Hương Sen Ngàn Cánh

HỘI ƯU-BÀ-DI HẰNG HÀ THƯỢNG

20/04/2017

HỘI ƯU-BÀ-DI HẰNG HÀ THƯỢNG

Hằng Hà Thượng là một tín nữ, lúc Phật ở tại thành Xá Vệ trong vườn Cấp Cô Độc, cô đã đến đảnh lễ đức Phật. Sau là phần đối đáp giữ cô và đức Phật.

Đức Thế Tôn hỏi: “Tín nữ từ đâu đến?”

Đức Phật hỏi thăm người mới đến.

Ưu bà di ấy liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Nếu hỏi hóa nhân ngươi từ đâu đến, hỏi như vậy thì phải đáp thế nào?”

ƯU BÀ DI là tín nữ. Chỉ cho người nữ đã thọ tam qui ngũ giới, có lòng tin thanh tịnh đối với giáo pháp của đức Phật nhưng chưa xuất gia. HÓA NHÂN là người được biến hóa ra, không có chất thật.

Tín nữ này không trả lời “Con từ thành phố Hồ Chí Minh về” hay “Từ Lâm Đồng xuống” mà hỏi ngược lại đức Phật “Nếu hỏi hóa nhân ngươi từ đâu đến, hỏi như vậy thì phải đáp thế nào?”, vì cái thấy của cô không phải như cái thấy của mình hiện nay. Mình thấy có chỗ nơi, có khoảng cách, có thời gian v.v… Vì thế thấy có đến đi. Còn cô không ở trong tình trạng như mình, nên không trả lời như mình.

- Nầy tín nữ, là hóa nhân thì không có đến đi, cũng không có sanh diệt, làm sao nói có chỗ đến đi.

HÓA NHÂN, khi được phù phép thì hiện, khi không thì mất, không từ đâu đến cũng không đi về đâu. Nên nói KHÔNG CÓ ĐẾN ĐI. Thấy có mặt thì gọi là sanh, không có mặt thì gọi là diệt. Song cái sanh và diệt ấy không có chất thật, nói KHÔNG CÓ SANH DIỆT.

Phật trả lời cho Hằng Hà Thượng : Hóa nhân, hô biến thì nó xuất hiện hoặc mất đi, không có việc đi từ đâu hay đến từ đâu. Song cái biến ra đó cũng không có chất thật, như huyễn như hóa.  

- Bạch Thế Tôn! Các pháp há không phải đều như hóa nhân ư? Các pháp vốn từ tâm lưu xuất, chỉ do mê chân tâm mà thấy nhà lầu, xe hơi, con người, thế giới v.v… với mọi thứ sai biệt như hiện nay. Việc này như ngủ rồi mộng, trong mộng thấy có đi, đứng, với mọi cảnh vật, thật ra vẫn ở trên giường không có đến đi. Như mộng, nên nói KHÔNG NHƯ HUYỄN HÓA SAO.

- Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời tín nữ đã nói. Phật xác nhận điều Hằng Hà Thượng nói.

- Nếu các pháp đều như hóa nhân, vì sao Thế Tôn còn hỏi con từ đâu đến?

Mê thì thấy vạn pháp sai biệt, có đến, có đi. Tỉnh thì biết mọi thứ như huyễn như hóa, không thể nắm bắt, không có chỗ nơi. Thân tướng con cũng là một pháp, cũng huyễn hóa không có chỗ nơi, vì sao còn hỏi con từ đâu đến?

Đây nói lên cảnh giới tâm thức mà Hằng Hà Thượng đã đạt, khi đến với đức Phật. Cô đã sống được với tâm chân thật của mình, nên thân và cảnh như huyễn như hóa.

- Người huyễn hóa thì không đến đường ác, không sanh lên trời, không chứng niết bàn, Hằng Hà Thượng, cô cũng vậy sao?

Sống được với cái chân thật thì quả tình vạn pháp không có chỗ nơi, không có đến đi, chỉ như ngủ rồi mộng mà thấy có cảnh giới, có đến đi, nhưng thật là không có đến đi. Song có thật là cô đã được vậy chưa? Việc này tương tự như ngày xưa, chư vị thiền sư dò tâm thiền khách. Câu đầu nếu học lóm, câu hai sẽ bày đuôi.

- Bạch Thế Tôn! Nếu con thấy thân khác với huyễn hóa mới có thể nói đến đường ác, sanh đường thiện và chứng niết bàn. Con không thấy thân khác huyễn hóa, vì sao lại nói đến đường ác cho đến chứng niết bàn? Lại nữa, bạch Thế Tôn! Như tánh niết bàn, rốt ráo không thể sanh thiện ác đạo cùng bát niết bàn. Con thấy thân con cũng như vậy.

Con không thấy có ranh giới giữa thiên đường, địa ngục và niết bàn, vì sao lại hỏi có đến đi?

Không thấy có ranh giới vì đã sống được với tâm chân thật. Sống được với tâm chân thật thì thân tâm thế giới này đồng huyễn hóa, nên nói KHÔNG THẤY THÂN KHÁC HUYỄN HÓA.

BÁT NIẾT BÀN là chỉ cho cảnh giới Phật.

TÁNH NIẾT BÀN là chỉ cho cội nguồn chân thật nhất tâm. Do một niệm bất giác mà sinh cái thấy hư vọng cùng cảnh giới hư vọng. Cái thấy mình đang sử dụng để nhận định về thế giới chung quanh hiện nay, gọi là cái thấy hư vọng. Cảnh giới hư vọng là thân căn thế giới mình đang sống đây. Nói hư vọng vì chỉ như ngủ rồi mộng, cảnh giới không thật. Hư vọng nhưng không biết hư vọng, nên trên cái hư vọng ấy lại sinh tâm phân biệt, mới xuất hiện hạnh phúc và khổ đau, sanh tử và niết bàn. Cái sanh tử và niết bàn đó do mê mà có. Đây là hiện trạng của ta cũng như chư vị La Hán, Bích Chi và Bồ tát, thấy có sanh tử, có niết bàn, có tu hành, có thực chứng. Một khi trở lại được với TÂM THỂ vi diệu kia, tức trí phân biệt hết, thì sanh tử hay niết bàn đều không. Chỉ là một thể toàn nhất. Như vậy, mê mới có sanh tử. Có sanh tử mới có niết bàn và bát niết bàn. Hết mê thì hết sanh tử. Không sanh tử thì cũng không lập niết bàn và bát niết bàn. Hết mê là chỉ cho việc thể nhập TÁNH NIẾT BÀN đó.

Thể nhập được tánh niết bàn, tức đã hết mê. Hết mê thì thế giới, thân căn cùng với cái thấy hư vọng không còn xuất hiện. Trường hợp này giống như người ngủ mà thức dậy, không ngủ thì không còn mộng. Không mộng thì những thứ thấy trong mộng cũng biến mất. Nên nói “Như tánh niết bàn rốt ráo, không thể sanh thiện ác đạo cùng bát niết bàn”.  

Trong kinh Lăng Nghiêm ngài Phú Lâu Na hỏi đức Phật “Nếu Tánh Diệu Giác này cùng với tâm Như Lai không thêm không bớt, bỗng nhiên sanh ra núi sông đất liền cùng các tướng hữu vi. Vậy Đức Như Lai hiện nay đã chứng được tánh diệu không, đến khi nào lại sanh ra núi sông đất liền và các tập lậu hữu vi?”.

Phật trả lời “Thí như người đang mê lầm hướng nam của một xóm làng cho là hướng Bắc … Người mê kia chính khi họ đang mê, có người chỉ cho họ được ngộ. Phú Lâu Na, ý ông nghĩ sao? Người ấy đối với xóm làng kia còn sanh mê nữa chăng?”. Ngài Phú Lâu Na trả lời “Bạch Thế Tôn không vậy”.

Phật nói “Cũng như người bị bệnh mắt, thấy hoa đốm trong hư không, mắt bệnh nếu lành, hoa đốm trong hư không cũng diệt. Bỗng có người ngu đối với chỗ hoa đốm diệt đó mà đợi cho hoa đốm sanh lại. Ông xét người ấy ngu hay là trí?”.

Tương tự, do mê mà thấy có sanh tử, niết bàn và bát niết bàn. Khi thể nhập được tánh niết bàn, tức hết mê thì không còn sanh trở lại mấy thứ đó nữa, nên nói “Tánh niết bàn rốt ráo không thể sanh thiện ác đạo cùng bát niết bàn”. KHÔNG THỂ, là chỉ cho việc làm sao còn sanh lại mấy thứ đó khi đã thể nhập được tánh thể ấy, tức đã hết mê.            

- Cô không đang hướng đến niết bàn giới sao? Đức Phật hỏi tiếp : Không phải là cô đang tu để được niết bàn Phật đó sao? Đã có chỗ hướng về tức đã có đến đi.

- Nếu đem lời hỏi này hỏi chỗ vô sanh thì nên đáp thế nào?

Hằng Hà Thượng không trả lời trực tiếp câu hỏi của đức Phật mà hỏi ngược lại : Hỏi chỗ vô sanh thì nên trả lời thế nào? Tuy là câu hỏi, nhưng thật là đang trả lời câu hỏi của đức Phật : Con đã được vô sanh thưa đức Phật.

- Vô sanh là niết bàn.

Đức Phật không trả lời câu hỏi của Hằng Hà Thượng mà trả lời vô sanh là niết bàn. Vì đức Phật chưa hài lòng liền với câu kiến giải ấy. Vì dù chứng được tâm vô sanh, vẫn còn ngõ ngách để nghi ngại.

VÔ SANH tuy đều là niết bàn của người tu, nhưng vô sanh của Nhị thừa không phải là vô sanh của Đại thừa. Vô sanh của Nhị thừa là không còn sanh trong tam giới. Chư vị an trú trong niết bàn tịch tĩnh, không làm lợi ích chúng sanh. Đó là do chưa nhận ra được thực tướng của vạn pháp. VÔ SANH của Đại thừa là SANH MÀ VÔ SANH. Tuy vẫn sanh mà hằng sống với cái vô sanh. Chính nhờ SANH MÀ VÔ SANH nên Bồ tát tuy cư trần, vẫn không nhiễm bụi trần, vẫn làm lợi ích cho chúng sanh. Chứng được niết bàn đó, chính là nhận ra được thực tướng của vạn pháp : Ta với tất cả, tuy có sai khác mà thật là đồng cội đồng nguồn. Ngay sanh tử tức niết bàn. Như Trung Luận nói “Sanh tử và niết bàn, không hào ly sai biệt”. Thể nhập thực tướng của vạn pháp chính là đắc niết bàn. Đây là lý do vì sao nói niết bàn của La Hán là hóa thành chưa phải bảo sở. Cũng là chỗ để Phật chưa thể gật đầu với câu trả lời của Hằng Hà Thượng. Đại khái là, ngươi được vô sanh, nhưng liệu có phải là vô sanh của Đại thừa không, hay lại rơi vào vô sanh của Tiểu thừa?

- Các pháp không phải đều đồng niết bàn sao? Con được vô sanh, không phải chỉ mình con vô sanh, mà tất cả pháp cũng vô sanh. ĐỒNG NIẾT BÀN là chỉ cho việc đồng vô sanh. Con không rơi vào Nhân vô sanh của Nhị thừa, mà là nhận ra được cội nguồn chân thật của tất cả pháp, thấy tất cả đều từ tâm lưu xuất. Vì thế con thấy con vô sanh cũng là lúc vạn pháp đồng vô sanh. Vô sanh, là sanh mà không sanh, không sanh mà sanh. Không phải là vô sanh của hàng Nhị thừa.

- Đúng vậy! Đúng vậy!

Phật gật đầu xác nhận.

Vào trình kiến giải với Tổ Thầy, mà thấy Tổ Thầy phát ra một câu không dính gì đến câu trình của mình, hoặc gật đầu xác nhận mà nói “Về y đó mà tu” thì phải hiểu, cái thấy của mình chưa dính dáng, hoặc có dính dáng thì cũng chưa bao nhiêu. Bởi nếu là chính nó, thì chư vị chắc cũng nói như Phật : Đúng vậy! Thành không nên tự mãn mà phải cố gắng …

- Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đồng niết bàn, sao Thế Tôn còn hỏi “Cô không thú hướng niết bàn giới sao?”.

Để Phật tự xác minh rõ ràng mọi thứ rồi, Hằng Hà Thượng mới trả lời câu hỏi của Phật : Tất cả đang trong niết bàn, sao còn hỏi con hướng đến?

- Lại nữa, bạch Thế Tôn! Thí như hóa nhân nói với hóa nhân “Ngươi không thú hướng niết bàn giới sao?”, với câu hỏi đó hóa nhân kia nên trả lời thế nào?

Đây đặt vấn đề hóa nhân hỏi hóa nhân. Nếu cái bóng này hỏi cái bóng kia “Ngươi không hướng đến niết bàn giới sao” thì con phải trả lời thế nào cho phải, thưa đức Phật?

- Cái hỏi đó không có phan duyên.

PHAN DUYÊN là vin vào một cái gì đó, duyên với cái đó mà sinh ra. Như mắt thấy sắc khởi lên sự vui mừng, là mắt phan duyên với sắc. Vì thế, nói đến phan duyên là nói đến thức tình. Nhìn pháp theo cái nhìn của thức tình thì thấy thứ gì cũng thật. Vì thấy thật mới có phan duyên. Không phải là người tỉnh với cái nhìn của trí tuệ. Nếu thật người huyễn hỏi kẻ huyễn thì kẻ huyễn không có dính mắc. Nếu thật là kẻ đã giác ngộ thì đi, đứng, nằm, ngồi, hỏi han đều không dính mắc.

- Như Lai có vì chút phan duyên nào mà đưa đến câu hỏi đó không?

Còn Như Lai thì sao? Không do phan duyên mà hỏi hay là do động tâm mà hỏi?

- Ta hỏi cũng không có phan duyên. Chỉ vì trong chúng hội đây, có nam thiện nữ lành đáng được thành thục, nên mới có câu hỏi đó. Vì sao? Vì Như Lai đối với pháp đó, danh tự còn bất khả đắc, sao có các pháp cùng kẻ hướng đến bát niết bàn?

Ta hỏi cô cũng như người huyễn hỏi kẻ huyễn kia, không có phan duyên. Chỉ vì trong pháp hội này có hạng đủ căn khí để lãnh hội những điều nói đây, nên ta mượn những điều hỏi đó để họ được sáng tỏ cho chính họ. Với ta, không có gì để sở đắc, sao có thể phan duyên? Ngay cả cái tên pháp và niết bàn còn không có, huống là những thứ ấy.

BẤT KHẢ ĐẮC là không thể được, không thể nắm bắt. Như hư không hoặc như giấc mộng, mình không thể nắm bắt được chúng. Giấc mộng còn hiện diện trong mình, chẳng qua vì mình còn lưu nó trong tâm thức, không phải nó thực hiện diện trong thực tế để có thể nắm bắt. Đó là ý nghĩa của từ BẤT KHẢ ĐẮC.

- Nếu vậy, sao lại vì bồ đề mà tích tập thiện căn, khi chư Bồ tát và thiện căn của họ đều bất khả đắc?

NẾU VẬY, là nếu không có gì để sở đắc. Nếu không có gì để sở đắc thì tích tập thiện căn làm gì? Hằng Hà Thượng đặt vấn đề, để đại chúng hiểu hơn về việc tu hành. Đây là dùng SỰ để rõ LÝ. Để thấy mối liên hệ khắn khích giữa lý thuyết và thực hành. Đứng trên mặt lý luận, đây là dùng SỰ để bẽ LÝ, lấy VIỆC THỰC bẽ LÝ THUYẾT.

- Nầy tín nữ! Khi tích tập, vô tâm. Khi không tích tập cũng như vậy.

Tuy tích tập mà vô tâm. Khi không tích tập cũng như vậy. Phần này được kinh giải thích rõ ở các đoạn sau. TÍCH TẬP là chỉ cho việc gom góp. Từ việc tu hành cho đến việc làm lợi ích cho mọi người, gom hết các thứ đó lại, gọi là tích tập. Nó tương đương với từ BÒN CÔNG ĐỨC mình hay sử dụng hiện nay.

- Vô tâm là muốn nói nghĩa gì?

Hỏi về nghĩa vô tâm.

- Pháp đó không phải là chỗ mà suy nghĩ có thể biết được, cũng không phải là chỗ mà suy nghĩ có thể đến được. Vì sao? Vì chỗ đó, tâm còn bất khả đắc huống là tâm sở sanh pháp. Vì tâm bất khả đắc nên gọi tên là “Cảnh giới không thể nghĩ bàn”. Cảnh giới không thể nghĩ bàn ấy không đắc, không chứng, không nhiễm, không tịnh. Vì sao? Vì Như Lai thường nói tất cả pháp như hư không, không có chướng ngại.

TÂM là chỉ cho tâm vương. TÂM SỞ SANH PHÁP là chỉ cho những pháp thuộc tâm sở. Chỗ đó, tâm còn không thể nắm bắt, huống là những thứ như phân biệt, vui, buồn, nhớ, nghĩ v.v… thuộc tâm sở sanh pháp. Nên nói “Tâm còn bất khả đắc huống là tâm sở sanh pháp”.

Chỗ vô tâm đó không thể dùng lời nói mà nói được, cũng không thể dùng tâm sanh diệt đây suy lường được. Cảnh giới chứng nào còn rơi vào năng sở, dù là loại năng sở chưa phân hai, cũng chưa phải nó. Vì thế, nó được mệnh danh là CẢNH GIỚI KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN. Đã không thể nghĩ bàn thì chỉ khi bặt ngôn thuyết và sự suy lường tìm tòi của tâm thức, mình mới tương ưng được với nó. Đây, Phật mượn hư không để nói về cảnh giới đó. Không phải không có mà chỉ như hư không, không hình tướng, không chỗ nơi. KHÔNG ĐẮC, KHÔNG CHỨNG vì nó vốn sẵn. KHÔNG TỊNH, KHÔNG NHIỄM vì nó không phải là đối tượng của trí phân biệt.

- Nếu tất cả pháp như hư không, vì sao Thế Tôn nói có sắc, thọ, tưởng, hành, thức cùng các giới, xứ và Thập nhị nhân duyên, hữu lậu cùng vô lậu? Rồi còn nhiễm, tịnh, sanh tử cùng niết bàn?

Dựa vào câu trả lời của đức Phật, Hằng Hà Thượng hỏi tiếp : Vạn pháp nếu như hư không, vì sao trước đây Thế Tôn lại nói có sắc, thọ, tưởng, hành, thức v.v… Có lẽ cũng là chỗ thắc mắc của nhiều người. Nêu ra, là để phá chỗ chấp pháp của hàng Nhị thừa.  

- Thí như nói ta, tuy có ngôn thuyết mà thật không tướng ta có thể được. Ta nói các sắc, thật cũng không có sắc tướng có thể được. Cho đến niết bàn cũng lại như vậy. Chỉ như dương diệm, không nước có thể được. Ta nói các sắc cho đến niết bàn cũng lại như vậy.

Nói nhiều, nhưng tất cả không có thứ nào có tánh. Tuy có hình có tướng nhưng không thứ nào có chất thật, chỉ do mê mà hiện ra mọi cảnh giới. Đây lấy chính cái TA của đức Phật ra để giải thích. Tuy đức Phật nói ta, nhưng không hề có một cái ta nào để có thể nắm bắt. Những thứ khác cũng như vậy. Tuy thấy nhà lầu, xe hơi, chùa chiền, con người, nhưng không thứ nào có chất thật. DƯƠNG DIỆM là điển tích con hươu khát nước, thấy ráng nắng mà tưởng là nước. Nước vốn không có. Sắc, thọ, tưởng v.v… cũng vậy, đều do mê mà sanh khởi, vốn không có tánh thật. Hết mê thì nhận ra được thực tánh không của chúng, nên nói NHƯ HƯ KHÔNG.

- Này Hằng Hà Thượng! Với pháp của ta, người tu phạm hạnh thấy các pháp đều không sở đắc, mới có thể gọi là chân tu phạm hạnh. Kẻ tăng thượng mạn nói có sở đắc, nên không gọi là an trụ chân phạm hạnh. Ta nói như vầy, kẻ tăng thượng mạn nghe thâm pháp này sẽ sinh nghi hãi, không thể thoát khỏi sanh lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ não.

TĂNG THƯỢNG MẠN là chỉ cho những kẻ coi trời bằng vung, chỉ thấy có mình là đúng. Đây là lời dạy của đức Phật đối với người tu : Từ việc phước thiện cho đến việc tu hành, mọi thứ đều là phương tiện. Gọi là phương tiện, vì do mình bị cái tật đó thành phải dùng pháp đó trị cho hết cái tật đó. Tật hết rồi thì pháp cũng bỏ. Như muốn đi Long Thành thì phải dùng xe hơi để đi. Xe hơi là phương tiện giúp mình đến Long Thành, không phải xe hơi là Long Thành. Tăng thượng mạn là chỉ cho những vị vừa lên xe, lại tưởng xe chính là chỗ đến. Tưởng như thế nên ngồi luôn trên đó, không chịu xuống cũng không đi tiếp. Vì thế, trong việc tu hành, không thể chấp giữ bất cứ thứ gì, dù đó là pháp Tiểu thừa, Đại thừa hay Nhất thừa. Chưa đến nơi thì phải nương pháp mà đến. Nhưng không nên lầm pháp môn với cứu kính, lầm hóa thành với bảo sở. Lầm thì như kẻ ngồi xe đi Long Thành mà tưởng xe là Long Thành.

Cái lầm này có rất nhiều dạng : Kinh luận là phương tiện để giúp mình tu hành. Tu hành là để giúp mình nhận ra trí tuệ chân thật của chính mình. Nhưng học kinh học luận rồi lấy những thứ trong kinh luận đó làm kiến giải của mình. Đi đâu cũng ôm khư khư chừng đó làm sự nghiệp, không thiền định, không buông bỏ, cũng không có ý chí tiến thủ, tức đang tưởng xe là Long Thành. Là lấy phương tiện làm cứu kính.

Tu hành thì tùy năng lực của mình mà người tụng kinh, người công quả, người thiền định, người giáo hóa v.v… Cứ tùy lực mà làm. Sức mình tới đâu mình làm tới đó. Thứ gì chưa đủ thì để đó tính sau. Nhưng dù làm bất cứ gì cũng phải nhớ, tất cả chỉ là phương tiện, chưa phải là chỗ cuối cùng. Bởi việc cuối cùng của người tu là phải làm sao phát huy lại trí Phật của chính mình và giáo hóa chúng sanh không nhàm mõi. Quên mất chỗ cuối cùng đó mà lấy những thứ tụng kinh, công quả v.v… hiện đời cho là rốt ráo, là mình đang ngồi xe mà tưởng đến Long Thành. Thứ gì là tưởng, thứ đó có lỗi.

THÂM PHÁP là chỉ cho pháp không có sở đắc. Người đang muốn có cái gì để sở đắc, mà giờ nghe không có gì để được thì đâm hoảng, đó gọi là HÃI. Trước Phật nói có niết bàn để được, giờ lại nói không có gì để được. Thụt lui thụt tới như thế, không khỏi khiến mình nghi ngại. Ông nội có gì không ổn đây, thành lúc nói thế này lúc nói thế kia. Nghi Phật, nghi pháp đều thuộc về NGHI. Hai thứ HÃI và NGHI đó cộng lại, nên nói SINH NGHI HÃI.  

Vì không sở đắc nên trên nói TÍCH TẬP MÀ VÔ TÂM. Ngay khi tích tập đó, vô tâm! Không có phần tích tập công đức thì rơi vào ngoan không, không xóa bỏ được bản ngã thâm căn cố đế của người tu. Không có SỰ để tương ưng với LÝ. Nhưng nếu thấy thật có tích tập thì rơi vào sở đắc, thành kẻ tăng thường mạn. Vì thế, ngay tích tập đó mà vô tâm. Đó là chân tu phạm hạnh, là người có đức hạnh chân thật. Vì sao gọi là chân thật? Vì thuận với cái không sở đắc của pháp tánh chân như.        

Này Hằng Hà Thượng! Sau khi ta diệt độ, có người sẽ tuyên thuyết về pháp dứt lưu chuyển thậm thâm này. Kẻ ngu si vì ác kiến nên đối với pháp sư đó sanh tâm não hại. Do nhân duyên đó mà đọa các địa ngục.

DIỆT ĐỘ là nhập niết bàn, nói đơn giản là chết.

DỨT LƯU CHUYỂN là không còn lưu chuyển. Ngoài pháp tánh chân như, mọi thứ đều sanh diệt lưu chuyển. Nên PHÁP DỨT LƯU CHUYỂN dùng để chỉ cho pháp tánh chân như, Phật tánh, pháp tánh, Như Lai, Vô sanh v.v… Có đến hàng ngàn tên để chỉ cho pháp dứt lưu chuyển. Chính là cảnh giới không thể nghĩ bàn đã nói trên. Pháp đó là cội nguồn tối cùng của vạn pháp, nên nói THẬM THÂM.

TUYÊN THUYẾT là tuyên nói, giảng thuyết. Như hiện nay pháp sư nào nhắc cho mình nhớ mình có Phật tánh, chân như, chân tâm v.v… Pháp sư ấy đang tuyên thuyết pháp dứt lưu chuyển nói đây.  

ÁC KIẾN là chỉ cho những suy nghĩ hay cái thấy không đúng với qui luật đang chi phối thế gian này. Pháp dứt lưu chuyển thuận với thiện tâm và thiện sự. Nên nó nghịch với ác kiến và ác nhân. Chính vì thế, đối với pháp sư giảng nói về pháp dứt lưu chuyển, những kẻ có ác kiến sẽ sinh tâm thù nghịch đối đầu. NÃO HẠI có nhiều cách : Chê bai, nói xấu, tìm cách hãm hại, hoặc phá rối không cho giảng thuyết v.v…

CÁC ĐỊA NGỤC vì địa ngục không phải chỉ có một mà nhiều vô số. Muốn biết thì lật kinh Địa Tạng ra. Có vô số loại địa ngục với đầy đủ tên gọi …

Những gì mình thấy trong hiện tại đều do mê mà có. Do mê nên cái thấy đó không phải là cái thấy đúng đắn. Muốn thấy đúng thì phải có trí tuệ. Muốn có trí tuệ, tâm phải lắng động thanh tịnh, không chạy theo tham dục, sân nhuế v.v… Song thân tâm mình lại chất đầy tham dục sân nhuế và quan niệm, nên không thấu hết được những gì kinh nói. Như con nít lớp bốn, không thể hiểu nỗi toán lớp sáu. Vì thế những gì kinh nói mà trí mình chưa thấu được thì để đó suy gẫm, không nên phỉ báng. Phỉ báng tức là mình đang xa rời chân lý. Chân lý thì thuần thiện. Rời càng xa chân lý thì càng nghịch với thiện. Đó là nhân duyên để đọa địa ngục. Nói não hại pháp sư mà đọa địa ngục là vì lý do đó. Ngoài ra với người giảng pháp thậm thâm, công đức của người đó rất lớn. Làm hại người có công đức, tự hành động đó đã có quả báo đọa địa ngục.

Thành thứ gì vượt quá tâm thức của mình mà mình chưa thấu được thì có quyền nghi. Nghi để tu mà dứt cái nghi đó. Nhưng không đủ trình độ để hiểu, hay do lòng đố kỵ mà phỉ báng, thì không tránh khỏi báo xấu. Đây Phật nói đọa địa ngục. Có thể có người không tin có địa ngục. Nhưng không cần địa ngục xuất hiện, mình mới thấy có địa ngục. Ngay thân mình đây, chỉ cần lỡ loét đau đớn một chỗ nào đó, nếu không có định lực bình thản được với nó, là đủ để mình cảm nhận địa ngục thế nào. Chuyện đó không khó xảy ra với thời đại hóa chất ô nhiễm như ngày nay. Vì thế, cần quãn ý niệm và miệng lưỡi của mình cho kỹ là vậy.

- Bạch Thế Tôn! Như pháp dứt lưu chuyển mà Thế Tôn nói đó, vì nghĩa gì mà gọi là dứt lưu chuyển? Hỏi về pháp dứt lưu chuyển.

- Dứt lưu chuyển là cảnh giới thật tế không thể nghĩ bàn. Pháp này không thể xuyên thủng phá hoại, nên gọi là pháp dứt lưu chuyển.

THẬT TẾ là bờ mé chân thật, chỉ cho cội nguồn mà từ đó có thân, tâm, thế giới hiện nay. Tuy nói cội nguồn, nhưng không có hình tướng, bờ mé, giới hạn. Chỉ là nhất chân pháp giới. Vì là pháp không lưu chuyển nên nó không có hình tướng, không bị chi phối bởi không gian và thời gian, nên nói KHÔNG THỂ XUYÊN THỦNG PHÁ HOẠI. Đây là một dạng định nghĩa khác về pháp dứt lưu chuyển, là chỉ cho pháp tánh chân như Phật tánh của chúng ta.

Bấy giờ, đức Phật vui vẻ mỉm cười, từ diện môn phóng ra đủ thứ quang minh xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía, pha lê, chiếu khắp vô lượng quốc độ lên đến Phạm thế, rồi nhập lại vào đảnh Như Lai. DIỆN MÔN, trong Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký, ngài Hiền Thủ giải thích “Giải thích từ tiếng Phạn ra, Diện môn chỉ chung cho cả mặt lẫn miệng”.

A Nan thấy việc ấy, tự nghĩ “Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, không thể không có nhân duyên mà mỉm cười”. Suy nghĩ xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải, quì gối phải xuống đất, chấp tay hướng về Phật thưa rằng: “Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Thế Tôn mỉm cười?”.

Phật nói “Ta nhớ xưa kia, cũng tại nơi này, có ngàn Như Lai thuyết pháp như vậy. Ở trong các chúng hội đó, mỗi mỗi đều có tín nữ Hằng Hà Thượng làm thượng thủ. Tín nữ cùng với đại chúng nghe pháp này xong liền xuất gia. Nơi Niết bàn vô dư mà được diệt độ”.

Là thế giới Duyên khởi nên không có gì xuất hiện mà không theo qui luật có nhân, đủ duyên mới có quả, không gì tự nhiên mà có, tự nhiên mà mất. Vì thế A Nan nói “Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, không thể không có nhân duyên mà mỉm cười như vậy”. Đó là nhân duyên gì? Là nhớ lại tiền kiếp của Hằng Hà Thượng. Hằng Hà Thượng ngày nay có được trí tuệ và phong cách như vậy, vì cô đã tu tập nhiều đời trong quá khứ, từng làm thượng thủ của chúng Đại Bồ tát trong hàng ngàn kiếp trước. Cô đã từng xuất gia, từng nhập niết bàn vô dư. Vì thế kiếp này, dưới màu áo tín nữ bình thường, trí tuệ của cô vẫn sáng ngời vượt bực. Cô đã đối đáp với đức Phật về cội nguồn tối cùng của vạn pháp không chút chướng ngại sợ hãi.

Cho nên, không nên có cái nhìn phân biệt giữa nam và nữ. Không chừng họ cũng đã từng làm thượng thủ trong những pháp hội nào đó. Bản thân người nữ cũng không nên mặc cảm: “Người nữ thì không thể có trí tuệ và công hạnh như người nam”. Phái nào cũng có chỗ mạnh chỗ yếu của nó. Không kiêu ngạo thách thức nhưng phải có niềm tin vững chắc với chính mình. Có niềm tin, có tu tập sẽ có trí tuệ. Thiền sư Đạo Nguyên nói “Không ai không là pháp khí của Phật. Có tu tập sẽ có trực chứng”.

Cuộc đối thoại của Phật và cư sĩ Hằng Hà Thượng đến đây chấm dứt.

Trước khi pháp hội chấm dứt, A Nan hỏi “Tên kinh là gì? Chúng con làm sao thọ trì?” . Phật trả lời “Kinh này tên Vô Cấu Thanh Tịnh. Nên theo tên kinh mà thọ trì”. Lúc đó, có 700 Tỷ kheo và 400 Tỷ kheo ni tâm được giải thoát. Còn chư Thiên thì đem hoa trời cúng Phật, rồi cùng tán thán Hằng Hà Thượng rằng “Tín nữ này thật hiếm có! Có thể cùng đức Như Lai đối đáp không hề sợ hãi. Người này đã từng thân cận cúng dường vô lượng chư Phật, gieo trồng các thiện căn”. Rồi mọi người vui vẻ y theo những gì Phật đã dạy mà tin nhận phụng hành.

Nghe pháp rồi, về phải nhớ thực hành. Không phải nghe pháp xong rồi bỏ đó cho ruồi bu kiến đậu. Nghe pháp như vậy, lợi ích không được bao nhiêu. Mình sẽ không hết khổ. Nghe như vậy một thời gian rồi cũng chán. Vả lại, không có sự tu tập, không thể bước vào pháp thậm thâm của Như Lai. Chỗ thậm thâm đó mới là phần tinh túy tuyệt diệu của đạo Phật. Không ăn được phần tuyệt diệu đó, không cách gì thấy được cái hay của đạo Phật. Niềm tin của mình sẽ lụi tàn mau chóng.

VÔ CẤU là không nhơ. Không bị bụi trần làm chao đảo động tâm, chính là vô cấu. Tâm không chao đảo thì sáng trong yên lắng, nên nói THANH TỊNH. Lấy 4 chữ VÔ CẤU THANH TỊNH này làm chỗ tu hành, sẽ có trí tuệ và biện tài vô ngại như tín nữ Hằng Hà Thượng.