Hương Sen Ngàn Cánh

BỒ-TÁT VÔ ÚY ĐỨC (P1)

20/04/2017


BỒ-TÁT VÔ ÚY ĐỨC (1)

Vua A Xà Thế có người con gái tên Vô Úy Đức, đoan chính không gì bằng, thành tựu công đức thù diệu tối thắng. Năm đó mới 12 tuổi, đang ngồi trên cung lầu, chân mang guốc kim bảo, thấy chư Thanh văn tới mà không đứng dậy nghinh tiếp, không lễ lạy, cũng không hỏi han, cứ vậy mà ngồi.

Vua A Xà Thế thấy con gái ngồi bình thản như thế, liền lên tiếng: “Con không biết chư vị là đệ tử thượng túc đã thành tựu đại pháp của Thích Ca Như Lai, là phước điền của chúng sanh sao? Vì thương chúng sanh mà đi khất thực. Nay con đã được gặp, vì sao không đứng dậy, không nghinh tiếp, không lễ lạy, không thưa hỏi cũng không nhường chỗ ngồi? Con nghĩ thế nào mà không chịu đứng dậy nghinh đón”.

Đây là khoảng thời gian đức Phật cùng với chúng Tỷ kheo và Đại Bồ tát đang ở trong núi Kỳ Xà Quật. Sáng đó, Tôn giả Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất cùng vô số các vị Thanh văn cầm bát vào thành Vương Xá khất thực, theo thứ tự từng nhà mà đi cho đến cung điện của vua A Xà Thế. Chư vị đứng đó mà không nói là khất thực hay không khất thực. Trên gác lầu, con gái vua A Xà Thế là Vô Úy Đức bình thản ngồi nhìn, không có dấu hiệu kính lễ cũng như cúng dường cho chư vị. Chỉ cần là bạn bè của cha mẹ thôi, một đứa trẻ có giáo dục đã phải kính cẩn lên tiếng chào hỏi, huống là hàng Tăng chúng? Thái độ như thế quả là chướng mắt.

VÔ ÚY nghĩa tiếng Việt là KHÔNG SỢ. ĐỨC là chỉ cho hạnh cao cả. Vô Úy Đức là hạnh không sợ. Không sợ mà thuộc về đức chứ không phải thuộc về thói ngang tàng. Bởi cái đức vô úy ấy, nên chư Thanh văn đến mà cô vẫn ngồi yên như không thấy gì : Không sợ đọa địa ngục cũng không ưa thiên đàng nên không sợ thất kính cũng không thiết tha cúng dường. Nhưng vì cái KHÔNG SỢ này lại là một loại công đức, nên tác dụng của nó phải mang lại lợi ích cho ai đó. Phần lợi ích này sẽ được hiển qua các đối thoại sau.  

THÀNH TỰU ĐẠI PHÁP là chỉ cho những vị đã chứng quả vị La Hán, là những đại đệ tử của đức Như Lai, nên nói ĐỆ TỬ THƯỢNG TÚC của Như Lai. Cúng dường, lễ lạy, ca ngợi các bậc có đức hạnh, đều có quả báo tốt đẹp, nên vua Xà Thế quở con gái, sao thấy ruộng phước đến mà cứ mặc nhiên như không vậy con?

Lúc ấy Vô Úy Đức thưa với cha : Chẳng hay Phụ vương có thấy có nghe Chuyển Luân Thánh Vương thấy các Tiểu vương mà đứng dậy nghinh tiếp chăng?

Vua A Xà Thế đáp: “Chưa hề!”.

Đây là cô nàng trả lời câu hỏi “Con nghĩ thế nào mà ngồi yên như thế?” của cha. Tuy là hỏi mà chính là đang trả lời. Vua A Xà Thế không phải là loại ngựa hay, thấy bóng roi liền chạy, thành cứ theo đó mà trả lời. Nhờ vậy mình mới ăn theo được. CHƯA HỀ là ta chưa từng nghe cũng chưa từng thấy có sự việc ấy.

CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG cũng có 32 tướng tốt như của Phật. Vị vua này lên ngôi, do thiên cảm mà có được luân bảo, rồi vận chuyển luân bảo mà hàng phục 4 phương. TIỂU VƯƠNG là chỉ cho những vua trong 4 phương đó.

Trước khi trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Vô Úy Đức đặt ra một loạt vấn đề hỏi ngược lại vua A Xà Thế, lấy đó làm luận cứ để biện cho việc mình đã làm.  

- Phụ vương có thấy có nghe chúa của loài cầm thú là sư tử, thấy dã can liền đứng dậy tiếp nghinh chăng?

Nhà vua đáp: - Chưa hề !

DÃ CAN là chồn hoang. Đây là so về tiếng rống của sư tử với tiếng rú của dã can. Tiếng gầm của sư tử oai hùng vang vọng, khiến mọi loài đều sợ khiếp vía, trong khi tiếng chồn hoang rên rỉ yếu ớt như tiếng chó tru đêm. Cũng muốn nói đến tướng uy nghi độc lập, oai vệ, chưa bao giờ phải lẫn trốn, sợ hãi trước loài thú nào.  

- Phụ vương có nghe có thấy thần biển lớn lại lễ kính thần sông, thần ao chăng?

Vua A Xà Thế đáp : - Chưa hề!.

Đây là so sánh sức chứa của biển cả với ao hồ.

- Phụ vương có thấy có nghe vua núi Tu di lễ kính vua núi nhỏ chăng?

Vua A Xà Thế đáp: - Chưa hề!

Núi Tu di là vua của các núi, vì sự hùng vĩ và chất lượng châu báu của nó không có núi nào sánh nổi.

- Phụ vương có thấy có nghe thần Nhật Nguyệt lễ kính bầy đom đóm chăng?

Vua A Xà Thế đáp: - Chưa hề!

Đây là so sánh về ánh sáng của mặt trăng và mặt trời với ánh sáng của đom đóm. Mặt trời xuất hiện thì bóng tối liền tan. Mặt trăng xuất hiện thì sáng khắp một vùng, không như đom đóm le lói, chỉ đủ chiếu sáng cho mình.

Vô Úy Đức lại thưa : Cũng như Chuyển Luân Thánh Vương, Bồ tát phát tâm thú hướng vô thượng bồ đề, ở địa vị sơ phát tâm đã có đại từ bi, sao lại kính lễ hàng Tiểu thừa Thanh văn rời bỏ đại từ bi?

Sau khi được vua A Xà Thế công nhận một loạt những câu hỏi trên, bấy giờ Vô úy Đức mới vào đề, trả lời câu hỏi của vua cha. Tiến là câu hỏi nhưng thực chất là câu trả lời, cốt nhấn mạnh lại những gì mà cô và vua cha đã đối đáp ở phần trước.

Cô không đứng dậy chào đón nghinh tiếp hoặc cúng dường hàng Thanh văn vì cô phát tâm hành Bồ tát đạo, thú hướng Phật quả, không thú hướng quả vị La Hán như hàng Thanh văn. Vì sao thú hướng Phật quả lại hơn thú hướng Thanh văn? Vì có tâm đại từ bi, còn hàng Thanh văn thì không. Tâm ĐẠI TỪ BI là tâm làm lợi ích cho chúng sanh không kể thời gian kiếp số, không kể cực khổ nguy nan. Nghe thì đơn giản, nhưng vào từng sự từng việc mới thấy tâm đại bi này vì sao gọi là ĐẠI. Không đơn giản chút nào. Không thể không hơn Thanh văn.

Vì sao hàng Thanh văn cũng đi khất thực làm ruộng phước cho chúng sanh mà nói không làm lợi ích? Vì chư vị không có ý nguyện hành Bồ tát đạo như chư vị Bồ tát. Hành kiếp này xong, chư vị nhập định trụ niết bàn, trú luôn trong đó. Coi như phủi sạch nợ trần.    

- Thưa Phụ vương! Sao có loài sư tử đã cầu đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác mà lại lễ kính loài dã can Tiểu thừa? Phụ vương! Sao có người đã cầu đạo đại phạm, tiến lên vô thượng bồ đề mà thân cận hàng thiện căn nhỏ bé Thanh văn?

Vì sao ví Bồ tát thú hướng quả vị Vô thượng bồ đề là sử tử, mà hàng Thanh văn Tiểu thừa lại như dã can? Bởi đạt được quả vị Phật thì viên mãn được 4 vô úy. Hàng Bồ tát, dù chỉ là sơ phát tâm, cũng đã hình thành được cái nhân VÔ ÚY này. Không có tâm “không sợ” này, thì không dám phát nguyện bỏ niết bàn, trầm luân trong sanh tử để cứu độ chúng sanh. Cái vô úy ấy y như cái vô úy của chúa sơn lâm, bình thản, không sợ hãi trước bất cứ loài thú nào. Trong khi hàng Thanh văn tu Tứ đế nhập niết bàn, nguyên do là để thoát được nỗi sợ hãi sanh tử. Cái sợ hãi đó khiến cô nàng ví Thanh văn như chú dã can, cũng có được chút uy lực đối với loài thú nhỏ, nhưng không thể uy nghi tự tại như hàng sư tử Bồ tát. ĐẠO ĐẠI PHẠM là chỉ cho quá trình hành Bồ tát đạo.

Dã can thấy sư tử, mới có việc khép nép bỏ chạy, đâu hề thấy sư tử đứng dậy đón tiếp hoặc la cà với loài dã can. Vì sao con lại phải đứng dậy chào đón và thân cận hàng Thanh văn thưa cha? Đại khái là vậy.          

- Phụ vương ! Sao có người muốn đến biển lớn đại trí, muốn cầu biết được đại pháp mà lại còn tìm dấu chân trâu Thanh văn, là do nghe âm thanh mà được? Phụ vương! Sao có người muốn đến núi Tu di Phật để cầu sắc thân vô biên Như Lai, mà còn tìm lực không tam muội nhỏ bé trong hột cãi của hàng Thanh văn, mà kính lễ họ?”

Đại trí của Phật luôn được ví như biển cả, có thể chứa đựng tất cả nước của sông rạch ao hồ. Trí của hàng Nhị thừa chỉ biết cái chung, gọi là tổng tướng. Trí của Phật biết cả tổng tướng lẫn biệt tướng của vạn pháp. Được điều đó, vì Phật đã trở về được cội nguồn chân thật nhất tâm, cũng chính là cội nguồn của tất cả pháp.

NGHE ÂM THANH mà được, là ý nghĩa của từ Thanh văn. Thanh là âm thanh. Văn là nghe. Hàng Thanh Văn do nghe đức Phật giảng Tứ đế, tu tập mà có quả vị. Nhưng do quả vị rốt ráo của chư vị chưa phải là chỗ tột cùng chân thật như hàng Bồ tát Thập địa, nhận được nhất niệm tự tâm, nên nói do nghe âm thanh mà được.

SẮC THÂN VÔ BIÊN là muốn nói đến cái KHÔNG trùm khắp không có bờ mé của Như Lai, chính là cội nguồn chân thật của tất cả pháp. Tuy là KHÔNG nhưng lại đầy đủ vô vàn công đức không thể nghĩ bàn, tùy chỗ cảm ứng của chúng sanh mà hiện thân tướng, giáo hóa chúng sanh. Thanh văn không có được lực dụng đó, vì Thanh văn không có ý nguyện độ sanh, nên không như hàng Bồ tát Thập địa, theo nguyện độ sanh mà hiện thân tướng. So với Phật càng không thể bằng.

Tam muội của Phật cũng do tâm KHÔNG, mà tam muội của Thanh văn cũng do tâm không. Song cái KHÔNG của Phật là cái KHÔNG không có bờ mé, đầy đủ pháp, báo và hóa thân, không xuất cũng không nhập, hằng định thường nhiên. Cái không của Thanh văn có xuất có nhập, là thứ còn bị hạn chế trong thức thứ 8, nên nói cái không trong hột cãi. Đây là so sánh ĐỊNH LỰC giữa Phật và hàng Thanh văn.

Phụ vương! Sao có người đã nghe được công đức trí tuệ như nhật nguyệt của chư Phật Như Lai mà còn kính lễ công đức và trí tuệ như lửa đom đóm của hàng Thanh văn, khi mà chư vị chỉ có thể tự thấm nhuần và soi chiếu nhờ nghe âm thanh bên ngoài mà hiểu?

Đây là so sánh TRÍ TUỆ của Phật và hàng Thanh văn. Trí vô lậu của hàng Bồ tát Thập địa cho đến quả vị Phật, bắt nguồn từ chủng vô lậu vốn đủ trong mỗi chúng sanh. Trí vô lậu của Thanh văn là do dẹp trừ hữu lậu mà có. Thanh văn chỉ có thể tự lợi ích cho mình chứ không làm lợi ích cho người. Đom đóm có thể tự chiếu sáng cho mình nhưng không thể như mặt trăng mặt trời soi rọi tất cả u tối của thế gian. Vì thế ví Thanh văn như lửa đom đóm.

Con đã biết Phật có trí tuệ như thế, hàng Thanh văn có trí tuệ như thế, nên con chỉ theo Phật chứ không theo Thanh văn. Không chào hỏi kính lễ là biểu thị cho việc ấy. Việc này giống như mình đã qui y Tam bảo thì không thể cứ đình nào cũng lễ, miếu nào cũng vô, gặp gốc cây bên đường cũng vái, đến ngày Châu đốc vía bà là hứng khởi bương đi. Nếu thật sự tin vào pháp của Phật thì phải bất động với những thứ không có căn cứ nhân quả mê tín dị đoan. Phần sau sẽ giải thích vì sao chỉ theo Phật, mà không thân cận hàng Thanh văn.    

Đại vương! Phật nhập niết bàn rồi còn chẳng kính lễ hàng Thanh văn, huống là nay Thế Tôn còn tại thế? Vì sao? Đại vương! Vì người thân cận hàng Thanh văn thì sẽ phát tâm Thanh văn, người thân cận hàng Duyên giác sẽ phát tâm Duyên giác, người thân cận Chánh chân chánh giác liền phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

Dù cho Phật không còn ở thế gian thì vẫn một mực theo Phật chứ không theo Thanh văn, huống là Phật vẫn có mặt đó. Từ KÍNH LỄ đây mang ý nghĩa như thế. Đó là tâm trạng của đa số quần chúng. KÍNH LỄ thứ gì thì hay để tâm theo thứ ấy.

VÌ SAO? Là để giải thích vì sao chỉ theo Phật mà không theo Thanh văn. Vì gần Phật thì thành Phật mà gần Thanh văn thì thành Thanh văn v.v… Như người đời thường nói “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” vậy. Chánh chân chánh giác là chỉ cho Phật.      

THÂN CẬN nghĩa là gần gũi. Trên mặt hiện tượng, có khi mình thấy người này dễ gần gũi, mà người kia thì không. Người này nói chuyện cũng gần mà thân không được. Kẻ gặp nhau thì chướng ngại nặng nề. Kẻ gặp nhau lại như xuất thần dược, thân thể mạnh khoẻ, tươi tắn khác hẳn v.v… Tất cả những hiện tượng đó đều có nguyên nhân : Muốn gần gũi được nhau thì phải có cái gì đó chung. Nhà Phật gọi là chủng nhân, nói hẹp là tập nghiệp. Không phải tất cả đều giống nhau mà có thể chỉ một phần. Song không có phần ít này thì không thân cận nhau được.

Xá Lợi Phất nghiêng về trí tuệ thì những người dưới trướng ngài cũng thiên về trí tuệ. Mục Kiền Liên nghiêng về thần thông thì chư vị dưới trướng ngài cũng nghiêng về thần thông. Người có chủng Đại thừa thì hợp với người có chủng Đại thừa. Người có chủng Tiểu thừa thì hợp với Tiểu thừa v.v… Cái đồng nhau đó là thứ liên kết họ lại với nhau. Người đời nói “Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” là đó. Ngoài cái đồng đó, vẫn có những cái không đồng. Đụng đến cái đồng thì yên ổn hòa hợp, đụng đến cái không đồng thì chống đối, căng thẳng, tách biệt.

Chủng nhân tốt như vậy thì với tập nghiệp xấu cũng vậy. Anh bợm nhậu thì chơi với anh bợm nhậu. Mấy cô nhiều chuyện thì chơi với mấy bà nhiều chuyện. Tăng thích đi ma chay thì hợp với Tăng thích cúng ma chay, không thể thân với Tăng thích ngồi thiền. Thúy Vân gặp mả Đạm Tiên thì không sao, mà Thúy Kiều thì giọt ngắn giọt dài. Chẳng qua vì hai chữ ĐỒNG NGHIỆP. Cho nên, quan sát những người mà anh ta thân hay chị ta không thích, thì có thể hiểu về chính con người của họ. Cũng loanh quanh trong mấy thứ đó. Không có cái chung đó, họ không thân với nhau được.

Nhờ chủng nhân nghiệp tập này mà hàng Bồ tát Thập địa mới có cơ hội theo nguyện sanh thân, hóa độ chúng sanh. La Hán thì diệt HOẶC nhưng hàng Bồ tát một khi nhận được cội nguồn chân thật nhất tâm, thấy được tướng huyễn hóa của HOẶC thì không diệt HOẶC nhập niết bàn như hàng La Hán, mà nương HOẶC đó độ sanh. Nói vậy không có nghĩa là giữ nguyên tham, sân, si như chúng sanh. Nương HOẶC nghĩa là vào cảnh giới của HOẶC mà không bị cảnh giới đó mê hoặc. Để độ những người nhiều chuyện thì cái chủng đó anh phải có. Có, anh mới có cùng cảnh giới với họ. Vào cảnh giới đó rồi, đối duyên HOẶC vừa chớm là anh đã giác được nó. Do giác được nên gần được người nhiều chuyện mà anh không phải là người nhiều chuyện. Gần kẻ ngu si mà anh không phải là kẻ ngu si. Anh có tình thương với họ nhưng anh không bị họ dẫn dắt.

Vì sự hiện thân của Bồ tát như vậy nên trong phẩm Phật đạo, ngài Duy Ma Cật nói “Hiện làm tham dục mà không nhiễm đắm. Hiện cách ngu si mà dùng trí tuệ điều phục thân mình. Hiện làm hạnh bỏn sẻn mà bỏ tất cả của cải không tiếc thân mạng. Hiện làm kiêu mạn mà với chúng sanh lại như cầu đò. Hiện vào khắp các đạo mà đoạn dứt nhân duyên”. Cái HIỆN LÀM THAM DỤC đó chỉ cho sự THỊ HIỆN thân tướng và cảnh giới mình đang có. Do chủng nhân đó nên mình có thân tướng đó, những người bạn đó, những người thân đó v.v... Có điều, chúng sanh thì tướng thế nào tâm thế ấy. Bởi TƯỚNG là từ tâm mà ra. Nhưng Bồ tát hóa thân thì tướng như thế mà tâm không như thế. Vì sao? Vì HOẶC huyễn hóa, đến rồi đi như chiếc bóng. Giác được thì không còn bị HOẶC sai sử, nên mọi việc thành trái ngược. Hòa thượng Trúc Lâm nói KHÔNG THEO là bởi cứ sự ấy. Tham dục nhưng giác được niệm tham dục thì không còn tham dục, nên không nhiễm đắm. Kiêu mạn nhưng không theo, nên với chúng sanh lại như cầu đò. Cái giác này chính là cái biết của mình. Biết mà đừng theo, thì chính là Bồ tát. Biết mà cứ theo thì đích thị là chúng sanh. Vì thế, việc tu hành thật ra không khó. Khó ở chỗ là mình tiếc, mình không chịu biết. Biết rồi cũng không chịu buông. Thiền sư Triệu Châu nói “Biết mà cố phạm” là đó.

Với Đại thừa, Tiểu thừa, Nguyên thủy, Tịnh độ, Mật tông v.v… vào chỗ nào dễ dàng, đến nơi nào an vui đều do chủng nhân từ đời trước. Cô thấy hàng Thanh văn đến mà không hồ hởi đón tiếp vì cô không có chủng nhân đó mà cô cũng không có ý nghĩ gieo duyên với hàng Thanh văn. Vì thế, cô bình chân như vại.

Đây chỉ cốt hiển bày cái QUẢNG ĐẠI của Đại thừa, để chúng sanh hiểu mà thú hướng Phật quả. Duyên như vậy nên có pháp như vậy, không phải những hình tướng đó là thứ bất di bất dịch để mọi người lấy đó làm tiêu chuẩn bắt chước theo. Lấy tướng làm chân lý thì chân lý ấy sẽ bị những luận giải bình thường đây làm ộp ẹp ngay tức khắc. Phần sau sẽ có chỗ luận đáp giữa hàng Thanh văn và Bồ tát Vô Úy Đức để mình nắm được vấn đề rõ ràng.

“Phật nhập niết bàn rồi còn chẳng kính lễ Thanh văn huống là nay Phật còn tại thế” mới thấy niềm tin của người xưa đối với Đại thừa kiên cố dứt khoát, nên việc tu hành chỉ có tiến chứ không thối. Đạo Phật bây giờ nẩy sinh quá nhiều thể loại hình dạng, trở thành mê tín dị đoan, cũng do không có niềm tin kiên cố này. Vì sao không có được niềm tin kiên cố ? Vì thiếu phần trí tuệ. Không trí tuệ vì chỉ học lơ thơ năm điều ba chuyện để ba hoa chích choè với thiên hạ rồi thôi, không có sự tu tập, thiền định. Không tu tập, không thiền định thì tâm không lắng. Tâm không lắng thì không thể thâm nhập vào chỗ thậm thâm của chư Phật. Chưa kể đọc thì nhiều, nói cũng không ít, nhưng công hạnh không có, việc tu tập bỏ mặc, nên trên SỰ không có được quả báo tốt đẹp. Không có quả báo tốt đẹp mà không đủ nhẫn lực tu hành, nên mất niềm tin, tin theo tà giáo. Vì thế, tuy gọi là chùa mà thờ đủ thứ hình tượng. Mượn danh đạo Phật để ma mị chúng sanh. Phá nát nhân quả. Tội không phải ít.        

Vô Úy Đức nói xong, liền làm kệ :                    

Thí như người đến biển

Mà lấy một quan tiền

Con thấy chư Thanh văn

Sở hành cũng như vậy

Đến biển đại pháp rồi

Bỏ kho báu Đại thừa

Mà khởi tâm hạn hẹp

Tu hành đạo Tiểu thừa

SỞ HÀNH là chỉ cho việc làm hay chỗ tu hành của hàng Thanh văn. Gần bên biển đại trí đầy châu báu mà chỉ học được cái trí đáng giá một quan tiền.

Như người thân cận vua

Ra vô không chướng ngại

Theo vua xin một tiền

Người này uổng gần vua

Cung kính gần Luân vương

Theo xin trăm ngàn tiền

Giúp vô lượng bần cùng

Gọi là khéo gần vua

Đã gần được chỗ giàu sanh quyền quí thì phải sử dụng được cái gần gũi đó mà giúp mọi người. Không thì việc ở gần ấy vô nghĩa. Gần Phật mà không có được trí tuệ Phật thì uổng công cho việc gần gũi ấy. Thành mình đã có duyên gần gũi được Hòa thượng thì cố gắng mà hành những gì Hòa thượng đã dạy. Rồi dùng những thứ đã học hỏi tu tập đó, giúp đỡ mọi người.

Nên phát tâm vô thượng

Cứu độ hết chúng sanh

Vứt bỏ đạo Tiểu thừa

Mà phát tâm vô thượng

Hay tự lợi lợi tha

Người này đáng được khen

Cũng được đời tôn trọng

Và được đạo rốt ráo

Tiểu thừa chỉ làm lợi ích cho mình, không mang lại lợi ích cho người. Không có quá trình làm lợi ích này thì không thể trừ khử những vô minh vi tế trong tâm, không được trí tuệ tối cùng. Vì thế khuyên tu Đại thừa, để việc tự lợi lợi tha được vuông tròn.

Làm cho người hết khổ, giúp đỡ người thì đương nhiên người phải có tấm lòng kính trọng thuơng yêu với mình. BI TRÍ ĐẦY ĐỦ là chỉ cho việc TỰ LỢI TỰ THA được hoàn tất. Đầy đủ thì thành Phật, gọi là ĐƯỢC ĐẠO RỐT RÁO. Rốt ráo vì đó là chỗ tột cùng, là cội nguồn chân thật của tất cả pháp.

Vì thế nên hôm nay

Chẳng kính lễ Thanh văn

Bởi những lý do trên, hiện tại con chỉ kính lễ Phật mà không thích lễ lạy hàng Thanh văn. Nói một dọc dài đó, chỉ để kết luận một câu này.

Vua A Xà Thế bảo Vô Úy Đức: “Con đại ngã mạn! Thấy chư Thanh văn sao không chào đón”. Nghe con biện luận về hành động của mình, nhà vua không bằng lòng. Cho con gái có lòng kiêu mạn nên biện như vậy. Không phải chỉ ngã mạn thôi mà là đại ngã mạn. ĐẠI nghĩa là quá lắm, hết thuốc chữa rồi.

Ai rồi cũng rơi vào ý nghĩ đó mà thôi. Rất hiếm người có cái nhìn khác đi đối vối những hành động đó. Cho nên, có khi rồi cũng phải bỏ đi những tiểu tiết thường tình của cuộc đời, để làm những việc cần làm. Sợ người ta nghĩ mình có ngã, ngã mạn, vô lễ, nhiều chuyện v.v… thì có khi công hạnh của mình trôi trắng. Với chư vị, những hình thức đó chỉ là mớ vỏ bên ngoài. Vì quá trình thanh lọc tật xấu của thân tâm mà Bồ tát trang nghiêm tự thân, vì người đời lấy hình thức trang nghiêm ấy làm chỗ nương tựa mà Bồ tát trang nghiêm tự thân. Còn xét ra, những hình tướng đó không có gì quan trọng. Trong cái duyên cần sự KHÔNG TRANG NGHIÊM TỰ THÂN để giáo hóa chúng sanh, thì cái không trang nghiêm ấy chính là thứ để trang nghiêm tự thân. Không có gì cố định để chấp thủ. Đây thuộc về mật hạnh. Thành một khi chưa đủ trí tuệ thì không nên hướng ngoại phê phán. Rất dễ tổn đức.

Vô Úy Đức nói “Phụ vương chớ nói vậy! Phụ vương cũng đại ngã mạn. Sao phụ vương không chào đón những người bần cùng trong thành”.

Trên LÝ nói sao cũng được. Đụng vô SỰ mới thấy ngỗn ngang. Ngôn từ luận qua luận lại thì thấy ngon, lôi SỰ ra mà nói, không phải hàng thật, quắc cần câu chứ chẳng phải dễ. Phụ vương nói con ngã mạn, phụ vương nhìn lại mình xem, không lý những hành động đó của phụ vương cũng là ngã mạn?

Nhà vua trả lời “Họ không đồng hàng với ta làm sao ta kính lễ?”.

Cũng biết là không cùng hàng thì không kính lễ. Nhưng với con gái lại bắt bẽ. Đó chẳng qua vì ông không tin con gái mình có năng lực phi phàm của hàng Đại Bồ tát. Con thì không thể hơn cha, nữ thì không thể hơn nam, lại càng không thể hơn các vị đại đệ tử của Phật. Do cái nhìn chấp tướng đó mà ngày nay ta mới có một phẩm kinh rất hay để nghiền ngẫm.

Vô Úy Đức nói “Sơ phát tâm cũng lại như vậy. Tất cả Thanh văn Duyên giác không đồng hàng”.

Cha đã vậy thì con cũng vậy. Vì Thanh văn Duyên giác không đồng hàng với Bồ tát sơ phát tâm, huống là con? Vì sao con phải chào hỏi hay nhường chỗ ngồi cho hàng Thanh văn?

Bồ tát sơ phát tâm là người bắt đầu phát tâm trên cầu Phật đạo, dưới giáo hóa chúng sanh không kể kiếp số. Hàng phát tâm đó mới dám không kính lễ hàng Thanh văn. Còn chỉ có danh Bồ tát và một mớ chữ nghĩa lượm lặt từ kinh luận, tu phước không xong, tu huệ không tới, mà loi nhoi lích nhích phát biểu linh tinh thì khó mà tránh được nạn tai.

Xưa trong pháp hội của ngài Hương Nghiêm, khi Hương Nghiêm đang trả lời câu hỏi cho tăng chúng, thì Sơ Sơn ngồi dưới phát tiếng ụa không bằng lòng. Hương Nghiêm hỏi “Ngươi nói được chăng?”. Sơ Sơn đáp “Được!”. Nhưng buộc Hương Nghiêm phải lễ tạ theo lễ thầy trò, Sơ Sơn mới nói. Hương Nghiêm cũng chịu làm lễ thầy trò. Sơ Sơn nói xong, Hương Nghiêm nói “Ngươi nói thế ấy, 30 năm tiêu ngược, dù ở núi không có củi đốt, ở gần nước không có nước uống. Rõ ràng nhớ lấy!”. Sau Sơ Sơn bị bệnh, mửa 27 năm mới bớt, còn 3 năm sau, mỗi khi ăn xong cũng lấy tay móc cho mửa ra. Đúng như lời Hương Nghiêm thọ ký.

Không biết mà hỏi hoặc đối đáp qua lại thì không sao. Đây là vì muốn cái lễ làm thầy mà ra nông nỗi ấy. Không lượng sức mình thành lảnh quả thế đó.

Nhà vua nói với con gái “Con há không thấy chư Bồ tát đều lễ kính tất cả chúng sanh sao?”. Sinh hổ tử thì ít nhiều gì cũng có chất hổ phụ. Quả tình, Bồ tát thứ thiệt thì không có tâm cao thấp, hơn thua. Ngã tướng xuất hiện mới thấy hơn thua cao thấp. Nếu đúng là Bồ tát thì tâm bình đẳng phải có, phải có lòng trân trọng đối với muôn loài. Như Bồ tát Thường Bất Khinh chẳng hạn. Đó là ý của vua A Xà Thế.  

Vô Úy Đức nói “Bồ tát vì độ hàng chúng sanh kiêu mạn sân não, khiến họ khởi tâm hồi hướng, cho nên lễ kính tất cả chúnh sanh. Vì muốn tăng trưởng gốc thiện căn cho các chúng sanh nên Bồ tát lễ kính chúng sanh. Với chư Thanh văn hiện nay, không tâm sân hận, lại cũng chẳng tăng trưởng thiện căn.

Đây là hình ảnh Bồ tát dưới cái nhìn của Đại Bồ tát. Nếu thật là Bồ tát thì không có tâm trụ hai bên. Nghĩa là, không có tâm coi thường cũng không có tâm trân trọng. Chỉ do cảm ứng với chúng sanh mà hiện tướng. Hiện tướng là vì duyên, để làm lợi ích cho chúng sanh. Nếu hiện kiêu mạn mà trị được cái bệnh kiêu mạn thì hiện kiêu mạn. Nếu hiện kính lễ mà trị được cái bệnh kiêu mạn thì hiện kính lễ. Pháp không cố định, chỉ tùy duyên vì lợi ích chúng sanh mà hiện.

Do chúng sanh có tâm kiêu mạn mà Phật dạy phải tu hạnh không kiêu mạn. Đó là tùy bệnh cho thuốc. Không phải không kiêu mạn là chân lý rồi lấy đó làm tiêu chuẩn để mọi người phải y theo. Nếu đúng là chân lý thì ‘không kiêu mạn cũng không phải không kiêu mạn’. Chỉ tùy duyên mà ‘không kiêu mạn’ hay ‘không phải không kiêu mạn’.

Biện ra đây chỉ để hiểu, không nên hướng ra ngoài so đo đánh giá về hành động của người khác, không phải để ta bắt chước vô tội vạ. Việc này hiện nay không phải không có. Đâu đó vẫn có người dùng miệng lưỡi như thiền sư thứ thiệt mà gốc thì đầy ắp chúng sanh. Thành nói đi thì phải nói lại để mình không lầm mà đọa địa ngục. Người sử dụng được pháp không hai này, phải là hàng Bồ tát không còn tâm hai bên. Vì không còn tâm hai bên nên với chư vị, địa ngục không khác niết bàn. Gây nhân địa ngục hay niết bàn thì gặt quả cũng như mộng huyễn. Vì thế, nếu gieo nhân địa ngục mà có thể giúp chúng sanh hướng về Phật pháp, chư vị vẫn gieo. Nhưng mình thì khác, còn tâm hai bên thì địa ngục không phải là niết bàn. Phát biểu hay gieo nhân thì dễ, nhưng lãnh quả thì không phải dễ, thị hiện Bồ-tát nghịch quá sớm khi chưa đủ năng lực để làm việc đó, là cái họa rất lớn cho mình. Bởi cái QUẢ ở ác đạo chính là cái NHÂN buộc mình đọa tiếp vào một chuỗi ác nghiệp khác. Vì thế, không thể không cẩn thận với việc nói dễ, làm khó này.

Hàng Thanh văn không phải là chúng sanh, chư vị không sân hận cũng không kiêu mạn, dùng pháp kính lễ không có tác dụng. Nhưng dùng pháp không kính lễ lại gây sự chú ý và khơi được tâm muốn an trụ của hàng Thánh chúng, nên con dùng phép không kính lễ. Thành ra, con mang guốc báu ngồi tận lầu cao, không nghinh tiếp cũng không cúng dường.

Đại vương! Giả như có trăm ngàn chư Phật Như Lai, vì họ thuyết pháp vi diệu, thì nơi giới định tam muội của họ cũng không tăng thêm. Đại vương! Thanh văn như lưu ly, Bồ tát như vật dụng quí báu. Giống như bình đầy, khi trời mưa xuống chẳng hứng được một giọt. Cũng vậy Đại vương! Hàng Thanh văn, dù có trăm ngàn ức Như Lai vì họ mà nói diệu pháp, cũng không nhận thêm được gì. Giới định tuệ không thể tăng thêm. Cũng không thể làm cho chúng sanh phát tâm hướng đến Nhất thiết trí.

Đây là nói về sự hạn chế của hàng Thanh văn, là muốn nói đến quả vị rốt ráo của hàng Nhị thừa. Giới định tuệ của hàng Thanh văn tuy như chiếc bình lưu ly nhưng đã chứa đầy nước không thể chứa thêm gì nữa. Không chứa thêm gĩ nữa, có hai nghĩa :

1. Không chứa thêm được nữa, nên cái bình thành vô dụng. Đây, chỉ cho việc vô tác dụng của hàng Thanh văn đối với chúng sanh.

2. Bình đã đầy, không chứa thêm được giọt nào, chỉ cho việc không nhận thêm được gì của hàng Thanh văn đối với giáo pháp của Như Lai. Trụ trong trạng thái niết bàn đó, là dậm chân tại chỗ, không có gì tiến triển.

Tương tự như ngày nay, mình được phước duyên an tịnh trong môi trường khá hoàn hảo, đầy đủ từ vật chất đến tinh thần. Do hoàn cảnh chung quanh tốt, nên thân tâm có được an lạc. Sự an lạc đó chưa hẳn do chính tâm mình đem lại mà do hoàn cảnh mang tới. Nhưng sự an lạc đó khiến mình có khuynh hướng trụ luôn trong hoàn cảnh đó. Tiếp duyên, học hỏi, dịch thuật hoặc làm bất cứ gì khác có khuynh hướng động tâm phiền não là mình ngán, muốn thối lui.

Chỉ do hoàn cảnh mang lại, mà mình còn có khuynh hướng như thế, huống hàng La Hán, sự an lạc của chư vị là từ chính tự tâm. Chư vị không thích động tâm với bất kỳ gì nữa. Nên ví như chiếc bình đầy.

Quá trình hành Bồ tát đạo là quá trình tiếp duyên để tiêu trừ tập nghiệp và tập khí, cũng là quá trình để viên mãn Trí nhất thiết chủng của Phật. Vì tịnh được trong động mới là chân tịnh. Động tịnh không hai mới thật là tịnh. LÝ phải được kiểm nghiệm bằng SỰ thì LÝ đó mới có giá trị thực tế. Không phải chỉ LÝ SỰ VIÊN DUNG mà phải SỰ SỰ VIÊN DUNG mới đạt được cảnh giới Hoa Nghiêm của mười phương chư Phật.

Như người học lấy bằng kỹ sư, nếu không có quá trình thực nghiệm thì cái bằng kỹ sư ấy không có tác dụng. Có học lên thạc sĩ hay tiến sĩ, cũng toàn là lý thuyết với lý thuyết, không có lợi ích gì cho đời mà bản thân mình cũng như cuốn sách chứa chữ. Vì có những thứ chỉ khi thực nghiệm mới lòi ra, còn trên sách vở tìm một câu cũng không có. Tu hành cũng vậy. Chư vị La Hán tuy phải có công phu mới có được cảnh giới niết bàn ấy, nhưng với hàng Bồ tát thì cái niết bàn ấy chỉ như phần lý thuyết của tự thân, chưa được trui rèn bằng thực tế. Nên chỗ tột cùng cần đến chưa đạt đến. Vì thế Thanh văn không thể bằng Bồ tát, từ LÝ cho tới SỰ.      

Đại vương! Thí như biển cả nhận nước của các sông và mây mưa v.v… Vì sao? Vì biển cả là vật chứa vô lượng. Đại vương! Chư Đại Bồ tát khi thuyết pháp thì người nghe theo đó được lợi ích lớn, tăng trưởng tất cả gốc thiện căn. Vì sao? Vì chư Bồ tát đều là vật chứa ngôn thuyết không có bờ mé.

Đây nói về công hạnh và trí tuệ của hàng Bồ tát. Quá trình hành Bồ tát đạo không khác gì một anh kỹ sư nông nghiệp. Lý thuyết chỉ là nền tảng cơ bản anh ta phải có khi bước vào cuộc sống. Ngay cả những gì anh được học trong trường, đã là phần kinh nghiệm thực tế của người đi trước, không hẳn chỉ là lý thuyết suông. Song thời tiết mỗi lúc mỗi khác, giống sâu bọ của từng thời cũng không giống nhau. Thời tiết thay đổi, pháp cũng phải thay đổi để thích ứng và tồn tại. Đất đai sau nhiều vụ gieo trồng cày cấy cũng khác với loại đất đai chưa gieo trồng bao giờ v.v… Những lý thuyết cơ bản anh đã học đó, ứng dụng vào thực tế của từng vùng từng địa phương, đòi hỏi phải có sự sáng tạo và kinh nghiệm của chính anh để bản thân anh được tồn tại và mang lại sự tồn tại cho mọi người. Kinh nghiệm theo đó mà tích tụ lan rộng … Quá trình hành Bồ tát đạo cũng tương tự. Vừa lợi mình, vừa lợi người. Đối duyên tiếp cảnh sàng lọc được tập khí bên trong thì vô minh mới thật sự hết. Động không khác tịnh mới là chân tịnh. Trí tuệ Phật mới được viên mãn. Trí tuệ Phật hiển bày thì chư vị như hàng sư tử kia, rống tiếng rống vang dội khắp rừng xanh. Tâm chân thật không có bờ mé thì dụng của nó cũng không có bờ mé, nên nói “Vật chứa ngôn thuyết không có bờ mé”. Ngôn thuyết trong trường hợp này, chỉ cho ĐẠI DỤNG của Phật tâm.    

A Xà Thế nghe con gái nói vậy đành nín lặng ngồi yên. Hết lời để nói. Nhường chỗ cho các đại đệ tử.

Bấy giờ Tôn giả Xá Lợi Phất nghĩ rằng “Vô Úy Đức này được đại biện tài, lại có thể diễn nói một cách vô tận như vậy, nay ta đến hỏi cô nàng ít lời, xem cô nàng đã đắc nhẫn chăng?”. Nghĩ rồi, đến trước chỗ Vô Úy Đức ngồi.

ĐẠI BIỆN TÀI là nói sao cũng thông, ai nói gì bẽ lại cũng được. Bẽ mà khiến người phải thán phục, không phải nói kiểu ngang như cua, không đầu đuôi, lý luận khiến người chán mà ngưng, không phải vì phục mà bỏ cuộc. NÓI VÔ TẬN là người nói tới đâu mình nói tới đó, không bao giờ bí. TÔN GIẢ XÁ LỢI PHẤT được mệnh danh là đệ tử có trí tuệ bậc nhất của đức Phật. Cùng có cái chung đó, nên động tâm muốn hỏi cho ra lẽ.

Hỏi : Con đang trụ Thanh văn thừa chăng?.

Đáp : Thưa không.

Hỏi : Vậy là Duyên giác thừa?

Đáp : Thưa không.

Hỏi : Đại thừa?

Đáp : Thưa không.

Trong 3 thừa, cô nàng không thuộc thừa nào.

Hỏi : Nếu vậy con đang trụ thừa nào mà có khả năng rống tiếng rống sư tử như vậy?

Không thuộc thừa nào vì sao lại có thể luận giải những điều phi phàm như thế? SƯ TỬ thường được dùng để chỉ cho đức Phật. Lời Phật nói ra như tiếng rống sư tử, muôn thú đều khiếp phục, ngoại đạo dễ qui hàng. Đây ví lời nói của Vô Úy Đức cũng kinh hồn như vậy.  

Đáp : Nếu con có chỗ trụ thì không thể rống tiếng rống sư tử. Vì không chỗ trụ nên mới có thể rống tiếng rống sư tử. Nhưng Tôn giả Xá Lợi Phất lại hỏi trụ thừa nào, vậy pháp sở chứng của Tôn giả há có thừa để phân biệt là Thanh văn, Duyên giác cho đến Đại thừa sao?

Tiếng rống sư tử là diệu dụng của Phật tâm, chính là trí tuệ Phật. Phải là dụng của Phật tâm mới có thể rống lên tiếng rống sư tử. Phật tâm thì vô trụ. Còn trụ thì còn chưa thâm nhập được Phật tâm. 3 thừa chỉ là phương tiện để trở về với Phật tâm như 3 con thuyền đưa ta đến bờ kia. Một khi mình còn ngồi thuyền, thì biết là mình chưa đến được bờ. Chưa đến được bờ thì chưa có được cái dụng thanh tịnh của Phật tâm, chưa thể rống tiếng rống sư tử.

Pháp con chứng không có thừa mà Tôn giả lại hỏi trụ thừa nào. Vậy pháp của Tôn giả chứng, chắc có thừa, nên mới hỏi con như thế phải không? PHÁP SỞ CHỨNG là pháp đã chứng được.

Xá Lợi Phất đáp : Con nghe ta nói, pháp ta chứng không có thừa, không có tướng thừa sai biệt. Vì là nhất tướng nên gọi là vô tướng.

Ta hỏi như thế nhưng chỗ thấy của ta không có thừa. Không có thừa vì nó vô tướng.

Vô Úy nói : Thưa Tôn giả! Nếu pháp vô tướng làm sao cầu được?

Nếu vô tướng, sao Tôn giả cầu được?

Xá Lợi Phất : Vô Úy Đức! Pháp của chư Phật cùng với pháp phàm phu có tướng hơn thua sai biệt sao? Trả lời bằng cách hỏi ngược lại. Con thấy tướng phàm phu và tướng Phật có sai khác nên mới tìm cầu?

Vô Úy Đức : Không và tịch tĩnh có gì sai biệt.

Trả lời gián tiếp bằng cách chỉ thẳng chỗ thực tướng vô tướng của pháp phàm phu và Phật đó. Tâm không phân biệt thì thấy được cái tịch tĩnh này, nên nói KHÔNG và TỊCH TĨ NH có gì sai biệt?

Xá Lợi Phất : Không có sai biệt.

Xá Lợi Phất cũng thấy không có sai biệt.                                          

Vô Úy Đức : Thưa Tôn giả! Như không và tịch tĩnh không có tướng hơn thua, pháp chư Phật cùng pháp phàm phu cũng không có tướng hơn thua. Thưa Tôn giả! Cũng như hư không có thể nhận các sắc mà không phân biệt. Pháp của chư Phật cùng pháp phàm phu không có tướng sai biệt, cũng không có tướng khác.

Đây là nói về thực tướng vô tướng của vạn pháp, là trả lời câu hỏi của ngài Xá Lợi Phất về tướng sai khác giữa pháp phàm phu và pháp Phật. Thực tướng của chúng, bình đẳng không sai biệt. Thực tướng là chỉ cho thực tánh, tánh thể, là LÝ thể rốt ráo. Ai có được cái nhìn như thế với vạn pháp ở thế gian thì ăn bao nhiêu đó ăn, ngủ bao nhiêu đó ngủ, thứ gì cũng là diệu dụng.

HƯ KHÔNG, là thí dụ dùng để chỉ cho cội nguồn chân thật nhất tâm, là chỗ nhất tướng vô tướng của ngài Xá Lợi Phất, là chỗ vô trụ của Bồ tát Vô Úy Đức. SẮC là chỉ cho tướng sai biệt của vạn pháp mình thấy hiện nay. Dù sắc sai biệt thêm bớt bao nhiêu, hư không chẳng thêm cũng chẳng bớt. Đây là dùng hư không và sắc làm thí dụ, không phải nói hư không là pháp thân Như Lai. Hư không là pháp duyên khởi với sắc, đều là tướng hư vọng (luận Trung Quán).

Lúc ấy, Tôn giả đại Mục Kiền Liên nói với Vô Úy Đức : Vậy con thấy pháp Phật cùng pháp Thanh văn có sai biệt gì mà thấy các đại Thanh văn lại chẳng đứng dậy nghinh tiếp, chẳng chào hỏi, cũng chẳng nhường chỗ ngồi?

Mục Kiền Liên mà gọi là ĐẠI vì ông là một trong mười Thánh đệ tử của Phật. Giờ mới lên tiếng, vì giờ mới nắm được một câu của Vô Úy Đức để phản biện. Nếu biết tất cả pháp đều không có tướng sai biệt thì sao còn phân biệt cao thấp mà không chịu đứng dậy lễ lạy?  

Vô Úy Đức đáp : Như tinh tú có đầy trời cũng không chiếu sáng thế gian. Hàng Thanh văn cũng vậy. Nhờ có trí nhập định mà có thể soi biết. Nếu không nhập định thì không hay không biết.

Đúng là vạn pháp không có tướng sai biệt. Nhưng ứng duyên thì có sai biệt. Một khi SƯï chính là LÝ, thì con với Tôn giả không khác. Nhưng một khi SỰ và LÝ chưa viên dung, tức cảnh giới sai biệt vẫn còn, thì Thanh văn chưa phải là Bồ tát, Tiểu thừa không phải là Đại thừa, phàm phu không thể bằng Phật. Chưa phải thì công đức vẫn có sai biệt. Trên dưới vẫn cần rõ ràng. Đây là lý do vì sao, dù ta chính là Phật, nhưng một khi vẫn còn tâm tướng phàm phu, thì vẫn phải kính lễ chư vị Bồ tát, là con của Phật.

Cho nên, trên LÝ luận gì đó luận, muốn dốc cỡ nào đó dốc, nhưng lôi SỰ ra mà nói, không phải là hạng LÝ SỰ tương ưng, khó mà ngang cơ đối đáp. Chư vị thiền sư, xưa cũng dùng cách này để dò tâm thiền khách. Không phải hàng thật thì chỉ dăm ba câu là lòi đuôi. Vua A Xà Thế vì đó mà đành yên lặng.  

Đại Mục Kiền Liên : Không nhập định thì không thể biết được tâm chúng sanh.

Mục Kiền Liên cũng công nhận cái định có xuất có nhập mà hàng Thanh văn đang sở hữu là hạn chế.

Vô Úy Đức : Phật không nhập định mà trong hằng hà sa thế giới, tùy chỗ cảm ứng thuyết pháp độ sanh với tâm khéo biết, đâu như hàng Thanh văn với ánh sáng nhỏ nhoi của các tinh tú? Đây là thắng sự của chư Phật Như Lai.

Thanh văn thì không thể như Phật, có cảm liền ứng. TÂM KHÉO BIẾT là đối cơ hiện pháp không lầm lẫn. Thành ai đã có cơ duyên gặp được Phật, đều có lợi ích ít nhiều. Vì thế mà gọi là THẮNG SỰ.

Phần sau là nêu bày những thứ mà chỉ có chư Phật mới có, còn hàng Thanh văn thì không.

Vô Úy Đức : Thưa Tôn giả! Tất cả Thanh văn có biết được bao nhiêu thế giới thành, bao nhiêu thế giới hoại chăng? Đây là hỏi về số lượng thế giới hoại và thành trong mười phương pháp giới.

Mục Kiền Liên : Không thể biết.

Vô Úy Đức : Thanh văn có biết có bao nhiêu chư Phật đã nhập niết bàn, sẽ nhập niết và hiện nhập niết bàn chăng?          

Mục Kiền Liên : Không thể biết. Trí tuệ Thanh văn không thể thấu được cảnh giới của chư Phật.

Vô Úy Đức : Thanh văn có biết có bao nhiêu số chúng sanh nhiều tham dục, nhiều sân nhuế, nhiều ngu si và cùng phần hạn chăng? Hỏi về số lượng chúng sanh trong tam giới.

Mục Kiền Liên : Không thể biết.

Vô Úy Đức : Thanh văn có biết có bao nhiêu chúng sanh thọ Thanh văn thừa, thọ Duyên giác thừa và thọ Phật thừa chăng? THỌ là tu theo.

Mục Kiền Liên : Không thể biết.

Vô Úy Đức : Thanh văn có biết có bao nhiêu chúng sanh được Thanh văn độ, được Duyên giác độ và được Phật độ chăng? ĐỘ là giáo hóa.

Mục Kiền Liên : Không thể biết.

Vô Úy Đức nói : Chỉ có Như Lai chánh chân chánh giác mới như thật biết các chúng sanh giới, vì họ mà thuyết pháp. Việc như vậy không phải là cảnh giới của Thanh văn và Duyên giác, huống là của chúng sanh? Thưa Tôn giả! Phải biết đây là thắng sự của Như Lai. Như Lai được đầy đủ tất cả trí. Tất cả Thanh văn và Duyên giác đều không thể có. Lời kết luận của vô Úy Đức về trí tuệ và công đức của Như Lai.  

Vô Úy Đức lại nói với ngài Mục Kiền Liên : Thế Tôn thường thọ ký cho Tôn giả là thần thông bậc nhất. Thần thông của Tôn giả có thể biết tận đến thế giới Hương Tượng chăng? Có biết trong thế giới ấy, tất cả các cây đều toát ra mùi hương chiên đàn thượng diệu chăng?

Giờ cô nàng mới trực chỉ đến sở trường của Mục Kiền Liền, để thấy thứ mà Tôn giả đang sở đắc đó không giá trị gì so với trí tuệ Phật.  

Thế giới Hương Tượng là một trong các thế giới Phật. Là thế giới Phật thì chỉ khi trở về được cội nguồn chân thật của chính mình, mới có thể cùng Phật Phật đồng cảnh giới. Thần thông không làm gì được trong trường hợp này. Vì thế, đệ nhất thần thông Mục Kiền Liên đành bó tay chịu chết với câu hỏi đó.

Mục Kiền Liên : Nay ta mới nghe đến tên thế giới đó, sao có thể an trụ nơi thế giới đó được? Phật thuyết pháp ở thế giới đó tên gì?

Đại đệ tử của Phật có khác. Biết, nói biết. Không biết, nói không biết. Chân thật không hư dối. Không như phàm phu, không biết cũng vọng ngữ cho biết.

Vô Úy Đức liền đáp : Phật đó hiệu là Phóng Hương Quang Minh Như Lai Ứng Chánh Biến Tri.

Mục Kiền Liên hỏi : Nay làm sao thấy được Phật ấy?

Vô Úy Đức không rời chỗ ngồi, không động oai nghi mà phát thệ nguyện “Nếu Bồ tát lúc mới phát tâm, có thể hơn hẳn hàng Thanh văn Duyên giác, thì nguyện Phật Phóng Hương Quang Minh Như Lai hiện thân nơi đây, khiến cho chư Thanh văn Duyên giác thấy thế giới Hương Tượng và ngửi được mùi hương thượng diệu của cây chiên đàn”.

Biệt hiệu của Phật có mấy chữ PHÓNG HƯƠNG nên khi Phật đó xuất hiện, liền có mùi hương chiên đàn. CHIÊN ĐÀN là loại cây có mùi thơm, được trồng ở núi Ma La Na miền nam Ấn Độ. Loại trắng chửa được bệnh nhiệt. Loại đỏ chửa được bệnh thủng. Đúc tượng Phật và khi trà tỳ đức Phật, đều dùng loại cây này.

Trí tuệ và công đức của hàng Đại Bồ tát rộng lớn nên phát nguyện liền thành sự thật.

Bồ tát phát lời thệ nguyện xong, Phóng Hương Quang Minh Như Lai từ nơi thân phóng quang. Do việc phóng quang ấy mà hàng Thanh văn đều thấy được thế giới Hương Tượng và đức Phật có chúng Bồ tát vây quanh, lưới báu che thân, vì chúng sanh thuyết pháp. Lúc ấy, đại chúng đây đều nghe được tiếng thuyết pháp. Do thần lực của Phật ấy, nên đại chúng còn ngửi được mùi thơm của cây chiên đàn.

Có cảm liền ứng.

Phật Phóng Quang nói “Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời của Vô Úy Đức nói, Bồ tát lúc mới phát tâm đã hơn hẳn cảnh giới của Thanh văn, Duyên giác”.

Lời xác định của Phật Phóng Quang.

Khi ấy tại núi Kỳ Xà Quật, Đại Bồ tát Di Lặc bạch Phật rằng “Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì, mùi hương kia lại bay đến đây?”.

Bồ tát từ Sơ Địa trở lên gọi là ĐẠI. Vì lúc ấy chư vị đã chứng được nhân Phật tánh, dù là từng phần hay viên mãn.

Phật nói “Vô úy Đức cùng với các Thanh văn, như pháp mà luận nghị rồi phát lời thệ nguyện. Phật kia biết được nên dùng thần lực hiện ra thế giới và mùi hương thượng diệu tỏa khắp Tam thiên đại thiên thế giới”.

LUẬN NGHỊ là biện luận đối đáp qua lại. NHƯ PHÁP LUẬN NGHỊ, là y cứ trên pháp tánh mà luận nghị. Nói hẹp là y theo kinh pháp của Phật mà luận nghị. Việc luận nghị như vậy giúp chúng sanh khai mở trí tuệ, thông đạt pháp của chư Phật để tu hành. Việc luận nghị này được chư Phật ủng hộ, còn mọi luận nghị khác đều là pháp chướng. Vì thế, trong Phật pháp không phải không có luận nghị. PHI tất cả mà cũng là TỨC tất cả. Quan trọng là việc luận nghị ấy thế nào. Có như pháp mà luận nghị không, hay do ngã tướng mà luận nghị. Đó mới là vấn đề.      

Vô Úy nói với Mục Kiền Liên : Nếu đã thấy được các công đức thắng diệu không thể nghĩ bàn như thế, mà còn phát tâm Tiểu thừa Thanh văn yếu kém, chỉ biết tự độ, thì biết thiện căn của người ấy rất là bé nhỏ. Ai thấy được sự thành tựu vô lượng công đức của hàng Bồ tát mà không phát tâm bồ đề? Thưa Tôn giả! Ngài có biết thế giới Phật ấy cách đây bao xa không? Đại chúng đã thấy cảnh giới Phật rồi, Vô Úy Đức nương đó khuyến khích mọi người phát tâm tu Phật, không nên thú hướng Thanh văn.

Mục Kiền Liên đáp : Không biết.

Hai từ KHÔNG BIẾT này mang ý nghĩa : Tôi chưa hề thấy cõi đó bao giờ, làm sao biết nó cách đây bao xa. Không phải là hai từ KHÔNG BIẾT của Tổ Đạt Ma hay chư vị thiền sư đã nói.

Vô Úy Đức nói : Nương các thần thông trải qua trăm ngàn kiếp, có thể biết, có thể thấy ư? Thế giới Phật ấy không có nơi đây. Thí như tất cả tre lau rừng cây không thể tính số, qua khỏi các thế giới nhiều như thế, mới có thế giới Hương Tượng đó.

Thần thông mà có thể đến được Phật độ sao? Dù trải trăm ngàn kiếp cũng không thể đến. Vì sao? Vì phải trải qua vô số thế giới Phật nhiều như số rừng cây không thể tính xuể mới gặp được thế giới Hương Tượng này.

Bấy giờ, Phật ấy thu nhiếp quang minh. Thế giới Hương Tượng, Phật cùng chúng Bồ tát của thế giới ấy tức thời không còn.

Tôn giả Ca Diếp nói với Vô Úy Đức : Con gái đã từng thấy thế giới Hương Tượng và Như Lai Ứng Biến Tri ấy ư?

Giờ đến Ngài Ca Diếp lên tiếng : Biết rõ như thế, chắc là thấy rồi phải không?

Vô Úy liền đáp : Thưa Tôn giả Đại Ca Diếp, Như Lai có thể thấy được chăng? Như lời Phật dạy “Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, chẳng thể thấy Như Lai”. Vì thể của chư Như Lai chính là pháp thân. Pháp không thể thấy nghe, làm sao có thể thấy nghe? Tùy phương tiện chúng sanh hợp thích mà Phật hiện thân không có chướng ngại, rồi trụ nơi phương tiện ấy.

Đây mới thật là thấy Như Lai. Trên đưa ra đủ thứ thế giới và khoảng cách vô lượng để diễn tả về thế giới Hương Tượng. Đây lại bác “Lấy sắc, lấy thanh tìm ta, người ấy hành đạo tà, chẳng thể thấy Như Lai”. Nói có rồi lại nói không. Nhưng do chư Tôn giả của ta chưa một lần đến xứ Phật, nên nghe có thì tưởng có, nghe không thì biết không, mới bị cô nàng dẫn chạy vòng vòng, mới tưởng cảnh giới Phật giống như cảnh giới thế gian, có mắt để thấy, có cảnh để nhận, có khoảng cách để tới. Mình cũng không khác chư vị. Song nói thấy Phật thì phải “không thấy mới gọi là thấy”.

Đây là muốn phá chữ THẤY của ngài Ca Diếp. Là cái thấy còn nằm trong vòng năng sở, là có người thấy và cảnh giới được thấy. Như hiện nay mình thấy mọi thứ chung quanh, có khoảng cách, có đối tượng. Cái thấy này, do mê mà thấy, nên phải phá. Ngoài ra, cảnh giới niết bàn của hàng Thanh văn Duyên giác vẫn còn năng sở, dù lúc ấy không có mắt để thấy. Tuy cái thấy của chư vị không như cái thấy của hàng phàm phu hiện nay, nhưng vẫn còn cảnh giới để cảm nhận, vẫn còn lòng vòng trong tướng Năng Kiến, là tướng thứ hai trong Tam tế của luận Đại Thừa Khởi Tín. Vẫn còn bị chi phối bởi Nghiệp tướng vô minh, chưa thể nhập được với pháp thân không có bờ mé, nên phải phá. Niết bàn tự tánh thì không thuộc thấy hay không thấy.          

Phật thân với 32 tướng tốt chỉ là tướng tùy tâm chúng sanh mà hiện. Tướng ấy không phải là pháp thân, cũng không lìa pháp thân mà có. PHÁP không thể thấy nghe là chỉ cho pháp thân, là thứ không thể nghe cũng không thể thấy, nên không thể dùng tai hay mắt mà thấy nghe được nó.

Tôi từng đọc được chỗ tu hành và chứng nghiệm của một nữ cư sĩ thuộc tông Tịnh Độ. Cô diễn tả lại trạng thái tu chứng của mình bằng tâm trạng đắc thắng hiển rõ qua lời văn. Đó là trạng thái nghe tiếng niệm Phật vang khắp không trung. Và cô cho trạng thái đó là chân tâm. Niệm Phật mà nghe được tiếng niệm Phật như vậy, phải là người có công phu miên mật. Song theo kinh luận và chỗ tu chứng của chư vị Thiện tri thức xưa, thì kết luận đó hơi vội vàng. Vì một khi mình còn tai để nghe, còn đối tượng để thấy, thì mọi thứ vẫn là vọng. Thân vọng, tâm vọng mà cảnh cũng vọng. Chưa có thứ gì gọi là chân khi chưa nhận ra được cái chân của những thứ đó. Quán cả thế giới này thành nước, tất cả còn thành nước được (không chỉ bản thân người quán thấy nước, mà ngay cả người không quán cũng thấy thân người quán thành nước), còn chưa phải là pháp thân, huống chỉ mới là những âm thanh vang trên không trung? Không vững vàng với những cảnh giới lạ của tự tâm, rất dễ đọa lạc.

Trong Tư Qui Tập, Tổ Ấn Quang nói “Pháp quán tưởng tuy hay, nhưng phải nhớ hình tượng Phật đó chỉ là sở hiện của tự tâm, nếu nhận là cảnh thật thì vướng vào ma sự sẽ sanh cuồng”. Quán tượng Phật thì Phật hiện. Niệm Phật miên mật thì tiếng niệm Phật hiện … Nếu cho đó là cội nguồn nhất tâm mà sinh đắc thắng, liền thành bệnh. Nếu đúng là thực tướng thì không có tướng để thấy hay để nghe. Đây Bồ tát Vô Úy Đức dẫn lại lời nói trong kinh Kim Cang để mọi người cùng nhớ.

Đưa ra là để người tu chúng ta cẩn thận với việc tu hành. Tu bất cứ pháp môn nào đến chỗ miên mật cũng phải có thầy, không thì phải tham khảo thêm kinh luận và tài liệu của người xưa để lại. Nếu đúng là đạt được cái vô sở đắc thì không có tâm sở đắc hay đắc thắng. Đó là tiêu chuẩn duy nhất để tự mình canh mình. “Tâm bình thường là đạo”. Phải nhớ lấy câu ấy.

Nay Đại Ca Diếp hỏi con thấy thế giới cùng Phật ấy chăng? Con thấy chư Phật không phải là do nhục nhãn thấy, vì nhục nhãn không thể thấy được sắc ấy. Không do thiên nhãn thấy vì không có thọ. Không do tuệ nhãn thấy vì lìa tưởng. Không do pháp nhãn thấy vì lìa các hành. Không do Phật nhãn thấy vì lìa cái thấy của thức vậy.

Đây lặp lại rất rõ ràng. Pháp thân chân tâm không phải đối tượng của sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vì muốn trực nhận được pháp thân, 5 thứ đó phải không, mới trực nhận được. PHẬT nói đây là chỉ cho chân thể pháp thân. Thể pháp thân đó, không sắc có thể thấy.

NHỤC NHÃN, chỉ cho mắt thịt. Tuy nói mắt thịt, nhưng là nói đến cái thấy bị chi phối bởi nghiệp thức chúng sanh. Chính là cái thấy của mình hiện nay. Thứ gì còn cần đến mắt mới thấy được, thứ ấy không phải là chân thể thanh tịnh. Với tai cũng vậy. Thứ gì còn thấy còn nghe được bằng các căn, thứ ấy là vọng không phải chân, dù chân không lìa vọng.  

Không sắc, thọ, tưởng, hành là chỉ cho cảnh giới của hàng La Hán và Bích Chi Phật, chỉ còn tồn tại phần thức ấm. Thức ấm còn thì chưa thấy được chân thể pháp thân. Thức ấm thuộc kinh Trung bộ chỉ nói đến ý thức, nhưng thức ấm thuộc Đại thừa thì bao gồm cả Alaida, là thức thứ 8. Thức ấm là phần sâu nhất trong 5 thức. Tướng của 4 thức kia phải không, thì thức thứ 5 mới hiển lộ. Cảnh giới Alaida này, sắc thân không còn, chỉ còn lại trạng thái sáng chiếu thanh lương trùm khắp. Song do cảnh giới này vẫn là thứ còn cảm nhận được, nên nó vẫn bị coi là còn năng sở. Dù năng sở đây không có sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng như cái thấy hiện nay của mình. Đó là phần SỞ MINH trong kinh Lăng Nghiêm. Phần này đã được giải chi tiết trong phần Tứ Tướng của kinh Thắng Man và phần 9 Tướng Bất Giác trong luận Đại Thừa Khởi Tín. Nên đây chỉ nói lược để nắm vấn đề.

Theo đây thì thấy, những cảnh giới nào còn chiêm nghiệm được bằng thân, mắt, tai v.v… thì chưa có thứ nào là pháp thân hay chân như. Cảnh đó không phải là pháp thân mà cái thấy hay nghe cảnh đó, cũng không phải là pháp thân, dù pháp thân không hề lìa mấy thứ ấy. Ngay cả pháp chân tâm mà Hòa thượng Trúc Lâm dạy mình, cũng đang là phương tiện. Không có chân tâm thì không thể thấy, nên nói đi biết là chân tâm, thấy biết là chân tâm. Nhưng cái thấy, cái nghe đó chưa phải là chân tâm. Vì thế sau phần biết chân tâm đó, Hòa thượng còn nêu mấy bậc nữa mới tới phần thể nhập chân tâm v.v… Đây nêu ra để nắm vấn đề cho rõ. Không thì đọc tới đoạn này lại sinh nghi hãi.

Đây nói về CHÂN THỂ chân như, không nói đến cảnh giới chân như với đầy đủ thể, tướng và dụng, nên nói PHẬT NHÃN KHÔNG THỂ THẤY. Chỗ này không thể thấy, nhưng mình biết chắc là có, không phải không. Đây là chỗ lạ kỳ. Kinh Lăng Nghiêm nói “Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến”. Khi thấy cái thấy, cái thấy ấy không có thấy. Thấy cái thấy là thấy được thực tánh của cái thấy. Nếu đúng là thấy được thực tánh của nó, thì cái thấy ấy không có thấy. Thực tánh của cái thấy chính là chân thể pháp thân. Chân thể đó cùng với chân thể của vạn pháp không khác. Đây là chỗ các thiền sư thường nói : Không biết mà biết, biết mà không biết.

Thưa Tôn giả! Con thấy Như Lai cũng như chỗ thấy của Tôn giả, vì đã diệt trừ tâm ái kiến vô minh. Thưa Tôn giả! Con thấy Phật đó cũng như Tôn giả Ca Diếp đã thấy, lại còn thấy ngã, ngã sở v.v…

ÁI là chỉ cho phần tình. KIẾN là chỉ cho phần quan niệm, định kiến v.v… VÔ MINH, phần thô là chỉ cho ái và kiến, phần tế là chỉ cho căn bản vô minh. Muốn thấy được Phật thì phải tiêu trừ mấy thứ này. Đây là điều tất nhiên. Như ngoài đời, người nặng về Ái, tức tình cảm nhiều, thì học hành không thể thông thái. Đó là nói về chữ nghĩa ngoài đời, chưa nói đến kinh Phật. Kinh Phật mà với những thứ nói về nhân quả ba đời thì còn dễ, với những bộ kinh Đại thừa hoặc Nhất thừa mà tâm không thanh tịnh thì chỗ thâm sâu không cách gì thấu được. Đọc như đọc thần chú. Huống là thấy Như Lai, là thứ phải tự mình trực nhận lấy. Thành muốn thấy được Như Lai thì 3 thứ đó dứt khoát phải trừ. Trừ nghĩa là biến KIẾN thành TRÍ, biến ÁI thành BI.

NGÃ là chỉ cho cái tôi, NGÃ SỞ chỉ cho những thứ thuộc về tôi như thế giới của tôi, nhà tôi v.v… Nói thấy đây là thấy được THỰC TƯỚNG VÔ TƯỚNG của các thứ đó, không phải như thấy tướng cái nhà v.v…

Ca Diếp hỏi : Nếu pháp thường không, làm sao lại khởi vô minh, ái cùng ngã, ngã tướng, tất cả chúng sanh không thể thấy?

Phần hỏi này có hai : Một, đã nói pháp thường không, sao lại sinh ra những thứ như vô minh, ái v.v… ? Hai, vì sao chúng sanh chẳng thấy?

THƯỜNG KHÔNG là trước không, hiện tại không mà tương lai cũng không. Đã KHÔNG như vậy, vì sao hiện nay lại có đủ các thứ thân, tâm, thế giới v.v… Nếu có đủ các thứ đó, sao nói là thường KHÔNG? Sao gọi là tánh thể của vạn pháp? Vì TÁNH có nghĩa là không đổi. Đã không đổi tức cái KHÔNG đó phải thường hằng, vì sao lại có thế giới và mọi thứ như hiện nay? Đây là chỗ khó hiểu và thật khó nghĩ bàn mà kinh Thắng Man đã nói “Tâm thường tịnh mà có nhiễm, nhiễm mà lại thường tịnh”. Không nắm được cái thường tịnh mà nhiễm, nhiễm mà thường tịnh này, nên ngài Nguyệt Khê mới bác luận Đại Thừa Khởi Tín. Trong khi Hiền Thủ, Tổ thứ ba của tông Hoa Nghiêm lại trực giải nó kỹ càng. Ngàn kinh muôn luận không hề sai khác, chỉ là thấy hay không thấy mà thôi.

Vô Úy đáp : Các pháp đã thường không như thế, kia làm sao thấy?

Trả lời câu hỏi sao chúng sanh không thấy?

Đã biết nó thường không, thì thấy sao được mà thấy? KIA là chỉ cho chúng sanh.

Đại Ca Diếp : Nếu tất cả Phật pháp rốt ráo là không, làm sao có thể thấy?

Thường không nên không thể thấy. Nếu không thể thấy, sao biết nó không? Sao biết cái không ấy có?  

Vô Úy đáp : Có thấy nghĩa tăng trưởng của Phật pháp chăng?

Trong Phật pháp, có thấy nghĩa tăng trưởng chăng? Phải có thấp tiến lên cao mới nói TĂNG TRƯỞNG. Tức có thứ lớp, cấp bực, phân biệt trước sau.

Đại Ca Diếp : Ta còn không biết pháp phàm phu hà huống là Phật pháp?

Đây là cái thấy của ngài Ca Diếp. Pháp phàm phu còn không thấy huống là Phật pháp. Không lập cái thấp thì đương nhiên cái cao không thành.  

Vô Úy nói : Cho nên, thưa Tôn giả! Pháp đó không thành tựu, sao có đứt nối mà kẻ không chứng lại thấy? Tôn giả! Các pháp thường không, không thể hiển. Cho nên, thưa Tôn giả! Tất cả pháp đều không. Song nếu pháp vốn không, sao có thể thấy được pháp giới thanh tịnh kia? Tôn giả! Nếu muốn thấy Như Lai thanh tịnh thì nam thiện nữ lành phải tịnh tự tâm.

Có những thứ không thể dùng lời nói và đầu óc suy luận hiện nay mà hiểu được. Phải là sự thể nghiệm của tâm thanh tịnh. Muốn có tâm thanh tịnh thì phải có sự tu tập. Đại ý của đoạn này là vậy.

PHÁP ĐÓ là chỉ cho những thứ như vô minh, ái v.v… Thực chất của chúng vốn không, do mê mà thành có. Như ngủ rồi mộng mới thấy đủ thứ cảnh giới. Tỉnh giấc thì mọi thứ liền không, mới biết các cảnh giới ấy chỉ do ngủ mộng mà có, không có chất thật. Nên nói KHÔNG THÀNH TỰU. Chúng sanh, đây gọi NGƯỜI KHÔNG CHỨNG, chính là người ngủ rồi mộng kia.

ĐỨT NỐI là chỉ cho sự sanh diệt sanh diệt của vạn pháp. Nói đến sanh diệt là nói đến TƯỚNG, không phải nói đến TÁNH. Là chỉ cho những cảnh giới đã thấy trong mộng. CHỨNG là chỉ cho việc thể nhập pháp thân, chính là thể nhập THỂ TÁNH của vạn pháp, là chỉ cho người tỉnh giấc. Đại khái, pháp vốn không, chỉ do mê mà thành có. Vì thế không thể dùng những thứ do mê mà có như ngũ ấm đây mà thấy được thực chất cái không ấy. Phải chứng mới tương ưng.

PHÁP GIỚI THANH TỊNH cũng chính là NHƯ LAI THANH TỊNH, đều chỉ cho cái KHÔNG chân như. Muốn thấy cái KHÔNG thanh tịnh ấy thì tâm cũng phải thanh tịnh. Đây là việc tất nhiên. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.      

Đại ca Diếp nói với Vô Úy : Thế nào là khéo tịnh tự tâm?

Nghe nói phải tịnh tự tâm nên hỏi cách để tịnh tự tâm. KHÉO , là làm sao để làm tốt việc đó?

Vô Úy Đức : Như chân như của tự thân cùng với chân như của tất cả pháp, nếu tin được chỗ đó không tạo tác, không hề mất, thấy như vậy thì tự tâm thanh tịnh.

Muốn tịnh được tự tâm thì đầu tiên là phải tin mình có pháp chân như. Chân như của tự thân hay chân như của tất cả pháp đều chỉ cho Như Lai sẵn đủ trong mỗi chúng sanh. Chân như ấy không phải là thứ do tạo tác hay tu hành mà thành. Nó vốn sẵn đầy như thế. Chỉ do bất giác mà làm chúng sanh lưu chuyển trong 6 đường. Dù luân chuyển trong 6 đường thì chân như ấy vẫn không vắng thiếu. Tin được vậy thì mới có sự tu tập. Có tu tập mới có trực chứng. TIN là nhân. THẤY là quả. Thấy là chỉ cho sự trực chứng. Phải chứng nghiệm thì niềm tin ấy mới vững chắc, mới gọi là khéo tịnh tự tâm.  

Ca Diếp nói : Tự tâm lấy gì làm thể?

Vô Úy nói : Lấy không làm thể. Nếu chứng được cái không ấy thì tin tự tâm không, liền tin chân như không. Vì tánh của tất cả pháp đều tịch tĩnh.

TỰ TÂM là chỉ cho cái biết của mình, bao gồm cả những thứ sinh sôi nẩy nở quanh nó như thấy, nghe, hiểu, biết, suy nghĩ, cảm thọ v.v…

THỂ, tạm hiểu là bản chất, là tánh thể. Khi tâm thanh tịnh, ta sẽ thấy những thứ như suy nghĩ, cảm thọ v.v… không có. Chứng được tâm không ấy cũng không, chính là chứng được tánh thể của vạn pháp. Đó là ý nghĩa của câu CHỨNG ĐƯỢC CÁI KHÔNG ẤY.

Khi còn đang bị ràng buộc trong những thứ như suy nghĩ thấy, nghe, hiểu, biết mà nói chúng không, không ai tin. Nhưng một khi tự mình chứng nghiệm nó không, thì niềm tin về cái không chắc chắn có. Nên nói “Chứng được cái không ấy thì tin tự tâm không”. TỰ TÂM KHÔNG ấy chính là chân như. Chứng nhập chân như thì biết tánh của tất cả pháp chính là chân như tịch tĩnh. TỊCH là vắng vẻ yên lắng. TĨNH là đối với động mà nói. Khi tâm không bị các loại vọng tưởng quấy rầy, bình an yên lắng không ở tư thế dụng công, gọi là tịch tĩnh. Tịch tĩnh này có thô và tế.    

TÁNH cũng chính là THỂ. Nhưng nói THỂ là nói về mặt thực chất của pháp. Còn nói tánh là muốn nhấn mạnh đến mặt KHÔNG ĐỔI của cái THỂ ấy.

Đại Ca Diếp : Con gái theo Phật nào nghe pháp mà được chánh kiến như vậy?

Theo lời Phật dạy, phát chánh kiến có hai nhân duyên : Một là nghe pháp nơi người, hai là nội tư duy.

Không hề thấy Vô Úy Đức trong pháp hội của mình, mà theo lời dạy của Phật thì phát chánh kiến là nhờ nghe và suy gẫm những điều đã nghe đó, nên ngài Ca Diếp hỏi Vô Úy theo Phật nào mà nói hay như thế.

Vô Úy Đức nói : Nương âm thanh bên ngoài, nghe âm thanh bên ngoài đó rồi sau mới nội tư duy. Thưa Tôn giả! Đại sĩ Bồ tát không nương lời người, không cậy âm thanh, sao lại nói trụ nơi tịch diệt?

NỘI TƯ DUY là tự mình suy nghĩ, nghiền ngẫm. Đại sĩ Bồ tát là chỉ cho hàng Đại Bồ tát. Gọi là ĐẠI vì đã chứng được TÁNH bất sanh bất diệt của chính mình. Tánh bất sanh bất diệt này cũng là một loại tịch diệt, nhưng cái tịch diệt này không do trụ mà được, nên nói SAO LẠI NÓI TRỤ NƠI TỊCH DIỆT. Đây là chỗ khác nhau giữa niết bàn của La Hán và Đại Bồ tát. Một bên là do trụ vào không mà có tịch diệt. Một bên là do vô trụ mà có tịch diệt.

Nương chủng vô lậu tịch diệt đó tu hành và làm công hạnh, nên nói “Không mượn lời người, không cậy âm thanh”. Hỏi là để xác định lại chỗ tu hành của hàng Đại Bồ tát, không còn ở giai đoạn nghe và tư duy nữa.    

Đại Ca Diếp : Con gái theo pháp được nghe mà quán xét, gọi là quán hạnh.

Nghe và suy gẫm là văn và tư. Đây đã sang giai đoạn tu, gọi là quán hạnh.

Đại Ca Diếp lại hỏi : Bồ tát làm sao nội tự tư duy?

Trên là NỘI TƯ DUY, đây hỏi NỘI TỰ TƯ DUY. Khác nhau ở một chữ TỰ này. TỰ nghĩa là của chính mình. NỘI là không từ ngoài mà được. Tư duy bây giờ là tự mình tư duy không nương nhờ thứ gì bên ngoài, dù là lời của chư Phật Tổ, nên nói NỘI TỰ TƯ DUY.

Đây là hỏi cách tu hành của hàng Đại Bồ tát.

Vô Úy Đức : Nếu cùng chư Bồ tát thuyết pháp đồng sự mà không khởi tướng chúng sanh, Bồ tát nội quán như thế, gọi là thành tựu nội quán.

ĐỒNG SỰ là làm cùng việc gì đó. Như cùng tu hành, cùng làm nghề giáo viên, cùng đi chùa, cùng đi câu v.v… Nói chung, có một công việc chung, gọi là đồng sự. Làm gì thì làm miễn đừng khởi tướng chúng sanh, gọi là THÀNH TỰU NỘI QUÁN.

CHÚNG SANH nghĩa của nó là họp lại mà sanh. Như đến thiền viện nhìn thấy cây sa la với những bông thơm và lũ quả tòn ten, trong 10 người có đến 9 người thắc mắc “Nó là cây gì? Quả có ăn được không? Bông thơm ghê, ngộ quá há v.v…”. Mấy thứ trong ngoặc kép đó, gọi là chúng sanh. Đụng duyên mà tâm miệng sinh khởi liên tục như thế là biểu tượng cho TƯỚNG CHÚNG SANH. Còn thấy rõ ràng, không đâm đầu vào đó mà đi, nhưng ngoài cái thấy ấy, không khởi thêm một ý niệm nào khác, thì không rơi vào tướng chúng sanh.

Trong tất cả mọi việc làm, làm với tâm chánh niệm, không khởi nghĩ lan man từ chuyện này sang chuyện khác, cũng không vừa làm vừa nói chuyện, là đang làm pháp đồng sự mà không khởi tướng chúng sanh. Còn cùng nhau nhổ cỏ mà tay thì nhổ, miệng thì tía lia là đang khởi tướng chúng sanh.

Tương tự, đối duyên tiếp chuyện nói pháp mà khởi nghĩ về đối tượng thế này thế kia, việc qua rồi chuyện cũng chưa hết, là đang khởi tướng chúng sanh. Đối duyên hiện pháp không có phân biệt khởi tưởng về đối tượng, duyên hết như bóng nhạn qua sông không để lại dấu vết, là không khởi tướng chúng sanh. Đó là do tâm chấp thủ không còn. Không chấp thủ thì ứng duyên liền hiện, hết duyên liền lặng. Đó là cách nội quán của hàng Đại Bồ tát.

Như vậy, việc tu hành của hàng Đại Bồ tát không còn nằm ở những hình tướng bên ngoài như giữ giới, lễ lạy, sám hối hay dùng lời kinh, tiếng Phật để buộc niệm nữa. Mà là KHÔNG KHỞI TƯỚNG CHÚNG SANH. Không để tâm sanh khởi khi đối duyên xúc cảnh là việc tu hành của hàng Đại Bồ tát. Việc tu hành bây giờ là phá thẳng vào dòng vọng niệm tương tục của tâm. Muốn phá vào dòng tương tục của tâm thì phải phá dần đi trí phân biệt. Bởi phân biệt chính là đầu mối dẫn đến sự tương tục không dứt của tâm. Diệt nhân thì quả mới thật sự hết. Đó chính là pháp môn Bất nhị trong kinh Duy Ma, phá thức phân biệt của kinh Lăng Già, Biết vọng không theo của Hòa thượng Trúc Lâm.

Thưa Tôn giả ! Tất cả các pháp đầy đủ bổn tế, cùng với trung tế và hậu tế. Vì chân như là thể của tất cả pháp. Chân như là thể của tất cả pháp hiện tại. Người thấy như vậy chính là Bồ tát. Gọi là thành tựu nội quán.

BỔN TẾ, chỉ cho bờ mé ban đầu, là muốn nói đến cội nguồn từ đó phát sanh vạn pháp. Như ngày nay khoa học đang truy tìm trái đất và con người từ đâu mà có. Lần ngược lần ngược về trước để tìm cho ra cội nguồn thực sự của vạn vật. Cái chỗ bắt đầu từ đó có vạn vật, gọi là BỔN TẾ. Có chỗ bắt đầu thì đương nhiên phải có chỗ chấm dứt. Chỗ chấm dứt ấy gọi là HẬU TẾ. Có đầu có cuối thì phải có giữa, chỗ giữa ấy gọi là TRUNG TẾ.

Trung Luận có phẩm PHÁ BỔN TẾ, hiển bày vạn pháp không có chỗ khởi đầu cũng như chỗ chấm dứt. Đây vì sao lại nói có đủ cả ba? Nói không có chỗ khởi đầu, vì chúng sanh đinh ninh có một chỗ khởi đầu với hình tướng và chỗ nơi đàng hoàng như hiện nay mình thấy nứớc Mỹ có chỗ của nước Mỹ, nước Việt Nam có chỗ của nước Việt nam. Hoặc như chư vị La Hán thấy có niết bàn để nhập. Cái thấy như vậy không đúng với thực chất của vạn pháp, nên phá.

Đây nói đầy đủ cả ba vì tất cả đều không ngoài tâm chân như. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói “Tâm sanh thì tất cả pháp sanh. Tâm diệt thì tất cả pháp diệt”. Tâm sanh thì pháp xuất hiện, nên tâm chân như chính là bổn tế của vạn pháp. Tâm diệt thì pháp không còn, nên tâm chân như chính là hậu tế của pháp. Pháp dù thiên hình vạn trạng bao nhiêu, chân như vẫn là tánh thể của pháp, nên có trung tế. Dù đủ cả 3 nhưng 3 thứ ấy không tướng, không có chỗ nơi. Pháp do đó chỉ như mộng như huyễn. Vì thế, tuy nói đủ mà vẫn không khác với cái nhìn của Trung Luận.

Người có cái thấy đó là người mang trên mình 2 chữ Bồ tát. THẤY, âm hán là quán. QUÁN hay QUAN có nghĩa là thấy hay xem xét mà cũng có nghĩa là quan niệm. Ai có quan niệm, có cái nhìn như thế đối với thế giới mình đang sống, người đó là Bồ tát. Vì sao gọi là Bồ tát? Bồ tát là hữu tình giác. Là loại có tình cảm đàng hoàng nhưng tỉnh không mê. Tỉnh mới thấy được lẽ thật đó.          

Đại Ca Diếp : Làm sao an trụ các pháp ấy? AN TRỤ, chỉ cho việc có được cái thấy trên.

Vô Úy Đức : Nên như vầy, theo cái thấy của chân như kia, không trói buộc cũng không giải thoát.

Trói buộc và giải thoát, cũng là chỉ cho sanh tử và niết bàn, đều thuộc nhị biên phân biệt. Thấy mà không bị trí phân biệt chi phối là cái thấy của chân như, như ngài Huyền Giác nói với Lục Tổ “Phân biệt mà không phải ý”. Chỉ cần không có cái nhìn hai bên đối với vạn pháp, tức trả tâm về chỗ vô trụ, thì an trụ được các pháp ấy. Muốn an trụ như thế thì tâm phải vô trụ. Vô trụ, là thấy con bò thì biết con bò mà không khởi tưởng đó là con bò. Không khởi tướng con bò thì không khởi tiếp nào là đẹp, xấu v.v… Thấy tất cả, biết tất cả mà không khởi niệm. Lỡ khởi thì liền buông. Đó là việc tu hành của hàng Đại Bồ tát.

Đại Ca Diếp : Thấy thế nào mới gọi là chánh kiến?

Chánh kiến là cái thấy chân chánh. Thấy chân chánh là thấy pháp đúng như chính nó. Tức thấy cho được thực chất của vạn pháp.

Vô Úy Đức : Nếu lìa được cái thấy hai bên, không tạo tác không phải không tạo tác. Như thế, thì thấy mà không thấy, gọi là chánh kiến. Thưa Tôn giả! Pháp đó chỉ có danh tự mà lìa danh tự. Vì vĩnh viễn không chứng vậy.

Muốn có cái thấy chân chánh thì phải lìa được cái thấy hai bên. THẤY HAI BÊN là cái thấy rơi vào đối đãi như xấu, đẹp, tốt, không tốt, cao, thấp, sanh tử, niết bàn. Nói chung, cái thấy nào còn bị chi phối bởi đinh kiến quan niệm của mình, đều gọi là thấy hai bên. Thấy cành hoa mà trong đầu khởi lên ý niệm đẹp, là mình đang rơi vào cái thấy hai bên. Vì hoa vốn không xấu đẹp. Xấu đẹp là do quan niệm của từng người. Chỉ do sự huân tập từ đời này qua đời kia, hay trong hiện đời khi tiếp duyên đối cảnh mà nó xuất hiện.

Rau nhấp cá, người thì khen thơm ăn ngon, người thì chê tanh đụng vào là ói. Vậy nhấp cá là thơm hay tanh? Không thơm cũng không tanh. Ứng duyên mà thành tanh hay thơm. Ứng vào người này thì thành thơm, vào người kia thì thành tanh. Lệ thuộc vào duyên như thế, nên duyên hết thì cái thơm hay tanh ấy cũng hết, nên nó không phải là tánh thật của rau nhấp cá. Nhấp cá chỉ là nhấp cá không tanh cũng không thơm. Cái không tanh cũng không thơm đó là mặt bất biến của nhấp cá. Cái tanh hay thơm là mặt tùy duyên của nhấp cá. Cứ theo cái tanh hay thơm ấy mà cãi nhau, là đang lấy mặt tùy duyên làm bất biến. Đó là rơi vào cái thấy hai bên. Vì thế, tiếp duyên mà khởi tưởng tanh hay thơm, phải hiểu chỉ là tướng tùy duyên, không phải là tánh thật. Muốn sống được với cái chân thật thì đừng chấp vào cái thơm hay tanh ấy. Biết nó là vọng buông đi. Đó là vài ví dụ để hiểu vì sao muốn có cái nhìn đúng đắng, phải lìa cái thấy hai bên.

Vì lìa hai bên nên “Không tạo tác không phải không tạo tác”. ‘Không tạo tác’ là mặt đối đãi với ‘không phải không tạo tác’. ‘Không tạo tác’ vì tùy duyên không có tác ý. Không tác ý nhưng không phải không làm, nên ‘không phải không tạo tác’. Đây là mặt tùy duyên tiêu nghiệp cũ, mà nhà Thiền hay nói đến. Duyên như thế thì thuận theo thế, thuận nhưng không làm mất chất đạo của mình, nên ‘không có tạo tác’. Không tạo tác nhưng không gì không làm, nên ‘không phải không tạo tác’.

Thiền sư Bạch Ẩn, do lời đổ thừa của một nữ nhân mà thành cha một đứa trẻ. Sau một thời gian, nữ nhân nói ra sự thật, ông ngoại đứa trẻ mang nó về. Giao đến thì nuôi. Nhận về thì trả. Duyên đến thì nhận, duyên hết thì thôi. Nhận hay trả chỉ có hai từ “Thế à!” bình lặng thản nhiên. Cái nhận hay trả ấy là tùy duyên mà thành có tạo tác. Tạo tác nhưng không tạo tác bởi duyên đến thì làm, duyên hết thì ngưng. Không tạo tác nhưng không phải duyên đến rồi bỏ mặc mọi sự. Nhận đứa bé rồi, ngài vẫn xin sữa nuôi nó, làm tròn cái duyên mình đang nhận. Đó là tạo tác. Tạo tác mà trước sau vẫn bình lặng, nên không tạo tác.  

NHƯ THẾ là chỉ cho cái thấy lìa hai bên. Thấy như thế thì thấy mà không thấy. Vì sao? Vì không chấp. Thấy mà không chấp thì không thấy, biết mà không chấp thì không biết. Không phải đóng bít sáu căn rồi cho là không thấy không biết. Kinh Duy Ma nói “Bồ tát trừ chấp không trừ sự” là vậy.

PHÁP ĐÓ là chỉ cho thực tướng của vạn pháp. Pháp được nhìn với cái nhìn chánh kiến thì có danh tự mà lìa danh tự. Có pháp nên có danh tự. Có danh tự nhưng bản chất pháp vốn không, nên lìa danh tự. Vì thế, sử dụng danh tự mà không chấp vào danh tự thì lìa danh tự. KHÔNG CHỨNG là nói đến mặt sở đắc của pháp. Pháp đã không thì sở đắc gì mà nói đến chứng? Chân như là tánh của tất cả pháp. Nó là cái sẵn đủ thường trụ. Nhận ra được thực tướng của pháp thì ngay sanh tử chính là niết bàn không có chứng đắc. Vì thế tuy nói chứng mà thật là không có chứng, nên nói VĨNH VIỄN KHÔNG CÓ CHỨNG.

Trên lập CHỨNG để phá cái THẤY. Đây PHÁ luôn cái chứng. Vì đúng là thấy, thì thấy mà không thấy. Đúng là chứng, thì chứng mà không chứng.    

Đại Ca Diếp lại hỏi : Thế nào được tự thấy?

TỰ THẤY nghĩa là thấy mà không nhờ duyên. Đây là muốn nói đến cái thấy thực tánh, tức là chứng được thực tướng của cái thấy, là cái thấy chân thật. Thấy mà không có cái thấy. Là chỗ “Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến” nói trong kinh Lăng Nghiêm,

Vô Úy Đức nói : Như chỗ thấy của Đại Ca Diếp. Chỗ sâu mầu vi diệu, mình thấy mà người chưa thấy, nêu ra cũng vô ích. Đẩy trở lại cho người, lấy cái thấy của người làm chỗ lập cước.

Đại Ca Diếp : Ta không thấy tự thân cùng với ngã sở. Chỗ thấy của ta là ta không thấy có tự thân và những thứ thuộc về tự thân ấy.

Vô Úy Đức : Phải nên có cái thấy như vậy đối với tất cả pháp. Vì không có ngã và ngã sở.

Không phải chỉ có tự thân và ngã sở của Tôn giả là không, mà tất cả pháp đều như vậy. Nghĩa là, không phải chỉ có NHÂN không mà PHÁP cũng không, thưa Tôn giả. Tất cả đều vô ngã.

Khi nghe nói pháp ấy, Tôn giả Tu Bồ Đề rất hoan hỉ, nói với Vô Úy Đức : Khéo được đại lợi ích nên có thể thành tựu biện tài như thế.

Hứng khởi nên mở miệng tán thán Vô Úy Đức. TU BỒ ĐỀ là vị đệ tử hiểu về LÝ KHÔNG bậc nhất của đức Phật. Vào đúng sở trường của chàng nên chàng hứng khởi ca ngợi.

Vô Úy Đức liền nói : Thưa Tôn giả Tu Bồ Đề! Pháp có khả đắc có bất khả đắc có thể cầu được sao mà Tôn giả nói con khéo được biện tài. Con có biện tài đây, với điều kiện con nói mà không có chút giác tri hoặc trong hoặc ngoài, thì có biện tài.

Im lặng thì thôi mà hể mở miệng là có phần. Vì sao? Vì ngôn ngữ là bờ mé của nhị biên. Mở miệng, không lọt vào bên này, cũng lọt vào bên kia. Thành kinh luận của chư Phật lập ra là để phá chấp, không phải để dựng lập. Chính vì thế, lập ra vô vàn kinh luận và thuyết giảng ròng rả 49 năm, cuối cùng Phật phủi sạch “Ta không nói một chữ”.

Pháp vốn không thuộc hai bên, nên nói ĐƯỢC hay KHÔNG ĐƯỢC đều là hý luận. Bởi cớ sự đó Tôn giả vừa mở miệng liền bị Vô Úy Đức bắt bẽ. KHẢ ĐẮC là có thể được, có thể nắm bắt. BẤT KHẢ ĐẮC là không thể được, không thể nắm bắt.

GIÁC TRI là sự hiểu biết thuộc về ý thức. Trong khi biện tài là dụng của Phật tâm. Một khi còn bị chi phối bởi sự hiểu biết của tri thức vọng tưởng, thì không thể có biện tài. Nói TRONG NGOÀI là chỉ cho sự học hỏi từ người khác hoặc của chính mình, cũng ám chỉ cho cái học còn ràng buộc trong trí phân biệt, như cái trí mình đang dùng để học kinh luận đây.

Tu Bồ Đề liền hỏi : Cô chứng được gì, đắc pháp chỗ nào, mà có biện tài khoái diệu như thế?

Biện tài quá tuyệt diệu, khiến tôn giả Tu Bồ Đề thích thú hứng khởi, nên nói KHOÁI DIỆU. Do vậy, mới hỏi nguồn gốc của loại biện tài đó. Người trí thấy người bẽ được mình thì hứng khởi thích thú. Kẻ mê thì nổi sùng. Hỏi mà không có tâm chấp thủ nên dù bị bắt bẽ, ngài cũng không quan tâm, cứ một mực hỏi tiếp.

Vô úy Đức : Không tự biết, không từ người khác mà biết tướng sai biệt của bất thiện pháp và thiện pháp đã đắc. Như vậy mà biết pháp. Không thấy nhiễm, tịnh, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, thế gian, xuất thế gian, cùng với pháp phàm phu. Vì không thấy vậy. Vì thể của pháp đó là Phật Phật pháp, nhưng được Phật pháp mà không thấy Phật. Tôn giả! Nếu như thế thì không có chỗ thấy biết mà được biện tài đây.

Không tự biết không từ người khác biết … là trả lời câu hỏi đắc pháp chỗ nào của tôn giả Tu Bồ Đề. Không có chỗ nơi, nên nói KHÔNG TỰ cũng KHÔNG TỪ NGƯỜI KHÁC. Tuy hỏi thì đến hai câu, nhưng vì không chỗ nơi, nên chỉ một câu trả lời là đủ cho cả hai câu hỏi.

Phần kế tiếp là nói đến cái thấy không bị chi phối bởi trí phân biệt. Một khi không để cho trí phân biệt chi phối cái thấy của mình, ta sẽ nhận được chân thể của tự tâm. Nhận ra được chân thể của tự tâm, thì biết nhiễm hay tịnh, hữu vi hay vô vi đều đồng THỂ TÁNH. Tất cả đều từ Phật tâm lưu xuất, đều lấy Phật tâm làm thể. Nên nói THỂ CỦA PHÁP ĐÓ LÀ PHẬT PHẬT PHÁP.

PHẬT PHẬT PHÁP là chỉ cho Phật tâm với đầy đủ 3 thứ thể, tướng và dụng.

PHẬT, chỉ cho tánh thể bất biến của vạn pháp. Tánh thể này, Phật còn không thể thấy huống là phàm phu, nên nói KHÔNG THẤY PHẬT.

PHẬT PHÁP, chỉ cho mặt tùy duyên của tánh ấy, là thứ có hình có tướng, nên nói THẤY ĐƯỢC.

Không có chỗ nơi mà biết pháp, mới được biện tài như thế. Còn nếu Tôn giả muốn biết chỗ nơi thì cứ thấy mà không thấy, biết mà không biết. Nên nói NẾU NHƯ THẾ. Cứ như thế mà thấy, như thế mà biết thì được biện tài. Đó là gốc của biện tài.    

Tu Bồ Đề nói : Thế nào là biện tài?

Muốn hỏi về thực tướng của biện tài.

Vô Úy Đức : Như chỗ tịch diệt mà Tôn giả đã được. Tịch diệt là chỉ cho cái không mà Tu Bồ Đề đã chứng được. Đó là thực tướng hay thực tánh của biện tài.

Vô Úy Đức nói với Xá Lợi Phất : Như pháp thể đó, không nghe không được mà có sở thuyết.

PHÁP THỂ là chỉ cho tánh thể của vạn pháp, là chỗ tịch diệt vừa nói trên. Pháp thể tịch diệt không phải là đối tượng có thể nắm bắt hay nghe thấy, nhưng không phải vì thế mà nó không. Nếu nó không, thì từ đâu có mọi tác dụng như đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng? SỞ THUYẾT, là chỉ cho DỤNG của pháp thể. Cũng như đi, đứng, nằm, ngồi, đều là dụng của pháp thể. Nếu mê thì dụng ấy đưa đến khổ đau. Nếu tỉnh thì dụng ấy đưa đến an lạc với mọi thứ công đức không thể nghĩ bàn.

Lại nói với tôn giả Tu Bồ Đề : Pháp thể có thể trụ không, có thể tăng giảm không, mà có được biện tài ấy?

Hỏi ngược lại Tu Bồ Đề về pháp thể mà ngài đã chứng được.

Tu Bồ Đề nói : Nếu chứng vô lậu, pháp không có sai biệt cũng không có biện thuyết. Vì pháp thể đó không thể nói.

CHỨNG VÔ LẬU là chứng được tánh thể của vạn pháp. Nếu đúng là chứng được chỗ đó, thì tánh thể ấy không có chỗ nơi, không có sai biệt, cũng không có biện thuyết. Nghĩa là, pháp thể là chỗ tịch diệt không có giai cấp, ngôn thuyết. Gián tiếp trả lời : Pháp thể vô trụ không có tăng giảm.

Vô Úy nói với Tu Bồ Đề : Vậy vì sao với tất cả pháp, lại khởi niệm nói “Khéo được lợi ích, được biện tài” như thế?

Trên hỏi để người tự trả lời, rồi dùng chính câu trả lời của người phá đi chỗ chấp trước của người. Đây chính là chỗ biện tài của Vô Úy Đức. Pháp vốn bình đẳng không có ngôn thuyết, vì sao khởi niệm phân biệt?

Tu Bồ Đề nói : Do được biện tài mà nói hay không được mà nói?

Vô Úy nói với Tu Bồ Đề : Tôn giả có tin Phật nói tất cả pháp như tiếng vang không?

Phật nói tất cả pháp chỉ như giấc mộng, như thành Càn thát bà, như tiếng vang trong núi, tức có hình để thấy, có tiếng để nghe, nhưng không có chất thật. Dựa vào chính câu nói của Phật để hỏi các Tôn giả của Phật, dùng đó làm câu trả lời.

Tu Bồ Đề : Ta tin việc đó.

Vô Úy nói : Tiếng vang ấy có biện tài hay không có biện tài? Đã tin tất cả pháp như tiếng vang, tức không có chỗ nơi. Vậy sao cứ phân biệt là biện tài với không biện tài?

Tu Bồ Đề đáp : Vì âm thanh bên trong mà có tiếng vang bên ngoài. Ta không hỏi về tiếng, ta hỏi là hỏi về thực chất của tiếng vang.

Vô Úy Đức : Do duyên là âm thanh mà có tiếng vang thì tiếng vang đó có tánh tướng gì? Tiếng vang đó không có tánh tướng. Vì sao? Nếu do duyên sanh thì không có nghĩa sanh.

Nhờ có âm thanh mới có tiếng vang. Cái nhờ đó cho thấy tiếng vang không tự có, mà phải có cái duyên là âm thanh cùng với việc xuất hiện trong hang núi, tiếng vang mới hiện tiền. Pháp hình thanh từ duyên, Tổ Long Thọ nói “Pháp do duyên sanh, ta nói tức là không”. Không, là không có tự tánh cũng không có tự tướng. Đây là lý do vì sao Vô Úy Đức nói “Tiếng vang đó không có tánh tướng”.

Do duyên hợp, không phải tự có, nên nói không có tướng sanh. Sâu xa hơn : Vì tất cả pháp đều từ tâm lưu xuất, “Tâm sanh thì tất cả pháp sanh, tâm diệt thì tất cả pháp diệt”. Chỉ do mê mà hiện mọi hình tướng như hiện nay. Hết mê thì vạn pháp liền không. Như ngủ rồi mộng mà thấy ta, người và mọi thứ chung quanh. Tỉnh ngủ thì mộng tan, tất cả đều dứt. Không phải những thứ trong mộng đó có một cội nguồn sinh ra nó. Nên nói không có tướng sanh.  

Tu Bồ Đề nói : Tất cả pháp duyên sanh.

Câu này có hai nghĩa :

1/ Tu Bồ Đề công nhận duyên sanh là thực lý chi phối tất cả vạn pháp ở thế gian.

2/ Tu Bồ Đề không bằng lòng câu nói của Vô Úy Đức khi cô bé cho “Do duyên sanh thì không có nghĩa sanh”. Có duyên SANH là đã có SANH. Tức Tu Bồ Đề cho duyên là có, sanh cũng có. Có cái nhìn này là do chưa thấu được “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Không biết vạn pháp đều do thức biến, in tuồng như có mà thật không có nghĩa sanh. Sanh tử hay niết bàn chỉ như hoa đốm trong hư không.

Vô Úy Đức : Tất cả pháp, thể tánh vô sanh. Con đâu nói tất cả pháp không phải duyên sanh.

Con chỉ nói tất cả pháp, THỂ TÁNH của nó không sanh. Vì thể tánh của nó không sanh, nên mới có hiện tượng duyên sanh như Tôn giả vừa khẳng định. Duyên sanh vì không tánh. Không tánh thì không sanh. Cho nên, duyên sanh thì vô sanh.

Tu Bồ Đề : Nếu tất cả pháp, thể tánh rốt ráo là không, vì sao Như Lai lại nói “Hằng hà sa chư Phật sẽ thành chánh giác”?

Đưa ra luận cứ, bẽ cái KHÔNG SANH của Vô Úy Đức. Nếu tất cả là không, vậy Như Lai nói thành Phật là sao? HẰNG HÀ SA là cát ở sông Hằng. Phật nhiều như cát ở sông Hằng nên nói HẰNG HÀ SA CHƯ PHẬT.

Vô Úy Đức : Pháp giới có thể sanh không?

Hỏi để thấy mối liên hệ giữa việc thành Phật và cái rốt ráo không, tức cái vô sanh của vạn pháp. Cũng là để biện cho cái vô sanh mình vừa nói.  

Tu Bồ Đề : Không thể sanh.

Tu Bồ Đề cũng biết là pháp giới không sanh.

Vô Úy Đức : Tất cả chư Phật Như Lai đều là tánh tướng pháp giới.

Nếu PHÁP GIỚI không sanh thì chư Phật Như Lai cũng không sanh, vì chư Như Lai chính là nhất tướng pháp giới đó. Mấu chốt nằm ở chỗ này. Ông Phật với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp mà chư Tôn giả hiện thấy đây chỉ là TƯỚNG CẢM ỨNG với tâm chúng sanh mà hiện. Tướng đó do duyên mà có, không phải là thực tướng Phật mà Như Lai muốn nói đến. Vì thế cho tướng đó thật là Phật thì không đúng. Cái gọi là thành Phật chính là thể nhập lại tự tâm thanh tịnh của chính mình. Thành Phật, là hết mê. Hết mê thì cái sẵn có hiển bày, chính là nhất chân pháp giới, cũng là Như Lai của chính ta. Tánh thể ấy, Phật Phật đồng ta không khác.

Tu Bồ Đề : Không thấy tất cả pháp giới.

Vì Tu Bồ Đề mới chỉ thấu được lý KHÔNG của vạn pháp, là mặt thể tánh của vạn pháp, mà chưa thấu được TƯỚNG và DỤNG của tánh thể ấy, nên nói “Không thấy tất cả pháp giới”. Lý tánh không, không tướng có thể thấy, nên nói “Không thấy tất cả pháp giới”.

Vô Úy Đức : Ngôn từ lời nói không tánh mà nói hằng sa chư Phật sẽ thành chánh giác thì lời nói đó có nghĩa lý gì? Vì sao? Vì pháp giới không sanh không diệt. Tất cả ngôn thuyết không phải ngôn thuyết, vì rốt ráo thanh tịnh. Vì đó không phải sự, không thể ngôn thuyết.

Có chúng sanh mới lập ra kinh luận và giảng thuyết. Vì thế, nói THÀNH PHẬT là nói trong cái duyên chúng sanh. Chúng sanh thì chưa phải là Phật, nên phải tu mới thành Phật. Chúng sanh, thì vẫn thấy đủ 3 thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Quá khứ là chúng sanh và Bồ tát, thì tương lai là THÀNH PHẬT. Song nghe thành Phật lại tưởng có thứ để được, có thứ để thành. Song thành Phật rồi mới thấy ba đời không ngoài nhất niệm, vạn pháp không ngoài nhất tâm. Tánh của tất cả pháp chính là tâm chân thật. Tâm chân thật thì không, vô sanh. Nên tất cả pháp không sanh.    

Tất cả ngôn thuyết KHÔNG PHẢI NGÔN THUYẾT vì tướng thấy có mà tánh thì không. Chỉ là tùy duyên hiện tướng. Tùy duyên hiện tướng nên duyên hết liền không. Đâu có giá trị phổ quát hay chân lý mà nắm giữ. Nên nói “Ngôn từ lời nói không tánh, mà nói hằng sa chư Phật sẽ thành chánh giác, thì lời nói đó có nghĩa lý gì?”. Ngoài cái duyên là chúng sanh ra, nó không có giá trị.

Cái chỗ KHÔNG PHẢI đó chỉ cho tự tâm thanh tịnh, là tánh của tất cả pháp. Cái tánh đó không thuộc phạm vi ngôn từ, tức không thuộc phạm vi nhị biên, nên nói KHÔNG SANH KHÔNG DIỆT. Không phải là thứ có thể nắm bắt, cũng không phải là đối tượng của cái thấy, nên nói KHÔNG PHẢI SỰ. Không phải là thứ ngôn thuyết có thể diễn tả, nên nói KHÔNG THỂ NGÔN THUYẾT.

Tu Bồ Đề : Thật là lạ! Tại gia mà có thể thuyết pháp thiện xảo và biện tài vô ngại như thế.

Nếu không có trí phân biệt giữa tại gia và xuất gia thì không thốt lên lời nói này. Do bình thường vẫn có ý niệm xuất gia hơn tại gia, nên mới buộc miệng khen như thế.

Vô Úy Đức : Thưa Tôn giả! Bồ tát không có thủ hay không thủ, nghe hay không nghe, tại gia hay xuất gia mà được biện tài. Vì sao? Vì tâm thanh tịnh. Do tâm thanh tịnh nên trí hiển. Do trí hiển nên được biện tài.

Thủ - không thủ, nghe - không nghe, tại gia -xuất gia, đều chỉ cho bờ mé của trí phân biệt. Có phân biệt mới xuất hiện những tướng đó. Song muốn có biện tài thì phải dẹp cái nhìn phân biệt. VÌ SAO? Là để giải thích. Vì biện tài có được là nhờ tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là nhờ buông bỏ trí phân biệt. Vì thế nhà thiền dạy : Nhìn chỉ là nhìn, ăn chỉ là ăn, không khởi niệm xấu đẹp, ngon dỡ v.v… là để trí Phật của ta được hiển phát. Biện tài mới xuất hiện. Biện tài này là dụng của Phật tâm, không phải là loại khẩu đầu thiền của những người đến với thiền mà chỉ có kiến giải, không có tu hành thực chứng.

Biện tài là nhờ tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì có biện tài. Nên cái biện tại này không dính gì đến tướng xuất gia hay tại gia, mà Tôn giả lại nói “Tại gia mà có thể …”. Đại ý là vậy.