Hương Sen Ngàn Cánh

PHÁP HỘI ƯU-ĐÀ-DIÊN

20/04/2017


PHÁP HỘI VUA ƯU ĐÀ DIÊN

Đức Phật khi còn ở nước Câu Viêm Di, vua nước ấy tên là Ưu Đà Diên. Đệ nhất phu nhân của vua tên Xá Ma, là một tín nữ trung thành của Phật và hàng Thánh chúng. Bà thường hay thân cận dúng dường đức Như Lai và ca ngợi công đức của ngài hết mực. Ngược lại, đệ nhị phu nhân, vì thiếu trí tuệ và hay có lòng ganh ghét nên thường tâu với vua rằng, đức Như Lai và hàng đệ tử có chỗ không chánh đối với đại phu nhân. Câu chuyện bắt đầu từ đó ...

Nhà vua nghe xong giận lắm, lấy cung tên bắn phu nhân Xá Ma. Vì thương xót vua, phu nhân Xá Ma nhập từ tam muội. Mũi tên bắn ra quay trở lại dừng ngay trên trán vua. Mũi tên ấy cháy đỏ như một khối lửa trông rất đáng sợ. Vua bắn ra ba phát, chúng đều như vậy.

SÂN GIẬN giống như lửa đỏ thêu rụi mọi công đức, đưa đến mọi nguy nan tai nạn. TỪ TÂM như nước cam lồ có thể phủi bỏ mọi nạn tai, ách chướng, làm nguội đi lòng uất hận của người khác.

TAM MUỘI là chỉ cho chánh định. Nghe đến tên này là mình nghĩ ngay đến việc ngồi thiền. Song ngồi thiền là phương tiện đầu tiên giúp mình có chánh định. Nhưng đó không phải là tất cả. Như trường hợp tâm từ nói đây.

TỪ nghĩa chính của nó là BAN VUI. Thấy người nghèo đói khổ sở, khởi lòng thương xót muốn giúp đỡ, là BI. Muốn người được an vui, thuộc về TỪ. Không đợi người phải khổ rồi làm cho người vui mới gọi từ. Người đang vui mà không muốn làm người mất đi niềm vui ấy, hay muốn làm cho niềm vui của người được tăng trưởng, đều là dạng của tâm TỪ nói đây.  

Cái thương xót ban vui ấy, xuất phát từ tình thương bình đẳng đối với muôn loài. Bất cứ khi nào, dù với người thương mình hay không, với người tốt với mình hay không, mình đều không khởi tâm sân hận, chỉ một tình thương bình lặng muốn mang lại lợi ích an vui cho họ, là mình đang nhập loại chánh định TỪ TÂM nói đây. Không phải đợi tréo chân lên ngồi thiền mới có chánh định. Có điều, phần lớn tình thương của mình đối với người luôn có sự ngã giá. Vì thế mình phải ngồi thiền, niệm Phật … để đạt được tâm từ bình đẳng. Nói là đạt, nhưng là thứ ai cũng có sẵn, dù đó là người, thú vật, hay La sát. Chỉ cần bỏ đi cái tôi của mình, tâm từ sẽ hiển lộ. Nó là loại TỪ TAM MUỘI nói đây.

Không cần tu gì nhiều, chỉ cần một pháp TỪ TÂM này, mình đã vượt mọi khổ ách tức thì.

Thấy sự việc xảy ra với ngài Ưu Đà Diên, ai cũng nghĩ phu nhân có năng lực phù phép thần thông mới làm được điều đó. Thật ra ai có lòng từ đều có loại thần thông này. Rất đơn giản nhưng rất mầu nhiệm. Bàng Long Uẩn nói “Thần thông cùng diệu dụng, gánh nước bửa củi tài”. Tại mình khoái những thứ cao xa mà không hiểu rằng những cái càng bình thường, càng giản dị lại chính là thứ thần thông đắc lực nhất. Lòng từ giúp mình thoát nạn, thoát bệnh tật, thoát rất nhiều thứ, nhưng không ai thấy được điều đó. Cứ ngỡ những hình tướng gầm mang trợn mắt mới là thứ uy hiếp được người. Tại họa chính từ đó mà ra.

Vua Ưu Đà Diên thấy sự việc ấy, toàn thân lông tóc dựng đứng, kinh sợ hối hận nói với phu nhân : Khanh là Tiên nữ hay Long nữ, là Dạ xoa, Càn thát bà nữ, Tỳ xá giá nữ, hay La sát nữ?

Đây là tâm trạng chung của những người muốn hãm hại người khác mà không hãm hại được. Khi mình làm một việc gì xấu đối với người mà không thành công một lần, hai lần, ba lần mình liền nghĩ “Tay này có cái gì đây thành không hại nó được” rồi không dám làm nữa. Hoặc “Chắc ông nội có long thần hộ pháp phù trợ, nên mới như vậy” rồi rút lui.

LONG TÓC DỰNG DỨNG, thì biết anh chàng sợ dữ lắm. Sợ phu nhân của mình thì ít mà sợ chết thì nhiều. Chính là sợ mũi tên đang ở ngay trán mình. May nó dừng lại kịp thời không thì bỏ mạng. HỐI HẬN, vì mình đã làm một việc hại đến bản thân chứ không phải hại đến người khác. Có tâm hại người chính là đang hại mình. Đúng là chơi dại! Một phen hú vía nên nói KINH SỢ HỐI HẬN.

TIÊN là người cõi trời. LONG là loài rồng. DẠ XOA và LA SÁT đều là tên của loài quỉ. CÀN THÁT BÀ, chỉ cho thần nhạc. Vị thần này không ăn thịt uống rượu, chỉ thích mùi hương, nên còn có tên là Hương thần. Thần này có thể biến hóa thành lầu gác cho mọi người cùng thấy. TỲ XÁ GIÁ, không tìm thấy trong tự điển nên không biết là loài gì. Chắc cũng loanh quanh đâu đó, không trời thì quỉ, không quỉ thì thần, không thần thì thánh. Nhưng chắc chắn không phải là người. Bởi nhà vua không thể nào tin được loài người lại có được thần thông như thế. NỮ đi sau mỗi từ là để chỉ cho giống cái, khỏi lộn với người nam. Sợ gì sợ, vẫn còn minh mẫn, chưa lộn đàn bà thành đàn ông.

Phu Nhân Xá Ma nói : Thiếp không phải Thiên nữ, cũng không phải La sát nữ. Đại vương nên biết, thiếp nghe đức Phật thuyết pháp, thọ trì 5 giới làm cư sĩ. Vì thương đại vương, thiếp nhập từ tam muội. Dầu Đại vương sanh lòng bất thiện với thiếp, nhưng do bi nguyện nên thiếp không bị tổn hại”.

Nhơn đó bà vui mừng nói : May mắn thay! Đại vương nên đối trước Như Lai qui mạng đảnh lễ, nhất định sẽ được an ổn.

Vua đưa ra rất nhiều loại, nhưng đây phu nhân chỉ nhắc lại hai loại, vì chỉ cần đưa ra hai loại tiêu biểu : Thiên nữ đại diện cho giới đẹp đẽ hiền lành. La sát đại diện cho giới xấu xí ác ôn.

Tránh được nạn tai do Đại vương gây ra, còn khiến Đại vương hồi tâm không phải vì thiếp là tiên hay là quỉ, chỉ vì thiếp là đệ tử của Phật. Thiếp nghe pháp và giữ gìn 5 giới đầy đủ, nên có được năng lực phi phàm đó. BI NGUYỆN là một trong hai điều mà một vị Bồ tát phải có. Xá Ma hiện thân làm phu nhân của nhà vua, là để thực hành bi nguyện của mình. Vua Ưu Đà Diên tuy dễ sân giận, vợ thì đến 2 bà, nhưng thiện căn không phải không có. Chính nhờ thiện căn này mà Xá Ma mới hiện thân làm phu nhân để giúp Đại vương qui hướng Phật pháp. Bồ tát ra đời cách ấm còn mê, tật lớn hơn tuổi, thành ra đời quên hết mọi thứ công hạnh tu hành đời trước. Nhờ có các hóa thân như phu nhân Xá Ma, mình mới nhớ mà quay về với Phật pháp.      

Vua Ưu Đà Diên liền nghĩ như vầy “Phu nhân chỉ nghe chánh pháp làm cư sĩ thôi, đã có lực oai thần dường ấy, huống là đức Như Lai Chánh Đẳng Giác”. Nghĩ vậy rồi, nhà vua liền đến chỗ Phật, nhiễu quanh 3 vòng, trình bày sự việc trên xong, bạch với Phật rằng : Chỉ mong đức Như Lai và hàng Thánh chúng hoan hỉ cho con sám hối, khiến tội lỗi ấy sớm được tiêu trừ.

Muốn nhiếp hóa người thì tự bản thân mình phải có năng lực. Nói nhiều mà làm không bao nhiêu thì khó mà nhiếp hóa người. Năng lực của phu nhân chính là từ tâm. Từ tâm của bà khiến nhà vua phải nể phục mà qui hướng Phật. Đệ tử Phật mà còn vậy, huống là đức Phật, làm sao không qui hướng? Vì thế ông đến sám hối với Phật. SÁM HỐI, nghĩa như từ XIN LỖI mà mình hay dùng ngày nay. Thấy mình có lỗi và mong được tha thứ gọi là sám hối.

Cách sống của một Phật tử, dù xuất gia hay tại gia là rất quan trọng. Nó là thứ quyết định Phật pháp trường tồn lâu dài ở đời, không phải cho đông cho nhiều mà toàn là vỏ với vỏ, trâu với trấu, còn ruột thì không có.

Việc đầu tiên của đức vua là sám hối. Chỉ một việc nhỏ thôi, đã làm ông kinh hồn hết vía như thế, huống là đọa địa ngục. Chắc chắn phải kinh hãi rùng rợn hơn nhiều. Vì thế sám hối để mong thoát tội là chính, các việc khác để đó tính sau.

Đức Phật nói : Theo lời ông nói, đã coi Như Lai và hàng Thánh chúng như những phàm phu ngu si có lỗi. Cho nên, nơi ruộng phước mà vọng sanh oán hận. Nay ông có thể y theo luật giáo của chư Thánh, tự hối lấy lỗi, không có tâm che giấu, cho đến tận đời vị lai cũng không tái phạm, thì ta sẽ nhiếp thọ để ông được tăng trưởng thiện pháp.

RUỘNG PHƯỚC là chỉ cho Như Lai và hàng Thánh chúng. Sanh oán giận mà gọi là VỌNG vì cái sanh đó không có chất thật. Do duyên thì khởi. Hết duyên thì mất. Trước đó vua không hề sân giận. Có duyên là lời nói của đệ nhị vua nhân, cơn sân giận mới sanh. Được từ tâm của đệ nhất phu nhân rưới mát, cơn giận dập tắt. Không trường tồn, không gốc gác, chỉ vì một chút không tỉnh mà hiện diện, nên gọi là VỌNG. Nhờ chúng là vọng mình mới tu hành, thành Phật được. Không thì muôn kiếp cứ ôm mớ đó mà làm chúng sanh.

LUẬT GIÁO CỦA CHƯ THÁNH là những giáo dạy về uy nghi giới luật của các bậc Thánh. Học những thứ đó tương lai mình cũng làm Thánh. Ngoài thì học giáo pháp, trong thì tự hối lỗi và không bao giờ tái phạm thì sẽ được Phật nhiếp thọ.

NHIẾP THOï là thu vào và giữ đó. Như học trò đi học, trong giờ học thì phải ngồi học đàng hoàng, không được ra khỏi trường đi liêu biêu, đó là quí Thầy Cô đang nhiếp thọ học trò.

Tương tự, một khi giáo pháp của Phật được thực hành liên tục, các thói xấu không tái phạm, thiện nghiệp sẽ có năng lực giữ cho cái thiện tồn tại mà cái ác không thể xâm phạm. Như 5 giới của người tại gia, trong đó có giới không nói dối. Giữ giới quen rồi giờ nói dối, lập tức lòng thấy bất an, mặt mày đỏ kè. Đó là do cái không nói dối đã thành thói quen. Chính cái bất an ấy là thứ khiến mình không nói dối nữa. Thiện nghiệp đang nhiếp thọ mình. Thiện thì thuận với tánh Phật. Đó là chư Phật đang nhiếp hóa mình. Bởi tánh Phật của mình với chư Phật bên ngoài không khác. Không khác nhưng không một.

Đó là lý do vì sao Phật nói vua Ưu Đà Diên phải học luật giáo của Phật, phải tự hối lỗi và nhất quyết đừng phạm thì Phật mới nhiếp hóa được ông. Không có mấy thứ đó, Phật không thể nhiếp hóa ông được. Trước mắt ông hướng về Phật pháp, chính là cái nhân để có sự nhiếp hóa về sau. Nếu cái nhân ấy không được vun trồng thì Phật cũng chịu, không làm gì được. Vì thế, phải thêm cái duyên là KHÔNG TÁI PHẠM. Không tái phạm thì cái thiện mới thành thói quen, mới có năng lực nhiếp thọ. Phạm hoài, thì vẫn được nhiếp thọ, nhưng là ma Ba Tuần nhiếp thọ, không phải Phật.

Đến với đạo Phật hời hợt, mình cứ tưởng Phật pháp thần bí ban phước giáng họa như các đạo giáo khác. Thần bí thì có, nhưng ban phước giáng họa thì không, bởi cái thần bí ấy không phải là cái thần bí vô căn cứ. Mọi thứ điều có qui tắc, điều kiện và mang tính logic. Rất khoa học! Phật dù đa năng, nhưng nghiệp lực của chúng sanh phải do tự chúng sanh quyết định. Phật chỉ là bậc thầy dẫn đường. Nhất cử nhất động, phước hay không phước phải tự mình trước. Chư Phật chỉ là cái duyên nhắc nhở phù trợ mà thôi.

Vua lại thưa : Bạch Thế Tôn! Vì con bị nữ nhân mê hoặc nên cuồng loạn không hiểu biết, nhơn đó mà phát sanh giận dữ, tội nghiệp chắc đọa địa ngục. Ngưỡng mong Như Lai vì sự lợi ích và an lạc của chúng sanh, từ bi khai thị lỗi họa siểm khúc hư cuống của nữ nhân để bọn con không gần gũi nữ nhân, tránh được các khổ lụy dài lâu.

Xém chết chỉ vì nghe lời đệ nhị phu nhân, Ưu Đà Diên thỉnh cầu Phật chỉ dạy lỗi họa của nó, để biết mà tránh. Siểm khúc hư cuống là âm Hán. SIỂM thì trong lòng và ngoài mặt không giống nhau. Trong bụng thì ghét người ghê ghớm mà ngoài thì có vẻ thân thiết ngọt ngào. Trong bụng ghét mà biết cái ghét ấy là lỗi nên thân thiện để phá bỏ cái ghét ấy thì không rơi vào trướng hợp này. Đây muốn nói đến sự cố tình xảo quyệt đen tối. KHÚC là quanh co. Nói sao đó để có lợi cho mình, đổ tội cho người nhưng lại bằng một giọng rất dịu hiền vô tư hết mức, là một dạng của KHÚC. Người đời dùng mấy từ KHẨU PHẬT TÂM XÀ để chỉ cho hai từ siểm khúc này. HƯ CUỐNG là hư dối. Tâm xà khẩu Phật thì chắc chắn không thể ngay thẳng mà phải là hư cuống.

KHỔ LỤY là đã khổ mà khổ nhất là vì cái LỤY này. Biết là khổ đó mà dứt không ra, thiếu không được. Cái dứt không ra, thiếu không được đó gọi là LỤY. Biết nó yêu, nó quỉ, nó xảo quyệt, nó làm mình khổ mà rồi cũng tha thứ, cũng yêu thương … Đó mới là cái khổ nhất trong tất cả các cái khổ của ái dục. Chính vì vậy mà nhà vua phải cầu cứu đến đức Phật. Ngoài ra tuy có những biểu hiện không tốt, nhưng tâm lượng Bồ tát thì nhà vua đầy đủ. Một khi gặp nạn thì biết quay đầu, lại còn vì những đấng mày râu khác xin Phật khai thị để tránh lỗi họa cho tất cả. Việc khai thị đây vừa nhắm vào những kẻ cùng hoàn cảnh, vừa nhắm cho những kẻ vướng phải tà mỵ của những vị đệ nhất phu nhân quá quắc không có đạo nghĩa.  

Phật nói : Để việc ấy lại! Sao ông phải hỏi việc đó mà không hỏi việc khác?

ĐỂ VIỆC ẤY LẠI, là bấm gân coi nhà vua đã thật sợ hãi, đã quyết tâm cầu sự giải thích để thoát nạn chưa. Có quyết tâm, có tha thiết thì lời chỉ dạy mới có giá trị.

VIỆC ĐÓ là chỉ cho lỗi họa nữ nhân. LỖI HỌA là từ cái lỗi đó mà đưa đến tai họa. LỖI HỌA CỦA NỮ NHÂN là cái họa do lỗi của người nữ mà ra.

Nhà vua thưa : Con không hỏi việc khác. Nữ nhân khiến con tạo tội địa ngục. Nay con chỉ muốn biết lỗi họa siểm khúc hư cuống tà mỵ của nữ nhân. Xin vì con mà khai thị.

Vua Ưu Đà Diên thỉnh hỏi như vậy đến 3 lần.

Ông trả lời ông chỉ hỏi việc đó, vì ông xém chết bởi nữ nhân, lại xém đọa địa ngục vì họ, thành lúc này với ông không có gì quan trọng hơn việc đó. Trên chỉ đưa ra 2 từ siểm khúc, hư cuống, đây còn thêm hai từ TÀ MỴ. Có lẽ để Phật hiểu, nguy cấp lắm, không đơn giản chút nào với lũ nữ nhi kinh khủng này.

TÀ là không chánh. Cái gì có khuynh hướng mang lại quả báo không tốt, gọi là tà. MỴ là nịnh nọt, cũng có nghĩa là nhu mì, đáng yêu. Nhìn con mèo cọ tới cọ lui đầu nó vào chân chủ nhân, rồi xà vào lòng chủ, mình sẽ hình dung được cái tà mị nói đây. Đó là mèo không biết nói biết cười. Người còn thêm hai thứ đó nữa, nên cái tà mỵ càng tăng gấp bội.

Ưu Đà Diên cầu cứu đức Phật đến 3 lần, chỉ một chuyện đó. Mới thấy năng lực của người nữ là ghê ghớm. Không có nữ nhi, chưa chắc nam nhi đã thành Phật. Không ai đủ sức làm họ khiếp đảm như thế.    

Phật nói : Đại vương trước nên biết lỗi họa của trượng phu, rồi sau sẽ quán sát lỗi họa của nữ nhân.

Người trí tuệ trả lời có khác. Nhà vua chỉ thấy cái DUYÊN bên ngoài làm mình khổ mà không thấy cái NHÂN bên trong làm mình khổ. DUYÊN chỉ là phụ, NHÂN mới là chính. Nhân ấy ở đâu? Trong chính nhà vua. DUYÊN chỉ là thứ giúp cho NHÂN phát khởi, chứ DUYÊN không phải là thứ quyết định vấn đề. DUYÊN nhiều bao nhiêu mà NHÂN không có thì cũng không có chuyện xảy ra. Lòng anh không động thì SẮC dễ thương tà mị bao nhiêu, cũng không làm gì anh được. Song tại lòng anh còn động. Động nên anh mới vướng, khổ mới đến. Không, thì có chuyện gì xảy ra?

Nói vậy, cũng chỉ mới nói một chiều. Vì dù NHÂN còn động mà nếu không có DUYÊN sắc bên ngoài thì cái động ấy cũng không thể khởi. Quả tình, DUYÊN cũng có một phần trách nhiệm. Nhưng điều đó không có nghĩa DUYÊN mới là lỗi. Bởi anh vẫn còn một khả năng để tự vệ : Tránh duyên. Trong cả hai trường hợp, SẮC chỉ là phụ không phải là thứ quyết định. Cái quyết định chính là ở anh.

Trong thư gởi cho bạn đang ở núi, ngài Huyền Giác nói “Người thấy đạo, quên núi, ở chốn nhân gian vẫn lặng. Người thấy núi quên đạo, ở trong núi vẫn ồn ào”. Nhân mới là cái quyết định chứ không phải duyên. Vì thế, Phật nói TRƯỚC HÃY NÊN BIẾT LỖI HỌA CỦA TRƯỢNG PHU. Tìm lỗi trong chính mình trước rồi hãy tìm lỗi ở người khác sau.

Nhà vua thưa : Vâng, kính xin Thế Tôn, con muốn được nghe.

Nhà vua rất thiết tha. Giờ nói gì cũng nghe. Thất kinh quá rồi!

Phật nói : Tất cả trượng phu đều do 4 thứ lỗi bất thiện, nên bị nữ nhân làm mê loạn.

NHÂN phải có, DUYÊN mới tác yêu tác quái được. Anh không thích lời ngọt ngào nhẹ nhàng thì không lời ngọt ngào nhẹ nhàng nào có thể làm mềm lòng anh được. Vì thế, Phật vạch ra 4 lỗi mà đấng mày râu vướng phải, từ đó mới sinh khổ.

Thế nào là 4?

1. Mê mải nơi các dục nhiễm, thích nhìn nữ nhân không chán, rồi tự buông lung. Không biết gần gũi Sa môn và Bà la môn, là người đầy đủ tịnh giới và tu phước nghiệp. Vì không thân cận những bậc như vậy, nên những thứ như tịnh tín, tịnh giới, đa văn, thí, tuệ … đều thối thất. Do không có tín, giới, đa văn, thí, tuệ … nên người ấy không phải là bậc thiện trượng phu, tạo nhiều ác nghiệp, không có trí tuệ, đam mê phóng dật. Bị dục bắt, bị dục trói, lấy dục làm mạng sống, gần kẻ ngu, xa người trí, làm bạn với kẻ ác, tạo các điều lỗi.

Đây là kể ra nguyên nhân dẫn đến cái quả bị nữ nhân trói buộc, bị những cái cọ đầu của con mèo làm mất hồn. Nguyên nhân thứ nhất để sự việc xảy ra là buông lung. BUÔNG LUNG là tới đâu hay tới đó, không hề có ý ngăn chận, kiềm hãm. Lúc đầu chỉ là một nụ cười, một câu chuyện vui vẻ, một cái dáng hay hay, một đôi mắt to tròn … rồi tình cảm phát sinh. Tình cảm phát sinh là do thiếu sự tỉnh thức. Không tỉnh nên thay vì biết SẮC là vọng, buông đi! Mình lại … tới luôn. Nên đây Phật nói “Mê mải nơi các dục nhiễm””. DỤC NHIỄM là chỉ cho những thứ tồn động trong mình thuộc về ái dục. Vì cái dục nhiễm này mà với những SẮC phù hợp với quan niệm của mình, mình rớt đài không gượng dậy nỗi, nên nói THÍCH NHÌN KHÔNG CHÁN. Đây là thói thường của chúng sanh. Thích cái gì thì cứ muốn nghe muốn thấy cái đó hoài, nên nói không chán. Đó là quá trình của sự BUÔNG LUNG.

Trường hợp vua Ưu Đà Diên, cái buông lung của vua bắt nguồn từ một phu nhân rồi đến phu nhân thứ hai. Vì sao có việc này? Vì ít thân gần Sa môn và Bà la môn đầy đủ tịnh giới và tu phước nghiệp.

SA MÔN là chỉ cho Tỷ kheo của Phật. BÀ LA MÔN là một trong 4 dòng họ ở Thiên Trúc, thờ Phạm thiên, tu phạm hạnh để được quả báo ở cõi trời. TU PHƯỚC NGHIỆP là chỉ cho hàng Bà la môn. THÍ là bố thí, cúng dường. GIỚI là 5 giới, 10 giới, 250 giới v.v… Nếu thân cận Sa môn thì sẽ biết trong 5 giới có giới không tà dâm. Nói theo quan niệm thời nay là một vợ một chồng, không được có bà thứ hai, nếu bà thứ nhất chưa li dị hoặc chưa chết. Nếu theo Bà la môn tu phạm hạnh, thì có khi không có vợ là đằng khác. Bởi muốn đắc quả tiên thì thân phải thanh tịnh. Người tu phạm hạnh tự nguyện sống đời phạm hạnh để lên được cõi trời. Có lẽ, trên đó tiên nữ phi phàm gấp mấy lần tiên dưới trần gian nên họ không thích vướng mắc với tiên ở cõi này.

Đó là về mặt giới luật, về mặt trí tuệ, nếu gần Phật và hàng Thánh chúng thì sẽ được Phật dạy cho phép QUÁN BẤT TỊNH để thấu được thực tướng của những hình thức ma mị mềm mại kia. Phần sau có đề cập, nên đây không giải thích kỹ.

GẦN KẺ NGU, XA NGƯỜI TRÍ v.v… là nói lên tình trạng “Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”, là “Nồi nào úp vun nấy”.            

Do tham ưa cảnh bất tịnh với nữ nhân nên bị nữ nhân chế phục như tôi đòi. Lệ thuộc đọa lạc nơi chỗ nữ nhân, không biết xấu hổ, gần gũi chơi bời nơi ổ bệnh hoạn máu mủ tanh hôi, mũi dãi thường chảy như cảnh dơ bẩn ở bãi tha ma. Đến nỗi trái bỏ cha mẹ, quên ân dưỡng dục, lìa bỏ Sa môn Bà la môn, không biết tôn trọng cung kính cúng dường. Tập quen với hạnh súc sanh. Không có lòng tin thanh tịnh với Phật, Pháp và Tăng. Cảnh giới niết bàn mãi mãi thối thất.

Đây là cái quả của việc buông lung trên. Niệm đầu không tỉnh sẽ có niệm thứ hai, thứ ba, thứ tư … Niệm thứ tư cũng không tỉnh nữa thì … THAM ƯA CẢNH BẤT TỊNH VỚI NỮ NHÂN. Tham ưa thứ gì thì đương nhiên bị thứ đó trói buộc. Như người mê ăn, thì những thứ khác không quyến dụ được mình, nhưng nghe đến mùi đồ ăn mà nhất là những thứ hợp khẩu vị thì coi như xong. Nắm được tật của người thì làm chủ người là vì vậy. Đó là qui luật tất yếu. Thành tu, chính là dừng đi những cái tham này. Không bị thứ gì dẫn dắt thì mới không bị ai trói buộc, mới có khả năng tự tại.

Từ Ổ BỆNH HOẠN cho đến MŨI DÃI THƯỜNG CHẢY là Phật diễn tả về THỰC TƯỚNG của người nữ cho các đấng mày râu tỉnh được chút nào hay chút đó, không phải là Phật phỉ báng người nữ. MŨI DÃI THƯỜNG CHẢY thì mình ít thấy, bởi thứ đó chỉ có thiền sư ăn khoai lang mới dám bày ra, còn phụ nữ hay nam giới thường tình đây, không ai dám để chuyện đó xảy ra. Mất hết công năng quyến rủ. Song Ổ BỆNH HOẠN thì đầy dẫy không sai một chữ. Bệnh hoạn, giang mai, sì ke, ma túy mà nhất là bệnh sida hiện nay thì không ai không biết. Nổi tiếng trên toàn thế giới. Thân xác của con người khi còn bị buộc ràng trong tham dục là vậy.

Song do có sự chấp thủ tham dục của người nam mà người nữ trở thành ĐẶC SẮC như thế trong lời dạy của đức Phật. Vì sao? Vì đây là pháp quán để trị bệnh. Đã là pháp thì có duyên mới có pháp. Không duyên pháp không lập. Nó không phải là thứ bất di bất dịch áp đặt cho mọi trường hợp. Không có tham dục thì không có bài pháp này. Vì có chấp thủ tham dục nên có bài pháp này. Nếu đối tượng bị đau khổ đây không phải là Đại vương Ưu Đà Diên mà là một phu nhân nào đó thì những thứ này sẽ được dùng để diễn tả cho thân của một bậc trượng phu, dù đó là một vị đại đức uy nghi chăng nữa. Cho nên, đừng nghĩ Phật chê trách người nữ. Đây Phật đang dạy về lỗi họa của nam giới, không phải lỗi họa của nữ giới.  

Với Phật tử tại gia không tu giải thoát, thọ trì 5 giới thì ngoại trừ vợ nhà ra, tất cả những liên hệ tình cảm yêu đương khác, sẽ được lên danh sách cho quán máu mũ tanh hôi, ổ bệnh hoạn giang mai như ở đây. Với Sa môn Bà la môn thì ngoài mẹ mình ra, tất cả đều có thể là đối tượng để quán một khi có sự dính mắc. Không có sự dính mắc thì người nữ là người nữ, không xấu cũng không tốt, không dơ cũng không sạch. Như thiền sư nhìn cây gậy : Cây gậy là cây gậy, không thêm cũng không bớt. Không thêm cũng không bớt, là thấy chứ không đui, nhưng không khởi nghĩ đó là cây gậy. Khởi lên thứ gì bỏ liền thứ đó.

Nếu sắc dục không phải là thứ quan trọng với mình, ta có thể dùng phương tiện này để trừ bỏ : Chỉ cần biết SẮC là vọng, không theo. Biết vài lần thì SẮC đúng là vọng, không có gì để dính mắc. Đơn giản như vậy. Nhưng với người mà bệnh ái dục nặng, thì phải cần đến cái quán Phật dạy đây. Không quán tanh hôi máu mủ khó mà buông được.

Song ái dục không phải là thứ có thể coi thường. Vì sao? Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật nói “Với ái dục không gì hơn là sắc. Ham muốn sắc, ngoài nó không gì lớn bằng. Cũng may chỉ có mình nó, nếu có cái thứ hai bằng nó, người trong thiên hạ không ai có thể hành đạo”. Ái dục không phải là thứ đơn giản, nhất là thứ ái dục thuộc về sắc. SẮC là chỉ cho đối tượng của người nam hoặc người nữ. Có vị dịch chữ SẮC này thành sắc đẹp. SẮC nhưng không hẳn là sắc đẹp. Bởi có những tình cảm không hình thành từ sắc đẹp. Sắc đẹp chỉ là thứ hỗ trợ chứ không phải chính yếu. Có nhiều thứ để hình thành nên một SẮC hợp ý : Tài năng, trí tuệ, sắc đẹp, tánh nết v.v… Tùy quan niệm của từng người mà một hay tất cả những thứ trên trở thành sự lôi cuốn đối với mình.

Tôi đã từng đọc thấy trên báo, một người thanh niên chỉ mới 17 tuổi, nhưng lại đem lòng yêu thương một người đàn bà 60 cùng làm thợ nung gạch với mình. Đàn bà 60 ở miền quê, lại lao động cực nhọc nên da thì nhăn sạm, áo quần lam lũ, tóc bới lọn trong như 70, lại rất quê mùa. Nhìn hình tướng to lớn vạm vỡ bảnh trai của chàng thanh niên bên cạnh người đàn bà xấu xí đen đua ấy, không ai tin có thể có một tình yêu giữa họ. Nhưng họ đã tự tử cả đôi để thoát sự cản ngăn của gia đình và dư luận. Thành SẮC nói đây không chỉ dựa trên tiêu chuẩn sắc đẹp mà nói được. Chỉ có hai chữ duyên nghiệp mới giải thích xong. SẮC là bóng dáng tập nghiệp của chính mình.        

SÚC SANH là chỉ cho loài vật. Loài vật thì nó chỉ sống theo bản năng tính dục chứ không có lý trí như con người. Như con chó thấy mất miếng ăn thì ngay với mẹ nó nó cũng gầm gừ, không phải như con người biết cái gì cần trân trọng, cái gì không. Những việc làm như theo vợ bỏ cha mẹ, hoặc nghe lời vợ mà nghĩ xấu cho Tăng đoàn thanh tịnh của Phật v.v… đây Phật gọi là hành hạnh súc sanh. Bởi chỉ biết nghe theo cái dục của mình mà không biết cái gì nên nghe, cái gì không nên làm. Với những hạnh bình thường đó mình làm còn không nỗi, làm sao có thể bỏ phu thê để tu hạnh thanh tịnh mà có niết bàn. Nên nói, cảnh giới niết bàn MÃI MÃI THỐI THẤT.          

Những hạng này sẽ vào các đại địa ngục như A Tỷ, Chúng Hiệp cùng ngạ quỉ, súc sanh, không ai cứu được. Dầu nghe ta dạy, nhưng vẫn tưởng nhớ nữ nhân ca đùa múa hát không biết chán lìa. Người này quen thói ngu ác không thích tu tập các việc của thiện trượng phu. Nầy Đại vương! Phải biết lúc trượng phu thân cận nữ nhân chính là thân cận pháp ác đạo. Đây là lỗi họa thứ nhất của bậc trượng phu.

Cái quả nói ở phần trên, chính là cái nhân đưa đến cái quả địa ngục nói đây. Pháp thế gian là pháp Duyên khởi, nên một thứ sanh thì vô vàn thứ khác khởi theo. Trùng trùng vô tận không thể nói. Một cái nhân xuất hiện, đủ duyên sẽ cho ra một cái quả. Cái quả ấy đủ duyên sẽ tiếp tục cho ra một quả khác. Từ chỗ ưa thích nữ nhi, đưa đến cái quả là bất hiếu xa dần người trí. Bất hiếu, xa người trí đưa đến cái quả vào 3 đường dữ. CHÚNG HIỆP và A TỶ là 2 loại địa ngục chuyên chứa mấy ông mấy bà có dính lứu trầm trọng đến sắc dục. THÂN CẬN NỮ NHÂN nói đây là chỉ cho việc thân cận nữ nhân với tâm dính mắc. Dính mắc, đương nhiên có chuyện xảy ra. Đó gọi là pháp ác đạo. Pháp áo đạo là pháp khiến mình lọt vào 3 đường ác. Còn thân cận mà không có tâm dính mắc hoặc thân cận với những nữ nhân như Hằng Hà Thượng, đồng nữ Diệu Huệ thì không phải là thân cận pháp ác. Đó là mặt nhân duyên của pháp. Đọc kinh đọc luận phải nhớ đến mặt nhân duyên này. Không thì nữ nhân mình không dám tới chùa, mà quí thầy trong chùa thấy người nữ chắc cũng tránh cho lẹ. Việc giáo hóa sẽ vỡ bờ. Cho nên, Phật dạy là dạy để phá bỏ sự dính mắc, không phải để tẩy chay người nữ.

Tại một chùa ở miền tỉnh. Có hai vị sư. Một buổi đẹp trời nọ bỗng một trong hai vị vướng phải một bà lão sồn sồn, khiến tăng chúng náo động, Phật tử mất lòng tin. Rồi mọi chuyện qua đi, mọi thứ cũng đâu vào đó. Nhưng kể từ ngày ấy, vị sư còn lại sinh tâm kinh hãi và không muốn người nữ nào bước chân vào chùa. Thấy người nữ nào thân cận với vị kia, sư đều có cái nhìn không tốt về người đó.

Giúp đồng đạo mình tránh bớt duyên khi đạo hạnh của bạn chưa vững là rất phải. Nhưng nhìn người nữ như những giống chuyên đi gây họa cho người thì không nên. Nhìn như thế là thiếu trí tuệ. Bởi lỗi không phải do người nữ. Người nữ chỉ là cái duyên phụ trợ bên ngoài. Duyên đầy ra đó mà nhân không có thì duyên làm gì được? Tâm tịnh thì cõi độ tịnh. Đủ đạo hạnh, thì ma vương ác quỉ đều thành Bồ tát, huống chỉ vài người nữ yếu đuối đang cần một chỗ nương tựa?              

DẪU NGHE TA DẠY … mới thấy năng lực của người nữ kinh hồn thế nào. Không hiểu nữ nhân đã gầy tạo được nhân gì mà có cái quả kinh hồn đó. Tôi có một người bạn. Chị ta cũng có năng lực đó. Không phải với chồng mà với anh trai mình. Chị không có chồng. Chị từng nói với tôi về năng lực đó của chị, đúng hay sai anh trai chị cũng chỉ nghe lời chị, tiền bạc không phải do vợ nắm mà do chị nắm tất cả. Sang tới Pháp rồi, bà chị dâu vẫn chưa hết khổ vì cách đối xử quá mức của chồng với em gái. Bà chỉ thấy thoát nạn thật sự khi ông chết. Chị ta kể với tôi trong tâm trạng đắc thắng mà không hề thấy một chút lỗi lầm nào trong cách cư xử đó. Không biết những dạng phụ nữ như vậy đã gieo được nhân gì để được quyền hành như vậy. Nhưng hưởng phước theo kiểu đó là mình đang hại mình mà hại cả người thương mình nữa. Giá mình biết dùng năng lực đó để hướng người thương mình vào những điều tốt đẹp thì hay biết mấy! Không có thứ gì trên đời không có cái quả của nó. Thành không nên dụng phước báu của mình theo chiều quá đà. Vừa có cái quả không tốt ở tương lai, mà cái quả trong hiện đời cũng dễ lụi tàn.        

2. Phàm là cha mẹ, ai cũng muốn cho con mình được lợi lạc, cho nên hay làm việc khó làm, hay nhẫn việc khó nhẫn, dù là thứ dơ uế đều chịu đựng được. Luôn muốn thân thể sắc lực của con mau tăng trưởng, muốn nó thấy những sự thắng diệu trong Diêm Phù, bú mớm nuôi nấng không biết mệt mỏi. Vì muốn con mình sung sướng nên kinh doanh cầu tìm tài vật để con được đầy đủ, rồi đến nhà người cầu hôn, cưới gã cho con. Hôn thú xong, đứa con luyến ái vợ quên mất cha mẹ. Thấy cha mẹ dần dà suy yếu, sợ lãng phí tài vật mà dời cha mẹ đi nơi khác. Đây đều do tham dục mê hoặc mà điên đảo, với cha mẹ thì vứt bỏ không kính thương nuôi dưỡng, với con gái nhà người thì trân trọng cung cấp không biết nhàm chán. Đây là thành tựu gốc địa ngục, là lỗi họa thứ hai của trượng phu vậy.

Đây là kể ra công ơn khó nhọc của cha mẹ đối với con cái. Cũng là kể ra lỗi thứ hai của đấng mày râu. Là kể tội mấy ông gặp phải mấy bà vợ quá quắc nhưng lại chỉ biết có vợ mà không biết đến cha mẹ. Đàn bà thì ai cũng có tâm muốn thủ chặt người đàn ông của mình. Thủ gì đó thủ, nhưng đừng để tình trạng như trên xảy ra. Vì sao? Vì cái thủ đó dẫn đến địa ngục. Có nhân thì có quả. Không ai không cho mình thủ. Nhưng thủ sao cho khéo. Đã thương thì thương cho trót, đừng để người đàn ông của mình lọt vào địa ngục mà mình thì chắc cũng không thoát. Đã lọt vào địa ngục rồi, thì lúc đó chàng có đức độ tài ba bao nhiêu, mình cũng không còn tâm đâu nghĩ đến việc chấp thủ.

3. Do tà kiến, không biết tự thân sẽ chóng hoại diệt, gây tạo nhiều ác nghiệp rồi tự khi dối. Kẻ ngu si này cứ theo ngày tháng trôi đi, như gỗ đá đục đẻo thành, tuy có hình hài như người mà không tri thức. Tập quen với các tham dục chính là thành tựu nghiệp nhân ác đạo. Đây là lỗi thứ ba của bậc trượng phu .

TÀ KIẾN là chỉ cho những quan niệm sai lầm. Không tin nhân quả là một loại tà kiến. TÀ KIẾN nói đây là không thấy thân mình rất dễ tan hoại. Như giờ còn sống đây nhưng không biết 5 phút nữa thế nào. Như trận sóng thần ở Phuket, trước 5 phút và sau 5 phút tất cả đều đổi khác. Trong số những người nằm xuống đó có ai nghĩ mình chốc nữa đây sẽ chết? Không ai nghĩ đến điều đó. Ai cũng mãi loanh quanh với những vui buồn của quá khứ, tính toán thật nhiều cho tương lai. Tương lai có đến không? Hay sẽ chấm dứt tất cả vào ngày mai? Nhưng không ai nghĩ đến điều đó. Chỉ cắm đầu cắm cổ lo cho tương lai để có khi phải gây nghiệp trong hiện tại. Đó là một dạng tà kiến vi tế.

Vì không thấy nhân quả, không thấy sự vô thường mau chóng nên ngày đêm cứ chạy theo những thứ không đâu, để rồi gây tạo những điều bất chánh. Có thương yêu thì có tranh dành, có cung phụng. Tranh dành sinh tội đã đành. Cung phụng cũng sinh tội. Bởi muốn có để cung phụng thì phải bương chãi dành giựt của người khác. Thói thường ở đời, kẻ đã không biết cái gì là phải là trái thì lòng tham là vô bờ. Chuyện mấy ông mấy bà hiện nay ngày nào cũng đăng trên báo mình thấy rồi.  

TỰ KHI DỐI là muốn nói đến sự biện minh của mình khi làm điều gì đó không phải. Do không dừng được ham muốn trong lòng, nên thực hiện bằng được những điều ham muốn đó. Thực hiện rồi, có khi biết lỗi mà vẫn tìm cách biện minh cho những hành động đó. Tự khi dối là vậy.

Đức Phật ví hạng người này như những khúc gỗ hay những tảng đá được đục khắc thành hình người, chứ không phải là người. Vì sao? Vì không có tri thức. KHÔNG TRI THỨC là không có sự hiểu biết, không biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm.

THAM DỤC thì không ai là không có. Nhưng thánh nhân thì tìm cách buông đi, mà phàm phu lại tập quen với nó. Đau khổ và tội lỗi là ở chỗ TẬP QUEN đó. Chẳng qua vì thiếu hiểu biết mà thôi. Như việc thuốc lắc đang lan tràn hiện nay chẳng hạn. Kẻ ý thức được đó là họa thì không bao giờ đụng đến, lỡ đụng đến thì tìm cách dứt bỏ. Nhưng có kẻ hơn 40 tuổi rồi vẫn chúi mũi vào đó, lắc như mấy đứa con nít, say sưa từ giờ này qua giờ khác, ngày nay qua ngày nọ. Cái lặp đi lặp lại đó chính là tai họa. Quen rồi thì thói quen sai xử mình chứ mình không có tư cách gì sai xử nó nữa. Như việc đọc báo hằng ngày, ngày nào cũng đọc, một thời gian sẽ thấy, không có báo chịu không được. Đó chỉ là chuyện nhỏ. Những chuyện dính đến tham dục, là cái gốc của sanh tử, lại càng khủng khiếp.

Những thứ tập quen đó Phật gọi là NGHIỆP. Nó là cái nhân cho ra một cái quả ở tương lai khi đủ duyên, nên gọi là NGHIỆP NHÂN. Vì cái nhân ấy chỉ đưa đến quả xấu trong 3 đường dữ, nên gọi là NGHIỆP NHÂN ÁC ĐẠO.          

4. Có trượng phu, vì thân mạng mình mà tự lao khổ chứa nhóm tài vật, rồi bị nữ nhân ràng buộc như kẻ tôi đòi cung phụng chủ nhân. Do nhân duyên đó mà càng tham cầu tích chứa tài vật của báu, chẳng bố thí cho Sa môn Bà la môn, lại phải chịu đựng sự trừng trị của vương pháp, chịu mọi điều khinh khi hủy báng lăng nhục. Có người còn bị nữ nhân đánh đập quát tháo. Có người sợ làm trái ý, tôn thờ hết mực, thấy nữ nhân buồn rầu liền tự nghĩ rằng “Nay ta làm gì để nàng được vui?”. Phải thấy những kẻ như vậy là tôi tớ của dục. Nơi cảnh bất tịnh thấp hèn lại tưởng là tịnh rồi sanh lòng ái nhiễm. Lúc kề nữ nhân như vậy chính là viên mãn nghiệp ác đạo. Đây là lỗi thứ tư của trượng phu vậy.

Lỗi thứ tư của cánh mày râu là lao khổ chứa nhóm tài vật. Muốn có được tiền nhiều thì phải làm lụng cực nhọc. Thường thì ai cũng muốn có cuộc sống hơn người, không những cho mình mà cho người thân của mình nữa. Tiền tài danh vọng chính là bộ áo đáng giá của cánh mày râu, là hấp lực của giới phụ nữ có nhan sắc. Kẻ có nhan sắc rất hiếm chọn những chàng đi xe đạp. Tiền đâu để chi phí cho áo quần, mỹ phẩm, nhà lầu, xe hơi, là những thứ cần thiết để nhan sắc kia được bảo vệ trường tồn theo thời gian? Da dẽ trắng bao nhiêu mà không có mỹ phẩm bảo vệ, cứ đi xe đẹp dưới cái nắng và bụi của thành phố hiện nay, thì mặt cũng có ngày như Chung Vô Diệm. Chưa kể sự hãnh diện khi có được một ông chồng giàu có và danh vọng. Vì thế nó chính là động lực để phụ nữ chiếu cố, để chư nam nhi bỏ công bỏ sức lao tâm khổ trí đạt cho bằng được. Trúng phải bà vợ biết đạo thì không nói, trúng bà vợ thích chơi hơn thích làm, không biết nhân quả, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên mất cái hại sau lưng, thì sự lao tâm lao lực của mấy ông càng nhiều. Trúng cảnh bà hai bà ba nữa, mới thật đáng tội. Buôn lậu, phá rừng, tham nhũng, lường gạt làm sao tránh khỏi? Dính vào mấy thứ đó, trước sau gì cũng phải CHỊU SỰ TRỪNG TRỊ CỦA VƯƠNG PHÁP. Giờ không còn vua thì gọi là quốc pháp.

BỊ NỮ NHÂN ĐÁNH ĐẬP QUÁT THÁO nghe thì kinh khủng nhưng đó là sự thật. Nữ nhân quát tháo có nhiều dạng. Có dạng quát tháo không phải vì dữ dằn mà vì yếu đuối, vì bị cánh mày râu đàn áp, căng thẳng quá mức chịu không nỗi nên … phát thành tiếng. Coi thì dữ dằn nhưng thực chất của vấn đề thì không đến nỗi. Nhưng có những dạng nữ nhân, cốt đúng La sát. Khoảng thời gian còn học lớp 12, tôi đã từng chứng kiến cảnh một ông bị vợ đánh ở cạnh nhà người bạn. Không phải một lần. Ngày nào ông cũng ăn mấy cán chổi lông gà của vợ. Ông thì nhỏ nhắn mà bà thì to như bồ lương tấn gió. Bị đòn, vì ngày nào cũng nhậu. Bà đánh chồng như đánh con nít. Ông thì vừa quì vừa lạy như con quì lạy má. Nhưng cái tật lớn hơn cái tuổi, bị đòn tuy nhục nhã nhưng nhậu thì vẫn nhậu, để ngày nào cũng bị đòn. Có khi rồi bị đòn cũng đáng. Nhưng dù có đáng chăng nữa, mình làm vậy là gây quả báo không tốt cho mình. Cũng phải nghĩ đến mình một chút.  

SỢ TRÁI Ý, THẤY NỮ NHÂN BUỒN RẦU … là thứ mà ai cũng dễ vướng phải. Người nữ mình có khi vướng còn nhiều hơn đám mày râu. Cứ thấy người mình thương rầu rầu nét mặt, hai con mắt ủ nước là ruột mình lên men. Lên men rồi thì tìm đủ mọi cách để tạo cho được nụ cười, thấy cho được ánh vui trong mắt người. Cái không đành lòng đó, đây Phật gọi là LÀM TÔI TỚ CỦA DỤC. Làm tôi tớ của dục chứ không phải làm tôi tớ cho người mình thương. Vì sao? Vì không có dục trong lòng thì không có SẮC nào lọt vào mắt mình được. Không lọt vào thì mình sẽ rất bình thản với những thứ như thế. Đâu phải khổ lụy như vậy.

TỪ cũng là một dạng muốn mang đến niềm vui cho người. Vì sao TỪ thì thuộc tam muội, mà việc làm người vui đây lại thuộc tôi tớ của dục? Cái khác nhau đó nằm ở hai từ BÌNH ĐẲNG. Lòng mong muốn an vui của TỪ phát xuất từ trí tuệ nên cái mong muốn đó được trải rộng tới muôn người, không kể là thân hay sơ, thích hay không thích. Còn cái làm cho người vui đây, chỉ dành cho người mình thích mà thôi. Để phục vụ cho cái thương đó, có khi mình phải đánh đổi cái khổ của người khác hầu đem đến cái vui cho người này. Vì chỗ khác nhau đó mà một thứ khiến mình thăng thiêng đường, một thứ khiến mình đọa địa ngục.      

NƠI CẢNH THẤP HÈN là nơi những tình cảm đó mà tưởng là quí hóa, nên mới đắm nhiễm vào đó mà trân trọng. Trân trọng đắm nhiễm như vậy là đang viên mãn ác nghiệp. VIÊN MÃN là chỉ cho trạng thái vừa tròn mà vừa đầy, cái chưa tròn đã tròn, cái còn khuyết đã đầy, như trăng mười sáu không còn đầy hơn được nữa. Tu hành mà nghe hai chữ viên mãn thì vui. Nhưng viên mãn nói đây là viên mãn để vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Nạn tai!

Đó là 4 điều Phật dạy cho Ưu Đà Diên biết về lỗi họa của mình cũng như của tất cả nam giới.

Sau khi dạy 4 điều mà bậc trượng phu nên tránh, đức Thế Tôn làm một bài kệ để tổng kết. Nghe xong, Ưu Bà Diên bạch với Phật : Những lời được nghe đây thật hiếm có. Đức Phật khéo nói lỗi họa của sắc dục. Nay con qui y Tam bảo Phật Pháp Tăng, từ nay đến trọn đời nguyện làm thân cư sĩ. Ngưỡng mong Thế Tôn nhiếp thọ con”. Sau khi nghe xong bài pháp, vua Ưu Đà Diên biết tất cả họa đều do lỗi ở dục, cái dục này dính liền với sắc nên nói là SẮC DỤC. Không gì không phải là nhân duyên. Không có NHÂN dục thì sắc chỉ là khúc cây mục bên đường. Không có DUYÊN sắc thì dục không có cơ hội để bùng phát. NHÂN vẫn là chính. DUYÊN chỉ là phụ. Nhân duyên đầy đủ mới có quả. DUYÊN không có, chưa có nghĩa là NHÂN đã hết. Vì thế kinh Duy Ma nói “Bồ tát trừ chấp chẳng trừ sự” là vậy. CHẤP thuộc nhân. SỰ thuộc duyên.

Vậy làm sao để diệt nhân. Nhân ÁI này chỉ chuyển được chứ không diệt được. Chuyển được thì xem như đã diệt được. ÁI chỉ có thể chuyển thành BI. Muốn chuyển thành BI thì phải có TRÍ TUỆ. Muốn có trí tuệ thì phải tập bỏ lần TRÍ PHÂN BIỆT. Đối cảnh khởi xấu, đẹp, sạch, dơ thì biết đó là cái nhân của sự chấp thủ, buông đi! Phải quán cảnh giới trước mắt là huyễn hóa để buông. Không chấp thủ thì ÁI chính là BI. Vì thế không ai cấm mình thương yêu. Nhưng thương theo kiểu đức Phật thì được mà yêu theo kiểu chúng sanh thì không được. Vì sao? Vì Phật thương thì bình đẳng không chấp thủ. Chúng sanh yêu là có chọn lọc, chấp thủ. Chính cái chấp thủ đó khiến mình mê mờ. Từ đó có tạo nghiệp. Không phải chỉ có tình cảm trai gái mới có sự chấp thủ, mẹ con, anh em vẫn có sự chấp thủ.

Người đàn bà ấy có 3 người con trai, nhưng tất cả tình thương đều tập trung cho người con đầu. Thương đến mức độ cậu con đến 40 tuổi rồi mà vẫn chưa có vợ. Dù bà luôn thúc giục cậu lấy vợ. Nhưng đem cô nào về bà cũng chê. Cậu con trai vốn chẳng thích lấy vợ, một phần vì đồng lương ít ỏi, một phần ngày nào cũng nhậu quắc cần câu nên khả năng làm đàn ông chắc cũng không bao nhiêu, thành càng lớn tuổi thì càng thấy ngán vợ ngán con. Nhưng rồi … cũng có một nàng hớt tay trên cậu con trai của bà. Bấy giờ tất cả những gì về sự chấp thủ mới bộc phát. Bà tìm mọi cách để cấm đoán, ngăn chận và bán luôn cả nhà để cậu con trai không thể mang vợ về. Nhưng cô dâu thật giỏi. Chỉ cần có chàng, nàng sẵn sàng bỏ qua tất cả và làm mọi thứ vì chàng. Vợ chồng rồi cũng có nhà riêng, có con … Đó là tình cảnh người bạn học của tôi. Còn rất nhiều chuyện kinh hồn do sự chấp thủ mà ra. Tạt ác xít đối thủ, giết cô nàng của mình rồi luộc chín chặt thành ba khúc v.v... Chấp thủ như vậy là đang tạo nghiệp. Tạo nghiệp vì có sự chấp thủ. Vì thế, thứ gì có chấp thủ thứ ấy đều thành bệnh. Không nên chấp thủ.

Phật dạy bài pháp này cho ngài Ưu Đà Diên nhưng là cho tất cả đấng mày râu cũng như cho tất cả đám phụ nữ chúng ta. Đệ nhất phu nhân hay đệ nhị phu nhân tuy là những hình tướng bên ngoài của một Ưu Đà Diên, nhưng nó chính là hai mặt tình cảm trong một con người. Tình yêu hướng thương cao cả rộng mở là thứ tình cảm khiến con người trở nên thanh thoát, bao dung và tha thứ. Được biểu hiện qua hình ảnh phu nhân Xá Ma. Ai mang thứ tình cảm ấy trong lòng, không có tai ương khổ nạn nào có thể xúc chạm đến họ. Tình yêu vị kỷ hẹp hòi thủ chấp được biểu hiện qua hình tượng của phu nhân đệ nhị, khiến mình vướng vào những thứ tệ hại của cuộc đời. Vì sự chấp thủ mà bày đủ trò gian dối để đạt cho được mục đích của mình. Đó là cái nhân đưa đến 3 đường khổ.

Không ai không có Phật tánh. Nó chính là cái nhân Xá Ma sẵn đủ trong mỗi chúng ta. Chính nhờ chủng nhân đó mà khi ta làm việc bậy, sợ hãi, đau khổ cũng như khổ nạn liền xuất hiện. Bạn đừng nghĩ những kẻ giết người hàng loạt như những hung thần không có sự sợ hãi và đau khổ. Khi tôi đang viết những dòng này thì trên báo đang đăng tải một loạt bài về đời sống của một tên giang hồ, sống ngang nhiên như một ông vua với đầy đủ quyền hành mà chính quyền địa phương cũng đành bó tay vì thế lực rộng lớn và sự ra tay tàn độc của y. Một con người như thế vì sao lại đi coi bói? Vì sâu thẳm đâu đó trong tâm thức, sự bất an đang le lói mà y không nhận ra. Nó thôi thúc người ta muốn biết về tương lai của mình thế nào. Một con người bình an không bao giờ quan tâm đến những điều đó. Sự sợ hãi, đau khổ và khổ nạn chính là thứ khiến người ta có ngày quay về đường chánh, như vua Ưu Đà Diên trở về quê hương của mình.