ thô tế mà hoặc là thể nhập hoàn toàn với pháp tánh chân như, hoặc chỉ thể nhập được trạng thái bình đẳng của chân như. Phần bình đẳng này cũng có thô và tế.

Hỏi : Vì sao trên có phần NĂNG NÓI và NĂNG NIỆM, nhưng khi thể nhập lại chỉ nói đến việc ly niệm mà không nhắc đến việc bỏ cái nói?

Đáp : Vì NÓI là phần thô của NIỆM. Đã bỏ TẾ thì không cần nói đến THÔ nữa.

Lại nữa, chân như ấy y nơi ngôn thuyết phân biệt mà có 2 nghĩa. Một là “Như thật không” vì hiển bày rốt ráo cái thật. Hai là “Như thật bất không” vì có tự thể đầy đủ vô lượng tánh công đức.

Đây là mượn ngôn thuyết để giải bày về cảnh giới chân như. Nói NHƯ THẬT vì nó không phải là vọng. NHƯ THẬT KHÔNG là chỉ cho tự thể KHÔNG của vạn pháp. Kinh hay gọi là ‘Tánh không’. NHƯ THẬT BẤT KHÔNG là để hiểu cái như thật không ấy không tánh. Không tánh nên nó không phải là cái không mình thấy trống trơn như hư không mà đầy đủ vô lượng tướng công đức, không phải là cái không đoạn diệt.

A1.KHÔNG : Vì từ xưa đến nay, tất cả nhiễm pháp đều chẳng tương ưng, lìa tướng sai biệt của tất cả pháp, vì không có tâm niệm hư vọng. Phải biết, tự tánh chân như chẳng phải tướng có, chẳng phải tướng không, chẳng phải tướng chẳng có, chẳng phải tướng chẳng không, chẳng phải tướng vừa có vừa không. Chẳng phải tướng một, chẳng phải tướng khác, chẳng phải tướng chẳng một, chẳng phải tướng chẳng khác, chẳng phải tướng vừa một vừa khác. Cho đến nói một cách tổng quát là, bởi y nơi tất cả chúng sanh vì có vọng tâm, niệm niệm phân biệt, đều chẳng tương ưng, nên nói là không. Nếu lìa vọng tâm, thật không thể không.

Đây là hiển bày rộng nghĩa KHÔNG của chân như.

NHIỄM PHÁP, là chỉ cho những pháp tương ưng với vô minh, do vô minh mà có, như 9 tướng thuộc bất giác v.v…

TỰ TÁNH CHÂN NHƯ là chỉ cho phần KHÔNG này. Nó chính là cái nhân Phật tánh trong mỗi chúng sanh. Trực nhận được chỗ này gọi là kiến tánh, là thấy được tự tánh của chính mình. Cái KHÔNG này, nhiễm pháp không thể tương ưng. Trong cái KHÔNG ấy cũng không có tướng sai biệt của tất cả pháp. Vì sao? Vì không có tâm niệm hư vọng. Nghĩa là, trong cái KHÔNG này không có 3 tế và 6 thô được nói trong phần Tâm Sanh Diệt. Ngược lại, không có tướng của 3 tế 6 thô mới có thể nói là trực nhận được cái không này.

“PHẢI BIẾT tự tánh chân như chẳng phải tướng có, chẳng phải tướng không …” là muốn hiển bày THẬT THỂ chân như không rơi vào nhị biên phân biệt. Nói rộng là không rơi vào tứ cú. TỨ CÚ CÓ - KHÔNG là có, không, chẳng có chẳng không, vừa có vừa không. TỨ CÚ MỘT - KHÁC là một, khác, chẳng một chẳng khác, vừa một vừa khác.

Có, không, một, khác v.v… là những quan điểm của người đời đối với nhân sinh và thế giới. Như thấy thế giới mình đang sống đây là thật, là ta đang vướng vào kiến chấp CÓ. Thấy thế giới này hoàn toàn không, là rơi vào kiến chấp KHÔNG. Thấy pháp này tồn tại độc lập với pháp kia, pháp nào cũng có tự thể của riêng nó, là rơi vào kiến chấp MỘT, KHÁC... Phần lớn những loại kiến chấp này đều hình thành từ quá trình thiền định và truyền thừa nhau cho đến ngày nay. Do cái thấy chưa đến nơi, nên cái nhìn về pháp có sai lệch. Như người mù sờ voi, sờ từng bộ phận của voi mà cho chính là voi. Đây cũng vậy. Thấy pháp là CÓ, KHÔNG, MỘT, KHÁC... là tùy duyên mà thấy như vậy. Đã tùy duyên thì không thể lấy tướng tùy duyên ấy làm thật tướng của vạn pháp.

Không phải là những tướng đó, nhưng không thể chỉ thẳng, vì thật tướng của vạn pháp không phải là cái bị biết hay đối tượng để nhận thấy, dù đó là tướng không. Vì thế, chỉ có thể mượn 4 từ VÔ, BẤT, PHI, LY để phủ định mà hiển cái không thể thấy, song không phải không có. Ngài Hàm Thị nói: “Đây là lời chỉ thẳng. Chỉ ngăn cái quấy kia mà không nói cái phải kia. Nếu có chỗ phải thì khác gì cái quấy. Như vàng làm đồ trang sức, nghĩa là vàng không phải xuyến, không phải thoa … khiến người ngay đó thấu suốt ‘không phải’ là không phải xuyến, không phải thoa mà là vàng vậy”.

Nhân sinh và thế gian là những thứ hiện diện như những thật thể trước mắt ta, mà thật tướng của chúng còn không thể lấy TỨ CÚ để suy lường, huống là ngay chính cái thật tướng ấy? Nên nói: “Phải biết tự tánh chân như chẳng phải tướng có, chẳng phải tướng không...”. Đây tương đương với BÁT BẤT của Trung Luận, với 108 chữ PHI trong kinh Lăng Già.

Hỏi : BÁT BẤT của Trung Luận là “Chẳng sanh cũng chẳng diệt …” khác gì “không có, không không” của TỨ CÚ, mà một thì nhận một thì bác?

Đáp : “Không có cũng không không” là để chúng sanh buông cả CÓ lẫn KHÔNG. Vì pháp không phải là CÓ, nên nói KHÔNG. Song nghe KHÔNG người đời lại chấp vạn pháp là KHÔNG nên nói KHÔNG KHÔNG. Chỉ phủ định mà không thể chỉ thẳng vì nó không phải là vật tướng có thể diễn tả. Chỉ cần tâm không ở trạng thái sanh diệt của phàm phu, tức không vướng vào CÓ, cũng không trụ ở cái không của Nhị thừa, tức không chấp vào KHÔNG, thì ngay đó là “không có cũng không không”. Còn “không có, không không” của TỨ CÚ là một loại kiến chấp phủ định. Nghe nói “không có không không” lại chấp rằng pháp “không cả có lẫn không”. Từ đó hình thành nên một loại kiến chấp mới. Đó là 2 chỗ khác nhau của BÁT BẤT và TỨ CÚ. Cái khác ở đây nằm ở một chữ chấp và buông.

“CHO ĐẾN nói một cách tổng quát là …” là muốn hiển bày cái NHƯ THẬT KHÔNG ấy không tánh, để đưa ra phần BẤT KHÔNG sau. Nói KHÔNG là muốn hiển bày sự hư vọng của tâm sanh diệt hiện nay. Những niệm tưởng ấy hoàn toàn không có thật thể, không gì là không thể phá trừ nên nói là không. Một khi tâm niệm hư vọng ấy hết thì có vô lượng tướng công đức hiển bày. Cái THỂ ấy không phải không, nên nói “NẾU LÌA vọng niệm thì không thể không”.

A2.BẤT KHÔNG là, đã rõ thể của pháp là “không”, không có vọng, chính là chân tâm thường hằng không biến đổi, đầy đủ pháp thanh tịnh, gọi là bất không Cũng không có tướng có thể thủ, vì cảnh giới ly niệm chỉ chứng mới tương ưng.

Đây là làm rõ nghĩa BẤT KHÔNG.

BẤT KHÔNG, nghĩa là không phải không. Ngài Hám Sơn nói: “Cái BẤT KHÔNG này cũng chẳng phải là pháp nào khác. Trước đã hiển thể của pháp là không, không vọng nhiễm, chính là thật thể chân như thường hằng không biến đổi. Nhưng trong cái thể không ấy vốn có vô lượng công đức thanh tịnh, chỉ vì trước đây bị vọng nhiễm ngăn chướng mà chẳng thể hiển. Nay vọng nhiễm đã hết thì tịnh pháp vốn sẵn đầy đủ. Vì nghĩa ấy mà gọi là BẤT KHÔNG. Chẳng phải riêng có một thật pháp có thể thủ. Thể BẤT KHÔNG ấy chẳng phải vọng niệm phân biệt có thể thấu được. Đó là cảnh giới ly niệm, chỉ chứng mới tương ưng”.

Như vậy, cái BẤT KHÔNG nói đây là chỉ cho thể, tướng và dụng của cái KHÔNG. Nó chỉ có khi tâm niệm hư vọng của ta đã hết, chứ BẤT KHÔNG không phải là những tâm niệm hư vọng đó. Một khi niệm tưởng hư vọng còn thì phải lấy cái KHÔNG NIỆM làm chỗ qui về. LY NIỆM rồi thì cái KHÔNG ấy mới BẤT KHÔNG. Cho nên, cảnh giới sự sự vô ngại của thế giới Hoa Nghiêm mà dùng tri thức toán học và sự phân biệt tri thức đây để suy lường thì thế giới Hoa Nghiêm ấy không thể thoát được cái luẩn quẩn và khổ ải của Ta Bà uế trược. Đây đều do tâm vọng tưởng mà ra.

Trên đã giải thích xong phần Tâm Chân Như.

Sau sẽ nói về Tâm Sinh Diệt