Văn xuôi

THÊM DẦU HƯƠNG

Đại sư Tinh Vân. Ns Hạnh Đoan dịch

18/04/2017

 

Trên đường hoằng pháp, tôi thuận đườn hay ghé thăm các chi nhánh Phật Quang Sơn. Có lần, đến đạo tràng Đông Hải Đài Trung, Trụ trì, Giám viện hướng tôi báo cáo tình hình hoạt động trong chùa. Khi bàn đến việc tín đồ lai vãng, Trụ trì thưa:

- Hồi trước, tiên sinh Trương Thuận Phát mỗi chủ nhật thường đến cúng dường pháp hội, nhưng bây giờ rất ít tới.

Giám viện tiếp lời:

- Hồi xưa Trương cư sĩ đối với hoạt động bổn tự rất nhiệt tâm hộ trì, nhưng dạo gần đây quả thực ít lui tới…

Tôi bảo:

- Đó là vì các ông không chịu thêm dầu hương cho tín đồ.

Mọi người nhìn nhau, một đệ tử ngạc nhiên lên tiếng hỏi:

- Tín chúng đến nghe kinh, lễ Phật, thọ trai, uống trà… thường muốn cúng dường (thêm dầu hương) để gieo duyên cùng Phật Tổ. Vì sao lại có chuyện ngược ngạo là tu sĩ chúng ta phải thêm dầu hương cho họ chứ?

Tôi giải thích:

- Phật giáo phát triển cố nhiên cần tín đồ “thêm dầu hương”, nhưng tín đồ cho tự viện biết bao ủng hộ, tán chợ. Vì vậy chúng ta cũng cần phải thêm dầu hương cho họ. Nói tổng quát thì thế này: “dầu hương” là đồ cúng dường - Ở tín đồ là các thứ: Hương, hoa, đèn, trà, trái quả, thức ăn, y nhục, tiền bạc… Còn dầu hương của giới xuất gia là sự chào đón vui vẻ, an lac, thân thiết, chơn thành hỏi han, quan tâm tôn trọng và giúp giải quyết rối rắm khổ nạn, sốt sắng phục vụ giáo pháp tín ngưỡng, hoàn thiện hạnh thí, bồi đắp chánh kiến trí huệ… ban cho những điều mỹ hảo này gọi làn “thêm dầu hương” cho tín đồ.

Nhớ lại ba bốn mươi năm trước, khi hoằng pháp tại Lôi Âm Tự (Nghi Lam) và Thọ sơn Tự (Cao Hùng Đài Bắc), mỗi sáng công phu khuya xong, tôi thường mời tín đồ lễ Phật, uống trà, rồi vì họ khai thị thuyết pháp.

Lúc đó có nhiều tín đồ hễ có chút thời gian rảnh là rất siêng đi tới đạo tràng, tỏ ra hớn hở vui thích lắm. Một số bà mê nghe thuyết pháp đến nhập thần, quên trở về nhà nấu cơm. Từng nhóm từng nhóm tín đồ lũ lượt kéo tới, khiến tôi hễ vừa lên Phật điện là hầu như đứng suốt cả ngày.

Thế nhưng, vì muốn mọi người tâm ý hoan hỉ, tôi luôn nghĩ mình phải thêm dầu hương cho tín đồ và làm vậy cũng là lễ kính chư Phật vị lai.

Những tín đồ thuở đó đến nay tuy đã già, nhưng lớp con cháu họ vẫn kế thừa đạo tâm nhiệt tình như trước, hết lòng hộ giáo.

Sau này tôi khai mở Phật Quang Sơn, tổ chức nhiều hoạt động Phật giáo sôi nổi, luôn nghĩ cách thêm dầu hương tốt đẹp cho tín đồ.

Nhớ lại năm 1969, lần đầu đoàn Triều Sơn Đài Bắc lên thăm, khi đoàn viên lễ Phật dùng cơm xong, đang chuẩn bị về thì bỗng nảy ra ý nghĩ: “ Tín đồ vì chùa thêm dầu hương, mình cũng phải cho tín đồ “dầu hương”

Thế là tôi tập hợp cả đoàn lại, thuyết giảng về sự tương giao giữa người với nhau. Ứng xử nên theo lý tưởng nhường nhịn nhu hòa: “Bạn đúng tôi sai, bạn lớn tôi nhỏ, bạn vui tôi khổ, bạn được tôi không…”

Ngay lúc đó, có một vị cao hứng bảo tôi:

- Thầy giảng thật hay, khiến con được nhiều lợi ích lắm. Sau này con sẽ thường xuyên dẫn thân hữu lên đây…

Chứng kiến họ pháp thỉ sung mãn, hoan hỉ lên xe ra về, tôi quyết định sau này càng phải tích cực vì tín đồ thêm dầu hương hơn nữa.

Năm nọ, Phật Quang Sơn lo chuẩn bị “Trại Tu Phật Học Đại Chuyên Mùa Hạ” còn đang rầu lo không tiền để tổ chức thì tôi bỗng gặp một bà già, đầu đội nón lá, đi chân không dưới trời nắng đổ lửa, từ dưới mấy bậc tam cấp đi lên, tôi bèn sai Từ Trang đến chào hỏi. Ai ngờ bà lập tức đứng lại, rút ra một phong thư giao cho Từ Trang, bên trong có năm vạn tiền Đài, khiến mọi người vui mừng khôn xiết.

Mấy năm trước, có bà Lê-cô (người Mã Lai) lên núi chơi. Tôi thấy bà leo dốc khó khăn nên tiến đến giúp đỡ và quan tâm hỏi han. Sau khi về nước, bà đã xuất tiền hiến tặng một khoản rất lớn cho việc xây dựng các công trình giáo dục Phật Quang Sơn.

Có người thấy tôi không cầu mà được, trong khi nhiều pháp sư khác hướng bà hóa duyên đều không được như nguyện, thế là họ phỏng vấn bà:

- Vì sao đối với Phật Quang Sơn đặc biệt thiên vị, ưu ái dường vậy?

Bà đáp:

- Bởi vì Đại sư Trinh Vân không hề bỏ mặc một bà già có dáng vẻ bần cùng khốn khổ như tôi.

Việc thế gian nhân-quả hỗ tương, biết đặt mình vào vị trí của người, chân thành quan tâm đến họ thì như vậy. Nếu ta biết vì tín đồ “ thêm dầu hương”, thì tín đồ tự nhiên cũng sẽ nghĩ đến và muốn ủng hộ Phật pháp.

Tùy theo thời đại phát triển, hai chúng Phật tử tăng tục cần đồng tâm hợp lực với nhau mới có thể đem tài nguyên Phật giáo kết lại, mưu cầu được nhiều phúc lợi cho chúng sinh.

Thế nên, tôi tổ chức hội Phật Quang Quốc Tế, để liên kết tín đồ tại gia lại, truyền thụ cho các kỹ năng. Sau này tôi lại thiết lập chế độ “ Giảng Sư Đàn Việt”[1] khuyến khích tín đồ đệ tử thăng cấp làm giảng sư, hơn nữa vì họ biên soạn tài liệu giảng dạy, chủ trì huấn luyện “ Hội Giảng Tập”

Nhìn thấy mọi người vui mừng sung sướng hưởng ứng, tôi tin sâu rằng: “Biết tôn trọng nhân cách, vì tín đồ thêm dầu hương”, không những là quan niệm Phật pháp thực tiễn bình đẳng, mà còn phụng hành đúng tinh thần lợi hỉ Phật từng dạy.

Trích sách Nghĩa Tình Trân Quý

 


[1] Ban giảng sư là cư sĩ.